GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ÔNG KISHIDA FUMIO TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 100 CỦA NHẬT BẢN VÀ PHẢN ỨNG CỦA CÁC NƯỚC

Đăng ngày: 4-10-2021, 08:01

Ngày 04/10/2021, tại cuộc họp toàn thể hai viện của Quốc hội Nhật Bản, tân Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) Kishida Fumio (64 tuổi) đã chính thức được bầu làm thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản, tiếp quản quyền điều hành từ Thủ tướng Suga Yoshihide (72 tuổi).

Theo kết quả cuộc bầu cử chức vụ Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Kishida được 311 phiếu bầu, đại diện Đảng Dân chủ Lập hiến Edano được 124 phiếu bầu, đại diện Hội Nhật Bản Duy tân (Nippon Ishin no Kai) được 11 phiếu bầu, đại diện Đảng Dân chủ Nhân dân Tamaki được 11 phiếu bầu, Chủ tịch điều tra các vấn đề chính trị đảng LDP Takaichi được 1 phiếu bầu. Kết quả là ông Kishida Fumio đã được bầu là Thủ tướng với sự ủng hộ của liên minh cầm quyền gồm Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Công minh[1].

Nội các của Thủ tướng Suga đã từ chức vào sáng 4/10 và tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio sẽ ra mắt Nội các mới vào buổi tối cùng ngày. Tại lễ nhậm chức diễn ra tại Hoàng cung, sau khi Nhật Hoàng bổ nhiệm Thủ tướng, việc chỉ định Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được tiến hành và Nội các mới chính thức ra mắt. Thủ tướng Kishida sẽ tổ chức cuộc họp báo đầu tiên vào đêm ngày 4/10 để giải thích về các mục tiêu và chính sách cơ bản của chính quyền mới. Nội các của tân Thủ tướng Kishida dự kiến ​​sẽ chủ yếu bao gồm nhiều đồng minh của cựu Thủ tướng Abe Shinzo và hơn một nửa số vị trí sẽ được lấp đầy bởi các thành viên chưa từng giữ chức vụ trong nội các, trong đó cựu Bộ trưởng Olympic Nhật Bản Suzuki Shunichi sẽ kế nhiệm ông Aso Taro giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Suzuki Shunichi là con trai của cựu Thủ tướng Suzuki Zenyuki và là em trai của phu nhân ông Aso Taro, đương kim Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hai vị trí Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Motegi Toshimitsu và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Kishi Nobuo (em trai của cựu Thủ tướng Abe) vẫn được giữ lại trong Nội các mới.

Phản ứng trước việc Nhật Bản có nhà lãnh đạo mới, từ vài ngày trước đó các hãng truyền thông lớn nước ngoài đều đồng loạt đưa tin. Tại Mỹ, tờ The Wall Street Journal cho biết: “Ông Kishida giống như những người tiền nhiệm đều ủng hộ một liên minh Nhật - Mỹ mạnh mẽ và quan ngại về sự bành trướng quân sự của Trung Quốc. Ông Kishida đã đạt đến địa vị tối cao nhờ vào sự ủng hộ của vị lão thành trong nội bộ đảng cầm quyền, hơn là sức thu hút từ những chính sách mới mẻ được tuyên bố trên truyền hình”. Hãng tin Mỹ AP đã thống kê một loạt những vấn đề mà nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản sẽ phải giải quyết, từ đối nội với một nền kinh tế đang ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, đến đối ngoại với một đồng minh là Mỹ ngày càng có nhiều dấu hiệu hướng nội và những thách thức cũng ngày càng gia tăng về mặt an ninh đến từ Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Tờ Washington Post đăng ý kiến của một chuyên gia cho biết: “Washington rất quan tâm đến việc Nhật Bản sẵn sàng chấp nhận Đài Loan thay đổi như thế nào dưới thời ông Kishida và liệu ông ấy có hành động để cải thiện quan hệ với Hàn Quốc hay không”.

Tại châu Âu, trong khi BBC của Anh đề cập đến nhiệm vụ đầu tiên mà ông Kishida phải đối mặt sắp tới là dẫn dắt LDP giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào cuối tháng 10/2021, hãng tin AFP của Pháp giới thiệu ông Kishida là "một chính khách được nhiều người công nhận là đáng tin cậy, nhưng lại hòa nhã đến mức đôi khi bị cho là thiếu sức hút". Tờ Financial Times (FT) cũng chỉ ra rằng Đảng Dân chủ Tự do "Thay vì đặt cược vào một thế hệ lãnh đạo mới, đã giao phó tương lai cho sự ổn định"[2].

Còn tại Hàn Quốc, một số ý kiến dự đoán rằng, ông Kishida là người khá "ôn hòa" trong đảng LDP, bởi vậy có thể kỳ vọng vào việc quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quan điểm của Kishida Fumio đối với phán quyết của tòa án Hàn Quốc về việc bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức và "Phụ nữ an ủi" tương tự như quan điểm của Nội các trước đây, bởi vậy mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể sẽ chưa được cải thiện trong ngắn hạn.

Cụ thể, trong một bài viết của hãng tin Yonhap đã nhận xét ông Kishida là nhân vật thuộc phái "bồ câu" có mối quan tâm đáng kể đến mối quan hệ Hàn - Nhật trong Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản. Trích ý kiến của một chuyên gia nước này, bài đăng trên Yonhap viết: So với chính quyền trước đây, tân chính quyền Kishida có khả năng đưa ra một cách tiếp cận chân thành hơn để cải thiện quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản. Một bài báo khác viết rằng tân Thủ tướng Nhật Bản "từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật vào thời điểm thỏa thuận về vấn đề "Phụ nữ an ủi" giữa Nhật Bản và Hàn Quốc được ký kết năm 2015". Việc phía Hàn Quốc đã đơn phương bãi bỏ thỏa thuận Nhật - Hàn về "Phụ nữ an ủi" mà ông Kishida đã dày công xây dựng có thể tạo ra sự bất mãn đối với chính phủ Hàn Quốc. Hơn nữa, vì rất ít có khả năng xảy ra một sự thay đổi lớn chỉ bằng cách thay đổi Thủ tướng

 

 

 

 

trong hệ thống lãnh đạo kéo dài của LDP, bài báo kết luận: "Không đơn giản khi kỳ vọng vào những thay đổi mạnh mẽ trong quan hệ song phương đã nguội lạnh giữa hai bên".

Báo Chosun Ilbo giới thiệu rằng ông Kishida thuộc phái "Kochikai" trong nội bộ LDP vốn có quan điểm ngoại giao coi trọng khu vực châu Á. Nếu ông Kishida dẫn dắt LDP chiến thắng tại cuộc bầu cử Hạ viện vào mùa thu năm nay và chính quyền mới đi vào giai đoạn ổn định, "chúng ta có thể mong chờ vào sự cải thiện của quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản trong tương lai."

Báo JoongAng Ilbo nhắc lại kết quả cuộc thăm dò trước bầu cử Chủ tịch LDP rằng xếp hạng của ông Kishida chỉ đứng thứ ba sau Bộ trưởng vắc xin Kono Taro và cựu Tổng thư ký Ishiba Shigeru. Tờ báo viết: Ông Kishida là “Thủ tướng được các nghị sĩ chọn, thay vì thủ tướng được người dân mong muốn.

Về phản ứng của giới chức Hàn Quốc, theo Yonhap, một quan chức cấp cao của Nhà Xanh Hàn Quốc ngày 29/9 đã phát biểu rằng: "Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Nội các Nhật Bản mới thành lập vì sự phát triển của mối quan hệ hướng tới tương lai giữa với Nhật Bản và Hàn Quốc." Theo bài báo, chính phủ Hàn Quốc luôn khẳng định sẽ đối xử khác biệt với các vấn đề lịch sử và hướng tới sự hợp tác trong tương lai với phía Nhật Bản.

Nhà Xanh (Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc) hôm 30/9 đã cho biết, "Vào ngày 4/10, Khi ông Kishida, chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản được bầu làm Thủ tướng tại Quốc hội Nhật Bản, Hàn Quốc dự kiến sẽ cân nhắc việc gọi điện thoại chúc mừng và đàm thoại thượng đỉnh". Tổng thư ký truyền thông quốc gia của Nhà Xanh Park Soo-hyun trên một chương trình phát thanh gần đây cho biết: "Nhật Bản có ý chí mạnh mẽ (để cải thiện quan hệ) và chúng tôi về cơ bản cũng có ý chí mạnh mẽ. Vì vậy chúng tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của cả hai nước sẽ có thể hội đàm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon"[3].

Vào năm 2019, Nhật Bản đã phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc về việc bồi thường cho các công nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong Thế chiến II và thực hiện các biện pháp trả đũa thương mại. Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã bị đình trệ kể từ đó. Cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Hàn đã được xúc tiến tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5/2021 nhưng không thành công. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cũng đã lên kế hoạch về chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Moon Jae-in và cuộc gặp thượng đỉnh Nhật - Hàn tại Thế vận hội Tokyo năm nay, nhưng kế hoạch này một lần nữa lại đổ vỡ do những bình luận không thích hợp của một nhà ngoại giao Nhật Bản tại Hàn Quốc [4]. Vào thời điểm đó, Tổng thống Moon Jae-in cho biết đã rất tiếc và nói: “Tình hình là như vậy, nhưng tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của cả hai nước có thể sẽ gặp nhau bất cứ lúc nào”.

Tại Trung Quốc các phương tiện truyền thông tỏ ra khá bận rộn sau khi ông Kishida trúng cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do cầm quyền. Thời báo Hoàn cầu trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc trong một ngày đưa khoảng gần 10 tin liên quan và Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng làm một chương trình đặc biệt. Thời báo Hoàn cầu ngày 29/9 đánh giá chính sách đối ngoại của chính quyền mới của Nhật Bản sẽ không có những thay đổi quan trọng, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh Trung - Mỹ tiếp tục diễn ra, Nhật Bản nên cải thiện quan hệ của mình với Trung Quốc và tìm kiếm một "con đường ổn định". Zhou Yongsheng, giáo sư Học viện Quan hệ Quốc tế của Đại học Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời phóng viên Thời báo Hoàn cầu ngày 29/9 rằng, mặc dù ông Kishida thường xuyên "tuyên bố gay gắt" về Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử, phát biểu rằng "đối đầu với Trung Quốc nên là ưu tiên hàng đầu" của Nhật Bản. Tuy nhiên, vì ông này vốn thuộc phái “bồ câu”, nên việc đột ngột đưa ra những nhận xét cực đoan có thể coi là một chiến lược tranh cử và sau khi nhậm chức ông Kishida có thể không theo đường lối cực hữu đó nữa[5].

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo ngày 29/9 cho biết: "Trung Quốc, cùng với những người đảm đương chính quyền mới của Nhật Bản sẽ cùng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tuân thủ các nguyên tắc và tinh thần của bốn văn kiện chính trị giữa hai nước. Tôi mong muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ và phát triển mối quan hệ song phương giữa hai nước đi đúng hướng".

Trước việc Đài Loan đệ đơn chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP), trong thời gian bầu cử Chủ tịch LDP ông Kishida từng lên tiếng hoan nghênh, trong khi lại tỏ ra khá thận trọng đối với quyết định của Trung Quốc. Ông Kishida cho biết cần phải xem Trung Quốc có thể đảm bảo được trách nhiệm lớn này hay không. Sự thận trọng của nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản trước việc Trung Quốc ngày 16/9 nộp đơn chính thức xin tham gia CPTPP cho thấy, có thể hiện tại Nhật Bản chưa ủng hộ việc gia nhập của Trung Quốc. Nhật Bản hiện là đầu tầu với tư cách là nền kinh tế lớn nhất của CPTPP và cũng đang là nước Chủ tịch luân phiên năm 2021 của Ủy ban TPP. Một số hãng truyền thông Nhật Bản đã bình luận rằng với việc xin gia nhập CPTPP, Trung Quốc có mục đích mong muốn mở rộng ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về phản ứng của Đài Loan trước chiến thắng của tân Thủ tướng Nhật Bản tại cuộc bầu cử chủ tịch đảng cầm quyền, đại diện cơ quan Ngoại giao Đài Loan đã tuyên bố: "Xin chúc mừng từ tận đáy lòng. Chúng tôi hy vọng đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện, hữu nghị và hiệu quả giữa Đài Loan và Nhật Bản dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Kishida". Ngoài ra, Đảng Dân chủ Tiến bộ cầm quyền của Đài Loan cho biết nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) đã chúc mừng ông Kishida đắc cử với danh nghĩa là người đứng đầu đảng.

 

Đỗ Thị Ánh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

[1] Nhật Bản 第100代の首相に自民 岸田文雄氏 衆参本会議の指名選挙で選出Ông Kishida Fumio Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản được bầu làm thủ tướng thứ 100 trong cuộc bầu cử đề cử thủ tướng của phiên họp toàn thể của Quốc hội https://www3.nhk.or.jp/news/html/20211004/k10013290151000.html Truy cập 4/10/2021

 

[2] 欧米メディア、岸田氏の対中姿勢注目 「安定」「旧体質」の声も Truyền thông phương Tây, thái độ của ông Kishida đối với Trung Quốc gây chú ý: có ý kiến nhận xét "ổn định" và "bảo thủ" https://www.nikkei.com/article/DGXZQOGN29EFY0Z20C21A9000000/ Truy cập 4/10/2021

 

[3] 韓国大統領府「日本の新首相就任後、“首脳電話会談”を検討」Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc "Cân nhắc về cuộc đàm thoại thượng đỉnh qua điện thoại sau khi tân Thủ tướng Nhật Bản nhậm chức" https://news.yahoo.co.jp/articles/e6efd6ae2643f4ff298c79455f48d76a13dc8d27 Truy cập 4/10/2021

 

[4] https://baoquocte.vn/ly-do-tokyo-trieu-hoi-pho-dai-su-nhat-ban-tai-han-quoc-153445.html Truy cập 4/10/2021

 

[5] 岸田総裁誕生に対する中国の反応Phản ứng của Trung Quốc khi ông Kishida đắc cử https://www.newsweekjapan.jp/stories/world/2021/10/a-3_2.php Truy cập 4/10/2021

Tin tức khác

BẦU CỬ THƯỢNG VIỆN 2022: BƯỚC NGOẶT CỦA NỀN CHÍNH TRỊ NHẬT BẢN
BẦU CỬ THƯỢNG VIỆN 2022: BƯỚC NGOẶT CỦA NỀN CHÍNH TRỊ NHẬT BẢN

Không chỉ là sự kiện quan trọng nhất trong lịch trình chính trị năm nay tại Nhật Bản, cuộc bầu cử Thượng viện 2022 còn đánh dấu một "bước ngoặt lớ ...

NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT VỀ KẾT QUẢ BẦU CỬ THƯỢNG VIỆN NHẬT BẢN LẦN THỨ 26
NHỮNG ĐIỂM NỔI BẬT VỀ KẾT QUẢ BẦU CỬ THƯỢNG VIỆN NHẬT BẢN LẦN THỨ 26

Có thể nói, cuộc bầu cử Thượng Viện Nhật Bản lần thứ 26 năm 2022 đã diễn ra trong bối cảnh khá bất thường khi tại Nhật Bản số ca nhiễm Covid- ...

NHẬT BẢN BẦU CỬ THƯỢNG VIỆN SAU VỤ ÁM SÁT CỰU THỦ TƯỚNG ABE SHINZO
NHẬT BẢN BẦU CỬ THƯỢNG VIỆN SAU VỤ ÁM SÁT CỰU THỦ TƯỚNG ABE SHINZO

Sáng 10/7/2022, người Nhật Bản đã đi bầu cử Thượng viện, hai ngày sau khi cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát trong lúc đang tiến hành vận động tran ...

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo và những dấu ấn quan trọng  trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bả ...
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo và những dấu ấn quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bả ...

Ngày 8/7/2022, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno đã tổ chức họp báo về vụ cựu Thủ tướng Abe Shinzo bị ám sát trong khi đang phát bi ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn