GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

MỘT SỐ HƯỚNG ỨNG PHÓ VỚI GIÀ HÓA DÂN SỐ Ở NHẬT BẢN GIAI ĐOẠN 1945 – 1990

Đăng ngày: 11-03-2020, 03:42

Như đã biết, dân số và gia đình ở Nhật Bản biến đổi sâu sắc trong giai đoạn từ thời Minh Trị đến đầu thập niên 1990. Hiện nay, Nhật Bản đã trở thành một xã hội siêu già hóa chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Sự tiến triển nhanh chóng của xã hội già hóa ở Nhật Bản hóa do nhiều nguyên nhân, trước hết là tỉ lệ tử vong của người già, thứ hai là động thái sinh đẻ, hay nói cách khác, là sự thay đổi về tỉ lệ sinh ở đất nước này, trong khi, tỉ lệ sinh lại biến đổi dựa trên vấn đề hôn nhân và gia đình, còn hai yếu tố này có quan hệ chặt chẽ với sự thay đổi quan niệm về hôn nhân, gia đình của người Nhật Bản. Như vậy, động thái dân số và gia đình Nhật Bản có quan hệ mật thiết với nhau, khi đề cập đến vấn này, không thể không nghĩ đến vấn đề kia. Phần dưới đây sẽ tìm hiểu các đối sách của chính phủ Nhật Bản về vấn đề biến đổi dân số và gia đình, nhằm cố gắng duy trì quy mô dân số ổn định trong một thời gian dài, giảm thiểu sự tiến triển nhanh chóng của xã hội già hóa cùng với việc củng cố nền tảng gia đình ở Nhật Bản trong giai đoạn từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 đến đầu thập niên 1990.

- Chính sách hỗ trợ hôn nhân, gia đình

Sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, đặc biệt là từ giữa thập niên 1960, tỉ lệ kết hôn muộn và không kết hôn ở thanh niên Nhật Bản gia tăng mạnh mẽ. Kết hôn hay không, kết hôn lúc bao nhiêu tuổi vốn là quyền riêng tư của mỗi cá nhân, song sự gia tăng tỉ lệ không kết hôn này lại có ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh đẻ trong ngắn hạn. Ngoài ra, tỉ lệ không kết hôn ở thanh niên Nhật Bản lúc này cũng liên quan trực tiếp đến sự gia tăng tỉ lệ không kết hôn suốt đời. Bên cạnh đó, kết hôn muộn cũng dẫn đến không thể sinh con do hết tuổi sinh đẻ. Ở những quốc gia mà tỉ lệ sinh con ngoài giá thú vô cùng ít như Nhật Bản, sự thay đổi quan niệm về hôn nhân trong dài hạn cũng trở thành một nguyên nhân quan trọng tác động đến việc giảm tỉ lệ sinh đẻ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc gia tăng tình trạng không kết hôn. Trước hết là tỉ lệ thanh niên muốn kết hôn đang giảm xuống. Mặc dù các cuộc hôn nhân dựa trên tình yêu đã tăng lên, nhưng mặt khác, số thanh niên không có cơ hội gặp gỡ người bạn đời của mình lại cũng tăng cao. Chính vì vậy, chính phủ và toàn xã hội đã vào cuộc để tạo ra môi trường thúc đẩy hôn nhân dễ dàng hơn cho giới trẻ, cùng với đó là cải thiện tình hình nhà ở, một trong những yếu tố được cho rằng có thể thúc đẩy việc lập gia đình và sinh con của người Nhật Bản.

- Chính sách hỗ trợ sinh đẻ và nuôi dạy con

Từ năm 1965, tỉ lệ sinh ở Nhật Bản giảm, nguyên nhân lớn là do sự gia tăng tỉ lệ không kết hôn, bên cạnh đó, khả năng sinh con của mỗi cặp vợ chồng cũng không cao. Số con lý tưởng là 3 đến 4 người con/mỗi cặp vợ chồng, nhưng vào thời điểm này phần lớn mỗi cặp vợ chồng chỉ có 2 con. Nguyên nhân cản trở việc hiện thực hóa số con lý tưởng của mỗi gia đình xuất phát từ các lý do về tâm sinh lý, về chi phí giáo dục cho trẻ em quá cao, vấn đề nhà ở khó khăn, chật hẹp, phụ nữ khó cân đối giữa công việc ở công sở và gánh nặng gia đình, và còn nhiều nguyên nhân về kinh tế, xã hội khác nữa... Vì vậy, nhìn từ góc độ kinh tế - xã hội, hỗ trợ để tạo môi trường thuận lợi cho việc sinh đẻ và nuôi dạy con cái sẽ thúc đẩy tăng tỉ lệ sinh, phương hướng cụ thể là giảm thiểu gánh nặng chi phí giáo dục, thực hiện chế độ cho nghỉ thai sản, nghỉ nuôi con nhỏ, cũng như hoàn thiện các cơ sở hạ tầng về chăm sóc, nuôi dạy trẻ.

- Chính sách hỗ trợ cuộc sống gia đình

Tỉ lệ sinh đẻ thấp, và song song với đó, mức sống của người dân lại được nâng cao từ những thập niên 1960 trở đi, tất cả những điều này đã cải thiện đáng kể tình hình kinh tế gia đình và nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, những năm 1960-1970, các vấn đề liên quan đến trẻ em phát sinh mạnh như: nạn bắt nạt, bạo lực học đường, tỉ lệ trẻ em không đến trường, bạo lực gia đình gia tăng... Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này: do thời gian làm việc trong ngày của người cha quá dài, hoặc người cha đi làm xa, sống xa gia đình, không có thời gian tiếp xúc, chuyện trò với con cái, việc nuôi dạy con phó thác hoàn toàn cho người mẹ ở nhà, cuộc sống gia đình buồn chán, dẫn đến việc chán nản, nạn bắt nạt, bạo lực học đường. Như vậy, một trong những phương hướng giải quyết vấn đề là làm thế nào để các gia đình quay về cuộc sống quây quần, đầm ấm như trước đây, hạn chế việc người cha đi làm xa, hoặc sống đơn thân ở nơi làm việc... Phương hướng được chính phủ đề ra là giảm thiểu thời gian lao động bằng cách thực hiện chế độ nghỉ làm việc 2 ngày 1 tuần (nghỉ thứ 7 và chủ nhật), sắp xếp chỗ ở cho nhân viên gần nơi làm việc,... rất nhiều biện pháp được thực hiện, có sự phối hợp giữa địa phương và các doanh nghiệp

- Chính sách hỗ trợ phụng dưỡng cha mẹ già

Tình trạng già hóa dân số tất yếu kéo theo việc gia tăng các hộ người già đơn thân, hoặc hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng già sống với nhau. Bên cạnh đó, tập quán cha mẹ sống chung với vợ chồng con cái cũng mất dần, càng làm gia tăng tình trạng này. Tất nhiên, không phải cứ sống xa nhau là không có sự giao lưu trong gia đình, nhưng tình trạng sống xa ảnh hưởng đến việc chăm sóc bố mẹ già, và kết quả là chăm sóc người già vốn trước đây là việc của gia đình, nay đã chuyển sang cho các cơ sở phúc lợi xã hội ở địa phương. Chính vì vậy, hoàn thiện và nâng cao cơ sở vật chất chăm sóc người già như bệnh viện, nhà dưỡng lão trở thành một nhu cầu cấp bách của xã hội.

Ngay cả khi bố mẹ sống cùng vợ chồng người con trai trưởng theo truyền thống, thì tới lúc bố mẹ nằm một chỗ, gánh nặng chăm sóc người già sẽ trở nên rất lớn. Người phụ nữ lúc này giữ vai trò chăm sóc chính, họ vừa chăm sóc bố mẹ chồng, bố mẹ mình, và đôi khi, thậm chí là cả người chồng nữa. Lúc này, nhu cầu thuê người giúp đỡ việc nhà, thuê giúp việc theo giờ, theo ngày tăng lên nhanh chóng, nhưng chi phí thuê tại nhà quá cao, nên giải pháp xây dựng các cơ sở chăm sóc người già tại địa phương là khá thỏa đáng. Mặt khác, làm thế nào để vừa chăm sóc bố mẹ già, lại vừa đi làm? Để tạo ra môi trường sống giúp người phụ nữ có thể cân đối giữa công việc nơi công sở và việc nhà, chính phủ đã chú trọng giải pháp tăng cường cung cấp thông tin về các biện pháp chăm sóc người già và các cơ sở chăm sóc trong khu vực.

- Lắng nghe ý kiến người dân

Xã hội già hóa, đô thị hóa, ít trẻ em, phụ nữ tham gia vào các công việc xã hội,... tất cả những điều này đã đưa đến những thay đổi lớn trong gia đình của người Nhật Bản. Cho dù ở thời đại nào thì việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ em, những mầm non tương lai của đất nước thật mạnh khỏe cũng là vấn đề được toàn dân quan tâm. Ý thức được điều này, chính phủ Nhật Bản đã từng bước xây dựng cơ chế lắng nghe ý kiến của người dân và trao đổi thông tin về các vấn đề liên quan đến gia đình, nền tảng nuôi dưỡng trẻ em, bao gồm cả việc phân công trách nhiệm giữa người vợ và người chồng. Một cơ chế hành chính đa dạng và linh hoạt, có khả năng tham khảo ý kiến người dân từ mọi góc độ đã dần từng bước đi vào hoạt động.

- Nâng cao nghiên cứu và giáo dục về vấn đề dân số

Vấn đề kết hôn muộn, không kết hôn, tỉ lệ sinh đẻ thấp, tỉ lệ tử vong ở tầng lớp người cao tuổi giảm,… đã tác động đến tình trạng dân số ở Nhật Bản trong nhiều năm qua, trong đó, già hóa dân số gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế - xã hội của Nhật Bản. Bên cạnh đó, sự biến đổi dân số cũng liên quan chặt chẽ đến các vấn đề về mức sống, sự thay đổi cơ cấu các ngành nghề và việc làm, đô thị hóa, xã hội bằng cấp, vai trò của người phụ nữ trong xã hội, gia đình hạt nhân hóa,… tức là những biến chuyển của xã hội Nhật Bản. Những biến động và tác động này kéo dài trong nhiều thập kỷ, nên rất cần các nghiên cứu cụ thể, đi sâu vào từng vấn đề. Ngoài ra, thông qua giới học giả, giới chính trị - hành chính,… hiện trạng và xu hướng của vấn đề dân số cần được giáo dục, tuyên truyền để người dân ý thức được một cách trọn vẹn những ưu, nhược điểm và các nguy cơ tiềm ẩn, nhằm tìm ra hướng giải quyết đối với toàn xã hội. Hiện nay, các ngành thống kê học, dân số học, xã hội học dân số, kinh tế học dân số... được quan tâm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ở Nhật Bản. Các bài giảng về dân số cũng như chuyên ngành dân số học được mở ở nhiều trường đại học tại Nhật Bản./.

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tài liệu tham khảo chính

1. 『日本の人口・日本の家族』、人口問題審議会、厚生省大臣官房政策課編、厚生省人口問題研究所、1988年 (Dân số Nhật Bản – Gia đình Nhật Bản, Viện Nghiên cứu vấn đề dân số, Bộ Y tế, Phòng chính sách, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Y tế Phúc lợi, 1988)

2.『家族と地域社会』川越淳二、名著出版、1990年 (Kawagoe Junji (1990), Gia đình và xã hội địa phương, NXB.Meicho, 1990)

3.『家族と人口の歴史社会学』斎藤修、リブロポート、1988年 (Saito Osamu, Xã hội học lịch sử về gia đình và dân số, NXB Libro, 1988)

4. 『人口減少社会、未来への責任と選択』厚生省大臣官房政策課編、ぎょうせい出版社、1998年 (Xã hội suy giảm dân số, trách nhiệm và sự lựa chọn tương lai, Phòng chính sách, Văn phòng Bộ trưởng Bộ Y tế Phúc lợi, 1998)

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn