GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

VAI TRÒ CỦA CÁC TỔ CHỨC DÂN SỰ TRONG BẢO TỒN LỄ HỘI VÀ NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 30-01-2023, 15:50

Vai trò của các tổ chức dân sự trong việc bảo tồn và tổ chức lễ hội Gion

Quy chế tổ chức lễ hội Gion ra đời đầu tiên vào thời trung thế (năm Thiên Chính 19, năm 1591), có tên là “Chế độ kỳ đĩnh” (奇町制度) quy định các phố đóng góp gạo và tiền, sau đó, vào thời Minh Trị (năm Minh Trị thứ 5, 1872) chế độ này bị bãi bỏ, thay vào đó là chế độ quyên góp tiền bạc từ đệ tử của đền Yasaka (phần lớn là cư dân sống ở các phố cổ quanh đền), gọi là “Tổ chức hiệp toán” (協賛組織), cùng sẻ chia gánh nặng tài chính để tổ chức lễ hội. Ngoài các phố cổ, còn có một số làng lân cận khu vực Kyoto cũng có lịch sử phục vụ lâu dài cho lễ hội như cung cấp bánh gạo, làm bùa xua đuổi bệnh tật “chimaki” (粽)) thiết kế riêng cho từng phố kiệu. Chịu trách nhiệm cao nhất về việc phân công công việc chuẩn bị cho lễ hội là Hội phố (町会所) như đã đề cập ở trên, có trụ sở riêng ở từng phố kiệu yama hoặc hoko, sau này, vào những năm 1970 được pháp nhân hóa thành đoàn thể công ích xã hội và đổi tên thành “Hội bảo tồn kiệu yama hoko” (山鉾保存会). Mỗi phố cổ có kiệu yama hoặc hoko đều có một trụ sở như vậy. Khâu quan trọng nhất của việc chuẩn bị cho lễ diễu hành kiệu Yama - Hoko trong lễ hội Gion là lắp đặt và trang trí các cỗ kiệu. Việc này được 32 phố kiệu đảm nhận. Tuy nhiên, có phố có xưởng mộc truyền thống riêng, cũng có phố không còn nữa, phải thuê công ty đồ gỗ ở nơi khác về lắp ráp kiệu. Công việc lắp ráp và trang trí được chuẩn bị vào đầu tháng 7 và tiến hành từ mùng 10/7 đối với kiệu lớn hoko và từ 13/7 đối với kiệu nhỏ yama. Nhóm nghiên cứu chúng tôi phỏng vấn ông Sugita Shigeharu, Hội trưởng Hội bảo tồn kiệu Koiyama pháp nhân đoàn thể công ích, được biết rằng nguồn kinh phí duy trì hoạt động của hội do các hội viên mới vào hội đóng góp (5 vạn yên/người/lần duy nhất), sau đó quyên góp từ các doanh nghiệp bán hàng và cư dân trong phố, ngoài ra còn thu được từ nguồn tiền bán đồ lưu niệm mỗi dịp lễ hội.

Điều hành hoạt động chung của lễ hội Gion là Hội liên hiệp kiệu yama-hoko (山鉾連合会), nơi liên kết tất cả các thành viên của 32 hội phố (hiện nay một số hội phố chuyển thành Hội bảo tồn). Hội liên hiệp kiệu yama hoko lễ hội Gion được thành lập năm 1923, đến năm 1992 được pháp nhân hóa thành đoàn thể công ích. Hội liên hiệp gồm các thành viên là trưởng Hội phố hoặc Hội bảo tồn kiệu yama hoko của từng phố, họp định kỳ một tháng một lần ngay cả khi không phải mùa lễ hội. Hội có trách nhiệm tổ chức, điều hành lễ hội và bảo tồn các vật dụng dùng trong lễ hội. Nếu phố nào có đồ tạo tác, đồ cổ trang trí các cỗ kiệu bị hỏng thì họ không tự sửa chữa mà báo cáo với ủy viên hội liên hiệp để được giải quyết. Vào ngày thứ 2 của tháng 7, Hội liên hiệp sẽ tổ chức bốc thăm để chọn ra thứ tự của 32 cỗ kiệu trong lễ diễu hành. Lễ diễu hành kiệu hoko ngày 17/7 và kiệu yama ngày 24/7 cần đến nguồn nhân lực lớn như: người kéo kiệu, cổ động viên, người diễu hành, hướng dẫn viên, tình nguyện viên dọn vệ sinh… Ngoài cư dân phố cổ, rất nhiều khách tham quan và người nước ngoài sống ở Kyoto cũng muốn tham gia trải nghiệm này. Hội liên hiệp sẽ ra quyết định lựa chọn các thành viên bên ngoài được tham gia vào lễ hội.

Việc bảo tồn các đạo cụ dùng trong lễ hội Gion do Hội phố và Hội bảo tồn chịu trách nhiệm. Như đã đề cập ở phần trên, mỗi phố đều có một cơ sở của hội, có thể đặt ở ngôi nhà cổ được cư dân hiến tặng cho Hội phố, cũng có thể là khu nhà mới được mua hay thuê bằng tiền của Hội. Đây vừa là nơi cất giữ các cỗ kiệu cổ (sau lễ diễu hành ở lễ hội Gion, kiệu sẽ được tháo rời và bảo quản cẩn thận), đồng thời cũng là nơi lắp ráp cỗ kiệu và mở cửa cho khách tham quan ghé xem. Đồ tạo tác như thảm cổ từ thế kỷ 17, tranh vẽ trên các bức liếp bằng giấy, tượng gỗ, đồ trang trí bằng kim loại đều được cất giữ ở trụ sở Hội bảo tồn. Kinh phí bảo quản và tu sửa được nhà nước hỗ trợ, thông qua Hội liên hiệp kiệu yama hoko, nhưng một phần không nhỏ là do các phố tự túc bằng nguồn kinh phí của mình. Lễ hội Gion được duy trì không chỉ bởi chính sách Bảo tồn di sản văn hóa của chính phủ Nhật Bản mà còn bởi lòng tự hào, tự tôn của người dân phố cổ. Họ đã lưu giữ những giá trị vật chất và tinh thần trường tồn mãi với thời gian, không phai mòn bởi chiến tranh, bởi sự biến động của xã hội hiện đại. Trong nhịp sống mới của thành phố Kyoto vừa cổ kính, vừa hiện đại, những giá trị lịch sử, văn hóa ấy chính là niềm tự hào của người dân Kyoto.

Vai trò của các tổ chức dân sự trong bảo tồn và tổ chức lễ hội Onbashira

Điều hành tổng thể lễ hội Onbashira là Tổ chức tín đồ (đệ tử) của đền Suwa taisha, trong đó quan trọng nhất là Tổng hội liên kết đại diện Đền thượng. Có nguyên tắc mỗi địa khu (làng) sẽ chọn ra 1 người tham gia vào Tổng hội, 8 bloc sẽ hợp tác với nhau dưới sự chỉ đạo của các vị chức sắc phụ trách Đền Suwa, những người điều hành toàn bộ hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, Lễ hội Onbashira vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các tập quán và sự quyết định độc lập của mỗi địa khu, vì vậy, Tổng hội không thể can thiệp hay cưỡng chế đối với quyết định của từng địa khu hoặc bloc, mà suy cho cùng cũng chỉ có vai trò điều hành chung đối với các hoạt động của lễ hội. Ví dụ, vào năm 2010, có 2 bloc đã đưa ra phương án kêu gọi sự tham gia của khách du lịch vào hoạt động kéo cây cột trụ do tình trạng thiếu nhân lực trong làng. Nhưng việc này bị các đại diện bloc khác trong Tổng hội phản đối, vì họ cho rằng những việc quan trọng của lễ hội phải do các đệ tử tự đảm nhiệm, kết quả là 1 bloc xin rút ý kiến, còn bloc Kitayama và Yonezawa vẫn đơn độc tiến hành cuộc thử nghiệm.

Cùng với vai trò điều hành toàn thể lễ hội, một vai trò quan trọng khác của Tổng đại diện là kết nối giữa các bloc. Mỗi bloc có ít nhất là 2 địa khu (2 làng), có những bloc có tới 3 làng, họ phải phối hợp với nhau làm việc trong lễ hội, vì vậy, vai trò liên lạc, điều hành của Tổng hội là không thể thiếu. Ngoài ra, mỗi địa khu lại có 1 Phó Tổng đại diện và Đại tổng hương đầu cùng Đại diện đệ tử được bầu ra, họ cùng có trách nhiệm điều hành lễ hội cùng với Tổng hội. Ở cấp độ “khu” trong cuộc sống hàng ngày, trưởng khu có vai trò như một người đứng đầu cộng đồng, chịu trách nhiệm điều hành chung, nhưng riêng những việc liên quan đến lễ hội Onbashira thì người điều hành lại là Đại tổng hương đầu, ngay cả trưởng khu cũng phải tuân theo sự chỉ đạo của người này.

Ngoài ra, liên quan đến việc bảo tồn và tổ chức lễ hội còn có rất nhiều hiệp hội nhỏ như Hội bảo tồn kỹ thuật “đẵn cây” (kizukuri), Hiệp hội bảo tồn kỹ thuật gánh dài của Kanazawa, được thành lập năm 2001, góp phần vào việc truyền dạy các kinh nghiệm và kỹ thuật truyền thống cho thanh, thiếu niên. Như đã phân tích ở phần trên, lễ hội Onbashira là nơi mà các kỹ nghệ và văn hóa truyền thống được truyền thụ. Khi tiến hành các công đoạn đẵn cây, kéo gỗ và dựng cột trụ, mỗi người đều phải tuân thủ nghiêm ngặt hiệu lệnh và làm theo những quy ước cụ thể, Hội bảo tồn kỹ thuật đẵn cây phụ trách việc truyền dạy kiến thức và kinh nghiệm trong công đoạn này. Người tham gia bao gồm đủ các thành phần, từ những nghệ nhân danh tiếng đến trẻ em tiểu học, có nơi kỹ thuật đẵn gỗ còn được huấn luyện cho trẻ em tiểu học, và lễ hội trở thành nơi diễn tập kỹ nghệ thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, những công việc tưởng như đơn giản như xâu cây gậy dài để gánh các hộp hành lý nặng được tái hiện trong lễ hội (gánh kiệu), hay màn biểu diễn “gánh kiệu hành lý” được trình diễn ở Đền thượng và Đền hạ, bởi những người có bước chân “thần kỳ” và mặc những bộ quần áo lộng lẫy, cũng là một khâu trong kỹ thuật gánh kiệu. Kỹ thuật gánh kiệu Kanazawa đòi hỏi phải bước cao chân về phía trước, sao cho khi bước, mọi người có thể thấy được toàn bộ lòng bàn chân, tựa như vừa đi vừa múa, y phục cũng khác lạ so với ngày thường. Người gánh kiệu quấn ruột tượng (bao đựng tiền) vòng quanh bụng, mặc quần ngắn và đi tất dài, tái hiện lại hình ảnh những người gánh đồ vượt núi băng đèo ở Kanazawa. Điều này nhắc nhở về truyền thống, khi mà hình ảnh những người gánh thuê không còn được nhìn thấy ở Kanazawa nữa. Vào năm 2001, nhờ có lời kêu gọi của các cư dân trẻ trong vùng, Hiệp hội bảo tồn kỹ thuật gánh dài của Kanazawa đã được thành lập, trở thành nơi những người già có kinh nghiệm có thể truyền thụ kỹ thuật truyền thống cho lớp trẻ. Gần đây, các điệu múa vốn cần đến thể lực tốt được giao cho thanh niên 20-30 tuổi, còn việc hát thì do người già đảm nhiệm. Hiệp hội bảo tồn kỹ thuật gánh dài của Kanazawa không chỉ dừng lại ở ý nghĩa bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống. Khi dân số ở nơi đây đang suy  giảm, ảnh hưởng đến sự ổn định của cộng đồng thì việc giao lưu giữa các hội viên thế hệ già và trẻ của Hội bảo tồn sẽ giúp cho mối quan hệ trong cộng đồng gắn kết hơn.

Ở phần trên, chúng tôi đã giới thiệu khái quát các thao tác và công đoạn trong lễ hội Onbashira. Những công việc chuẩn bị cho lễ hội như vậy được tiến hành trong không gian cuộc sống thường ngày ở địa khu (làng) hay khu, nơi mà họ cùng làm việc với những người hàng xóm quen thuộc, và thông qua đó, sự tồn tại của cộng đồng được khẳng định, đời sống cộng đồng được duy trì và phát triển. Tuy nhiên, sự kết hợp khăng khít và bền chặt trong cộng đồng lại song hành với việc bài trừ người ngoài, nói cách khác, sức bền cộng đồng và tính khép kín của cộng đồng là hai mặt của một vấn đề. Trên thực tế, trong lễ hội Onbashira, việc tham gia lễ hội như một truyền thống tồn tại từ cổ xưa đến nay trong cộng đồng dân cư và đệ tử của đền Suwa là điều không thể phủ nhận. Nhưng những năm gần đây, tình hình có nhiều biến đổi, cơ cấu sản xuất ở các địa phương vùng Suwa cũng có sự biến đối, nhiều ngành sản xuất của khu vực bị đình trệ, dân số di cư, làm mất dần ngành nghề truyền thống. Người theo nghề nông hoặc tự kinh doanh, sản xuất dần ít đi, con số các cửa hàng và số người theo nghề thủ công cũng giảm mạnh từ những năm đầu thời đại Bình Thành (đầu 1990). Du lịch - một trong những ngành kinh tế chủ đạo của vùng này cũng bị đình trệ, trong vòng 10 năm qua số khách du lịch đã giảm khoảng 1/3, dân số cũng giảm trong 10 năm trở lại đây. Dân số đang trong độ tuổi lao động cũng ở mức thấp hơn so với con số trung bình trên toàn nước Nhật, việc giới trẻ ra đi khỏi địa phương ngày càng trầm trọng hơn, xã hội già hóa cũng tiến triển nhanh. Ngoài ra, số người mới đến địa phương cũng giảm đi, nên vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút và dung nạp những người mới vào cộng đồng truyền thống.

Sự biến chuyển như vậy kéo theo những vấn đề trong khâu tổ chức lễ hội Onbashira. Hiện tượng di cư của dân địa phương làm cho số đệ tử đền Suwa Taisha giảm đi, đồng nghĩa với giảm sút nguồn nhân lực và nguồn tài chính phục vụ lễ hội. Giới trẻ rời bỏ địa phương đi tìm kiếm việc làm ở nơi khác khiến cho một số công việc cần đến sức lực dồi dào của thanh niên trai tráng như “tekoshu” (điều khiển đòn bẩy) và kéo gỗ trở thành thiếu nhân lực, việc bảo tồn lễ hội cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Mặt khác, mặc dù có những người mới đến tham gia vào lễ hội, nhưng vấn đề giảm dân số vẫn chưa được cải thiện, ngoài ra, những người không quan tâm, không muốn tham gia lễ hội cũng tăng, ảnh hưởng đến việc duy trì lễ hội truyền thống.

Hiện nay, xây dựng những mối quan hệ mới, dung nạp các cư dân mới vào cộng đồng là vấn đề cấp thiết, và đã được thử nghiệm ở khu đô thị mới Nakaoshio. Khu đô thị mới này nằm ở cực tây của Toyohira, được bao bọc bởi Toyohira, Yonezawa và Koto. Đây là khu nhà chung cư tư nhân được công ty cung cấp nhà ở tỉnh Nagano đầu tư xây dựng, nhưng không phục vụ dân cư trong tỉnh này, mà tập trung nhiều người đến từ mọi miền đất nước. Khu đô thị mới Nakaoshio có 1.100 hộ dân với 3.000 nhân khẩu sinh sống, là một khu hành chính mới độc lập với Toyohira. Trong lễ hội Onbashira, cư dân ở đây cũng tham gia cùng cụm với Toyohira, họ chiếm tới 1/3 dân số Toyohira. Nhìn chung, những người mới gia nhập vào cộng đồng địa phương ở Suwa đã đóng tiền phí cho khu khi đăng ký trở thành công dân của khu (thành viên của làng), nhưng họ không có chung mối quan tâm với người dân bản địa, và tất nhiên, không nhiều người quan tâm đến lễ hội Onbashira. Việc này phần nhiều là do cách đối xử của những cư dân cũ trong cộng đồng, nhưng cũng không ít trường hợp, lại là sự lựa chọn cách sống như vậy của họ - những cư dân mới.

Trong lễ hội Obashira năm 2010, số tiền thu được từ các hộ tín đồ ở địa khu Toyohira là 11 triệu yên, thì chỉ riêng khu đô thị mới Nakaoshio đã thu được 4,6 triệu yên. Không chỉ về phương diện tài chính, những cư dân mới còn đóng góp cả sức lực phục vụ lễ hội. Vì họ không có kinh nghiệm, cũng không am hiểu truyền thống ở đây nên cũng đã đến học hỏi kinh nghiệm ở các làng lân cận. Kết quả là khu Nakaoshio đã chứng tỏ được vai trò của mình trong lễ hội Onbashira. Một người phụ trách khu Nakaoshio trong lễ hội cho biết: “Nhờ tích cực tham gia lễ hội, chúng tôi bắt đầu xây dựng được vị trí không thể thiếu trong cộng đồng Toyohira, và chúng tôi rất tự hào về điều này. Hơn thế, nhờ có việc tham gia vào lễ hội mà chúng tôi cũng xây dựng được những mối quan hệ mới trong cộng đồng, việc này rất có ý nghĩa...”. Sự tồn tại của Nakaoshio đã được những người dân bản địa và các vùng lân cận công nhận. Một người đàn ông 70 tuổi đã ra đời và lớn lên ở Yonezawa cho hay, “Giao tiếp với nhau trong lễ hội Onbashira là đương nhiên, nhưng chúng tôi cũng rất vui nếu có thể tạo ra những mối quan hệ mới với cư dân Nakaoshio trong cuộc sống thường ngày”. Đó là một ví dụ về việc các cư dân bản địa chấp nhận sự tham gia của cư dân mới trong đời sống cộng đồng, nó trở thành động lực cho sự hợp tác với nhau trong công việc của họ.

 

Vai trò của các đoàn thể trong bảo tồn và duy trì nghề dệt Kagayuzen

Như đã trình bày ở phần trên, 12 công đoạn chính trong nghề nhuộm Kagayuzen được tổ chức thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn vẽ màu, và giai đoạn thứ 2 là giai đoạn nhuộm màu. Giai đoạn 1 (gồm bước 1-6) do Liên hiệp hội chấn hưng nghề nhuộm Kagayuzen[1] phụ trách, nếu có khó khăn sẽ đứng ra hỗ trợ. Công việc chính của Liêp hiệp hội là hỗ trợ các khu sản xuất thủ công (sanchi) và người nghệ nhân thủ công hình dung về kế hoạch sản xuất của họ từ khâu thiết kế sản phẩm, sản xuất, và bán sản phẩm ra thị trường, sao cho thúc đẩy được nghề nhuộm truyền thống Kagayuzen tiếp tục phát triển. Điều quan trọng nhất mà Liên hiệp hội làm cho làng nghề của họ, đó là cung cấp thông tin. Toàn bộ thông tin liên quan đến vùng sản xuất được Hội thu thập và cung cấp rộng rãi trên trang web. Hội còn thành lập Viện nghiên cứu về nghề nhuộm Kagayuzen để thiết kế những sản phẩm thủ công vừa giữa được yếu tố truyền thống, vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện đại, design các mẫu mã, hoa văn mới cho bộ kimono truyền thống. Hội chính là nơi kết nối nguồn nhân lực liên quan đến nghề, không chỉ giới hạn ở làng nghề mà còn mở rộng trên toàn Nhật Bản. Hội cũng có chính sách đào tạo nhân lực cho làng nghề, thông qua mở các lớp học do nghệ nhân nổi tiếng dạy, tổ chức các sự kiện quảng bá cho làng nghề, mở fan club của Kagayuzen với số hội viên lên tới 1.100 người, ra Tạp chí về nghề nhuộm Kagayuzen, tổ chức các lớp học mặc kimono truyền thống cho trẻ em, xây dựng hội quán Kagayuzen...

Giai đoạn 2 gồm các bước từ 7-12 là giai đoạn nhuộm, tất cả kỹ thuật truyền thống đều hội tụ ở giai đoạn này. Liên hiệp hội khu tổ hợp nhuộm Kagayuzen phụ trách giai đoạn 2. Khu tổ hợp được xây dựng năm 1970, với mục đích thúc đẩy sự phát triển của vùng nghề, nâng cao tính đặc sắc của vùng sản xuất. Có 22 cơ sở sản xuất tham gia vào khu tổ hợp, chuyển dần mô hình sản xuất hộ gia đình thành khu vực làng nghề, tạo điều kiện cho sự giao lưu giữa các nghệ nhân, đào tạo thợ thủ công, phát triển sản phẩm. Khu tổ hợp là niềm tự hào của thành phố Kanazawa về nghề truyền thống địa phương, đồng thời còn là nơi thu hút khách du lịch, phát triển du lịch với kinh doanh sản phẩm thủ công truyền thống.

 

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

Tài liệu tham khảo

  1. Higuchi Hiromi (2015), Đại học Senshu “Kế thừa công nghệ và văn hóa truyền thống nhìn từ lễ hội và nghề thủ công truyền thống”, Workshop quốc tế “Nghiên cứu văn hóa - xã hội Nhật Bản” tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tháng 9/2015.
  2. Hoàng Bá Thịnh (2009), “Vốn xã hội, mạng lưới xã hội và những phí tổn”, Tạp chí Xã hội học số 1.
  3. Hồ Hoàng Hoa (chủ biên, 2004), Vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản, NXB.Khoa học xã hội, 2004.
  4. Ngô Hương Lan, Nguyễn Thị Thu Phương, Phùng Diệu Anh (2017), “Về tính cộng đồng trong lễ hội truyền thống ở Nhật Bản và Việt Nam (trường hợp lễ hội Gion và lễ hội Hoa Lư”, Nghiên cứu Đông Bắc Á số 5 (195).
  5. Ngô Hương Lan (2018), “Tình hình vốn xã hội ở Nhật Bản hiện nay”, Nghiên cứu Đông Bắc Á số 7 (209).
  6. Ngô Hương Lan (chủ biên, 2022) Vốn xã hội trong bảo tồn văn hóa truyền thống ở Nhật Bản và Hàn Quốc – Kinh nghiệm đối với Việt Nam, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội.
  7. Trương Văn Món (2014), “Tiếp cận phương pháp và lý thuyết trong nghiên cứu lễ hội”, Lễ hội cộng đồng: truyền thống và biến đổi, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2014.

 

 



[1] https://www.kagayuzen.org/

Tin tức khác

VAI TRÒ CỦA CHÍNH SÁCH NHÀ NƯỚC TRONG BẢO TỒN LỄ HỘI VÀ NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG Ở ...

Chính phủ Nhật Bản, ngay từ thời Minh Trị đã sớm ban hành các thông báo về bảo tồn cổ vật và thư tịch cổ. “Thô ...

ĐỐI CHIẾU VĂN HÓA GIAO TIẾP  NHẬT BẢN – VIỆT NAM QUA KHẢO SÁT CÁC HÀNH VI NGÔN NGỮ  “ ...
ĐỐI CHIẾU VĂN HÓA GIAO TIẾP NHẬT BẢN – VIỆT NAM QUA KHẢO SÁT CÁC HÀNH VI NGÔN NGỮ “ ...

Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa đều có những quy tắc ngôn ngữ và quy tắc ứng xử riêng được quy định bởi thói quen tư duy, ứng xử của ...

BÌNH CHỌN CHỮ HÁN CỦA NĂM – MỘT NÉT VĂN HÓA NHẬT BẢN
BÌNH CHỌN CHỮ HÁN CỦA NĂM – MỘT NÉT VĂN HÓA NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc bình chọn một chữ Hán tiêu biểu, mô tả tình hình và xu thế nổi bật của một năm đã trở nên quen thuộc với khá nhiều người. Bắt đầu ...

CÁC XU HƯỚNG VÀ HẠN CHẾ TRONG PHƯƠNG PHÁP  GIÁO DỤC DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ THÔNG ...
CÁC XU HƯỚNG VÀ HẠN CHẾ TRONG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ THÔNG ...

Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, hầu hết các chính phủ trên thế giới đã tạm thời đóng cửa các trường học. Giáo dục tại nhà hiện là l ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn