GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THẦN ĐẠO NHẬT BẢN (phần 1)

Đăng ngày: 21-09-2017, 17:14

1. Khái quát về Thần đạo

Khái niệm “Thần đạo” có rất nhiều cách giải thích khác nhau. Có những nhà Thần đạo học Nhật Bản cho rằng Thần đạo là đạo của Thần Mặt Trời hay còn gọi là Thiên Chiếu Đại Thần. Đạo này được Thiên Chiếu Đại Thần ra lệnh cho hoàng tôn – Thiên Hoàng – lấy làm cốt lõi, dạy cho thiên hạ phục theo. Một số nhà Thần đạo lại cho rằng đó là đạo của những vị thần linh đáng kính nhất ban cho Thiên Chiếu Đại Thần rồi truyền lại cho dân chúng, cho nên gọi là Đạo của Thần. Đến thời kì cận đại, các nhà Thần đạo trên khắp thế giới lại đưa ra nhiều cách giải thích hơn nữa, trong đó đáng chú ý là lời nói cho rằng: “Thần đạo là đạo của Thần. Thần đạo là nguyên tắc sống của tổ tiên dân tộc Nhật Bản từ trước tới nay. Dân tộc Nhật Bản lấy việc tôn thờ, ca ngợi, thể hiện và phát huy đức ngự thần của Hoàng Tổ Thiên Chiếu Đại Ngự Thần làm nguyên tắc sống, làm lý tưởng của quốc gia.” Cho đến nay, những tranh luận xoay quanh khái niệm “Thần đạo” vẫn đang được tiếp diễn.

Xét về mặt thuật ngữ, Thần đạo (神道/Shinto) được dịch ra là “Đạo của các vị thần” (惟神の道/ Kannagara no michi). Từ Shinto được tạo ra từ thế kỉ VI, bằng cách ghép hai chữ Hán là Shin (quyền năng siêu nhiên, năng lực huyền bí, thần thánh) và To (con đường, đạo lý), Shinto được hiểu là “Con đường của Thần”. Cách nói này dùng để phân biệt với “Con đường của Phật” lúc đương thời khi Phật giáo bắt đầu du nhập vào Nhật Bản. Như vậy, cụm từ Shinto chỉ thực sự ra đời khi xuất hiện Phật giáo trên mảnh đất Nhật Bản.

Vậy trước khi Phật giáo du nhập, Thần đạo – tôn giáo bản địa của Nhật Bản – đã xuất hiện chưa, và được gọi tên là gì? Có thể nói, do nhiều thuyết khác nhau mà việc phân định hình thái Thần đạo trước khi Phật giáo du nhập Nhật Bản rất khó, đặc biệt là thời kì cổ đại và trung thế. Tuy nhiên, trong bài viết này, người viết xin lấy thời trung thế (bằt đầu từ Kamakura) làm thời mà các tín ngưỡng thờ thần cổ đại được nhận thức và hình thành nên Thần đạo về mặt lý luận. Còn trong thời kì cổ đại, Thần đạo lúc này thực chất là một tập hợp các tín ngưỡng dân gian[1] không thống nhất, được quy định bởi các kinh nghiệm lịch sử của người Nhật Bản ngay từ những buổi đầu dựng nước. Trong tập hợp tín ngưỡng đó, tính đa thần (đa dạng trong hệ thống chủ thể được thờ phụng), tính ma thuật, sự hài hoà với thiên nhiên cũng như sự đan xen hài hoà giữa nhiều lớp tín ngưỡng khác nhau được thể hiện rất rõ ràng. Và bởi trong thời kì này, người ta vẫn chưa đặt tên cho tập hợp tín ngưỡng đó là “Thần đạo” nên người viết xin được dùng cụm từ “Tín ngưỡng thờ thần” hay “Tín ngưỡng thần kì” (神祇信仰/Jingi Shinko) để nói về Thần đạo thời kì cổ đại.

2. Lịch sử hình thành của Thần đạo

2.1. Thời kì Jomon – Yayoi – Kofun

Ngay từ những nền văn hoá đầu tiên của Nhật Bản cổ đại, trên mảnh đất này đã xuất hiện thuyết vạn vật hữu linh với niềm tin vào sự tồn tại và bất diệt của linh hồn, từ đó hình thành nên tín ngưỡng thờ thần tự nhiên và tổ tiên.

Là một đất nước nông nghiệp, Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào sự thương xót từ thiên nhiên. Với quan điểm rằng vạn vật hữu linh, người dân xứ sở này đã sớm cho rằng tồn tại trong những hiện tượng tự nhiên chính là các linh hồn có quyền năng huyền bí có thể gây ra những trận động đất, sóng thần, hạn hán hay lũ lụt, gây ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp. Bởi vậy, để có được sự thương xót từ những linh hồn quyền uy này, họ sùng bái và tôn chúng làm các vị thần tự nhiên (自然神/Shizenkami). Những vị thần tự nhiên được biết đến nhiều nhất chính là Nữ thần Mặt Trời (天照大神/Amaterasu Omi Kami/Thiên Chiếu Đại Thần), Nam thần Mặt Trăng (月読Tsuki Yomi/Nguyệt Độc), Nam thần Núi (山の神/Yama no Kami/Sơn Thần), Nam thần Biển và Gió bão (素盞嗚尊 (スサノオ)/Susanoo no Mikoto (Susa-no-O)/Tố Trản Ô Tôn), Nam thần Sấm (雷神/Raijin/Lôi Thần),… Trong đó, Nữ thần Mặt Trời được coi là vị thần tối cao, là thần tổ của Thiên Hoàng cũng như là cả đất nước Nhật Bản.

Bên cạnh việc thờ các thần tự nhiên, tục thờ cúng tổ tiên cũng xuất hiện. Từ thời Yayoi, hệ thống thị tộc (氏Uji) đã bắt đầu phát triển. Ở mỗi thị tộc độc lập này lại có một vị thần bảo trợ, được gọi là vị thần Hộ mệnh gia đình (氏神Ujigami). Vị thần này chính là tổ tiên của dòng họ đó. Điều này xuất phát từ niềm tin vào sự bất diệt của linh hồn sau khi chết của người Nhật. Họ tin rằng linh hồn của tổ tiên sau khi chết sẽ không bị tiêu biến mà sẽ được gán cho một sức mạnh siêu nhiên để có thể che chở, phù hộ cho con cháu trong dòng họ. Bởi vậy, những vị thần Hộ mệnh này còn được gọi là vị thần Tổ tiên (祖先神/Sosenkami). Để tưởng nhớ đến cội nguồn dòng tộc và thể hiện sự tôn kính của dòng họ đến với tổ tiên đã khuất, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đã ra đời. Tập tục thờ cúng tổ tiên tồn tại trong 3 cấp độ là gia đình, làng xã và quốc gia.

Qua đây, ta có thể nhận thấy rằng Thần (神/Kami) trong quan niệm người Nhật chính là “linh hồn thần thánh”. Cụ thể hơn, đó là “tất cả những vật vô hình có uy lực đối với dân gian” (Thuyết của Motoori Norinaga)[2]. Như thế, những vị thần này là những thực thể mờ ảo, tồn tại không dáng hình, có mặt ở trong vũ trụ bao la, mang những quyền năng thần kì mà trong đó có những thần mang quyền năng tốt đẹp và những thần mang quyền năng xấu xa.

Trong giai đoạn này, tín ngưỡng thờ thần tự nhiên và tổ tiên được biểu hiện ra lànhững đền thờ (Thần xã) cũng như là các phong tục mang tính ma thuật để tỏ lòng cung kính, biết ơn và thể hiện mong muốn được kết nối với các vị thần thánh.

Nói đến các đền thờ, chúng ta hãy bắt đầu từ những tàn tích như là ngôi đền Đại Thần (大神神社/Oomiwa Jinja) nằm ở núi Miwa (三輪山) hay Cung Xung Tân (沖津宮/Okitsu no Miya/Xung Tân Cung) thuộc quần thể đền Tôn Tượng (宗像神社/Munakata Jinja/Tôn Tượng Thần Xã) ở đảo Okinoshima (沖ノ島) được coi là những đền thờ cổ xưa nhất, khi mà người Nhật cổ mới chỉ thờ những thứ tự nhiên như cây cỏ, núi đá hay biển. Về đền ĐạiThần, vốn từ thời Jomon hay Yayoi núi Miwa (tỉnh Nara) đã mang tính tâm linh, được xem là ngọn núi thiêng[3] và đến thời Kofun thì các Thiên Hoàng đã thờ cúng thần ở đền Đại Thần trên núi Miwa. Đền được xây ngay trước núi Miwa và mang nét đặc sắc của những Thần xã đầu tiên – không có Honden (本殿 - điện thờ, nơi chứa vật thánh Shintai) mà chỉ có Haiden (拝殿 - nơi viếng tế) và lấy núi Miwa làm Shintai (神体 - đối tượng mà trong đó thần cư ngụ, dùng để thờ cúng/vật thánh). Thần xã này đã coi chính ngọn núi Miwa là ngôi đền lớn nơi các linh hồn thần thánh được thờ tụng, gọi là Shintai-zan. Đến với đền thờ Xung Tân, đây lại là đền thờ nằm trên một hòn đảo vô cùng thiêng liêng tên Okinoshima. Okinoshima nằm ở eo biển giữa quần đảo Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên, cách Kyushu 60 km là một địa điểm dừng chân quan trọng của những lữ hành đi từ Triều Tiên hay lục địa đến Nhật Bản, bởi vậy, từ xa xưa nó đã được xem là một hòn đảo thiêng. Trên đảo, người ta xây ngôi đền Xung Tân thờ người con gái lớn nhất trong ba vị nữ thần Munakata (ba vị này vốn là con gái của Nữ thần Mặt Trời Amaterasu) tên là Tagori Hime no Kami (田心姫神/Điền Tâm Cơ Thần) và thực hiện nhiều nghi lễ để mong những chuyến vượt biển an toàn. Điểm nổi bật ở đây là chính hòn đảo cũng được coi là Shintai, bởi vậy nên không phải ai cũng được đến đây, mỗi năm 1 lần, vào ngày hội thì chỉ có 230 người được đến du lịch, tất cả đều phải là đàn ông vì phụ nữ bị cấm đặt chân lên đảo và họ phải thực hiện các nghi lễ thanh lọc trên biển trước khi lên đảo. Như vậy, vào thời kì sơ khai, các Thần xã thực chất mới chỉ là nơi viếng tế các thần tự nhiên và lấy ngay những sự vật thiên nhiên ở chính tại chỗ đó để thờ. Các Thần xã sau này đã xây thêm Honden và đặt những đồ nhân tạo như gương hay gươm mà được coi là mang linh hồn thần thánh vào trong đó để thờ.

Vào những thời kì sau đó, các Thần xã đã có những nét khắc hoạ rõ ràng hơn về đường lối kiến trúc. Ta cần chú ý đến nhất là Thần cung Y Thế (伊势神宫/Ise Jingu/Y Thế Thần Cung) được xem là nơi thờ phụng Nữ thần Mặt Trời. Thần cung Ise nằm ở thành phố Ise, tỉnh Mie. Nơi này thực chất là một khu gồm 125 đền thờ Thần đạo (神社/Jinja) với hai ngôi đền chính là Nội Cung (内宮/Naiku) (tên khác: 皇大神宮/Kotaijingu) dành để thờ Nữ thần Mặt Trời với niềm tin thiêng liêng rằng nơi đây là nơi cư ngụ của Nữ thần và Ngoại Cung (外宮/Geku) (tên khác: 豊受大神宮/Toyouke Daijingu) dành để thờ thần Nông nghiệp. Theo Nhật Bản Thư Kỷ, đền được xây cách đây khoảng 2000 năm. Vốn là Nữ thần Mặt Trời với biểu tượng là chiếc gương thánh được thờ phụng ở cung điện, tuy vậy, vào thời Thiên Hoàng thứ mười là Thiên Hoàng Sùng Thần (崇神天皇/Sujin Tenno), Sujin đã cho di dời chiếc gương ra ngoài điện đến vùng Kasanui no mura vì đã có một bệnh dịch bùng phát, nông dân nổi loạn và nhận được ý chỉ từ thần là phải thờ ở ngoài cung (hay theo một thuyết khác là do sợ uy lực của thần mà Thiên Hoàng không thể chung sống yên ổn được). Đến thời Thiên Hoàng Thuỳ Nhân (垂仁天皇/Suinin Tenno) thì đã lệnh cho công chúa của mình là Yamatohime no Mikoto đi tìm nơi phù hợp để thờ Nữ thần Mặt Trời. Khi đến tỉnh Ise, Nữ thần đã thông báo ý nguyện muốn trú ngụ lại nơi này với công chúa và đó Nội Cung (Naiku) đã được xây dựng sau đó[4].

Điều đáng chú ý ở đây là Yamato đã có sự tách biệt hoạt động chính trị với việc tế thần của Thiên Hoàng (vẫn là hình thái “Tế chính nhất trí” (祭政一致/Saiseiichi)[5] nhưng không giống như Nữ vương Himiko nước Yamatai là Nữ vương Saman, giữa việc tế lễ và chính trị đã xuất hiện khoảng cách nhất định) và Nữ thần Mặt Trời đã dần dần từ vị thần tổ của Hoàng thất trở thành vị thần cao quý nhất của cả đất nước. Đặc biệt hơn nữa, Thần Cung Y Thế đã thể hiện rõ tính thế tục trong quan niệm của người Nhật ngay từ trong việc xây dựng. Cứ 20 năm một lần, Thần Cung lại được dỡ bỏ toàn bộ và làm mới lại hoàn toàn. Chính việc xây mới này đã thể hiện được quan điểm của người Nhật cổ cho rằng cuộc đời người là những chu kì 20 năm, các thế hệ cũng cứ qua 20 năm lại nối tiếp nhau, từ đời ông đến đời cha rồi sinh ra con rồi truyền nghiệp cho cháu. Bởi quan điểm vòng đời cứ 20 năm lại kết thúc và rồi được đổi mới/lặp lại này, Thần Cung cũng được dỡ bỏ sau 20 năm rồi xây mới lại như một cách để thể hiện sự chấm dứt của một vòng đời và nối tiếp tới một vòng đời khác. Từ đó, ta có thể thấy tính thế tục trong con người Nhật, họ coi trọng cuộc sống hiện tại chứ không mơ màng đến một cõi nào khác, sau khi vòng đời chấm dứt thì đó cũng là đoạn kết chứ không tồn tại “kiếp sau”.

Tiếp sau đó là đền thờ Xuất Vân (出雲大社/Izumo Taisha/Xuất Vân Đại Xã) thờ được xem là đền thờ Thần đạo cổ nhất, có từ trước Thần Cung Ise. Đền này dùng để thờ thần Ookuninushi (大国主/Đại Quốc Chủ) mà ta có thể tạm gọi là vị thần của miền đất lớn. Ông được tin là vị thần xây dựng quốc gia, nông nghiệp, kinh doanh, y học hay vị thần bảo hộ, may mắn và đem lại những cuộc hôn nhân tốt đẹp cho đời người. Theo như thần thoại, đây chính là vị thần cai quản vùng đất Izumo trước khi nhường cho Ninigi. Nơi này cũng là nơi tổ chức nhiều hoạt động tế lễ hay lễ hội Hoàng gia và đặc biệt là trung tâm cho việc hành hương vào thế kỉ XVIII, XIX.

Sau cùng là đền thờ Trú Cát (住吉大社/Sumiyoshi Taisha/Trú Cát Đại Xã) được xây vào thế kỉ III ở Sumiyoshi, Osaka. Đây là đền thờ thần Biển 海神/Kaijin/Hải Thần) hay còn gọi là Watatsumi (綿津見/Miên Tân Kiến) hoặc Watatsumi Sanjin (綿津見三神/Miên Tân Kiến Tam Thần) – ba vị thần trông coi ba tầng biển (trên, giữa và đáy), được sinh ra khi Izanagi tẩy uế bản thân từ cõi Hoàng tuyền (theo Cổ Sự Ký và Nhật BảnThư Kỷ). Ngôi đền này thờ 3 vị thần Biển cả là Sokotsutsu no O no Mikoto (vị thần dưới đáy biển), Nakatsutsu no O no Mikoto (vị thần ở giữa biển) và Uwatsutsu no O no Mikoto (vị thần trên mặt biển), và cũng được nhà nước bảo hộ. Bên cạnh 3 vị thần “Tsutsu” này thì đền Trú Cát cũng thờ cả Hoàng hậu Jingu (một vị thần mang tên Okinagatarashihime no Mikoto). Họ được gọi chung là “Sumiyoshi Ookami” và là những vị thần vĩ đại của vùng địa phương này.

Nói về các đền thờ này, ta cần chú ý rằng việc thờ từ những vật tự nhiên như núi đá, biền đảo đến các nhân thần là Nữ thần Mặt Trời, thần miền đất lớn (được xem như là thờ vị thần thổ địa Nhật Bản) và thần Biển đã thể hiện tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, tổ tiên của người Nhật Bản cũng như tính đa thần trong nó. Hơn nữa, từ những đường nét kiến trúc đơn sơ đến những kiến trúc cụ thể hơn sau này, tất cả những đền thờ kể trên đều là thứ đặc trưng của Nhật Bản, khi chưa có sự xâm nhập của Phật giáo hay bất kì yếu tố ngoại lai nào. Nếu như Thần Cung Ise được xây dựng theo kiến trúc Shinmei-zukuri, đền thờ Izumo được xây theo lối Taisha-zukuri thì đền Sumiyoshi lại có phong cách Sumiyoshi-zukuri. Đây là những kiến trúc Thần xã cơ bản, truyền thống nhất của Thần đạo Nhật Bản, sau này trở thành những bảo vật quốc gia và nằm dưới sự bảo hộ của nhà nước[6].

Bên cạnh đó, trong phong tục người Nhật cổ thì họ cũng có những yếu tố liên quan đến tín ngưỡng thờ thần tự nhiên và tổ tiên, đặc biệt là trong thời Kofun. Đó là cách xử phạt đúng sai Kukatachi (盟神探湯). Người cần xử đúng sai sẽ tuyên thệ trước thần linh và sau đó nhúng tay vào nồi nước sôi, nếu tay không bỏng thì nghĩa là anh ta nói đúng sự thật, còn nếu bỏng thì tức anh ta là kẻ gian trá. Đó cũng là thuật bói Futomani (太占の法) đốt cháy xương hươu nai rồi từ những mô hình vết nứt do xương cháy tạo ra mà dự đoán tương lai. Thêm vào đó, từ thần thoại ra đời Nữ thần Amaterasu thì chúng ta có thể thấy quan niệm người Nhật cổ về cõi âm là một mộ địa đầy u uế mà người sống xa lánh, để tránh những u uế đó thì người sống cần phải tẩy rửa thân mình bằng nước và từ việc xua đuổi những u uế đó thì những điều tốt lành sẽ đến với mình. Nghĩ như vậy, họ đã dùng nước sông, suối, thác để tẩy uế (nghi thức Misogi) hay phất nhánh cây thiêng Sasaki và rải muối để thanh lọc (nghi thức Harae).

Như vậy, ngay từ buổi đầu, trong đời sống người Nhật cổ đã tồn tại tín ngưỡng thờ thần tự nhiên và tổ tiên, được biểu hiện qua những đền thờ và phong tục tập quán. Tuy vậy, đây mới chỉ là một thứ “tín ngưỡng thần kì” mà liên kết các câu chuyện thần thoại với các phương thức cúng tế, là sợi dây ràng buộc con người với thần tiên, tự nhiên. Sau này, sang đến thời Nara và Heian, những tín ngưỡng này thông qua Phật giáo mà mở ra những bước tiến lớn trong quá trình hình thành Thần đạo.

2.2. Thời kì Nara

Vào thời Nara, những yếu tố Phật giáo mờ nhạt khi được đưa vào Nhật Bản từ thế kỉ VI đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Phật giáo thời Nara nhận được nhiều ưu đãi và được ưa chuộng, tuy vậy, nó cũng không bài trừ Thần đạo/Tín ngưỡng thần kì mà cùng tương hỗ phát triển. Thần đạo lúc này mởi chỉ là sơ khai nhưng đã mang ý thức dân tộc của người Nhật, đó là việc họ quan tâm, chú trọng đến cuộc sống thực tại. Còn Phật giáo với tư tưởng “đời là bể khổ” lại dễ đi sâu vào lòng người dân, hơn nữa, thuyết luận hồi và cõi Niết bàn cũng khiến người dân có niềm tin tích cực vào việc được giải thoát khỏi nỗi khổ sau khi chết. Với những đặc trưng trên, người dân thời kì Nara đã có xu hướng thờ cả Thần và Phật. Họ thờ Thần để được may mắn, chở che trong đời sống thực tại và thờ Phật để được thoát khỏi khổ đau, lên cõi Niết bàn sau khi chết, rồi được hồi sinh ở một kiếp mới tốt đẹp hơn. Đây cũng được xem là mầm mống nảy sinh tín ngưỡng “Thần Phật tập hợp” (神仏習合/Shinbutsu Shugo).

Những biểu hiện của việc “Thần Phật tập hợp” trước tiên phải kể đến Hiến pháp 17 điều cũng như chiếu chỉ của Thái tử Shotoku (聖徳太子/Shotoku Taishi). Trong điều 2 Hiến pháp có ghi: “Mọi người phải tôn kính Tam Bảo, đó là Đức Phật, Phật pháp (giáo lý) và tăng đoàn Phật giáo. Đó là sự bảo hộ cuối cùng của mọi chúng sinh.” Ở đây, Thái tử muốn khuếch trương vai trò Phật giáo trong đời sống. Tuy nhiên, ông cũng không quên việc thờ Thần. Trong một chiếu chỉ ông viết: “Xao nhãng việc tôn thờ Thiền Thần và Địa Thần trong triều đại ta là điều không thể chấp nhận được. Tất cả các vị đại thần đều phải hết lòng tôn kính Thần.” Theo sau đó là các đạo luật của Hoàng thất như Đại Bảo Luật Lệnh (năm 701) hay Dưỡng Lão Luật lệnh (năm 781) nhằm nhấn mạnh việc sùng bái cả Thần lẫn Phật, đặc biệt là việc đặt chức Thần Kỳ Quan lên ngang hàng Thái Chính Quan[7] đã thể hiện được sự quan tâm của Hoàng thất với Thần đạo. Tiếp đó, cuốn “Nhật Bản Thư Kỷ” (日本書紀) cũng đã ghi chép lại rằng vào năm thứ 2 đời Thiên Hoàng Văn Vũ (文武天皇/Monmu Tenno) (tức năm 698) đã ra lệnh xây tại Ise, quận Watarai một ngôi chùa thờ chung cả Thần lẫn Phật, gọi là chùa Đại Thần Cung (大神宮寺/Jinguji/Đại Thần Cung Tự). Nếu trước kia Thần Cung là nơi thờ Thần, Tự (Chùa) là nơi thờ Phật thì nay đã hợp nhất thành Thần Cung Tự. Đây là nơi mà những Phật đường hay tự viện được xây dựng, gắn liền vào trong Thần xã (đền thờ Thần). Theo sau Đại Thần Cung Tự thì nhiều nhiều Thần Cung Tự đã được xây dựng hàng loạt, xuất phát từ quan điểm thời kì này cho rằng Thần cũng là một tồn tại u mê giống con người, đã phải trải qua khổ ai trầm luân và cần cầu cúng Phật để được cứu độ. Chính vì thế bên cạnh Thần xã, người ta xây Thần Cung Tự, thực hiện các hoạt động như đọc kinh trước Thần, giảng dạy Phật pháp,…

2.3. Thời kì Heian

Nếu như ở thời kì Nara người ta mới chỉ thấy sự kết hợp còn đơn thuần giữa Thần và Phật thì thời kì Heian lại chứng kiến một bước tiến lớn mạnh trong mối quan hệ giữa Thần và Phật.

Đầu tiên, Hoàng thất đưa ra tuyên bố Thần Hachiman (八幡神/Hachiman Jin/Bát Phiên Thần)[8] báo mộng rằng ngài chính là Bồ Tát giáng sinh, sau đó phong hiệu Đai Bồ Tát năm 781 và cho thờ cúng tại khắp các chùa trên cả nước. Đây được xem là điển hình của “Thần Phật tập hợp”. Bởi sau sự kiện này, người dân bắt đầu tạc tượng thờ thần Hachiman, và bởi vì được cho là Bồ Tát nên họ đã tạc tượng thần Hachiman có hình hài của một vị sư Phật, gọi là Tăng Hình Bát Phiên Thần Tượng (僧形八幡神像/Sogyo Hachiman Shinzo).

Đến trung kì Heian, theo sự biến đổi dần về quan niệm rằng Phật ưu việt hơn Thần đã xuất hiện chủ trương “Thần và Phật vốn là đồng nhất, Phật vốn ở Ấn Độ, song vì phổ độ chúng sinh mà rời gót đến Nhật Bản thành Thần.” Đây chính là thuyết Bản địa thuỳ tích (本地垂迹説/Honji Suijaku Setsu) cho rằng Phật là Bản địa, nguyên gốc (本) của Thần còn Thần là Thuỳ tích, dấu vết (迹) tức là hiện thân tạm thời của Phật. Theo thuyết này thì Nữ thần Mặt Trời chính là hoá thân của Đại Nhật Như Lai (Dainichi Nyorai). Như thế, từ 2 thực thể tách biệt, Thần và Phật đã được chuyển hoá để trở thành một thực thể kép không thể chia tách, thực chất là Phật nhưng biểu hiện ra ngoài với tư cách là Thần. Thực thể mới này (vị thần có bản địa là Phật) được gọi là Gongen (権現/ Quyền Hiện). Tiêu đề “Gongen” bắt đầu được gắn liền theo sau tên các vị thần và các Thần xã Gongen cũng được xây trong khuôn viên chùa Phật, tạo nên kiểu kiến trúc Gongen-zukuri[9]. Gongen nổi tiếng thời kì này có thể kể tên là Zao Gongen (座大) và Kumano Gongen (熊野). Nói về Zao Gongen, đây vốn là một nhà tu hành tên En no Gyoja sau khi đắc đạo trên núi thiêng Kinpu (金峰山) (ở Nara) đã được thần thánh hoá thành vị thần Zao, được thờ với tư cách là vị thần bảo hộ cho ngọn núi thiêng liêng Kinpu, là biểu tượng hợp nhất của 3 vị thần Phật Quá khứ, Hiện tại và Tương lai. Còn Kumano Gongen, ban đầu có 3 đền thờ 3 núi Hongu, Shingu và Nachi trong dãy núi Kumano, mỗi đền thờ theo lối thờ thần tự nhiên cổ xưa của Nhật. Nhưng đến thế kỉ X, khi bị ảnh hưởng bởi thuyết Bản địa thuỳ tích, cả 3 đã được tôn thờ như 3 vị thần Phật của núi Kumano là Senju Kannon (Thiên Thủ Quan Âm (Phật Bà Quan Âm Nghìn Tay)), Yakushi Nyorai (Như Lai Dược Sư) và Amida Nyorai (Như Lai A Di Đà).

Để có được sự phát triển như vậy thì ta phải kể đến công lao của những sư Phật thời kì này là nhà sư Saicho (最澄) của Thiên Thai Tông (天台宗/Tendai Shu) và Kukai (空海) của Chân Ngôn Tông (真言宗/Shingon Shu). Qua giáo lý của Pháp Hoa Kinh (Thiên Thai) cho rằng Phật vừa mang tính tuyệt đối, lí tưởng lại mang tính hiện thực, lịch sử và Chân Ngôn Tông đã gán vị Phật soi sáng Dainichi với nữ thần Mặt Trời thì thuyết Bản địa thuỳ tích đã phát triển mạnh mẽ. Điều này khiến việc xây các Thần Cung Tự trong Thần xã gia tăng với ý nghĩa là để thờ vị Phật họ coi là bản thể của mình; việc đọc kinh trước Thần được ủng hộ và thậm chí xuất hiện cả việc phóng sinh – điều chưa bao giờ có trong nghi lễ cúng tế thần.

Hơn nữa, từ việc kết hợp Thần đạo/Tín ngưỡng thờ thần với giáo lý của 2 tông phái kể trên mà 2 nhánh Thần đạo Sơn Vương (山王神道) và Thần đạo Lưỡng Bộ (両部神道) đã ra đời, củng cố cho sự phát triển của thuyết Bản địa thuỳ tích. Thần đạo Sơn Vương lấy trung tâm là đền thờ Nhật Cát (Hie Taisha) làm nơi thờ vị thần bảo hộ núi Tỷ Duệ (比叡山/Hiei) – cơ sở chính của phái Thiên Thai. Đền Nhật Cát lấy núi Hachioji làm Shintai (Thần thể) rồi mở rộng ra đền Omiya (Đại Cung), Ni no Miya (Nhị Cung), cùng với đền Shoshinshi Sha (Thánh Chân Tử Xã) thì đã được thờ như Tam Thánh Sơn Vương. Sau đó, 3 đền trên cùng với 4 đền Hachioji (Bát Vương Tử), Marodo (Khách Nhân), Juzenji (Thập Thiền Sư), San no Miya (Tam Cung) đã lập thành 7 đền thờ của phái Sơn Vương (Sơn Vương thất xã). 7 đền này được hệ thống hoá, mỗi đền tương ứng với một vị Phật bản thể khác nhau[10] và còn đươc gắn với 7 ngôi sao trong chòm Bắc Đẩu. Theo phái này, Phật Thích Ca là bản thể của Omiya và Nhật Bản là biên thổ tồi tệ nhất thời Mạt pháp cần có Thuỳ tích là các vị thần để cứu độ chúng sinh[11]. Ngoài ra, phái cũng cho ra đời thuyết 30 vị thần Pháp Hoa[12]. Còn Thần đạo Lưỡng Bộ cho rằng tất cả các thần Nhật Bản đều là hoá thân của Đại Nhật Như Lai. Trong đó, Lưỡng Cung của Ise được coi là 2 nửa tạo thành thế giới nhân sinh quan mà Nữ thần Mặt Trời (ở Nội cung) là Đại Nhật Như Lai của Thai Tàng Giới còn Phong Thụ Đại Thần (ở Ngoại cung) là Đại Nhật Như Lai của Kim Cương Giới[13]. Ba vị thần Kunitokotachi no Mikoto, Kunisatsuchi no Mikoto, Toyokumonu no Mikoto – 3 vị thần đầu tiên được sinh ra sau khi Thượng giới và trần gian được hình thành (theo Nhật Bản Thư Kỷ) – cũng được xem là 3 dạng của Đại Nhật Như Lai và bảy đời Thần sau đó cũng được so sánh với bảy vị Phật. Như thế, Lưỡng Bộ Thần đạo coi Thần chính là Phật, nước Nhật cũng chính là nước của Đại Nhật Như Lai mà trong đó Ise là cốt lõi.

Như vậy, trong thời kì cổ đại này, Tín ngưỡng Thần kì (thờ cúng thần tự nhiên và tổ tiên) sơ khai của Nhật Bản đã có sự kết hợp mạnh mẽ với Phật giáo. Từ việc này, những tín ngưỡng đó đã có những Thần xã cố định, có tượng để thờ, không chỉ thế, tầng lớp tăng xã chuyên lo việc cúng tế trong đền, những đoàn hành hương và những ghi chép về các quy định trong nghi thức cúng cũng đã xuất hiện, và đây là những yếu tố rất cần thiết, tạo ra một bước đệm vững chắc để một tôn giáo chính thức mang tên Thần đạo ra đời vào thời Trung Thế.

Đào Ngọc Mỹ Linh, K59 Đông phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Tin tức khác

CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (PHẦN 2)
CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (PHẦN 2)

Thứ nhất, từ những năm 1970, TV, mạng internet, và sau này là điện thoại di động được phổ cập đã phá vỡ sự bó hẹp của không gian “làng” hay “phố”, ...

CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (Phần 1)
CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TỪ 1945 ĐẾN NAY (Phần 1)

Trong những năm gần đây, cộng đồng và phát triển cộng đồng đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu tại các quốc gia, trong đó có ...

ĐẶC ĐIỂM CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI
ĐẶC ĐIỂM CỘNG ĐỒNG Ở NHẬT BẢN TRƯỚC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ HAI

Khác với các xã hội nông nghiệp châu Á khác, ở Nhật Bản, cái gọi là cộng đồng “hội phố” có những điểm đặc sắc đáng lưu ý. Nếu như ...

LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 3)
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DÂN SỐ NHẬT BẢN (phần 3)

Thay đổi lớn nhất của gia đình Nhật Bản sau chiến tranh là số con trong các gia đình giảm đi, chứ không phải là sự gia tăng của kiểu gia đình hạt n ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn