GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN MỞ RỘNG VAI TRÒ ĐIỀU DƯỠNG VIÊN NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Đăng ngày: 4-11-2016, 12:30

Tháng 6 năm 2016, Bộ Nội vụ Nhật Bản công bố số liệu điều tra quốc gia năm 2015. Điều tra quốc gia được tổ chức  5 năm 1 lần vào thời điểm ngày 1/10. Kết quả cho thấy dân số Nhật Bản là 127.110.000 người, giảm so với 5 năm trước đây. Trong đó, số dân trên 65 tuổi là 33.422.000 người, chiếm tỉ lệ 26,7% trên tổng dân số, cao nhất từ trước đến nay và tăng hơn 3,7 điểm % so với năm 2010. Tỉ lệ này ở Italia và Đức tương ứng là 22,4% và 21,2%, Nhật Bản có tỉ lệ cao nhất trong các nước công nghiệp phát triển. Xét theo tỉnh thành, cao nhất là Akita (33,5%), Kouchi (32,9%), Shimane (32,6%). Thấp nhất là ở Okinawa (19,7%), Tokyo (22,9%) và Aichi (23,8%).

Số trẻ dưới 15 tuổi là 15.864.000 chiếm 12,7%, giảm 0,5 điểm so với lần điều tra trước, thấp nhất từ trước đến nay. Kể từ lần điều tra đầu tiên vào năm 1920, lần đầu tiên số lượng người già trên 65 tuổi nhiều hơn số trẻ em dưới 15 tuổi. Kể từ lần điều tra năm 1980, số trẻ em dưới 15 tuổi giảm 8 lần liên tiếp so với điều tra trước đó.

Mặt khác, tỉ lệ lực lượng lao động là những người đang làm việc và có nhu cầu làm việc, đàn ông do ảnh hưởng của già hóa giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay là 70,8%, phụ nữ cao nhất từ năm 1975 đến nay là 49,8%. Trong các lứa tuổi, số lượng phụ nữ làm việc đều tăng lên, lứa tuổi 25-29 là 80,9%, lần đầu tiên vượt mức 80%. Tỉ lệ lao động chính thức ở nam giới là 64,45, nữ chỉ là 38,9%, 43% là làm bán thời gian hay làm thêm[1].

Trong những năm tới đấy, tỉ lệ người già Nhật Bản càng tăng nhanh hơn nữa bởi   thế hệ Danka (thế hệ sinh ra trong cuộc bùng nổ dân số lần thứ nhất sau chiến tranh thế giới thứ hai, tức khoảng 1948-1952) sẽ bước vào lứa tuổi 70. Đây là lứa tuổi cần đến sự chăm sóc điều dưỡng và buộc Nhật Bản cần chuẩn bị nguồn nhân lực lao động đáp ứng thực tế này.

Nhật Bản cần bổ sung nguồn nhân lực điều dưỡng

Trên thực tế, Nhật Bản đang thiếu hụt nhân lực điều dưỡng trầm trọng khiến nhiều gia đình có nhu cầu sử dụng lao động nhưng không được đáp ứng dịch vụ này. Có doanh nghiệp dù muốn cung ứng dịch vụ điều dưỡng cũng không thể do thiếu nhân viên. Theo thống kê tháng 4 năm 2016, nhu cầu cần người làm điều dưỡng cao gấp 2,69 lần so với cung. Hiện có khoảng 70.000 người điều dưỡng, nhưng nhu cầu lên đến hơn 190.000 người. Tỉ lệ cao nhất là ở Tokyo với 5,29 lần, có nghĩa cần hơn 5 người chỉ có 1. Bởi vậy, các cơ sở cung cấp điều dưỡng phải thu hẹp dịch vụ. Theo một điều tra vào tháng 9 năm 2015 tại Tokyo, có 8 cơ sở điều dưỡng dù còn phòng trống vẫn không tiếp nhận người già cần chăm sóc vì thiếu lực lượng điều dưỡng. Nhiều cơ sở khác giảm số lượng người tiếp nhận, thậm chí tạm ngừng cung cấp dịch vụ.

Thống kê của Bộ lao động phúc lợi xã hội cho thấy, hiện Nhật Bản thiếu khoảng 350.000 điều dưỡng viên. Nhằm giảm gánh nặng chăm sóc cho các gia đình, chính phủ Nhật Bản dự định tăng số lượng nhà dưỡng lão có thể tiếp nhận khoảng 500.000 người. Song nếu không cung cấp đủ 380.000 nhân lực điều dưỡng viên thì không thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc người già trong tương lai[2]. Để bù đắp sự thiếu hụt này, chính phủ sẽ tiếp nhận lực lượng người lao động nước ngoài. Nhưng thực tế, cần phải mất thời gian để nhóm lao động người nước ngoài này nâng cao trình độ tiếng Nhật, kỹ năng điều dưỡng và thực hành tại các cơ sở.

Gia tăng vai trò của điều dưỡng viên nước ngoài

Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản đang tìm cách mở rộng vai trò của nhân viên điều dưỡng đến từ các nước khác. Mục đích là để đối phó với tình trạng thiếu hụt nhân viên điều dưỡng khi dân số Nhật Bản tiếp tục già hóa.

Năm 2008, giới chức chính phủ Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận người nước ngoài, tạo cơ hội để họ nhận được chứng chỉ làm nhân viên điều dưỡng ở Nhật Bản. Có được kết quả này là nhờ Hiệp đinh đối tác kinh tế (EPA) ký với các nước phái cử điều dưỡng viên. Hiệp định đối tác kinh tế là một hiệp ước hướng tới hợp tác kinh tế giữa các nước liên quan thông qua hài hòa các hệ thống kinh tế liên quan đến dịch vụ, đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, v.v… cũng như cùng nhau cắt giảm biểu thuế. Hợp tác trong khuôn khổ EPA cũng bao gồm giao lưu, trao đổi nhân lực, lao động.

Tháng 8 năm 2008, 104 y tá và 104 điều dưỡng viên người Indonexia đã đến Nhật Bản trên cơ sở hiệp định đối tác kinh tế. Tiếp theo việc tiếp nhận y tá và điều dưỡng viên từ Indonexia, tháng 5 năm 2009, 200 y tá và điều dưỡng viên người Philippin đến Nhật theo EPA giữa Nhật và Philippin có hiệu lực từ tháng 12 năm 2008. Nhật Bản bắt đầu triển khai chương trình đào tạo tiếng Nhật cho y tá và điều dưỡng viên tại Việt Nam từ năm 2012 và dành chỉ tiêu cho lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm điều dưỡng, y tá với mức lương hấp dẫn.

Theo NHK, tính đến tháng 9 năm 2016, có 355 người Indonesia, Philippines và Việt Nam nhận được chứng chỉ nhân viên điều dưỡng. Nhưng họ bị hạn chế là chỉ được làm việc tại các cơ sở điều dưỡng, chứ không được làm tại nhà riêng của những người cần được chăm sóc. Một ủy ban của Bộ Lao động Phúc lợi Xã hội đã đề xuất bãi bỏ hạn chế này theo những điều kiện nhất định. Giới chức bộ này dự kiến soạn thảo bộ hướng dẫn mới và sớm nhất là vào tháng Tư năm 2017, sẽ bắt đầu cho phép điều dưỡng viên người nước ngoài điều dưỡng tại nhà người cần chăm sóc[3].

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]65歳以上、人口の4分の1超える 主要国で最高の割合

http://www.huffingtonpost.jp/2016/06/29/census-2015-japan_n_10744430.html?utm_hp_ref=japan

[2]介護サービスがうけられない?

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/700/247909.html

[3]外国人介護福祉士 訪問介護も条件付きで認める方針

http://www3.nhk.or.jp/news/html/20160907/k10010673031000.html?utm_int=news-life_contents_list-items_011

Tin tức khác

Bài học từ việc phát triển cộng đồng ở Nhật Bản
Bài học từ việc phát triển cộng đồng ở Nhật Bản

Nhật Bản là một đất nước có tính cộng đồng cao, nhưng trải qua quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng từ sau Chiến ...

GIẢI PHÁP CHO VẤN ĐỀ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI CỦA NHẬT BẢN
GIẢI PHÁP CHO VẤN ĐỀ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI CỦA NHẬT BẢN

Đối với các vấn đề nổi lên hàng đầu trong đại dịch Covid-19 như thực tập sinh, du học sinh bị mất việc, mất si ...

ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ NHỮNG THAY ĐỔI TRONG GIÁO DỤC NHẬT BẢN, HÀN QUỐC (PHẦN 2)
ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ NHỮNG THAY ĐỔI TRONG GIÁO DỤC NHẬT BẢN, HÀN QUỐC (PHẦN 2)

Nhìn chung, những gián đoạn do dịch bệnh và quá trình sử dụng công nghệ thông tin bắt buộc trong thời gian Covid 19 lây lan đã làm thay đổi mạnh mẽ ...

ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ NHỮNG THAY ĐỔI TRONG GIÁO DỤC NHẬT BẢN, HÀN QUỐC
ĐẠI DỊCH COVID-19 VÀ NHỮNG THAY ĐỔI TRONG GIÁO DỤC NHẬT BẢN, HÀN QUỐC

Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid 19 đã tạo ra cú sốc lớn trên toàn cầu, trong đó giáo dục là một trong những ngành ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn