GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

HAI VẤN ĐỀ TRONG XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG CỦA NHẬT BẢN

Đăng ngày: 14-08-2016, 07:11

Tháng 7 năm 2015, Bộ Kinh tế Công nghiệp Nhật Bản đã công bố kế hoạch “Tầm nhìn năng lượng dài hạn”, xác định cơ cấu nguồn năng lượng điện đến năm 2030. Dựa trên tình hình thực tế đặc trưng của đất nước và xu hướng phát triển năng lượng thế giới, Nhật Bản hướng tới đa dạng nguồn năng lượng trong tương lai (Xem hình sau)[1].

Đa dạng nguồn năng lượng

HAI VẤN ĐỀ TRONG XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LƯỢNG CỦA NHẬT BẢN

Nguồn: 関経連地球環境―エネルギー委員会講演会(2015年6月15日開催)、経済産業省講演資料,  新たな「エネルギーミックス」とは、2015 August 経済人tr.2

Đến năm 2030, trong 21% năng lượng tái tạo, dự kiến năng lượng thủy điện chiếm từ 8,8-9,2%, năng lượng mặt trời chiếm 7%, năng lượng gió chiếm 1,7%, năng lượng Biomass chiếm 3,7-4,6% và địa nhiệt chiếm 1,0-1,1%.

Cơ cấu nguồn năng lượng đến năm 2030 của Nhật Bản xác định cụ thể là than 26%, khí thiên nhiên 27%, dầu lửa 3%, năng lượng hạt nhân 21%, năng lượng tái tạo 23%. So với năm 2013, tỉ lệ năng lượng tái tạo tăng hơn hai lần, phù hợp với xu hướng mà Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã khẳng định trong báo cáo trung hạn công bố năm 2014 rằng thế giới bước vào kỷ nguyên của năng lượng tái tạo, năng lượng tái tạo đã có vị thế xứng đáng trong tổ hợp năng lượng toàn cầu. Nhiên liệu hóa thạch tỉ lệ ít hơn hiện tại, năng lượng hạt nhân giảm so với thời điểm trước khi xảy ra thảm họa. Có thể nhận thấy trong tương lai có 2 vấn đề đặt ra đối với đất nước xứ sở Hoa anh đào là điện hạt nhân và nhiệt điện than.

Năng lượng hạt nhân

Năng lượng hạt nhân về mặt lý thuyết chi phí rẻ, không phát thải CO2 gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, nhưng đó là trong trường hợp không xảy ra sự cố. Nếu xảy ra sự cố, chi phí để xử lý về vấn đề sức khỏe con người, môi trường, danh tiếng rất lớn. Thậm chí có những rủi ro gây hậu quả tàn khốc mà cho dù mất bao nhiêu chi phí đi nữa cũng không thể khắc phục được. Thảm họa hạt nhân ngày 11/3/2011 tại Fukushima, Nhật Bản và ngày 26/4/1986 tại nhà máy điện Chernobyl, Ukraina là những minh chứng sống động nhất. Đối với Nhật Bản, thảm họa ở Fukushima không phải là duy nhất, trước đó trong những năm 1990 đã từng xảy ra sự cố với điện hạt nhân như tai nạn ở Tokaimura năm 1999 khiến hai công nhân thiệt mạng[2]. Những vụ tai nạn này khiến người dân Nhật Bản mất lòng tin vào điện hạt nhân. Bản thân chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe cũng tuyên bố giảm hết mức có thể sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân[3].

Hiện tại, chính phủ Nhật Bản chủ trương tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân sau khi đảm bảo những qui chế an toàn mới được đưa ra. Năm 2015, lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Sendai ở tỉnh Kagoshima đã được tái khởi động. Đây là lò đầu tiên được Ủy ban Điều tiết Hạt nhân Nhật Bản công nhận đạt chuẩn an toàn, đồng thời cũng là lò phản ứng đầu tiên được kích hoạt kể từ khi các tiêu chuẩn an toàn mới được đưa ra vào năm 2013. Mới đây nhất, ngày 12/8/2016 nhà máy điện hạt nhân Ikata, tỉnh Ehime phía Tây Nhật Bản, đã được tái khởi động lần đầu tiên trong hơn 5 năm qua. Đây là nhà máy thứ 3 hoạt động trở lại theo các quy chế mới được ban hành sau thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Tuy nhiên, một bộ phận người dân Nhật Bản vẫn không đồng tình, tổ chức biểu tình phản đối chủ trương của chính phủ.

Trên thế giới xu hướng phản đối điện hạt nhân cũng diễn ra mạnh mẽ. Đức đóng cửa tám nhà máy (trong số 17 nhà máy) và tuyên bố không còn năng lượng hạt nhân vào năm 2022. Hãng Siemens chấm dứt hợp tác với Rosatom trong việc xây dựng thêm nhà máy mới. Thụy Sĩ có quyết định đóng của nhà máy điện hạt nhân cuối cùng vào năm 2034. Pháp sau thảm họa Fukushima đã khuyến cáo gia tăng các biện pháp an toàn[4].

Đối với xu hướng ở cả trong nước và quốc tế kêu gọi phản đối năng lượng hạt nhân, Nhật Bản đưa ra tỉ lệ 21% là con số quá cao. Sau thảm họa Fukushima, theo qui chế an toàn lò phản ứng hạt nhân mới, tuổi thọ của nhà máy điện hạt nhân giới hạn trong 40 năm. Nếu đúng theo qui định, đến năm 2030, tỉ lệ điện hạt nhân dưới mức 15%, để đạt tỉ lệ trên 20% nhiều nhà máy điện hạt nhân có tuổi thọ trên 40 năm vẫn phải vận hành. Bởi vậy, có khả năng ngoại lệ là kéo dài tuổi thọ nhà máy phát điện lên 60 năm[5]. Trong bối cảnh đòi hỏi độ an toàn của các lò phản ứng hạt nhân phải ở mức cao nhất, đây không phải là điều người dân Nhật Bản mong muốn.

Nhiệt điện than

Trong tương lai, các quốc gia trên thế giới phải xác định mục tiêu không phát thải CO2 ngoài môi trường gây biến đổi khí hậu. Trong các nhiên liệu hóa thạch, nguồn năng lượng than phát thải nhiều CO2 bị phê phán, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng thế giới nên hướng tới xóa bỏ nguồn năng lượng than. Vấn đề này được đưa ra bàn luận tại Hội nghị Công ước khung các nước về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP 21) diễn ra tại Pa-ri, Pháp, năm 2015. Đây là một trong những hội nghị toàn cầu lớn nhất trong năm 2015 được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Mục tiêu chính của COP 21 là thông qua một số khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020 (gọi là Thỏa thuận Pa-ri 2015), theo đó các nước cam kết cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2 độ C vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850 - 1990.

Được xem là hội nghị về chống biến khí hậu có ý nghĩa quyết định, COP 21 đã kết thúc thành công khi thông qua Thỏa thuận Pa-ri. Sau gần 2 tuần đàm phán căng thẳng với nhiều cuộc thương lượng kéo dài, Thỏa thuận Pa-ri không chỉ dừng lại là một thỏa thuận, mà còn là một dấu mốc mới mở ra hy vọng cho hơn 9 tỷ người dân trên trái đất.

Cũng trong năm 2015, trước khi Hội nghị COP21 diễn ra tại Pháp, Nhật Bản xác định đến năm 2030 giảm 26% lượng khí thải CO2 so với năm 2013[6]. Tiết kiệm năng lượng (như năng lượng sinh thái, đồ gia dụng tiết kiệm điện, kiến trúc cách nhiệt) và năng lượng không phát thải CO2 (như năng lượng tái tạo, khí thiên nhiên, năng lượng hạt nhân) là hai trụ cột trong việc thúc đẩy ứng phó sự ấm lên toàn cầu.

Đối với Nhật Bản, do ảnh hưởng của sự cố hạt nhân năm 2011, tỉ lệ nhiệt điện sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch có lúc lên mức 90% tại quốc gia này. Hướng tới các biện pháp ứng phó sự ấm lên của toàn cầu, Nhật Bản thực sự phải đặt ra vấn đề về việc giảm nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là nhiệt điện sử dụng than.

Tuy nhiên, việc tự do hóa thị trường điện đã gây ảnh hưởng đến cơ cấu cung cấp nguồn điện của Nhật Bản. Từ tháng 4 năm 2016, các gia đình ở Nhật Bản sẽ được quyền lựa chọn nhà cung cấp khi thị trường điện tại đây bắt đầu tự do hóa hoàn toàn. Nhiều nhà cung cấp, bán lẻ điện cho người tiêu dùng tại Nhật Bản lên kế hoạch hạ thấp giá điện và cải thiện chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng trong giai đoạn cạnh tranh để giữ vững chỗ đứng, chiếm lĩnh thị trường. Việc tự do hóa thị trường điện đồng nghĩa với chấm dứt độc quyền của các nhà cung cấp điện vốn kéo dài hàng thập kỷ qua tại Nhật Bản.

Trước thảm họa sóng thần ngày 11/3/2011, việc tự do hóa thị trường điện bán lẻ gần như không được đề cập do các công ty chịu trách nhiệm cho từng vùng vẫn giữ được giá điện ổn định. Tuy nhiên, thảm họa ngày 11/3/2011 cùng với sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima đã dẫn đến việc Nhật Bản ngừng sử dụng tạm thời các nhà máy điện hạt nhân, nguồn cung cấp gần 30% điện năng quốc gia. Chỉ trong vòng 3 năm sau đó, 7 trong số 10 công ty điện lực khu vực đã phải tăng giá điện, trong đó có công ty tăng đến 24%[7]. Thảm họa ngày 11/3 đã làm cho thị trường điện trở nên bất ổn, khiến Nhật Bản không còn cách nào khác là phải mở cửa cho các nhà cung cấp mới gia nhập thị trường.

Sau thảm họa sóng thần ngày 11/3/2011, nguồn năng lượng hạt nhân tạm ngừng sử dụng, tỉ lệ nhiệt điện sử dụng than có xu hướng tăng lên bởi chi phí rẻ hơn so với nhiên liệu dầu mỏ và khí đốt. Ngoài ra, than là nguồn nhiên liệu giá rẻ, Nhật Bản có nguồn nhập ổn định từ Australia, phù hợp các ngành công nghiệp.

Theo kế hoạch “Tầm nhìn cung cấp năng lượng dài hạn”, đến năm 2030 sản lượng nhiệt điện sử dụng than là 2.810 nghìn tỷ kWh, chiếm khoảng 26% trong cơ cấu nguồn năng lượng. Song, đến năm 2013, sản lượng nhiệt điện đã đạt đến con số 2.850 nghìn tỷ kWh. Năm 2015, một loạt công ty điện lực đón đầu thời điểm tự do hóa thị trường điện, có kế hoạch hướng tới sử dụng nguyên liệu than. Cơ cấu năng lượng trong tương lai chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi với xu hướng gia tăng nguồn năng lượng sử dụng than. Trong nhóm nhiên liệu hóa thạch, nguồn năng lượng sử dụng than phát thải CO2 nhiều nhất, khoảng 800g/1kWh, gấp đôi so với khí thiên nhiên (khoảng 375g/1 kWh)[8]. Theo tính toán của Bộ môi trường, lượng khí thải CO2 từ năng lượng than phải giảm từ 270 triệu tấn CO2 năm 2013 xuống 220-230 triệu tấn năm 2030, song với yêu cầu hiện nay, nếu tất cả nhà máy điện hoạt động, đến năm 2030 lượng CO2 tăng lên 280-290 triệu tấn, vượt quá 60.000.000 tấn[9]. Sự gia tăng này đi ngược với xu hướng quốc tế bảo vệ môi trường thiên nhiên, phòng chống sự ấm lên của toàn cầu.

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]新たな「エネルギーミックス」とは、2015 August 経済人tr.2

[2]TS. Trần Quang Minh (2015), Phát triển năng lượng sạch ở Nhật Bản những kinh nghiệm và gợi ý cho Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội,  tr.21

[3]日本の電源構成:2030年の原発比率20~22%へ

http://www.nippon.com/ja/features/h00114/

[4]Xu hướng Phục hưng điện hạt nhân trên thế giới

Trang Web tạp chí Tia sang, Bộ Khoa học công nghệ

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&News=9193&CategoryID=2

[5]日本の電源構成:2030年の原発比率20~22%へ

http://www.nippon.com/ja/features/h00114/

[6]気候変動対策への日本の取り組み

http://www.nippon.com/ja/currents/d00191/?pnum=1

[7]Nhật Bản trước sức ép tự do hoá thị trường điện

http://vtv.vn/kinh-te/nhat-ban-truoc-suc-ep-tu-do-hoa-thi-truong-dien-2015110614522019.htm

[8]総合資源エネルギー調査会長期エネルギー需給見通し小委員会(第5回会合)資料3「火力発電における論点資源エネルギー庁平成27年3月」

[9]地球温暖化どうする?石炭火力発電,

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu -blog/700/238430.html?utm_int=detail_contents_news-link_002

Tin tức khác

PHÂN TÍCH SO SÁNH VỐN XÃ HỘI Ở NHẬT BẢN VÀ NGA TRONG ĐẠI DỊCH COVID -19: TỪ QUAN ĐIỂM ...
PHÂN TÍCH SO SÁNH VỐN XÃ HỘI Ở NHẬT BẢN VÀ NGA TRONG ĐẠI DỊCH COVID -19: TỪ QUAN ĐIỂM ...

Bài viết này sử dụng dữ liệu thu được từ "Khảo sát về vốn xã hội và COVID-19 tại Nhật Bản và Nga" được thực hiện t ...

MÔ HÌNH GIÁO DỤC STEM VÀ GIÁO DỤC STEAM TẠI NHẬT BẢN
MÔ HÌNH GIÁO DỤC STEM VÀ GIÁO DỤC STEAM TẠI NHẬT BẢN

Giáo dục STEAM là một phương pháp học tập sử dụng Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học làm điểm tru ...

PHÂN TÍCH SO SÁNH VỐN XÃ HỘI Ở NHẬT BẢN VÀ NGA TRONG ĐẠI DỊCH COVID -19: TỪ QUAN ĐIỂM ...
PHÂN TÍCH SO SÁNH VỐN XÃ HỘI Ở NHẬT BẢN VÀ NGA TRONG ĐẠI DỊCH COVID -19: TỪ QUAN ĐIỂM ...

Báo cáo này nhằm mục đích nghiên cứu so sánh vốn xã hội của Nhật Bản và Nga trong đại dịch COVID-19 từ quan điểm của ...

BÃI BỎ CHƯƠNG TRÌNH THỰC TẬP SINH KỸ NĂNG TẠI NHẬT BẢN – LIỆU CÓ KHẢ THI?
BÃI BỎ CHƯƠNG TRÌNH THỰC TẬP SINH KỸ NĂNG TẠI NHẬT BẢN – LIỆU CÓ KHẢ THI?

Ngày 10/04/2023, Hội đồng chuyên gia chính phủ Nhật Bản với sự chủ trì của ông Tanaka Akihiko, Chủ tịch Cơ quan Hợp ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn