GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN PHÁI CỬ LỰC LƯỢNG PHÒNG VỆ ĐẾN TRUNG ĐÔNG

Đăng ngày: 15-02-2020, 07:16

Ngày 2/2/2020, tàu khu trục Takanami của Lực lượng Phòng vệ trên Biển Nhật Bản chính thức khởi hành từ căn cứ Yokosuka, phía Nam Tokyo, đi Trung Đông để tiến hành các hoạt động nghiên cứu khảo sát. Đây là bước triển khai tiếp theo việc điều động máy bay tuần tra PC3 trong tháng 1, nằm trong kế hoạch đã được Nội các Nhật Bản quyết định vào cuối năm 2019 trước những diễn biễn phức tạp ở Trung Đông. Lần gần nhất Nhật Bản cử tàu hộ vệ ra nước ngoài là vào năm 2009, với nhiệm vụ chống cướp biển tại vịnh Somali. Đây là lần đầu tiên tàu của lực lượng này lên đường làm nhiệm vụ quốc tế kéo dài hơn 1 năm. Thủ tướng Abe Shinzo đích thân tham dự lễ tiễn tàu và khẳng định đây là nhiệm vụ có ý nghĩa vô cùng to lớn liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân Nhật Bản, vì khoảng 90% dầu thô Nhật Bản sử dụng được chuyên chở qua khu vực phía Bắc của Biển Ả-rập và Vịnh Oman. Theo kế hoạch, tàu khu trục Nhật Bản hoạt động độc lập với Mỹ và không đi vào eo biển Hormuz hay Vịnh Persian.

Tàu Takanami có chiều dài 151m, nặng 4650 tấn, chở theo 2 trực thăng tuần tra và khoảng 200 nhân viên. Takanami được xem là "tàu hộ tống đa năng",  có thể được sử dụng cho các hoạt động quân sự chống máy bay, chống tàu và chống ngầm. Tàu được trang bị súng máy 12,7mm và thiết bị tạo âm thanh tầm xa (Long Range Acoustic Device)[1]. Nhiệm vụ của tàu là thu thập thông tin nhằm góp phần đảm bảo an toàn hàng hải cho tàu thuyền thương mại có quan hệ với Nhật Bản.

Tàu sẽ tuần hành trên biển có thể hành động, sử dụng vũ khí đề bảo vệ thuyền, nhưng chỉ với đối tượng là tàu Nhật Bản. Nếu là tàu nước ngoài, dù có người Nhật ở trên thuyền, theo luật quốc tế không thể sử dụng vũ khí để bảo vệ[2]. Theo kế hoạch, thời gian hoạt động đến ngày 26 tháng 12 năm 2020, nhưng việc kéo dài thêm hay kết thúc giữa chừng là do quyết định của Nội các.

Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5-2018, căng thẳng Mỹ-Iran leo thang trong năm 2019. Mỹ gia tăng các biện pháp trừng phạt năng lượng và tài chính với Iran, thực hiện chính sách để Iran không thể xuất khẩu dầu mỏ ra nước ngoài. Nhật Bản đã phải từ bỏ nguồn năng lượng từ Iran, nhưng phần lớn nguồn dầu cung cấp cho Nhật Bản được vận chuyển qua eo biển Hormuz do Iran kiểm soát, nên việc coi trọng quan hệ tốt với Iran có ý nghĩa lớn với nền kinh tế Nhật Bản.

Bất ổn liên tục xảy ra khi Mỹ tuyên bố đưa Lực lượng vệ binh cách mạng Iran vào danh sách đen các tổ chức khủng bố, bắt tay với các nước Israel, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE),… bao vây và kiềm chế Iran trên phạm vi khu vực. Năm 2020 khởi đầu bằng việc quân đội Mỹ đã tiến hành vụ tấn công bằng máy bay không người lái gần sân bay quốc tế Baghdad ở Iraq, giết chết Thiếu tướng Qasem Suleimani chỉ huy Lữ đoàn tinh nhuệ Quds của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Trước các bất ổn diễn ra tại Trung Đông, trong năm 2019, Mỹ đề xuất việc thành lập liên minh đảm bảo an ninh tại eo biển Hormuz bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự. Mỹ yêu cầu các nước đồng minh trong đó có Nhật Bản tham gia liên minh bảo vệ an toàn cho các tàu thương mại qua lại eo biển này.

Australia và Anh cam kết điều tàu chiến và là một phần sáng kiến liên minh đảm bảo an ninh do Mỹ khởi xướng. Pháp cho biết họ sẽ triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle đến Trung Đông trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 để hỗ trợ các nước châu Âu[3]. Tương tự Nhật Bản, Hàn Quốc đã quyết định cử lực lượng chống cướp biển đến eo biển Hormuz, nhưng không tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu, mà tiến hành các hoạt động độc lập ở eo biển. Hoạt động của lực lượng chống cướp biển Hàn Quốc nhằm mục đích bảo vệ các công dân và tàu thuyền của Hàn Quốc trong vùng biển chiến lược ngoài khơi Iran[4].

Khu vực Trung Đông bất ổn, Nhật Bản phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp dầu mỏ khu vực này nên đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến Nhật Bản chứ không phải của riêng nước khác. Không có biện pháp riêng biệt, chính phủ Nhật Bản phải nỗ lực ngoại giao với Mỹ, Iran và các nước liên quan.

Trong tháng 1 năm 2020, Thủ tướng Abe Shinzo công du 3 nước Trung Đông với mục tiêu kêu gọi các nhà lãnh đạo nỗ lực vì sự ổn định của khu vực thông qua đối thoại và các biện pháp hợp lý. Trong đó, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đứng về phía Mỹ, chỉ có quốc gia Oman duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Iran. Đồng thời, với nền tảng là mối quan hệ hữu hảo mà Nhật Bản đã thiết lập với Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất và Oman, Thủ tướng Abe giải thích để lãnh đạo các nước hiểu về kế hoạch của chính phủ Nhật Bản triển khai tàu và máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tới Trung Đông. Mặt khác, Saudi Arabia đang tìm cách tận dụng mối quan hệ của Nhật Bản với Iran và hy vọng Tokyo có thể đóng góp bằng cách gửi thông điệp của cộng đồng quốc tế tới Iran. Thủ tướng Abe đang tìm kiếm sự đảm bảo của Oman cho phép lực lượng phòng vệ Nhật Bản sử dụng các cảng biển và cơ sở của nước này[5].

Có thể nói động thái của Nhật Bản là cách xử lý tinh tế trong quan hệ với Mỹ và Iran. Nhật Bản coi hành động triển khai lực lượng phòng vệ là độc lập với liên minh do Mỹ đứng đầu để đảm bảo an toàn hàng hải tại Eo biển Hormuz. Đây là hành động đáp ứng yêu cầu của Mỹ mà không cần tham gia trực tiếp vào liên minh, đồng thời tránh cuộc tranh luận rất nhạy cảm về việc sử dụng vũ khí của lực lượng phòng vệ tại quốc hội. Mặt khác, việc triển khai này tránh hành động khiêu khích đối với Iran khi tàu của Nhật Bản không đi vào vịnh Persian và eo biển Hormuz.

Ở trong nước, có ý kiến cho rằng việc Nhật Bản phái cử lực lượng phòng vệ ra nước ngoài cần phải giải thích cụ thể, có căn cứ và thuyết phục hơn nữa với người dân. Cuối năm 2019, Hội đồng an ninh quốc gia cho rằng tình hình Trung Đông xấu đi, đe dọa an toàn hàng hải với tàu thuyền Nhật Bản và thảo luận việc phái cử lực lượng phòng vệ trên biển đến Trung Đông để điều tra và thu thập thông tin. Căn cứ để đưa ra quyết định này là mục 19 điều 4 về việc tổ chức điều tra và nghiên cứu, không giới hạn về địa lý, của Luật Bộ phòng vệ[6]. Dư luận Nhật Bản cho rằng câu từ “tình hình đang xấu đi, mối đe dọa với đất nước gia tăng” thường được chính phủ nói ra, nhưng việc xấu đi như thế nào thì chưa được giải thích rõ ràng. Trên thực tế, tuyến đường biển và các cơ sở dầu mỏ khu vực Trung Đông nếu bị tấn công sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung cấp năng lượng cho Nhật Bản, nên việc thảo luận phối hợp các lĩnh vực quân sự, ngoại giao và kinh tế về đối sách ứng phó với những nguy cơ này là vô cùng cần thiết. Song, trừ phi chính phủ giải thích cặn kẽ, nếu những thông tin này chỉ phát ngôn trên phương tiện đại chúng thì người dân khó có thể lý giải được việc đưa lực lượng tự vệ ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh hiện nay, ai cũng nhận định về tình hình Mỹ và Iran, mối quan hệ tốt giữa một số nước với Iran. Kết quả là chỉ thị của Thủ tướng Abe Shinzo tại Hội đồng an ninh quốc gia về việc phái cử lực lượng tự vệ mang tính chính trị, nghiêng về quan hệ Nhật-Mỹ và Nhật-Iran hơn ra về trật tự quốc tế và đảm bảo an ninh.

Ngoài ra, giải quyết vấn đề tình hình Trung Đông bất ổn, ảnh hưởng đến tuyến đường biển vận chuyển dầu mỏ, cần bàn đến việc dự trữ. Cần nhận thức về việc có đảm bảo bổ sung khi bị hạn chế hay dừng cung cấp dầu mỏ trong một khoảng thời gian nhất định để giải quyết vấn đề, xây dựng chính sách đảm bảo nguồn cung ứng trước bài học cú sốc dầu mỏ.

Dù muốn tránh xung đột nổ ra, nhưng chính phủ Nhật Bản không lạc quan về tình hình tới đây. Mỹ và Iran gần như khó có thể đối thoại, một thỏa thuận khung mới buộc Iran không phát triển hạt nhân như Mỹ đang hướng tới là rất khó. Chính phủ Nhật Bản yêu cầu hai bên tự kiềm chế, lắng nghe và nếu cần thiết sẽ đóng vai trò truyền đạt thông tin cho hai nước.

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] 【続・防衛最前線】護衛艦たかなみ 中東派遣で防弾ガラス仕様に衣替え, truy cập ngày 14/2/2020 tại https://www.sankei.com/premium/news/200213/prm2002130008-n1.html

[2] Gondo Toshinori (2020),「中東に護衛艦出港へ 課題は?」, truy cập ngày 1/2/2020 tại  https://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/300/420091.html

[3] Thông tấn xã Việt Nam, Nhật Bản thể hiện vai trò riêng của mình trong đảm bảo an ninh hàng hải ở Trung Đông, Tin tham khảo thế giới 04/02/2020, tr.15

[4] Hàn Quốc điều động quân đến eo biển Hormuz, truy cập ngày 10/2/2020 tại  http://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&menu_cate=northkorea&id=&board_seq=378484&page=1&board_code=

[5] Thông tấn xã Việt Nam, Sứ mệnh hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông của Thủ tướng Nhật Bản, Tin tham khảo thế giới 17/01/2020, tr.25

[6] このまま「中東派遣」で自衛隊は大丈夫か, truy cập ngày 5/2/2020 tại https://www.jiji.com/jc/v4?id=foresight_00289_201911200001

Tin tức khác

NHẬT BẢN TĂNG CƯỜNG TẬP TRẬN
NHẬT BẢN TĂNG CƯỜNG TẬP TRẬN

Cuộc tập trận Keen Sword được tổ chức 2 năm một lần với sự tham gia của hàng chục tàu chiến, hàng trăm máy bay và khoảng 46.0000 binh sĩ, thuỷ thủ ...

HỢP TÁC QUỐC PHÒNG NHẬT BẢN - ASEAN
HỢP TÁC QUỐC PHÒNG NHẬT BẢN - ASEAN

Trong bối cảnh môi trường chiến lược khu vực châu Á-Thái Bình Dương có sự thay đổi đáng kể, Nhật Bản cho rằng không một quốc gia nào có thể tự mình ...

MẶT TRÁI CỦA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐỐI VỚI AN NINH TÂM LÝ QUỐC TẾ  TẠI KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á
MẶT TRÁI CỦA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO ĐỐI VỚI AN NINH TÂM LÝ QUỐC TẾ TẠI KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á

Trí tuệ nhân tạo (AI) là hạt nhân quan trọng nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. AI đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực xã hội và ...

NHẬT BẢN HƯỚNG TỚI ẤN ĐỘ - THÁI BÌNH DƯƠNG TỰ DO VÀ RỘNG MỞ
NHẬT BẢN HƯỚNG TỚI ẤN ĐỘ - THÁI BÌNH DƯƠNG TỰ DO VÀ RỘNG MỞ

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương về xuất phát điểm được coi là chiến lược căn bản đối trọng với Trung Quốc. Trung Quốc gia tăng sức mạnh trên Ấn Độ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
12 Floor, VASS Building, No. 1 Lieu Giai St., Ba Dinh, Hanoi, Vietnam.
Tel.: 84-4-62730474 Fax.: 84-4-62730478
E-mail: cjs@inas.gov.vn