GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TẠI NHẬT BẢN ĐƯƠNG ĐẦU RỦI RO MẤT VIỆC LÀM DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Đăng ngày: 3-11-2020, 09:17

Nhật Bản tăng tiếp nhận người lao động nước ngoài

Số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công bố vào thời điểm cuối tháng 10 năm 2019 cho thấy số lượng người lao động nước ngoài trên toàn Nhật Bản tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2018 lên 1.658.804 và số cơ sở thuê người lao động nước ngoài tăng 12,1% lên 242.608. Cả hai khía cạnh này đều đạt mức cao kỷ lục kể từ khi báo cáo bắt đầu thực hiện vào năm 2007[1].

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, ước tính sẽ thiếu 6,44 triệu lao động vào năm 2030 và tình trạng thiếu lao động đã trở nên nổi bật trong các lĩnh vực như giao thông, ăn uống, chăm sóc điều dưỡng, lưu trú và xây dựng. Đây là một con số được cho là vẫn chưa đủ ngay cả khi tính đến sự tiến bộ trong xã hội của phụ nữ và lực lượng lao động của thế hệ có tuổi sau khi nghỉ hưu. Nói cách khác, do tỷ lệ sinh giảm và dân số già, sự thiếu hụt dân số lao động có thể cản trở sự bền vững của nền kinh tế và cơ sở hạ tầng xã hội Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản thông qua Luật Kiểm soát Nhập cư sửa đổi tại cuộc họp chính của Hạ viện vào ngày 8 tháng 12 năm 2018 và bắt đầu thực thi vào tháng 4 năm 2019, xác định “Kỹ năng đặc định” là "tư cách lưu trú mới cho người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản". Mục đích chính của các kỹ năng đặc định là mở rộng sự tiếp nhận người lao động nước ngoài nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động ngày càng tăng, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp nhỏ. Hiện tại, lệnh cấm tuyển dụng người nước ngoài đã được dỡ bỏ đối với 14 ngành nghề mà tình trạng thiếu lao động ngày càng trầm trọng ở Nhật Bản[2].

Ban đầu, thị thực lao động cho người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản chỉ có thể được cấp bởi các "nghề nghiệp đòi hỏi kỹ năng cao" như kỹ sư, thông dịch viên, quan hệ công chúng, bác sĩ và thương mại. Tư cách lưu trú theo “Kỹ năng đặc định” tiếp nhận người nước ngoài đến từ 9 quốc gia (Việt Nam, Philippines, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Nepal, Mông Cổ) trong 14 ngành nghề như ăn uống, nông nghiệp, xây dựng, lưu trú, điều dưỡng trong 5 năm. Điều này cho phép người nước ngoài làm việc trong một số ngành nghề cụ thể. Đây là một sáng kiến mới nhằm mở ra cơ chế lao động giản đơn cho người nước ngoài.

Trước khi có hình thức lưu trú “kỹ năng đặc định”, “thực tập kỹ năng” là một hệ thống chính sách với danh nghĩa "đóng góp quốc tế", trong đó các kỹ năng được đào tạo ở Nhật Bản, sau khi trở về sẽ được sử dụng cho sự phát triển của đất nước. Nhóm lao động này có thể ở lại đến 3 đến 5 năm và gia hạn sang thị thực kỹ năng đặc định bằng cách làm bài kiểm tra theo quy định.

Với hình thức “kỹ năng đặc định”, Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 345.000 người trong năm năm đầu tiên và lên đến 40.000 người trong năm đầu tiên, nhưng số lượng người nước ngoài có các kỹ năng đặc định vẫn ở mức 1019 người (thời điểm cuối tháng 11 năm 2019)[3].

Lao động Việt Nam ở Nhật Bản

Theo số liệu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản về tình hình thông báo tuyển dụng lao động nước ngoài, tính đến cuối tháng 10/2019, số lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản là 401.326 người, cao thứ hai sau Trung Quốc, và tốc độ gia tăng là 26,8% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng lớn nhất trong nhóm người lao động nước ngoài. Số lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã tăng gần 20 lần từ 26.828 người năm 2012 đến năm 2019.

Theo quốc tịch, lao động Việt Nam chiếm 24,2% tổng số người lao động nước ngoài, với 401.326 người, chỉ đứng sau người Trung Quốc với 418.327 (25,2% tổng số). Tiếp theo là Philippines: 179.685 (10,8%), Brazil: 135.455 (8,2%) và Nepal: 91.770 (5,5%).

Xét về tốc độ gia tăng lao động, Việt Nam dẫn đầu với mức tăng 26,7%, vượt qua Indonesia với mức tăng + 23,4% và Nepal với mức tăng 12,5%.

Cơ cấu người lao động Việt Nam theo tư cách lưu trú như sau:

- Đào tạo kỹ năng: 193.912 người (48,3% tổng số),

- Hoạt động ngoài tư cách lưu trú: 137.410 (34,2%) (bao gồm 130.893 du học sinh),

- Tư cách lưu trú trong lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật: 49.159 (12,2%)

- Tư cách lưu trú theo dạng vĩnh trú, vợ/chồng người Nhật Bản,…): 14,646 (3,6%)

- Khác (hoạt động cụ thể,…): 6.199 người (1,54%)

Xét theo ngành nghề, tình hình như sau:

- Ngành sản xuất: 147.143 người (36,7% tổng số)

- Ngành dịch vụ ăn uống: 58.360 người (14,5%)

- Ngành dịch vụ: 52.286 người (13,0%)

- Ngành xây dựng: 46.783 người (11,7%)

- Bán buôn/Bán lẻ: 43.086 (10,7%)

- Y tế và phúc lợi: 4.926 (1,2%)

- Ngành thông tin và truyền thông: 4.645 người (1,2%)

- Kinh doanh hỗ trợ giáo dục/học tập: 1.627 người (0,4%)

Có thể thấy tỷ lệ của ngành công nghiệp sản xuất, ngành đang thúc đẩy sự phát triển của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam, là cao nhất. Ngành công nghiệp lưu trú bao gồm việc phục vụ người nước ngoài làm việc tại Nhật Bản, và các dịch vụ ăn uống như nhân viên cửa hàng tiện lợi mà du học sinh làm việc bán thời gian[4].

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cùng với nền tảng là các cơ sở giáo dục hỗ trợ đang được nâng cao và mở rộng giữa chính phủ Nhật Bản và Việt Nam, ngày càng có nhiều người Việt Nam mong muốn được làm việc tại đất nước xứ sở hoa Anh đào. Mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai nước cũng là một luồng gió thuận lợi và góp phần làm tăng lượng lao động Việt Nam gần đây.

Rủi ro mất việc làm do đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Nhật Bản. Trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, tình trạng nền kinh tế tồi tệ hơn so với dự đoán ban đầu, với mức suy giảm tính theo năm là 28,1%. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1980, khi Chính phủ Nhật bắt đầu lưu trữ dữ liệu so sánh. Các chuyên gia có cùng quan điểm là con đường phục hồi sẽ còn kéo dài và nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh này, nhóm người lao động nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn do công việc bấp bênh, thu nhập suy giảm. Tại văn phòng tư vấn của các tổ chức phi lợi nhuận, một số người lao động nước ngoài đã chia sẻ với tư vấn viên rằng ca làm việc bị cắt giảm, thu nhập cũng giảm mạnh. Những người khác thì cho biết quản lý viện lý do giảm doanh thu để gây sức ép buộc họ thôi việc. Đối với một số người, thu nhập giảm đồng nghĩa với việc họ không thể trang trải cuộc sống tại Nhật[5].

Theo thống kê, số lượng thực tập sinh bị mất việc tính đến tháng 9/2020 là 3627 người, cao gấp 4 lần so với thời điểm tháng 5 và có xu hướng liên tục tăng. Trong số này, 1378 người không tìm được nơi làm việc tiếp theo, chiếm gần 40% tổng số thực tập sinh bị sa thải[6].

Hình 1: Số vụ thực tập sinh bị sa thải do đại dịch Covid-19

Đơn vị: người

NGƯỜI LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI TẠI NHẬT BẢN ĐƯƠNG ĐẦU RỦI RO MẤT VIỆC LÀM DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Nguồn: NHK

Về nguyên tắc, thực tập sinh được hỗ trợ bởi tổ chức giám sát, cơ quan  giới thiệu người lao động đến các công ty để đào tạo. Tổ chức giám sát được quy định sẽ giới thiệu việc làm mới và hỗ trợ các thực tập sinh muốn quay về nước ngay cả khi điều kiện kinh doanh của công ty xấu đi và thực tập sinh bị sa thải. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, tình hình kinh doanh của các công ty nhận thực tập sinh kỹ thuật ngày càng sa sút, số lượng thực tập sinh bị sa thải ngày càng tăng nhanh, có trường hợp không nhận kịp hỗ trợ của tổ chức giám sát.

Trong khi ảnh hưởng của Covid-19 đang kéo dài, chính phủ Nhật Bản đang cố gắng mở rộng hỗ trợ bằng cách mở rộng phạm vi ngành nghề mà các thực tập sinh bị sa thải có thể thay đổi công việc và kéo dài thời gian lưu trú của những thực tập sinh không thể quay trở về nước. Song có rất nhiều thực tập sinh không được hỗ trợ tốt.

Hệ thống thực tập kỹ năng tiếp nhận người lao động nước ngoài đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp sự thiếu hụt lao động ở Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản cần mở rộng hỗ trợ với lực lượng lao động không thể thiếu này vì tình huống khẩn cấp Covid-19 tiếp tục lây lan.

Luật Tiêu chuẩn Lao động của Nhật quy định các công ty phải trả cho nhân viên ít nhất 60% lương trung bình trong trường hợp họ buộc những người này phải nghỉ làm. Điều khoản này được áp dụng đối với tất cả người lao động, không phân biệt quốc tịch, nhân viên chính thức hay không chính thức. Tuy nhiên, nhiều người lao động nước ngoài không biết quy định này nên không nhận được khoản tiền trên.

Đánh giá tình hình thực tập sinh hiện nay, Phó Giáo sư Yoshihisa Saito, Trường Đại học Kobe, cho rằng tổ chức giám sát sẽ hỗ trợ cho đến khi thực tập sinh trở về nước, nhưng hiện nay có nhiều công ty mà ban quản lý rất khó tiếp tục tuyển dụng vì tình hình khó khăn, đặc biệt là không thể đưa họ về nước ngay. Ban đầu không tính đến tình hình khẩn cấp như vậy, một mình tổ chức giám sát cũng khó giải quyết, vì hệ thống này do chính phủ khởi động nên chính phủ không giao cho tư nhân. Cho đến khi thực tập sinh có thể quay trở về nước, cần hỗ trợ tích cực như bằng cách cho họ ở tại nhà tạm trú[7].

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] 日本のベトナム人労働者数は40万人超、国籍別では第2位で、増加率はトップ, truy cập ngày 1/11/2020 tại https://deha.co.jp/magazine/vietnamese-wokers-in-japan/

[2] 【2020年最新版】特定技能を取得できる国籍とは?各国に対する手続きまで解説, truy cập ngày 1/11/2020 tại https://dnus.jp/articles/295

[3] なかなか進まない特定技能。実はもっと負担なく人手確保が出来る方法とは?, truy cập ngày 1/11/2020 tại https://dnus.jp/articles/248

[4] 日本のベトナム人労働者数は40万人超、国籍別では第2位で、増加率はトップ, truy cập ngày 1/11/2020 tại https://deha.co.jp/magazine/vietnamese-wokers-in-japan/

[5] Khó khăn của người lao động nước ngoài tại Nhật trong đại dịch, truy cập ngày 1/11/2020 tại https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/news/backstories/1024/

[6], [7] 彼は駅に捨てられた…, truy cập ngày 1/11//2020 tại https://www3.nhk.or.jp/news/html/20201022/k10012672371000.html?utm_int=detail_contents_news-related_003

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn