GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

BÌNH CHỌN CHỮ HÁN CỦA NĂM – MỘT NÉT VĂN HÓA NHẬT BẢN

Đăng ngày: 21-03-2022, 04:24

Ở Nhật Bản, việc bình chọn một chữ Hán tiêu biểu, mô tả tình hình và xu thế nổi bật của một năm đã trở nên quen thuộc với khá nhiều người. Bắt đầu từ năm 1995, Hiệp hội Đánh giá Năng lực chữ Hán của Nhật Bản đã mở cuộc bình chọn chữ Hán tiêu biểu của năm, thời gian bình chọn từ 1/11 tới 5/12 hàng năm. Chữ Hán nhận được nhiều bình chọn nhất sẽ trở thành chữ Hán đại diện cho tình hình xã hội trong năm. Lễ công bố chữ Hán của năm diễn ra tại chùa Kiyomizu ở quận Higashiyama, thành phố Kyoto, phủ Kyoto vào ngày 12 tháng 12. Thầy trụ trì Mori Seihan của ngôi chùa sẽ chấp bút viết chữ Hán theo nghệ thuật thư pháp trên một tờ giấy Washi – một loại giấy truyền thống của Nhật Bản có chiều dài 1,5m và chiều ngang 1,3m bằng cây bút lông khổng lồ, sau đó bức thư pháp sẽ được trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng tới hết tháng 12 tại đây.

Năm 2021, lễ công bố chữ Hán của năm được tổ chức vào hai giờ chiều ngày 13/12, với chiến thắng thuộc về chữ “Kim”(金), chiếm 4,6 %, tức 10.422 trong tổng số 223.773 phiếu bầu mà cuộc bình chọn nhận về. Chữ “Kim” được chọn do thành tích của đoàn thể thao Nhật Bản tại Olympic và Paralympic Tokyo (riêng Olympic thì Nhật Bản đã giành được 27 Huy chương vàng, trong tiếng Nhật “Kim” có nghĩa là “vàng” và còn có nghĩa là “tiền bạc”). Cũng có thể hiểu ý nghĩa của chữ này gắn với các sự kiện liên quan tới tài chính trong năm, ví dụ như việc phát hành đồng xu 500 Yên mới, các gói tài chính được tung ra để hỗ trợ cho đợt biến chủng Corona mới, hay sự kiện cựu công chúa Mako kết hôn và từ chối tiền hồi môn. Ngoài ra, chữ Hán được bầu chọn nhiều thứ hai là chữ “Luân” (輪), cũng liên quan tới Olympic, gợi nhớ tới các vòng tròn trong biểu tượng của Olympic.

Qua các năm được thống kể từ 1995, chữ Hán của năm được bình chọn là:

+ Năm 1995: chữ “Chấn” (震), do năm đó xảy ra trận động đất Hanshin rất lớn và cũng là năm xảy ra vụ khủng bố ở tàu điện ngầm của giáo phái Chân lý Aum, gây chấn động dư luận.

+ Năm 1996: Chữ “Thực” (食) do xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm ở thành phố Sakai, tỉnh Osaka gây ảnh hưởng đến bữa ăn ở trường của học sinh. Đây cũng là năm bệnh bò điên bùng phát.

+ Năm 1997: Chữ “Đảo” (倒): Sự phá sản và phá sản của các công ty lớn như ngân hàng Hokkaido Takushoku và công ty chứng khoán Yamaichi Securities. Năm 1997, đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật Bản đã đánh bại đối thủ mạnh ở vòng loại FIFA World Cup 1998 khu vực châu Á để lần đầu tiên góp mặt tại World Cup. Các sự cố nhiễm độc cũng thường xuyên xảy ra vào năm này.

+ Năm 1998: Chữ “Độc” (毒): Từ vụ sự cố cà ri độc ở Wakayama, các sự cố nhiễm độc thường xuyên xảy ra. Dư luận cũng lo lắng về các chất độc hại như dioxin.

+ Năm 1999: Chữ “Mạt” (末): Do năm 1999 là kết thúc của thế kỷ XX và thập niên 90. Năm đó cũng xảy ra tai nạn nghiêm trọng ở Tokai-mura JCO.

+ Năm 2000: Chữ “Kim” (金): Cũng liên quan tới Olympic Sydney, khi các vận động viên Nhật Bản Naoko Takahashi và Ryoko Tamura đã giành huy chương vàng tại đây. Hội nghị thượng đỉnh Liên Triều giữa Kim Jong Il và Kim Dae Jung cũng diễn ra.

+ Năm 2001: Chữ “Chiến” (戦): Các cuộc tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ xảy ra. Cuộc xâm lược Afghanistan của Mỹ (cuộc chiến chống khủng bố) bắt đầu.

+ Năm 2002: Chữ “Quy” (帰): Những người Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trở về Nhật Bản trong cuộc gặp thượng đỉnh Nhật Bản-Triều Tiên đầu tiên. Nền kinh tế Nhật Bản cũng trở lại mức ổn định trước thời kỳ kinh tế bong bóng.

+ Năm 2003: Chữ “Hổ” (虎): Đội Hanshin Tigers đã giành chức vô địch giải đấu lần đầu tiên sau 18 năm. Năm đó cũng là năm chiến tranh Iraq bùng nổ, việc điều động Lực lượng Phòng vệ đến Iraq được ví như “giẫm lên đuôi hổ”.

+ Năm 2004: Chữ “Tai” (災): Là năm xảy ra rất nhiều thảm họa như động đất, mưa bão lớn..

+ Năm 2005: Chữ “Ái” (愛): Hội chợ triển lãm 2005 Aichi, Nhật Bản được tổ chức tại tỉnh Aichi. Hai nhân vật nổi tiếng Kiyoko Kimiya và Yoshiki Kuroda kết hôn.

+ Năm 2006: Chữ “Mệnh” (命): Hoàng tôn Hisahito, cháu trai duy nhất của Thiên hoàng Akihito được sinh ra. Các vụ tự tử ở học sinh tiểu học và trung học cơ sở cũng thường xuyên xảy ra. Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên cũng gây lo ngại trong dư luận.

+  Năm 2007: Chữ “Ngụy” (偽): Vụ việc làm giả nhãn hiệu thực phẩm như "Shiroi Koibito" và "Akafuku Mochi", cũng như các vấn đề hồ sơ lương hưu bị phát hiện.Vụ án tham nhũng của Bộ Quốc phòng cũng bị phát giác.

+ Năm 2008: Chữ “Biến”(変): Thủ tướng Nhật Bản mới đắc cử cũng như sự kiện bài phát biểu của Tổng thống đắc cử Obama của Hoa Kỳ mang ý nghĩa “Thay đổi”. Những thay đổi kinh tế như sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, đồng yên mạnh và đồng đô la yếu.

+ Năm 2009: Chữ “Tân” (新): Chính phủ mới của Yukio Hatoyama được thành lập, nòng cốt vào Đảng Dân chủ Nhật Bản, thay thế Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Komeito. Tân Tổng thống Barack Obama của Hoa Kỳ nhậm chức.

+ Năm 2010: Chữ “Thử” (暑): Nhiều người bị say nắng do nắng nóng gay gắt, cao nhất trong lịch sử quan sát, và nhiệt độ tồn lưu cực kỳ gay gắt.

+ Năm 2011: Chữ “Bạn” (絆): Là năm xảy ra đại địa chấn vùng Đông Bắc, cũng trong năm nay sự gắn kết giữa con người được thể hiện. Tinh thần hỗ trợ, chia sẻ và gắn kết giữa con người với con người không chỉ ở Nhật Bản mà đã lan tỏa ra toàn thế giới. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan cũng đã gửi thư cảm ơn lấy tựa đề là “Kizuna”.

+ Năm 2012: Chữ “Kim” (金): Hơn 10 triệu người dân Tokyo có cơ hội chiêm ngưỡng nhật thực hình khuyên trong khoảng 5 phút bắt đầu từ lúc 10 giờ 32 phút đêm (giờ GMT). Đây cũng là năm mà rất nhiều tượng đài “vàng” được tạo nên: bắt đầu sử dụng tháp SkyTree Tokyo - tháp phát sóng truyền hình độc lập duy nhất trên thế giới; Nhật Bản dành được nhiều huy chương vàng nhất trong lịch sử, 38 huy chương.

+ Năm 2013”: Chữ “Luân” (輪): Nhật Bản giành được quyền đăng cai Olympic mùa hè 2020 tại Tokyo, chữ Luân gợi nhớ tới những vòng tròn trên biểu tượng của Olympic. Đội bóng chày Tohoku Rakuten Golden Eagles lần đầu tiên đạt được vị trí số một tại Nhật Bản kể từ khi đội được thành lập, tạo ra một vòng tròn mừng vui ở Tohoku.

+ Năm 2014: Chữ “Thuế” (税): Sau suốt 17 năm không tăng, sự kiện tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% đã gây ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân.

+ Năm 2015: Chữ “An” (安): Dư luận tập trung chú ý vào việc Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe ban hành các dự luật về an ninh (Họ của Thủ tướng Abe viết chữ Hán là 安倍, có một chữ An bên trong). Năm 2015 cũng gây cảm giác “không an toàn”, với các vụ khủng bố trên khắp thế giới, tiêu biểu như vụ khủng bố ở Paris và thời tiết bất thường ở nhiều nơi trên thế giới.

+ Năm 2016: Chữ “Kim” (金): Một lần nữa chữ Kim lại được chọn, do thành tích thể thao của đội Nhật Bản tại Olympic Rio de Janeiro. Đồng thời cũng là năm xảy ra vụ bê bối tiền bạc của cựu Thị trưởng Tokyo. Chính sách tiền tệ lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cũng thu hút sự chú ý của dư luận.

+ Năm 2017: Chữ “Bắc” (北): Tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng do Bắc Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa. Thảm họa lũ lụt nghiêm trọng tại phía Bắc đảo Kyushu, cũng như việc bán món khoai tây chiên phải tạm dừng do không thu hoạch được khoai lang ở Hokkaido vì thời tiết (Hokkaido viết chữ Hán là 北海道, cũng có chữ Bắc).

+ Năm 2018: Chữ “Tai” (災): Một lần nữa chữ Tai lại được chọn, do hàng loạt thảm họa thiên nhiên xảy ra như bão tuyết ở Hokuriku, trận lũ lụt vào tháng 7 ở phía Tây Nhật Bản, động đất ở Osaka, cơn bão số 21, đồng thời cũng xảy ra các bê bối như trong giới thể thao hay tài chính.

+ Năm 2019: Chữ “Lệnh” (令): Năm 2019 mở ra kỷ nguyên mới, Thiên hoàng Naruhito lên ngôi với niên hiệu là “Lệnh Hòa” (令和).

+ Năm 2020: Chữ “Mật” (密): Năm 2020 là năm đại dịch Covid-19 bùng phát, “Mật” có nghĩa là gần sát hoặc dày đặc. Chữ Hán này chính là lời kêu gọi của Chính phủ Nhật Bản khuyến cáo người dân nghiêm túc theo nguyên tắc phòng dịch, người dân cần tránh “3 chữ Mật”, gồm tránh ở trong không gian kín, tránh tập trung đông người và tránh tiếp xúc gần. Ngoài ra, chữ Mật còn nhấn mạnh sự đoàn kết, tình cảm yêu thương cộng đồng, cùng vượt qua khó khăn.

Như vậy, từ năm 1995 khi bắt đầu cuộc bình chọn chữ Hán của năm cho tới năm 2021, chữ được chọn nhiều nhất chính là chữ “Kim”, thường gắn với các năm diễn ra Thế vận hội Olympic, cũng như các sự kiện tài chính lớn, xuất hiện vào các năm 2000, 2012, 2016, 2021. Chữ “Tai” cũng xuất hiện hai lần, vào năm 2004 và 2018, gắn với các tai họa thiên nhiên. Mỗi năm, cuộc bình chọn chữ Hán trên phạm vi toàn nước Nhật lại tạo ra những dự đoán sôi nổi, và qua chữ Hán được chọn, chúng ta cũng có thể hiểu tâm tư của người dân Nhật cũng như tình hình nổi bật trong năm đó.

Nguyễn Ngọc Phương Trang, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1)    Trang website của Hiệp hội Đánh giá Năng lực chữ Hán Nhật Bản:

https://www.kanken.or.jp/kotoshinokanji/

2)    Trang website của báo Asahi về sự kiện bình chọn chữ Hán năm 2021:

https://www.asahi.com/articles/ASPDB4VGYPD8PLZB013.html

3)    Trang tham khảo của Japan Wikipedia về chữ Hán được bình chọn các năm:

https://ja.wikipedia.org/wiki/%E4%BB%8A%E5%B9%B4%E3%81%AE%E6%BC%A2%E5%AD%97

 

 

 

 

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn