GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH NHẬT-HÀN ĐẦU TIÊN SAU GẦN 3 NĂM

Đăng ngày: 18-11-2022, 02:01

 

Chiều ngày 13/11/2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có cuộc hội đàm thượng đỉnh chính thức xoay quanh một số vấn đề mà hai bên quan tâm bao gồm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Cuộc hội đàm kéo dài khoảng 45 phút tại một khách sạn ở Phnom Penh, bên lề hội nghị của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra tại thủ đô của Campuchia.

Đây là hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sau khoảng 3 năm kể từ cuộc gặp thượng đỉnh giữa cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và cựu Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng 12/2019 bên lề hội nghị thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Trên thực tế, Thủ tướng Kishida và Tổng thống Yoon đã từng gặp gỡ trực tiếp hai lần khác tại bữa tiệc chào mừng lãnh đạo các nước do Nhà vua Felipe VI của Tây Ban Nha chủ trì bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tháng 6/2022 ở Madrid, Tây Ban Nha và bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 77 tại New York, Mỹ vào tháng 9/2022. Tuy nhiên, đó chỉ là các cuộc trao đổi ngắn hoặc hội đàm thường trực chứ không phải một "cuộc họp thượng đỉnh chính thức".

Quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vốn hết sức lạnh nhạt đã rơi xuống mức "thấp nhất sau chiến tranh" dưới thời người tiền nhiệm của Tổng thống Yoon là ông Moon Jae-in, chủ yếu liên quan đến vấn đề lao động từ thời chiến tranh. Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 2008 đã yêu cầu 2 công ty lớn của Nhật Bản là Mitsubishi Heavy Industries Inc. và Nippon Steel Corp. bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng ép lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945. Tuy nhiên hai công ty này đã không chấp nhận đền bù và chính phủ Nhật Bản cũng khẳng định vấn đề đã được "giải quyết triệt để và tận cùng" theo các thỏa thuận song phương là Hiệp định Hợp tác Kinh tế và Tuyên bố Nhật-Hàn năm 1965, khi Nhật Bản cung cấp các khoản viện trợ hoặc cho Hàn Quốc vay dưới hình thức hợp tác kinh tế. Nhật Bản luôn nhấn mạnh rằng phán quyết của phía Hàn Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế và việc Hàn Quốc đưa ra giải pháp cho vấn đề nạn nhân bị cưỡng ép lao động thời chiến là tiền đề của hội đàm thượng đỉnh Nhật-Hàn.

Tuy nhiên nhu cầu hợp tác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc gần đây đã gia tăng, cùng với đó các rào cản đối với việc tổ chức một cuộc hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước cũng đã được "hạ xuống". Việc ông Yoon trở thành Tổng thống Hàn Quốc vào tháng 5 năm nay và cam kết sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản đã cho thấy một cách tiếp cận mở hướng tới tương lai của Hàn Quốc đối với Nhật Bản. Về phía Nhật Bản Thủ tướng Nhật Bản Kishida cùng lúc cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết của một mối quan hệ mang tính xây dựng với Hàn Quốc.

Liên quan đến hội nghị thượng đỉnh song phương Nhật-Hàn lần này, theo kế hoạch lãnh đạo hai nước là Thủ tướng Kishida và Tổng thống Yoon đều sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị cấp cao thường niên của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2022 được tổ chức tại Campuchia, Indonesia và Thái Lan vào trung tuần tháng 11/2022. Nhằm tháo gỡ vấn đề lao động thời chiến tranh - rào cản tồn tại nhiều năm trong mối quan hệ song phương - mở đường cho một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sau gần 3 năm, Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản, ông Aso Taro đã tới Hàn Quốc trong 2 ngày từ 2/11. Việc một thành viên cấp cao của đảng cầm quyền Nhật Bản đi thăm Hàn Quốc được đánh giá là một động thái hiếm có, giúp mở ra con đường giải quyết vấn đề khúc mắc chính hiện nay giữa hai chính phủ. Ông Aso từng là cựu Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản và hiện là lãnh đạo nhóm nghị sỹ và nhà lãnh đạo kinh doanh có nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ Nhật-Hàn đã có các cuộc thảo luận với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề lao động thời chiến để hai bên có thể phối hợp tổ chức một cuộc tọa đàm chính thức giữa hai nhà lãnh đạo bên lề các cuộc hội nghị diễn ra tại Đông Nam Á.

Nguyên nhân đằng sau những nỗ lực thực hiện hội nghị thượng đỉnh chính thức lần này giữa hai nước là sự thay đổi môi trường an ninh mạnh mẽ xung quanh cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Những mối lo ngại về các vụ phóng tên lửa và chương trình hạt nhân của Triều Tiên ngày càng gia tăng dường như đã khiến hai nước láng giềng xích lại gần nhau hơn. Triều Tiên gần đây liên tiếp phóng tên lửa đạn đạo với tần suất cao bất thường và được cho là đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ bảy. Hiện tại điều quan trọng hơn hết đối với cả Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Mỹ là chia sẻ cùng nhau thông tin về xu hướng quân sự của Triều Tiên và nâng cao khả năng đối phó với tình hình này.

Mặc dù Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những đồng minh lâu năm của Mỹ trong lĩnh vực hợp tác an ninh, tuy nhiên giữa hai nước láng giềng này cũng thường xuyên nảy sinh những mâu thuẫn. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã có những dấu hiệu về việc khôi phục quan hệ giữa các cơ quan quốc phòng hai nước. Chẳng hạn vào tháng 9/2022, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng với Mỹ đã tổ chức các cuộc tập trận chung về tác chiến chống tàu ngầm ở biển Nhật Bản lần đầu sau hơn 5 năm. Ngoài ra lần đầu tiên sau bảy năm, quân đội Hàn Quốc đã tham gia cuộc Duyệt binh hạm đội quốc tế (IFR) do Nhật Bản đăng cai tổ chức nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF). Việc IFR năm 2022 đánh dấu sự tham dự trở lại của Hải quân Hàn Quốc sau 7 năm gián đoạn đã cho thấy một dấu hiệu rõ ràng về sự tan băng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc về hợp tác an ninh.

Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã xác nhận sự hợp tác hướng tới hiện thực hóa "Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở" (FOIP) tại cuộc họp thượng đỉnh lần này. FOIP do Nhật Bản chủ trương trước đây đã không được các nhà lãnh đạo phía Hàn Quốc quan tâm và đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc thiết lập quan hệ hợp tác thúc đẩy FOIP. Trước tình hình đơn phương thay đổi hiện trạng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hai bên cho biết muốn làm sâu sắc hơn hợp tác Nhật-Hàn ngoài hợp tác về vấn đề Triều Tiên, hy vọng sẽ thiết lập một trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền và khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Sau hội nghị thượng đỉnh song phương vào 13/11, Thủ tướng Kishida đã nhắc lại quan điểm về vấn đề lao động thời chiến, cho biết hai bên một lần nữa đồng ý đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt.

Có những thay đổi mang dấu hiệu tích cực trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, cũng không thể chắc chắn liệu vụ kiện lao động cưỡng ép thời chiến có tiến triển tại các cuộc đàm phán sắp tới hay không. Mặc dù Nhật Bản và Hàn Quốc đều muốn giải quyết vấn đề này vào cuối năm nay, hai bên sẽ không thể lấy lại lòng tin nếu vấn đề lịch sử này chưa được giải quyết. Hơn nữa, giữa hai bên cũng còn tồn tại một số vấn đề khác như việc tàu quân sự Hàn Quốc chiếu radar lên máy bay tuần tra của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản năm 2018 vẫn chưa được giải quyết. Một số quan điểm thận trọng tại Nhật Bản cũng cho rằng cần đánh giá kỹ về tình hình chính trị Hàn Quốc khi nền tảng chính quyền của Tổng thống Yoon hiện tương đối lung lay với tỷ lệ ủng hộ thấp và những chỉ trích chính phủ liên quan đến về vụ tai nạn Itaewon, Seoul ngày càng gia tăng. Một số ý kiến cũng chỉ ra rằng một số chính quyền Hàn Quốc trước kia thường cố gắng hồi phục tư tưởng cứng rắn chống Nhật Bản mỗi khi các vấn đề lớn trong nước đi vào ngõ cụt.

TS. Đỗ Thị Ánh

TTNC Nhật Bản, Viện NC Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. https://www3.nhk.or.jp/news/html/20221113/k10013890041000.html truy cập ngày 16/11/2022

2. https://newsdig.tbs.co.jp/articles/-/202729 truy cập ngày 16/11/2022

3. https://www.asahi.com/articles/DA3S15473899.html truy cập ngày 15/11/2022

4. https://news.tv-asahi.co.jp/news_politics/articles/000275011.html truy cập ngày 16/11/2022

5. https://www.sankei.com/article/20221108-UO6TYJRY2NOBNBQLH35QPRBSFU/ truy cập ngày 16/11/2022

6. https://www.yomiuri.co.jp/politics/20221114-OYT1T50001/ truy cập ngày 15/11/2022

 

 

 

 

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn