GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 3 NĂM 2022

Đăng ngày: 2-04-2022, 01:34

 

1. Nhật Bản tiếp tục thâm hụt thương mại:

Mức thâm hụt thương mại đã tăng lên 668,26 tỷ Yên của Nhật Bản trong tháng 2 năm 2022 đánh dấu lần thâm hụt thương mại thứ bảy liên tiếp. Xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng 19,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên 7.190 tỷ Yên vào tháng 2 năm 2022, so với ước tính của thị trường là 21%. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 11 năm 2021 khi nền kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt với sự bất ổn ngày càng tăng từ nguồn cung do chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Các lô hàng máy móc điện tăng (16%), dẫn đầu là chất bán dẫn (21,4%). Trong khi đó, xuất khẩu máy móc thiệt bị tăng 19,7%, dẫn đầu là máy bán dẫn (28%). Các mặt hàng khác tăng (27,8%), dẫn đầu là hóa chất (19,8%) và nhóm hàng hóa chế tạo (31,1%), các sản phẩm từ sắt thép (45,5%), thiết bị giao thông tăng (4,4%), chủ yếu do xe có động cơ (8,3%). Xuất khẩu tăng sang các nước: Trung Quốc (25,8%), Đài Loan (26,9%), Hồng Kông (30,1%), Hàn Quốc (31,4%), Mỹ (16%), Thái Lan (15,7%), Đức (8,6%) và Úc (18,5%).(1)

Nhập khẩu vào Nhật Bản đã tăng 34,0% so với cùng kỳ năm ngoái lên 7.858,3 tỷ Yên vào tháng 2 năm 2022, cao hơn kỳ vọng của thị trường về mức tăng 28%. Đây là tháng thứ 11 liên tiếp tăng trưởng hai con số về các lô hàng nhập khẩu trong bối cảnh nhu cầu trong nước tăng mạnh và giá hàng hóa tăng vọt. Nhập khẩu nhiên liệu khoáng sản tăng (79%), chủ yếu tăng bởi xăng dầu (93,2%) và và khí thiên nhiên hóa lỏng-LNG (65,3%). Ngoài ra, nhập khẩu của các mặt hàng khác cũng tăng (3,6%) và nhóm hóa chất tăng (59,9%). Nhập khẩu máy móc tăng (9,4%), dẫn đầu là máy vi tính (4%); nhóm hàng chế tạo tăng (23,4%), dẫn đầu là kim loại màu (24,4%); nguyên liệu thô (38,9%), quặng sắt (59,5%), thiết bị vận tải tăng (7%). Nhập khẩu tăng từ Trung Quốc (5,8%), Đài Loan (30%), Hàn Quốc (24%),  Mỹ (38,9%) và Thái Lan (17,3%), Indonesia (53,1%), Úc (96,9%); Ngược lại giảm từ Đức (-10,4%).(2)

2. Chi tiêu hộ gia đình của Nhật Bản lần đầu tiên tăng trong sáu tháng:

Chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản đã tăng lần đầu tiên trong sáu tháng vào tháng 1/2022, ngay cả khi sự lây lan nhanh của biến thể COVID-19 Omicron có thể ảnh hưởng đến tiêu dùng trong tháng này. Số liệu của chính phủ Nhật Bản ngày 11/3 cho thấy chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản trong tháng 1/2022 đã tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn so với ước tính tăng trung bình 3,6% của các nhà kinh tế đưa ra. Chi tiêu hộ gia đình đã giảm 0,2% trong tháng 12/2021. Số liệu cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng vào các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn và giao thông dẫn đầu mức tăng, trong khi các mặt hàng điện và thực phẩm chứng kiến nhu cầu thấp hơn trong tháng 1/2021. Để đối phó với sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, Nhật Bản đã nối lại việc hạn chế giờ làm việc tại nhà hàng ở khoảng 70% khu vực của nước này vào cuối tháng này. Số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc đã đạt đỉnh vào đầu tháng 2/2022 với mức hàng ngày hơn 100.000 ca. Các biện pháp hạn chế đã được mở rộng ở một số khu vực bao gồm cả thủ đô Tokyo cho đến cuối tháng này.

Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã công bố mức tăng trưởng 4,6% trong quý cuối cùng của năm 2021 khi chi tiêu của người tiêu dùng tăng lên sau khi số ca mắc COVID-19 giảm xuống. Tuy nhiên, sự phục hồi này rất nhỏ và không đồng đều so với hầu hết các nền kinh tế lớn khác, khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chính sách tiền tệ siêu lỏng, trong khi các ngân hàng trung ương khác bắt đầu giảm các biện pháp khẩn cấp được áp dụng trong năm đầu tiên dịch bệnh bùng phát.

Các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục đi ngang hoặc có thể giảm trong giai đoạn tháng 1-3/2022, trong đó nhu cầu trong nước liên tục suy yếu và căng thẳng ở Ukraine đang gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu.(3)

3. Giá sản xuất tại Nhật Bản tiếp tục tăng cao:

Giá sản xuất tại Nhật Bản đã tăng 9,3% vào tháng 2 năm 2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ mười hai liên tiếp xảy ra lạm phát giá sản xuất trong bối cảnh giá cả hàng hóa đang tăng mạnh. Giá đồ uống và thực phẩm tăng (3,3% so với 3,4% trong tháng 1 năm 2022), hóa chất (12,3% so với 12,6%), xăng dầu và than (34,2% so với 36%), sắt thép (24,5% so với 25,2%) , sản phẩm kim loại (5,6% so với 5,6%), kim loại màu (24,9% so với 26,6%), thiết bị giao thông (2% so với 1,8%), máy móc sản xuất (2,5% so với 1,6%) và các sản phẩm công nghiệp chế tạo khác (1,6% so với 1,5%) và linh kiện điện tử (2,3% so với 2,5%). Đồng thời, có sự phục hồi trong chi phí máy móc điện (2,2% so với 1,5%), thông tin liên lạc (1,2% so với 0,6%).(4)

4. Đồng Yên Nhật giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm:

Đồng yên Nhật đã giảm còn 116,3 Yên/ USD, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 1/2017 do lập trường ôn hòa của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trái ngược hẳn với các ngân hàng lớn khác đang chuẩn bị thắt chặt chính sách tiền tệ. Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẽ giữ các chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế và đạt được mục tiêu lạm phát 2%. Thống đốc Haruhiko Kuroda cũng đã loại trừ khả năng rút gói kích thích để đối phó với bất kỳ sự gia tăng lạm phát nào do nhập khẩu tăng, nhấn mạnh sự cần thiết việc tăng trưởng tiền lương. Hơn nữa, đồng yên kém hiệu quả như một tài sản tích trữ an toàn so với đồng bạc xanh (USD) sau khi vòng đàm phán đầu tiên giữa ngoại trưởng Nga và Ukraine không đạt được một lệnh ngừng bắn.(5)

4. Doanh nghiệp Nhật Bản quan ngại về dự luật an ninh kinh tế:

An ninh kinh tế chỉ trở thành một vấn đề thu hút sự chú ý ở Nhật Bản trong thời gian gần đây, chủ yếu là do các căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngày 16/2, liên minh cầm quyền đã thông qua bản dự thảo cuối cùng của Luật an ninh kinh tế. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ thông qua dự luật này tại cuộc họp nội các vào ngày 25/2 tới để sau đó đệ trình lên Quốc hội xem xét và thông qua trong kỳ họp hiện nay. Tuy nhiên, theo tờ Thời báo Nhật Bản, một số điểm trong dự luật này có gây quan ngại cho giới doanh nghiệp Nhật Bản. An ninh kinh tế chỉ trở thành một vấn đề thu hút sự chú ý ở Nhật Bản trong thời gian gần đây, chủ yếu là do các căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Sau đó, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã trở thành một lời cảnh tỉnh cho nước này khi dịch bệnh gây ra sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và thiếu hụt các sản phẩm quan trọng, chẳng hạn như chất bán dẫn. Đây là lý do chính khiến chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida gấp rút xây dựng dự luật về vấn đề này.

Để đảm bảo hiệu quả thực thi của dự luật, Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra một số biện pháp có thể tác động lớn tới khu vực tư nhân. Chẳng hạn, để tăng cường an ninh cơ sở hạ tầng, chính phủ dự kiến sẽ yêu cầu các công ty thuộc 14 lĩnh vực (gồm khí đốt, dầu khí, điện, nước, đường sắt, vận tải đường bộ, hàng không, sân bay, vận tải quốc tế, thông tin liên lạc, phát thanh truyền hình, bưu chính, tài chính và thẻ tín dụng) phải báo cáo về kế hoạch lắp đặt các hệ thống quản lý cơ sở hạ tầng và nhà cung cấp, từ đó Chính phủ sẽ thẩm duyệt nhà cung cấp thiết bị và linh kiện. Nếu báo cáo sai sự thật hoặc không đúng, các hình phạt có thể bao gồm án tù tối đa 2 năm hoặc phạt tiền lên đến 1 triệu yên (8.600 USD).

Mặc dù cần có một bộ luật toàn diện về an ninh kinh tế nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng các hình phạt chỉ nên được áp dụng trong một số trường hợp hạn chế và Chính phủ nên quy định rõ ràng những doanh nghiệp nào sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế này và theo cách nào. (6)

Trần Ngọc Nhật, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

1. Japan Export Growth Below Forecasts

https://tradingeconomics.com/japan/exports

2. Japan Imports Rise More than Estimated

https://tradingeconomics.com/japan/imports

3. Chi tiêu hộ gia đình của Nhật Bản lần đầu tiên tăng trong sáu tháng

https://bnews.vn/chi-tieu-ho-gia-dinh-cua-nhat-ban-lan-dau-tien-tang-trong-sau-thang/236217.html

4. Japan Producer Prices Rise the Most in Near 4 Decades

https://tradingeconomics.com/japan/producer-prices-change

5. Yen Hits 5-Year Low on Policy Divergence

https://tradingeconomics.com/japan/currency

6. Vì sao giới doanh nghiệp Nhật Bản quan ngại về dự luật an ninh kinh tế?

https://bnews.vn/vi-sao-gioi-doanh-nghiep-nhat-ban-quan-ngai-ve-du-luat-an-ninh-kinh-te/234078.html

 

Tin tức khác

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 2 NĂM 2025
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 2 NĂM 2025

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản tăng đáng kể lên 2.758,78 tỷ yên vào tháng 1 năm 2025 từ 1.766,54 tỷ yên cùng kỳ năm trước, vượt quá sự đồng thuận ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 1 NĂM 2025
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 1 NĂM 2025

Thặng dư thương mại của Nhật Bản tăng vọt lên 130,94 tỷ yên vào tháng 12 năm 2024 từ 32,35 t ...

CUỘC KHỦNG HOẢNG NỢ GIA TĂNG Ở NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ CĂNG THẲNG
CUỘC KHỦNG HOẢNG NỢ GIA TĂNG Ở NHẬT BẢN TRONG BỐI CẢNH KINH TẾ CĂNG THẲNG

Các khoản vay tiêu dùng tăng vọt và tiền lương trì trệ dẫn đến khó khăn tài chính kỷ lục trong các hộ gia đình. Ngày càng nhiều người Nhật phải vật ...

BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 12 NĂM 2024
BẢN TIN KINH TẾ NHẬT BẢN THÁNG 12 NĂM 2024

Thâm hụt thương mại của Nhật Bản giảm xuống còn 117,62 tỷ yên vào tháng 11 năm 2024 từ mức 813,87 yên cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức thâm hụt thươ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn