GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

VAI TRÒ CỦA MẠNG LƯỚI HỢP TÁC CÁ NHÂN TRONG BẢO TỒN LỄ HỘI VÀ NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 30-11-2022, 02:58

Như chúng ta đã biết, vốn xã hội là viên gạch được cấu thành từ lòng tin và tính chất có qua có lại, qua đó các mối quan hệ được thiết lập và duy trì. Nhật Bản là một quốc gia khá giàu vốn xã hội, điều này được minh chứng bằng tỉ lệ lòng tin xã hội cao (đứng thứ 10 thế giới) và tỉ lệ tham gia hội đoàn cao (theo điều tra của Nhật Bản, trên 50% người Nhật đang tham gia vào mạng lưới tổ chức xã hội địa phương như hội phố và các hội tự trị khác). Mạng lưới quan hệ, hay nói cách khác, vốn xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống ở Nhật Bản.

Cả thế giới đều biết rằng ở quốc gia đứng thứ ba địa cầu về phát triển kinh tế này, việc gìn giữ văn hóa truyền thống luôn được chú trọng. Không chỉ chính phủ đã có những chính sách từ rất sớm (ngay từ thời Minh Trị 1868-1912) để bảo tồn văn hóa truyền thống, mà ở các địa phương, nền văn hóa độc đáo, lâu đời cũng luôn được người dân lưu giữ, trao truyền từ đời này sang đời khác. Chỉ có các cư dân địa phương mới có thể thấu hiểu và yêu quý tài sản văn hóa của họ, và với một niềm tự hào sâu sắc, ý thức tự chủ, tinh thần cạnh tranh để bảo tồn và phát triển sự độc đáo riêng của cộng đồng mình, người dân chính là những chủ thể quan trọng nhất giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa. Nhưng văn hóa không thể phát triển và được trao truyền bởi những cá nhân đơn lẻ. Họ phải hợp tác với nhau trong một mạng lưới mà ở đó họ phân công công việc, đóng góp sức người, sức của, chia nhau trách nhiệm làm thế nào để có thể duy trì và vận hành cỗ máy “tài sản văn hóa” ấy. Lễ hội Gion là một minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. Một lễ hội ra đời từ tín ngưỡng dân gian của người dân cố đô Kyoto, tồn tại trên 1000 năm, trải qua bao thăng trầm của thời gian và sự tàn phá của các cuộc nội chiến, kể từ năm 1500 đã duy trì được hình thức lễ hội và các đạo cụ như kiệu, thảm, đồ trang trí tinh xảo… cho đến ngày nay. Vậy thì, người dân Kyoto đã làm thế nào để gìn giữ và duy trì một lễ hội đi cùng năm tháng như vậy? Họ đã hợp tác với nhau trong một mạng lưới như thế nào?

Có thể nói, trung tâm của lễ hội Gion chính là lễ rước kiệu yama và kiệu hoko. Bảo quản và sử dụng những cỗ kiệu yama - hoko này là những người dân phố cổ Yama - Boko. Hiện nay, có tất cả 32 cỗ kiệu yama và hoko được lưu giữ, bảo tồn (ngoài ra, có 3 kiệu yama đang nghỉ), mỗi kiệu yama và hoko đều do 1 khu phố chịu trách nhiệm bảo quản. Người dân phố cổ Yama - Boko liên kết lại trong tổ chức được gọi là Hội phố Yama - Hoko, cử ra một người làm Hội trưởng phố yama hoặc phố hoko. Chi phí để tổ chức lễ hội Gion không dựa vào nguồn tài trợ của chính phủ hoặc của thành phố, mà dựa hoàn toàn vào sự đóng góp tự nguyện của những người dân nơi đây. Gần đây, một số phố do có sự giảm dân số sinh sống tại địa phương, đã tiến hành pháp nhân hóa tổ chức của họ, đồng thời đăng ký quyền sở hữu cỗ kiệu do khu phố họ chịu trách nhiệm bảo tồn, sau đó kêu gọi sự đóng góp từ các công ty trên địa bàn của họ. Tiêu biểu có phố Kankoku Boko (函谷鉾) đã kêu gọi sự đóng góp của các công ty như Daido seimei hoặc Asahi là những công ty gắn bó chặt chẽ với Kyoto, họ sử dụng khoản tiền đóng góp này để tổ chức lễ hội[1]. Ngoài ra, về việc duy tu, bảo tồn, dựng kiệu và rước kiệu, cũng có những cư dân phố cổ Yama-Boko chấp nhận sự tham gia của những cư dân mới sống trong các chung cư được xây dựng 15-20 năm trở lại đây, những cũng có khu phố không đồng ý điều này. Có thể nói, sự tự nguyện, tự chủ của người dân các phố Yama - Boko đóng vai trò quan trọng nhất trong việc duy trì và tổ chức lễ hội Gion đến ngày nay.

Đối với những người dân phố cổ, lễ hội kéo dài một tháng liền cũng là lúc họ tạm gác lại công việc mưu sinh, để tham gia vào cộng đồng truyền thống như một mắt xích không thể thiếu. Trẻ em trong phố kiệu yama, hoko ngay từ nhỏ đã được tham gia vào các công việc của lễ hội như múa, hát phục vụ lễ hội nhỏ Yoiyama, bán đồ lưu niệm, bùa hộ mệnh cho khách tham quan cỗ kiệu của phố mình. Đến tuổi trưởng thành, họ lại tham gia vào đoàn rước (kéo) kiệu, những người có tay nghề thì phụ trách việc lắp ráp cỗ kiệu của phố mình. Bước vào tuổi trung niên, một trong số họ được bầu làm trưởng khu phố, trưởng hội phố Yama hoặc phố Hoko, có trách nhiệm thuyết phục mọi người, mọi lứa tuổi tham gia vào lễ hội. Khi về già, họ dồn sức vào việc truyền dạy cho thế hệ trẻ các công việc của lễ hội. Ngoài ra, về kinh tế, để bảo tồn các cỗ kiệu dùng trong lễ hội, người dân các phố thành lập và trao quyền pháp nhân vận hành lễ hội cho các đoàn thể vận hành (Hội bảo tồn kiệu Yama - Hoko), họ bắt đầu thử nghiệm việc gìn giữ các cổ kiệu và những ngôi nhà cổ như tài sản chung của người dân phố cổ đó. Với niềm tự hào là những người gìn giữ, bảo tồn và “vận hành” lễ hội Gion, họ truyền lại niềm tự hào ấy cho thế hệ tương lai, từ đó nâng cao sự quan tâm đến lễ hội của chính những người dân sống trong các khu phố Yama-Hoko, trao truyền lại tính độc lập, tự chủ trong việc gìn giữ lễ hội, duy trì và bảo tồn lễ hội truyền thống.

Niềm tự hào nảy sinh trong quá trình những người dân cùng nhau tổ chức lễ hội, đó là nguồn động lực lớn để họ trao truyền nhiệm vụ này cho thế hệ tương lai. Phỏng vấn một số cư dân có tuổi ở phố Yama-Hoko, chúng tôi nhận được các câu trả lời sau: “Càng nhiều tuổi, chúng tôi càng cảm thấy niềm tin, gắn bó với tín ngưỡng và việc tế lễ”; “Niềm tự hào được làm các công việc phục vụ lễ hội được truyền lại cho thế hệ sau đã khiến cho lễ hội được duy trì, kế tục, đó chính là các giá trị tinh thần”… Còn các bạn trẻ ở độ tuổi 20-30 tuổi thì cho rằng lý do khiến họ gắn bó với lễ hội này là vì “Yêu thích lễ hội”, “Tự hào được là một phần của lễ hội”...

Người dân phố cổ cùng lao động, đóng góp công sức, tiền bạc và cùng nhau hưởng thụ các giá trị tinh thần của lễ hội. Họ được kết nối với nhau trong một mạng lưới gọi là “Hội phố”, từ những năm 1970-1980 trở đi, mỗi phố cổ đều thành lập Hội bảo tồn di sản văn hóa của phố mình, bầu ra hội trưởng. Có 32 Hội phố hoặc Hội bảo tồn di sản văn hóa ở 32 phố kiệu cổ Kyoto. Cư dân sinh sống trong khu vực phố cổ đóng góp hội phí để duy trì hoạt động của Hội, tùy theo mức quy định của từng phố. Những người dân mới chuyển đến cư trú, nếu muốn tham gia vào Hội cũng sẽ được kêu gọi đóng góp một khoản hội phí vài vạn yên, tùy theo quy định của từng phố. Số tiền thu được từ hội viên, cộng với khoản tiền bán đồ lưu niệm, bùa hộ mệnh và phí tham quan cỗ kiệu hoặc nhà cổ của từng phố (Nhà bảo tồn kiệu Yama hoặc Hoko) mỗi năm một lần vào dịp lễ hội Gion được sử dụng để bảo tồn và trang trí các cỗ kiệu. Ước tính, khoản tiền bảo tồn và trang trí các cỗ kiệu trong dịp lễ hội hàng năm lên đến 15-20 triệu yên (150.000-200.000 USD).

 

Hình 1. Sơ đồ mạng lưới cộng tác của cư dân phố cổ trong lễ hội Gion

VAI TRÒ CỦA MẠNG LƯỚI HỢP TÁC CÁ NHÂN TRONG BẢO TỒN LỄ HỘI VÀ NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG Ở NHẬT BẢN

Nguồn: Bảng do nhóm nghiên cứu tự vẽ

Còn trong lễ hội Onbashira, người dân vùng nông thôn miền núi Suwa đã hợp tác với nhau trong mạng lưới như thế nào để bảo tồn và vận hành lễ hội hơn 1000 năm tuổi Onbashira-sai? Nếu như lễ hội Gion do người dân phố kiệu yama - hoko cộng tác với nhau bảo tồn trong một mạng lưới có tên là “hội phố” và “liên hiệp hội kiệu yama-hoko”, thì lễ hội Onbashira mang đậm màu sắc nông thôn lại được bảo tồn bởi “làng”, “địa khu” và các cư dân thuộc quần thể Suwa.

Vùng Suwa có khí hậu ôn đới, lạnh, với những dãy núi cao xung quanh, vị trí địa lý tách biệt với các địa phương lân cận, diện tích trải dài 715km2, trong đó, vài địa phương mang tính độc lập, tính bản địa cao. Lễ hội Onbashira là lễ hội của các tín đồ thuộc khu vực Đền Thượng ngôi đền Suwa taisha tổ chức, đó là vùng đất trải dài toàn bộ thành phố Chino, một phần của thành phố Suwa, các ngôi làng và thị trấn Fujimi trong quần thể Suwa.

Phần quan trọng nhất của lễ hội là chuẩn bị 8 cây gỗ lớn để dựng làm cột trụ của gian thờ thần, nên 18 “địa khu” (một cách gọi “làng” và “thị trấn” của người dân địa phương) sẽ hợp thành 8 “bloc” để chuẩn bị các cây cột trụ. Đệ tử của ngôi đền đóng vai trò chính trong việc tổ chức lễ hội, và toàn bộ nguồn nhân lực cần thiết đều huy động ở các bloc trên. Chính vì vậy các làng được kết hợp với nhau dựa trên việc tính toán, cân đối về số lượng đệ tử. Để có thể đảm nhận các công việc chung của lễ hội, người ta thường gộp một số làng gần nhau thành một bloc. Các khu vực đảm nhận việc tổ chức lễ hội là (1) Konan, Nakasu, (2) Tomita, Shiga; (3) Chino, Miyakawa; (4) Tamakawa, Toyohira; (5) Kitayama, Yonezawa, Konan; (6) Izuno, Hara; (7) Kanazawa, Fujimi; (8) Honkyo, Sakai, Ochiai. Hai đến ba làng tạo thành một bloc, nên cho dù số đệ tử ít nhiều khác nhau, thì các bloc vẫn đảm nhận cây cột trụ lớn như nhau. Mỗi blog phải chịu trách nhiệm kéo 1 cây gỗ lớn về dựng làm cột trụ, công việc này đòi hỏi sự cộng tác chặt chẽ trong khu vực được phân công, song không phải lúc nào việc hợp tác cũng diễn ra bình đẳng và mật thiết. Mỗi “địa khu” tham gia vào lễ hội trước đây là một làng, có những làng có mối quan hệ bình đẳng, nhưng có những làng có quan hệ chi phối kiểu làng cũ lâu năm với làng mới. Tuy nhiên, quan hệ chặt chẽ giữa các làng, vốn là nền tảng cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống cũng không dễ dàng bị thay đổi.

Mỗi địa khu có những tập quán, niềm tự hào về truyền thống riêng của họ, cách thức làm việc liên quan đến lễ hội cũng khác nhau, nên dù các làng ở cạnh nhau, cũng không dễ dung hòa và đồng nhất. Khảo sát thực tế cho thấy, có những khu trùng với khu vực địa lý dân cư sinh sống hàng ngày, nhưng cũng có những khu có mối quan hệ tầng bậc trên dưới và vẫn còn tồn tại các tập quán riêng mạnh mẽ. Chính vì vậy, ngay trong lễ hội Onbashira, những người tham gia cũng không mặc cùng một loại quần áo lễ hội. Mỗi khu đều có in tên của khu mình trên áo, hoặc mỗi khu mặc một đồng phục khác nhau. Có thể nói, Lễ hội Onbashira còn là nơi mỗi người nhìn nhận lại đặc điểm của khu vực mình sinh sống, và một lần nữa xác định cảm giác thuộc về nơi đó.

Tại hiện trường thực tế của lễ hội, để có thể kéo cây gỗ lớn mà người ta gọi là cây gỗ thần (御柱 - onbashira) từ trên núi xuống rồi dựng thành cột, người dân phải thực hiện rất nhiều công đoạn như chặt cây, đẵn cây, kéo cây gỗ tới tận cổng đền Suwa-taisha. Quá trình dựng cột cũng có nhiều thao tác kỹ thuật khó, người phụ trách các thao tác kỹ thuật này thường do mỗi địa khu tự quyết định. Ví dụ địa khu Toyohira đảm nhận các các công việc kỹ thuật liên quan đến “làm mộc”, “bện thừng”, “làm lưới” (lưới chính, lưới nhỏ, lưới đuổi), điều khiển medo để đưa cây gỗ qua những khúc ngoặt…, có khoảng 16 công đoạn. Địa khu Koto đảm nhận việc bện sợi thừng làm “vòng ném” (輪なぐり), bao gồm các công đoạn mộc như đã nêu trên, những mỗi địa phương có cách làm và tên gọi khác nhau. Mọi người sẽ làm việc theo sự chỉ đạo của người chịu trách nhiệm chính, tùy theo tuổi tác, giới tính, thể lực, kinh nghiệm mà “nam, phụ, lão, ấu”, ai nấy đều được phân công công việc một cách phù hợp. Không giống như lễ hội Gion ở Kyoto, người ta tuyển chọn những người thợ trên khắp đất nước cho nhiều công đoạn, nguyên tắc của lễ hội Onbashira là chỉ được huy động nguồn lực địa phương mà thôi. Đệ tử của đền Suwa chỉ truyền dạy kỹ thuật và kinh nghiệm cho con cháu họ, và truyền thống này vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.

Giai đoạn chuẩn bị bao gồm các công việc chính là đẵn cây và giăng lưới thừng. Mỗi làng có cách riêng của mình, nên đây chính là phần việc thể hiện rõ nhất sự khác nhau của mỗi địa khu. Việc đẵn cây thực chất chính là công việc của thợ mộc và nghệ nhân, nó được giao cho hầu hết nam giới đảm nhiệm, họ đều là những nghệ nhân trong nghề. Công việc “đẵn cây” (Kidukuri) này chính là phần quan trọng nhất của lễ hội Onbashira. Vì vậy, có thể nói, những nghệ nhân làm mộc trong giai đoạn này là những người có quyền lực lớn nhất trong khâu chuẩn bị. Cùng với công đoạn đẵn cây, công đoạn “giăng lưới” - vốn là phần quan trọng nhất của lễ “Kéo cây xuống núi” cũng cần đến sức lực của rất nhiều người, ở đây có cả nam lẫn nữ tham gia. Sợi thừng được bện to, nối mặt trước của cây cột trụ, phần trái phải của phần gốc của nó được gọi là “vòng ném” (輪なぐり), những sợi thừng bện dày nối với chỗ đó gọi là “lưới chính”, sau đó là “lưới nữ” và “lưới nam”, và tiếp theo là “lưới kéo cây” đều được nối với “lưới chính”. Ngoài ra, khi kéo cây gỗ lớn, cần phải giữ thật cân bằng, nên phía mặt sau của cây cột trụ lại được buộc với một tấm lưới thừng dùng để kéo nó theo chiều ngược lại, nhằm giữ cân bằng, gọi là “lưới đuổi”. Còn những sợi thừng dài được thòng từ chạc cây “medo” xuống, gọi là “lưới mệnh”. Trước đây, công đoạn bện sợi thừng thành lưới, đặc biệt là công đoạn quấn thừng được làm hoàn toàn bằng tay. Ngày nay, hầu hết mọi người đều sử dụng sợi thừng lớn có sẵn, tuy nhiên, vẫn còn vài nơi đan lưới với kỹ thuật truyền thống như thôn Izuno và Hara, họ bện thừng xung quanh những cây củi kiếm được trên núi, tạo thành những “cột thừng” rất vững chãi. Nguyên liệu để làm lưới, cách thức đan lưới, đạo cụ sử dụng, cách buộc lưới... mỗi làng đều có những truyền thống riêng của mình. Ngay cả khi trong các blog không có sự thống nhất, thì họ vẫn ưu tiên truyền thống. Có nghĩa là công đoạn làm lưới được phân công và tiến hành làm riêng biệt trong mỗi bloc. Ví dụ ở Kitayama, Yonezawa, Koto mỗi nơi bắt thăm xem mình sẽ chịu trách nhiệm làm loại lưới gì, còn ở Koto thì phân công công việc theo lệ cũ đã định, ai phụ trách phần việc nào thì tiến hành phần việc đó.

Trong lễ kéo cây xuống núi, phần việc cần đến thể lực nhiều nhất là chính là “tekoshu” - điều khiển đòn bẩy. Người ta sử dụng những cây gậy đòn bẩy ở khoảng cách rất gần cây gỗ, để điều khiển cây gỗ xuống núi. Ở đây cần sự tham gia của thanh niên trai tráng, một số người phải leo lên ngồi ở các chạc “medo”. Nếu điều khiển nhầm medo thì rất có thể cây gỗ khi trượt trên đường núi nhỏ hẹp sẽ va phải nhà dân hai bên đường,  hoặc cây gỗ do bị mất cân đối về trọng lực sẽ không di chuyển về phía trước được nữa. Nam giới ở Suwa ngay từ nhỏ đã được cho tập ngồi trên các “medo” để rèn kinh nghiệm. Không còn nghi ngờ gì nữa, “tekoshu” là nơi tập trung ánh mắt của người xem nhiều nhất trong lễ hội, cũng chính là phần “hoa lệ” nhất của lễ hội. Tất nhiên, nếu chỉ “tekoshu” không thôi thì không thể điều khiển được sự di chuyển của cây gỗ lớn, lễ hội còn phải huy động rất nhiều “hikiko” - những người kéo, và đây chính là công đoạn mà cộng đồng tham gia đông nhất. Những kỹ thuật và tập quán như vậy không chỉ luôn lôi cuốn sự tham gia của các bậc trưởng lão giàu kinh nghiệm, mà cả thanh, thiếu niên nữa. Việc ngồi lên trên các “medo” và sử dụng “teko” được truyền thụ lại qua nhiều thế hệ. Lễ hội Onbashira 7 năm mới có 1 lần, nên có thể nói, đây là nơi truyền thụ các “kỹ nghệ” và “tập quán”, cơ hội để các thế hệ giao lưu với nhau, nuôi dưỡng, phát huy ý thức cộng đồng và tinh thần làm việc nhóm.

Nếu như mạng lưới hợp tác giữa các cá nhân trong lễ hội Gion và Onbashira là mạng lưới phi thường nhật, chỉ phát huy tác dụng mạnh nhất vào dịp tổ chức các lễ hội này, thì mạng lưới hợp tác trong nghề nhuộm Kagayuzen lại là mạng lưới trong cuộc sống hàng ngày, bởi nó gắn liền với sinh kế của người dân thành phố Kanagawa. Như chúng ta đã biết, nghề thủ công truyền thống trước đây vốn là nghề bí truyền, các kỹ thuật và công đoạn sản xuất quan trọng chỉ được truyền dạy trong nội bộ gia đình, dòng họ. Ngày nay, những người thợ thủ công và nghệ nhân trong làng nghề liên kết với nhau trong các tổ chức hợp tác xúc tiến nghề truyền thống, được hỗ trợ bởi địa phương và chính phủ.

Hình 2. Sơ đồ các công đoạn và mạng lưới hợp tác trong nghề nhuộm truyền thống Kagayuzen.

VAI TRÒ CỦA MẠNG LƯỚI HỢP TÁC CÁ NHÂN TRONG BẢO TỒN LỄ HỘI VÀ NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG Ở NHẬT BẢN

Nguồn: Theo bài giảng của Giáo sư Higuchi Hiromi, Đại học Senshu ngày 5/9/2016

Hình trên biểu thị mạng lưới hợp tác trong nghề nhuộm Kagayuzen của tỉnh Ishikawa. Nhìn trên hình, Từ công đoạn① “Thiết kế”, công đoạn②“Dựng mẫu” (dựng mẫu kimono trên nền vải trắng), công đoạn ③“Vẽ mẫu”, công đoạn ④ “Đặt chỉ hồ”, công đoạn ⑤“Chải nước hồ” đến công đoạn⑥ “tô màu” có thể do một nghệ nhân hoàn toàn đảm nhiệm. Họ nhận đơn đặt hàng từ Tonya (nhà phân phối) và thực hiện những công đoạn này tại nhà. Trước đây, công đoạn ③và ④ do thợ thủ công, chủ yếu là những người phụ nữ nội trợ và thợ thủ công trong làng nghề đảm nhận. Tuy nhiên, đây là công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao nên các chuyên gia (nghệ nhân) cũng tham gia vào công đoạn này. Họ làm việc tại nhà riêng của mình.

Công đoạn ⑦ đến ⑫ (công đoạn ⑦ Hấp màu nền, công đoạn ⑧ Lót keo (bơm keo vào những chỗ đã vẽ hoa văn để khi nhuộm không bị lem màu), ⑨Nhuộm, ⑩ Hấp màu (làm màu nhuộm ngấm vào vải), ⑪ Rửa nước, ⑫ Làm khô) là các công đoạn liên quan đến kỹ thuật nhuộm màu (trọng tâm là nhuộm nền), công đoạn này được truyền nghề qua các thế hệ, bố mẹ truyền nghề cho con cái... Nếu là “công ty gia đình” thì những người thợ thủ công đều là người cùng dòng tộc, ngoài ra, có thể thuê thêm vài người thợ bên ngoài.Trước đây, có một công đoạn của quá trình nhuộm (công đoạn thứ ⑪ - rửa nước) được thực hiện ở những con sông trong vùng, như một yếu tố văn hóa của nghề, gọi là “phong vật thi” (yếu tố vùng miền của làng nghề), nhưng từ sau chiến tranh, nhiều dòng sông bị ô nhiễm, công việc này trở nên khó khăn. Từ thập niên 1970, các gia đình làm nghề nhuộm đều xây dựng các khu sản xuất, và các khu vực sản xuất này được “cộng đồng hóa”.

Tonya (nhà phân phối) có vai trò trong quá trình chế tác sản phẩm. Họ nắm được toàn bộ quy trình sản xuất, có quyền quyết định lựa chọn những người thợ thủ công nào làm việc và cộng tác với nhau trong quy trình này. Từ công việc đầu tiên: Đặt hàng, tư vấn mẫu mới dựa trên phản hồi của khách hàng về nhu cầu, sản phẩm và kỹ thuật chế tác... đến những công việc ngoài quy trình sản xuất, họ đều có vai trò và ảnh hưởng lớn. Tonya có quyền thẩm định thợ thủ công trở thành nghệ nhân hoạt động độc lập trong nghề nhuộm. Họ cũng giúp xây dựng mối quan hệ giao lưu “bề ngang” bên trong cộng đồng thợ thủ công làm nghề nhuộm dệt này.Trong một thành phố (hoặc làng nghề) có rất nhiều công đoạn nghề, rất nhiều thợ thủ công được phân công làm việc ở các công đoạn khác nhau, thông thường khó nắm bắt. Nhưng các Tonya (nhà phân phối sản phẩm) nắm được mạng lưới sản xuất này và kết nối họ với nhau trong quá trình tạo ra một sản phẩm.

Trong nghề nhuộm Kagayuzen xưa kia, người nghệ nhân (sư phụ) tiếp nhận đệ tử và truyền nghề (theo chế độ đệ tử đến nhà ăn, ở, làm cùng để học việc) trong vòng 7 năm. Sau khi học nghề xong, với sự giới thiệu của 2 người trong Hiệp hội nghề (một là nghệ nhân (sư phụ) và hai là tonya (chủ cửa hàng phân phối sản phẩm thủ công)), người thợ thủ công đó được đệ trình sản phẩm để Hiệp hội nghề đánh giá và phỏng vấn. Nếu được chấp nhận, họ sẽ tiến hành đăng ký con dấu riêng (đăng ký tên tuổi, số hiệu, con dấu, làng nghề) và trở thành một nghệ nhân hoạt động độc lập. Khi được phép hoạt động độc lập, họ sẽ bắt đầu nhận việc từ các đơn đặt hàng của cửa hàng phân phối sản phẩm mà người thầy của họ cộng tác bấy lâu. Mạng lưới liên kết, giúp đỡ này tồn tại lâu năm trong làng nghề.

Ngoài ra, còn có hình thức truyền nghề “Kế thừa trong gia tộc” (Ở Nhật Bản, họ phân biệt nghề lưu truyền trong gia đình và nghề lưu truyền trong Làng nghề (một khu vực nhất định)). Hình thức “Kế thừa trong gia tộc” là hình thức kế thừa nghề thủ công ở những người có chung tổ tiên và dòng tộc (VD: chi nhánh gia đình...). Kỹ thuật chỉ được truyền lại trong gia đình và bởi những người có mối quan hệ mật thiết. Hệ thống truyền nghề “bí truyền” như vậy đã tồn tại hàng ngàn năm tại các làng nghề thủ công ở Kyoto. Trong hệ thống truyền nghề xưa cũ ấy, không chỉ kỹ thuật được “bí truyền” trong gia tộc, mà mọi sinh hoạt cuộc sống của những người theo nghề đều đặt dưới sự chỉ đạo và quản lý của “Ông chủ gia đình”. Nhưng hiện nay, cuộc sống của người thợ thủ công (nghệ nhân) không còn mối quan hệ mọi mặt phụ thuộc hoàn toàn vào người thầy (người chủ sản xuất) như trước đây. Hệ thống này bị mai một dần, các công ty gia đình, chi nhánh gia đình khó tồn tại trong xã hội hiện đại. Hiện nay, thợ giúp việc trong nghề nhuộm Kagayuzen là do người nghệ nhân chọn lựa, và mối quan hệ chủ yếu là quan hệ công việc. Tuy nhiên, việc xuất thân của người thợ thủ công (học nghề từ ai) vẫn rất được coi trọng, và việc có con dấu riêng trên sản phẩm của mình trở thành niềm tự hào lớn lao. Tóm lại, duy trì và kế thừa bí quyết nghề là việc quan trọng của làng nghề, nhưng mối quan hệ “phả hệ gia đình” giữa những người làm nghề đã chuyển dần thành quan hệ “cá nhân”.

 

Ngô Hương Lan

Trung tâmNghiêncứu Nhật Bản

Viện Nghiêncứu Đông Bắc Á


Tài liệuthamkhảo

  1. GS.Higuchi Hiromi (2015), trường Đại học Senshu về “Kế thừa công nghệ và văn hóa truyền thống nhìn từ lễ hội và nghề thủ công truyền thống”, Workshop quốc tế “Nghiên cứu văn hóa - xã hội Nhật Bản” tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tháng 9/2015.
  2. Hoàng Bá Thịnh (2009), “Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn”, Tạp chí Xã hội học số 1.
  3. Hồ Hoàng Hoa (chủ biên, 2004), Vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản, NXB.Khoa học xã hội, 2004.
  4. Ngô Hương Lan, Nguyễn Thị Thu Phương, Phùng Diệu Anh (2017), “Về tính cộng đồng trong lễ hội truyền thống ở Nhật Bản và Việt Nam (trường hợp lễ hội Gion và lễ hội Hoa Lư”, Nghiên cứu Đông Bắc Á số 5 (195).
  5. Ngô Hương Lan (2018), “Tình hình vốn xã hội ở Nhật Bản hiện nay”, Nghiên cứu Đông Bắc Á số 7 (209).
  6. Ngô Hương Lan (chủ biên, 2022)Vốn xã hội trong bảo tồn văn hóa truyền thống ở Nhật Bản và Hàn Quốc – Kinh nghiệm đối với Việt Nam, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  7. Trương Văn Món (2014), “Tiếp cận phương pháp và lý thuyết trong nghiên cứu lễ hội”, Lễ hội cộng đồng: truyền thống và biến đổi, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2014.

 


[1] Để bảo quản và duy trì cả 2 loại Yama và Hoko, mỗi năm cần đến nguồn kinh phí khoảng 15 triệu yên.

Tin tức khác

SỐ HÓA TẠI NHẬT BẢN
SỐ HÓA TẠI NHẬT BẢN

Covid-19 đã cho thấy rất rõ ràng rằng Nhật Bản đang bị tụt lại phía sau trong quá trình số hóa. Những lời kêu gọi từ Chính phủ về làm việc từ ...

CHATGPT TRỞ THÀNH CHỦ ĐỀ NÓNG TẠI NHẬT BẢN
CHATGPT TRỞ THÀNH CHỦ ĐỀ NÓNG TẠI NHẬT BẢN

ChatGPT (Chat Generative Pre-training Transformer) là một chatbot (chương trình máy tính mô phỏng cuộc trò chu ...

HÔN NHÂN ĐỒNG GIỚI TẠI NHẬT BẢN
HÔN NHÂN ĐỒNG GIỚI TẠI NHẬT BẢN

Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa những người có cùng giới tính về sinh học. Đó có thể là cuộc sống chung gi ...

NHẬT BẢN NỖ LỰC ĐỐI PHÓ VỚI LÀN SÓNG LÂY NHIỄM COVID-19 THỨ 8
NHẬT BẢN NỖ LỰC ĐỐI PHÓ VỚI LÀN SÓNG LÂY NHIỄM COVID-19 THỨ 8

Kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2022, với số ca mắc COVID-19 ghi nhận lần đầu tiên trong 2 tháng qua vượt 100.000 c ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn