GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN HƯỚNG TỚI ẤN ĐỘ - THÁI BÌNH DƯƠNG TỰ DO VÀ RỘNG MỞ

Đăng ngày: 16-03-2020, 11:52

Những năm gần đây, chiến lược hay ý tưởng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở có thể xem là một trong những tư tưởng chính sách quan trọng nhất của ngoại giao Nhật Bản. Khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương nhanh chóng được chú ý, được thảo luận và là trọng tâm trong chính sách an ninh khu vực. Trọng điểm ngoại giao của Nhật Bản là hiện thực hóa khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do rộng mở, thúc đẩy thịnh vượng và ổn định toàn khu vực, tăng cường liên kết Á-Phi kết nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương tự do rộng mở.

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản bắt nguồn từ bài phát biểu của Thủ tướng Abe Shinzo tại Hội nghị quốc tế Tokyo lần thứ sáu về phát triển châu Phi (TICAD VI) năm 2016. Trong bài phát biểu này, ông Abe nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp, nền kinh tế mở, không bị ép buộc, tự do và thịnh vượng từ châu Á đến châu Phi thông qua Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Theo Nhật Bản, phạm vi địa lý của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương rất quan trọng đối với sự thịnh vượng về an ninh và kinh tế. Các tuyến đường biển kết nối SLOC (Sea Lines of Communications) trải dài từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương rất quan trọng đối với nhập khẩu năng lượng của Nhật Bản vì Nhật Bản phụ thuộc vào SLOC này cho khoảng 80% lượng dầu nhập khẩu. Khu vực rộng lớn này cũng tạo cơ hội cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội ở Châu Phi, Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á.

Trước hết, Nhật Bản coi mối quan hệ đồng minh với Mỹ là quan trọng để đảm bảo an ninh và sự thịnh vượng kinh tế của riêng mình, và liên minh Nhật-Mỹ là cốt lõi của chiến lược Nhật Bản. Do đó, Nhật Bản cố gắng duy trì cam kết của Mỹ đối với khu vực bằng cách liên tục củng cố liên minh. Thứ hai, Nhật Bản nhận thấy rằng Trung Quốc sẽ thách thức trật tự quốc tế hiện có. Kể từ khi Trung Quốc tăng cường sự quyết đoán trong lĩnh vực hàng hải, ảnh hưởng chính trị và kinh tế ngày càng tăng trong khu vực, Nhật Bản cho rằng cần phải quan sát Trung Quốc kỹ lưỡng theo nhiều cách. Thứ ba, Nhật Bản coi điều quan trọng là tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia có cùng chí hướng, cụ thể là Úc và Ấn Độ, cũng như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, tổ chức đa phương cốt lõi ở châu Á. Trong khi các nhóm như vậy vẫn chưa hạn chế hành động của Trung Quốc trong khu vực, việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược nhằm bù đắp cho những gì được coi là suy giảm ảnh hưởng ngoại giao tương đối của Mỹ trong khu vực.

Về bối cảnh xuất hiện, có thể nói ý tưởng FOIP của Nhật Bản gắn với ba yếu tố: xu hướng chiến lược dài hạn ở châu Á, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và cam kết cá nhân của Abe lên khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Thứ nhất, xu hướng dài hạn của việc thay đổi môi trường chiến lược ở châu Á đã thúc đẩy Nhật Bản điều chỉnh chiến lược của mình. Nhật Bản đã lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường năng lực quân sự và kinh tế kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tuy nhiên, Nhật Bản không sợ năng lực vật chất ở mức thấp của Trung Quốc trong những năm 1990 và 2000 mặc dù có sự tăng trưởng nhanh chóng và họ tự tin vào khả năng của mình để cân bằng với Trung Quốc bằng liên minh Nhật-Mỹ.

Tuy nhiên, do Trung Quốc liên tục gia tăng vị thế, Nhật Bản cho rằng cần phải tăng cường quan hệ xã hội, kinh tế và an ninh với các quốc gia có cùng chí hướng, như Ấn Độ và Úc và ASEAN. Trên thực tế, Nhật Bản bắt đầu cải thiện mối quan hệ với Ấn Độ vốn từng bị hủy hoại do vụ thử hạt nhân năm 1998. Vào năm 2000, Nhật Bản và Ấn Độ thiết lập Quan hệ đối tác toàn cầu, nâng thành Quan hệ đối tác toàn cầu chiến lược vào năm 2006, sau đó lên Quan hệ đối tác toàn cầu và chiến lược toàn cầu năm 2014 và mở rộng phạm vi hợp tác.

Với Úc, Nhật Bản đã thể chế hóa cuộc đối thoại bộ trưởng ngoại giao ba bên Nhật-Mỹ-Úc, Đối thoại chiến lược ba bên (TSD) năm 2005, dẫn đến sự sắp xếp an ninh song phương thông qua Tuyên bố chung về hợp tác an ninh Nhật Bản-Úc năm 2007 trên cơ sở tuyên bố, hợp tác an ninh song phương sau đó đã được đào sâu thông qua các phương thức như ký kết Hiệp định hỗ trợ quân nhu (ACSA) năm 2010 và Thỏa thuận bảo mật thông tin chung (GSOMIA) năm 2012.

Những nỗ lực của Nhật Bản để tăng cường mối quan hệ với ASEAN cũng được thể hiện rõ. Nhật Bản và ASEAN thông qua tuyên bố chung về quan hệ đối tác kinh tế toàn diện vào năm 2002 và Tuyên bố Tokyo năm 2003, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược Nhật Bản-ASEAN vì hòa bình và thịnh vượng. Sự hợp tác của họ đã dần phát triển, trong khi hợp tác an ninh vẫn chỉ giới hạn trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống, chẳng hạn như chống cướp biển và hỗ trợ nhân đạo/cứu trợ thảm họa (HA/DR). Tuy nhiên, nhận thức về mối đe dọa Trung Quốc trở nên rõ hơn từ năm 2009, khi một số sự kiện xảy ra liên tiếp. Đầu tiên, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 làm suy yếu nền tảng kinh tế của Mỹ; sự quyết đoán của Trung Quốc tăng lên ở Biển Đông và Hoa Đông năm 2010; sau đó, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản về GDP vào năm 2010, và cuối cùng, sự phát triển của chiến tranh phi đối xứng của Trung Quốc, dưới sự điều chỉnh các khả năng “Chống tiếp cận/Chống xâm nhập khu vực” hay còn gọi tắt là “Chống xâm nhập/Khu vực cấm” (Anti-Access/Area Denial, viết tắt là A2/AD), tất cả đều đặt ra câu hỏi liệu Nhật Bản có thể duy trì chiến lược dựa trên liên minh Nhật-Mỹ.

Thứ hai, xu hướng ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc sẽ tiếp tục trong tương lai gần. Vào năm 2016, sáng kiến Vành đai và Con đường Trung Quốc (BRI) thu hút sự chú ý của quốc tế khi các dự án cơ sở hạ tầng của nó thu hút nhiều quốc gia ở Đông Âu, Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á, cần đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi BRI của Trung Quốc được tuyên truyền, bắt đầu bằng các bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình về Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 năm 2013, dù không thu hút sự chú ý từ phương Tây ngay lập tức, nhưng theo thời gian phần nào giành được sự ủng hộ quốc tế, BRI trở thành chính sách phát triển hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2016. Do chính sách phát triển của Trung Quốc không phải lúc nào cũng tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế, như bảo vệ quyền con người/lao động và bảo vệ môi trường, Nhật Bản bắt đầu đặt ra mối quan ngại vì hỗ trợ phát triển sẽ tạo cho Trung Quốc một đòn bẩy để thách thức quốc tế các tiêu chuẩn cũng như ảnh hưởng chính trị và kinh tế đối với những bên chấp nhận hỗ trợ của Trung Quốc.

Ngoài ra, năm 2016 cộng đồng quốc tế chứng kiến Bắc Kinh từ chối chấp nhận Phán quyết của Tòa Trọng tài về vấn đề Biển Đông. Mặc dù Trung Quốc làm rõ lập trường đối với Tòa án Trọng tài năm 2014 bằng cách cung cấp chứng cứ theo lập luận của họ, chính phủ Nhật Bản ủng hộ phán quyết và coi việc từ chối phán quyết là một thách thức đối với luật pháp quốc tế. Đồng thời, các quốc gia thành viên ASEAN đã đàm phán với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông từ những năm 1990, nhưng không thể đạt được sự đồng thuận để đưa ra tuyên bố của ASEAN. Sự phát triển của môi trường chiến lược châu Á này đặt điều kiện cho Nhật Bản đề xuất FOIP.

Thứ ba, niềm tin cá nhân của thủ tướng Abe rằng khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ trở thành trung tâm của lực hấp dẫn địa chính trị cho Nhật Bản, là nhân tố cuối cùng tạo ra FOIP. Điều này có thể được bắt đầu từ bài phát biểu năm 2007 của ông tại Quốc hội Ấn Độ về sự kết hợp hai vùng biển, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ để kết nối Ấn Độ Dương với Châu Á Thái Bình Dương, hình thành nên một Châu Á rộng lớn hơn. Chính quyền Abe lần thứ nhất tồn tại trong một năm từ 2006 đến 2007, chính quyền Abe lần thứ hai tiếp tục tuyên bố tầm quan trọng của Ấn Độ và kết nối với Thái Bình Dương. Điều này được viết rõ ràng trong bài tiểu luận ngắn của ông như “An ninh Kim cương Dân chủ của Châu Á” (Asia’s Democratic Security Diamond) trong Dự án Syndicate năm 2012[1]; bài phát biểu chưa được gửi tại Indonesia năm 2013, “Lợi ích của vùng biển mở -5 nguyên tắc ngoại giao mới của Nhật Bản” (開かれた,海の恵-日本外交の新たな5原則-)[2]; bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2014, “Hòa bình và thịnh vượng ở châu Á mãi mãi” (アジアの平和と繁栄よ、永遠(とこしえ)なれ)[3]. Theo những tư tưởng này, tư duy chiến lược của ông Abe về cân bằng quyền lực trong khu vực đã tạo ra FOIP.

Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương về xuất phát điểm được coi là chiến lược căn bản đối trọng với Trung Quốc. Trung Quốc gia tăng sức mạnh trên Ấn Độ-Thái Bình Dương, do đó cần thúc đẩy chiến lược đối trọng với Trung Quốc trên quan điểm tổng hợp, có biện pháp toàn diện thông qua Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) cũng như Hội nghị thượng đỉnh châu Á (EAS), với trọng tâm không chỉ là Biển Đông mà cả tự do hàng hải, thương mại, công nghệ cao, năng lượng, cơ sở hạ tầng và vấn đề Đài Loan. Tự do hàng hải, hòa bình và ổn định tại Ấn Độ-Thái Bình Dương không tách rời với hòa bình, ổn định khu vực. Đặc biệt, đối với Nhật-Mỹ, quan trọng là đảm bảo tuyến đường biển Ấn Độ-Thái Bình Dương, không để Trung Quốc kiểm soát. Ngoài ra, Nhật Bản tăng cường khả năng ứng phó với “Vùng xám”, đảm bảo vùng biển là tiền tuyến quốc gia, chống tiếp cận/xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc.

Tuy nhiên, suy nghĩ chiến lược không hẳn là bất biến bởi vì khái niệm về “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)” vốn có sự tiến hóa. Mặc dù các nguyên tắc khó có thể thay đổi, cách tiếp cận của Nhật Bản để thực hiện nó sẽ thay đổi theo thời gian. Nhật Bản cố gắng làm cho khái niệm FOIP trở nên linh hoạt nhất có thể để điều chỉnh môi trường chiến lược thay đổi nhanh chóng. Nhật Bản đã điều chỉnh “chiến lược” Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở thành tên khéo léo là “ý tưởng”, ngay trước chuyến thăm Trung Quốc của thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo tháng 10 năm 2018 nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Năm 2019, tài liệu “Hướng tới Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” đăng trên website của Bộ ngoại giao Nhật Bản, trong đó bản tiếng Nhật dùng từ ý tưởng (Kangaekata), bản tiếng Anh sử dụng từ “Vision”[4].

Mặt khác, trong bối cảnh chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương có sự xuất hiện của Trung Quốc, mạng lưới bao vây có trụ cột là đồng minh Nhật-Mỹ trước sự hiện diện trên biển của nước này, hay sáng kiến hợp tác kinh tế chủ đạo là Nhật Bản đối trọng với sáng kiến Vành đai Con đường mà Trung Quốc đang triển khai. Tuy nhiên, tình hình quan hệ Nhât-Trung đang cải thiện, thái độ Nhật Bản đối với Vành đai Con đường cũng khác, hướng tới hợp tác các doanh nghiệp tư nhân phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp tác thị trường tại nước thứ 3, ý nghĩa kiềm chế Trung Quốc giảm nhẹ so với ban đầu. Ngoài ra, lưu ý đến lo ngại của các nước châu Á có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, tên gọi chiến lược cũng điều chỉnh thành ý tưởng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở[5].

Ý tưởng chiến lược này nhấn mạnh giá trị quan tự do hàng hải, thượng tôn pháp luật,… mong muốn thịnh vượng kinh tế bằng việc tăng cường liên kết qua đảm bảo cơ sở hạ tầng, chính phủ Nhật Bản cụ thể hóa chính sách như sau: (1) định hình và phổ biến tự do thương mại, thượng tôn pháp luật, tự do hàng hải; (2) Theo đuổi mục đích kinh tế thịnh vượng toàn khu vực thông qua tăng cường liên kết kinh tế và kết nối cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế; (3) Thúc đẩy đảm bảo hòa bình và ổn định bao gồm hỗ trợ tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển, chống cướp biển, phòng chống thiên tai, chống phổ biến vũ khí[6].

Hiện nay, khi đề cập về hợp tác khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, có ý kiến cho rằng hợp tác này không chỉ là Nhật, Mỹ, Australia, Ấn Độ mà cả sự tham dự của Anh, Pháp vào khu vực, thúc đẩy chiến lược đối trọng Trung Quốc, đòi hỏi liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa các nước đối tác, đồng minh thông qua thúc đẩy đầu tư tư nhân và cơ sở hạ tầng, an ninh mạng, năng lượng, kỹ thuật số mà Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã từng chỉ ra. Hiện nay, hợp tác Nhật-Mỹ-Ấn-Australia tập trung vào lĩnh vực đảm bảo an ninh. Để thúc đẩy điều này, Tổng thống Donald Trump ký ban hành Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á ngày 31/12/2018, nhấn mạnh mối đe dọa Trung Quốc làm phương hại an ninh Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, đồng thời chỉ rõ việc thực thi chiến lược tự do hàng hải và luyên tập chung trên biển với các đối tác và đồng minh trong khu vực nhằm bảo vệ hệ thống quốc tế dựa trên pháp luật.

Theo nhà nghiên cứu Nishihara Masashi, Viện nghiên cứu Hòa bình và An ninh Nhật Bản, Nhật-Mỹ nên triển khai xây dựng Ấn Độ-Thái Bình Dương mang tính chiến lược. Ý tưởng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở nên thêm Anh, Pháp vào nhóm QUAD gồm Nhật-Mỹ-Úc-Ấn, tạo thành nhóm liên kết ít nhất là 6 quốc gia. Hai nước Nhật-Mỹ cùng thể hiện mối quan tâm mạnh mẽ vai trò đảm bảo an ninh trên biển Ấn Độ-Thái Bình Dương, tham gia chiến lược tự do hàng hải trên biển Đông. Gần đây, hợp tác quốc phòng Nhật-Anh và Nhật-Pháp đang được thúc đẩy. Anh từ năm 1971 đã có hiệp định phòng vệ 5 nước với Singapore, New-zealand, Malaixia, Australia, sở hữu đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương và có một căn cứ không quân ở Mỹ. Pháp có hàng ngàn binh sĩ tại các căn cứ ở New Caledonia và Polynesia thuộc Pháp phía tây nam Thái Bình Dương và trên đảo Mayotte ở Ấn Độ Dương[7].

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Asia’s democratic security diamond, truy cập ngày 10/2/2020 tại https://www.livemint.com/Opinion/viqg2XC8fhRfjTUIcctk0M/Asias-democratic-security-diamond.html

[2] 開かれた,海の恵-日本外交の新たな5原則-, truy cập ngày 10/2/2020 tại https://www.mofa.go.jp/mofaj/press/enzetsu/25/abe_0118j.html

[3] 「アジアの平和と繁栄よ、永遠(とこしえ)なれ」, truy cập ngày 10/2/2020 tại https://www.kantei.go.jp/jp/96_abe/statement/2014/0530kichokoen.html

[4] 自由で開かれたインド太平洋, truy cập ngày 10/3/2020 tại https://www.mofa.go.jp/mofaj/gaiko/page25_001766.html

[5] Kanda Shigeru, 自由で開かれたインド太平洋と米中対立, truy cập ngày 10/3/2020 tại https://www.sangiin.go.jp/japanese/annai/chousa/rippou_chousa/backnumber/2019pdf/20190206002.pdf#search='%E8%87%AA%E7%94%B1%E3%81%A7%E9%96%8B%E3%81%8B%E3%82%8C%E3%81%9F%E3%82%A4%E3%83%B3%E3%83%89%E5%A4%AA%E5%B9%B3%E6%B4%8B%E3%81%A8%E7%B1%B3%E4%B8%AD%E5%AF%BE%E7%AB%8B'

[6] 自由で開かれたインド太平洋に向けて, truy cập ngày 10/3/2020 tại  https://www.mofa.go.jp/mofaj/files/000407642.pdf

[7] Nishihara Masashi, 自由の「インド太平洋」に英仏を, truy cập ngày 15/3/2020 tại https://special.sankei.com/f/seiron/article/20200312/0001.html

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn