GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

VAI TRÒ CỦA CHÍNH SÁCH NHÀ NƯỚC TRONG BẢO TỒN LỄ HỘI VÀ NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG Ở NHẬT BẢN

Đăng ngày: 20-02-2023, 10:09

  1. Chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với lễ hội truyền thống

Chính phủ Nhật Bản, ngay từ thời Minh Trị đã sớm ban hành các thông báo về bảo tồn cổ vật và thư tịch cổ. “Thông báo (bố cáo) về phương pháp bảo tồn cổ vật”, “Thông báo về bảo tồn thư tịch cổ, nhạc cụ lễ hội và cổ vật” (31 cổ vật) sớm nhất ra đời ngày 23/05/1872 (năm Minh Trị thứ 4). Đến ngày 05/06/1898 (năm Minh Trị thứ 30), “Bố cáo luật bảo tồn đền chùa cổ”, bảo tồn các tòa nhà cổ, đền chùa, miếu mạo với tư cách là báu vật quốc gia đã được ban hành. Năm 1947 (năm Chiêu Hòa thứ 22), lần đầu tiên sau chiến tranh, các cỗ kiệu Naginata-hoko và Tsuki-boko đã được phục chế và hoạt động lại trong lễ tuần hành kiệu yama-hoko ở Shijo, Kyoto. Lễ đón thần (shinkosai), lễ tiễn thần (kankosai) cũng được tổ chức lại. Năm 1950 (Năm Chiêu Hòa thứ 25), Hiệp hội tuần hành kiệu yama-hoko của lễ hội Gion ra đời.

Có một dấu mốc quan trọng là vào năm 1950, Luật bảo tồn di sản văn hóa được ban hành ở Nhật Bản, đánh dấu cột mốc để chính phủ và người dân nhận thức lại về tầm quan trọng của các tài sản văn hóa do tổ tiên để lại. Đối với lễ hội Gion, dấu mốc quan trọng là năm 1952, sau 80 năm gián đoạn, 28 cỗ kiệu yama-hoko đã được phục chế, đưa vào tuần hành trong lễ rước kiệu. Năm 1953, có thêm cỗ kiệu Kikusui-hoko hoạt động lại sau 90 năm gián đoạn. Năm 1956, tiền lễ (lễ tuần hành kiệu đầu tiên trong lễ hội Gion) được tổ chức lại. Năm 1959, lễ hội Gion được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, theo Luật bảo tồn di sản văn hóa. Năm 1962, 29 cỗ kiệu yama-hoko được công nhận là di sản văn hóa vật thể của dân tộc Nhật Bản, tuy nhiên, lễ diễu hành bị nghỉ 1 năm do thi công công trình tàu điện ngầm nhà ga Hankyu ở khu vực phố cổ. Năm 1966, hậu lễ (lễ rước kiệu sau trong lễ hội Gion) được hợp nhất với tiền lễ, chỉ có một lễ diễu hành kiệu yama-hoko duy nhất được tổ chức vào ngày 17/7. Năm 1968, lễ hội Gion tiếp nhận 10 cỗ kiệu, Bảo tàng kiệu yama-hoko được xây dựng. Năm 1979, lễ tuần hành kiệu trong lễ hội Gion được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quan trọng cấp quốc gia; Cùng năm, kiệu Ayagasa-hoko (1979) được khôi phục và tham gia lễ tuần hành. Các cỗ kiệu Toro-yama (1981), Shijo kasa-hoko (1988), Ofune-hoko (2014) là những cỗ kiệu cuối cùng được phục chế và đi vào hoạt động trong lễ hội Gion, nâng tổng số các cỗ kiệu lên 33 cỗ kiệu.

Đặc biệt, năm 1982, ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ của chính phủ theo Luật bảo tồn di sản văn hóa, Phủ Kyoto và thành phố Kyoto cũng dành một phần ngân sách địa phương cho việc bảo tồn lễ hội Gion, và “Chế độ hỗ trợ phục chế và tân trang đồ trang trí cho kiệu yama-hoko” đã ra đời. Năm 1992, Hội liên hiệp kiệu yama-hoko lễ hội Gion được pháp nhân hóa. Năm 2009, “Lễ hội kiệu yama-hoko lễ hội Gion, Kyoto” trở thành di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận.

Như vậy, bên cạnh sự cố gắng của các cá nhân và tổ chức xã hội để bảo lưu truyền thống, gìn giữ và bảo tồn lễ hội Gion thì Chính phủ (trung ương và địa phương) cũng đóng góp phần quan trọng vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Điều này được thể hiện ở hệ thống Luật bảo tồn di sản văn hóa, ở các chính sách hỗ trợ của từng địa phương đối với tài sản văn hóa của địa phương mình. Lễ hội Gion được ghi danh trong các tài sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỏa sáng và được cả thế giới biết đến như ngày này, có phần đóng góp không nhỏ của người dân Kyoto cùng các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, đoàn thể nhân dân và chính phủ Nhật Bản.

2. Chính sách hỗ trợ đối với nghề thủ công truyền thống

Nhật Bản có hàng trăm nghề thủ công truyền thống với khoảng một trăm ngàn người theo nghề, bao gồm cả nghệ nhân và thợ thủ công. Theo thống kê năm 2012, cả nước Nhật Bản có 222 nghề thủ công truyền thống được công nhận là tài sản văn hóa phi vật thể và được bảo hộ[1]. Mặc dù Nhật Bản là một quốc gia phát triển, song việc bảo lưu truyền thống cũng được ý thức một cách sâu sắc. Bên cạnh các lễ hội truyền thống hiện đang được duy trì như một phần quan trọng của đời sống văn hóa cộng đồng như đã đề cập ở phần trên, thì “nghề thủ công truyền thống” được gìn giữ và phát triển, trở thành bộ phận không thể thiếu của nền kinh tế địa phương. Theo nghĩa hẹp, truyền thống được hiểu là những tập quán, những quy ước cụ thể thuộc về văn hóa, đời sống sản xuất..., được con người trong một khu vực nhất định kế thừa từ đời này sang đời khác. Những bí quyết và kỹ thuật độc đáo của nghề thủ công truyền thống qua bàn tay con người được gìn giữ và kế tục. Trên thực tế, việc thẩm thấu và lưu truyền những bí quyết nghề này không chỉ là câu chuyện của những người trong nghề, nó được gìn giữ và lưu truyền bởi cộng đồng địa phương quanh nó, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, trở thành tập quán và hệ thống.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, cùng với việc từ bỏ quyền sở hữu quân đội và tham gia chiến tranh, Nhật Bản nhanh chóng bước vào quỹ đạo phát triển kinh tế thần kỳ. Chỉ trong vòng 10 năm, kể từ khi bại trận năm 1945, đến năm 1956 Nhật Bản tuyên bố đã đạt được thu nhập bình quân đầu người gấp 1,5 lần và tổng sản lượng công nghiệp cao gấp 2 lần so với giai đoạn thịnh vượng nhất trước đó (năm 1939). Từ năm 1955 đến 1973, tăng trưởng kinh tế liên tục đạt trên 10%, đưa đất nước Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới và bước vào xã hội tiêu dùng xa xỉ hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, cú sốc dầu lửa 1973 lần đầu tiên đã làm thay đổi cách nhìn nhận của người Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung về mô hình phát triển chỉ dựa vào tăng trưởng kinh tế - “Mô hình kinh tế nâu (brown economy)”. Người Nhật Bản cũng nhanh chóng nhận ra cái giá phải trả cho việc ưu tiên phát triển kinh tế, đó là môi trường bị hủy hoại, sức khỏe người dân bị đe dọa nghiêm trọng, và dường như sự giàu có về kinh tế chưa hẳn đã tỉ lệ thuận với chất lượng cuộc sống. Và thế là họ bắt đầu nhìn nhận lại giá trị của các sản phẩm thủ công truyền thống được lịch sử nuôi dưỡng lâu đời, kỳ vọng nó “sẽ đem đến cho cuộc sống hiện tại một phong vị riêng, có ý nghĩa về chất, làm cho cuộc sống thực sự đầy đủ và phong phú”[2].

Một lý do nữa khiến cho nước Nhật nhìn nhận lại vai trò và giá trị của nghề thủ công truyền thống, đó là xu hướng di dân ra thành phố, đô thị hóa trong những năm 1960-1970 đã làm cho nhiều vùng nông thôn bị hoang hóa, già hóa dân số và thiếu vắng nguồn nhân lực phát triển địa phương. Để ngăn chặn tình trạng di dân ra thành phố, cũng như làm hình thành các “khu vực tự lực cánh sinh” có khả năng phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có ở khu vực thì việc bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống vốn có của địa phương trở thành một giải pháp hữu hiệu. Mỗi địa phương đều có lịch sử và đặc điểm văn hóa riêng, vì vậy mà xây dựng khu vực nghề thủ công truyền thống (sanchi  (産地): làng nghề) chính là “xem xét, kiểm chứng lại tinh hoa văn hóa và sự giàu có của thiên nhiên tại mỗi khu vực để từ đó phát huy nội lực”. Nghề thủ công truyền thống còn được kỳ vọng sẽ đóng vai trò “làm sứ giả truyền bá văn hóa Nhật Bản với thế giới bên ngoài”, bởi sự tinh xảo, tính thẩm mỹ và kỹ thuật điêu luyện được tích lũy trong mỗi sản phẩm sẽ khiến cho người nước ngoài cảm nhận được chiều sâu cùng độ tinh tế của văn hóa Nhật Bản. Phát triển một nền sản xuất thủ công truyền thống gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên ở mỗi địa phương đang là định hướng của một nền kinh tế - xã hội sử dụng đồ tái chế, tiết kiệm tài nguyên và không gây ô nhiễm môi trường.

Nghề thủ công truyền thống được bảo hộ, phục hồi và phát triển với ý chí của toàn quốc gia, thể hiện ở Luật Nghề thủ công truyền thống được ban hành ngày 25/5/1974. Mục tiêu của Luật là: “Nhằm mục đích phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống được chế tác bởi kỹ thuật truyền thống đặc sắc của từng địa phương, thông qua đó làm phong phú đời sống người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước ”. Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản quy định: Chính quyền địa phương ở những nơi có làng nghề thủ công truyền thống (làng nghề có sản phẩm thủ công truyền thống đã được nhà nước công nhận) lập kế hoạch phát triển nghề ở địa phương, Nhà nước sẽ bao cấp một phần kinh phí để phát triển, phần còn lại làng nghề sẽ nhận được từ chính quyền địa phương, hướng tới phát triển làng nghề một cách toàn diện.

Nội dung cốt lõi nhất của Luật phát triển nghề thủ công truyền thống là đưa ra Nguyên tắc xác định sản phẩm thủ công, Nguyên tắc chính quyền địa phương bảo lãnh, Xây dựng kế hoạch phát triển và chính sách hỗ trợ, Nguyên tắc đào tạo đội ngũ kế nghiệp, Marketing, Giới thiệu kỹ thuật thủ công truyền  thống, Nghiên cứu vật liệu, Sử dụng lao động địa phương và Thiết kế mẫu mã, phát triển sản phẩm. Có thể nói, quy trình căn bản để lựa chọn và bảo tồn, phát triển mỗi nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản đã được quy định một cách cụ thể và minh bạch theo Luật.

- Nguyên tắc xác định sản phẩm thủ công truyền thống: một sản phẩm được công nhận là sản phẩm thủ công truyền thống chỉ khi đáp ứng đủ 5 tiêu chuẩn:① Được tạo ra bởi kỹ thuật điêu luyện và có yếu tố nghệ thuật; ② Phải là mặt hàng chủ yếu phục vụ đời sống hàng ngày; ③ Phải có tính thủ công nghiệp, với các công đoạn sản xuất chính được thực hiện bằng tay; ④ Phải được chế tạo bởi kỹ thuật truyền thống có lịch sử 100 năm trở lên; ⑤ Phải được sản xuất trong một khu vực nhất định (gọi là sanchi), trong đó có ít nhất 10 cơ sở sản xuất và 30 người theo nghề.

- Nguyên tắc chính quyền địa phương làm người bảo lãnh: phát triển nghề thủ công truyền thống được coi là giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương, do đó chính quyền địa phương phải đóng vai trò cốt yếu. Cụ thể, khi địa phương đưa yêu cầu tài trợ cho một dự án phát triển nghề truyền thống, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm một nửa, còn nửa còn lại do địa phương đảm nhận. Luật nghề truyền thống còn quy định người đại diện cho chính quyền địa phương (thống đốc hay thị trưởng) cần bảo lãnh cho sản phẩm ở giai đoạn xét duyệt.

- Kế hoạch phát triển và chính sách hỗ trợ: Luật quy định các địa phương có nghề thủ công truyền thống phải xây dựng kế hoạch phát triển trên các mặt sau: ① Công tác đào tạo, dạy nghề để luôn đảm bảo số người nối nghiệp theo nghề; ② Những công việc liên quan đến kế thừa và cải tiến kỹ thuật, thủ pháp, đảm bảo duy trì và cải tiến chất lượng sản phẩm; ③ Nghiên cứu nguyên vật liệu và đảm bảo nguồn nguyên liệu; ④ Những công việc liên quan đến khai thác nhu cầu; ⑤ Cải tiến cơ sở sản xuất và môi trường sản xuất; ⑥ Cộng đồng hóa việc mua nguyên vật liệu, bán sản phẩm và những công việc khác (thông qua các tonya)[3]; ⑦ Đảm bảo chất lượng, cung cấp thông tin chính xác và cần thiết cho người tiêu dùng; ⑧ Những công việc liên quan đến phúc lợi y tế của người lao động, nghệ nhân đang theo nghề và khi về hưu; ⑨ Lập kế hoạch các hạng mục công việc cần thiết khác nhằm khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống. Dựa trên bản kế hoạch 9 điều khoản này, các biện pháp hỗ trợ về vốn, chính sách thuế sẽ được áp dụng. Năm 1992, Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống sửa đổi đã quy định thêm tổng mức bao cấp để phát triển nghề thủ công là 1 tỷ yên/năm (8 triệu USD), trong đó mức hỗ trợ trực tiếp vào khu vực sản xuất[4] là 200 triệu yên (1,6 triệu USD), hỗ trợ cho các cơ sở làm nghề là 800 triệu yên (6,4 triệu USD).

- Đào tạo đội ngũ kế nghiệp: hình thức đào tạo chủ yếu có hai loại, thứ nhất là các nghệ nhân có tay nghề cao (được công nhận là “người làm công tác bảo tồn”)  truyền thụ bí quyết nghề cho một số thợ học việc tại cơ sở sản xuất của họ (chế độ đồ đệ); thứ hai là chính họ giảng dạy tại các trường nghề của địa phương (chế độ nhà trường). Hiện nay, hầu hết mỗi khu vực sản xuất (sanchi) đều có hệ thống đào tạo riêng.

- Công tác marketing: để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với sản phẩm thủ công truyền thống, hàng năm, mỗi nơi đều tổ chức các cuộc triển lãm trưng bày sản phẩm của địa phương mình. Trong tổng số vốn 1 tỷ yên/năm được Nhà nước tài trợ, 800 triệu yên được chi cho các dự án khai thác nhu cầu. Tuy nhiên, lượng tiền đến được với mỗi khu vực sản xuất không nhiều, do có khá nhiều khu vực sản xuất (sanchi) như vậy.

- Công khai kỹ thuật thủ công truyền thống - Xây dựng Nhà triển lãm thủ công quốc gia: Nhật Bản coi trọng việc “công khai hóa” và coi đó là phương thức bảo tồn nghề thủ công truyền thống một cách hữu hiệu. Các cuộc triển lãm gắn liền với việc trau dồi, nâng cao “kỹ thuật” của các nghệ nhân, đồng thời cũng có tác dụng nuôi dưỡng lòng yêu nghề, say mê với nghề của đội ngũ kế nghiệp. Đến nay, đã có khoảng 30 tòa nhà triển lãm được xây dựng ở các làng nghề và các thành phố lớn, trên 60 kỳ triển lãm được tổ chức từ năm 1974 đến nay, trong đó có các triển lãm nổi tiếng như “Triển lãm nghề thủ công truyền thống Nhật Bản”, “Triển lãm kỹ nghệ và vẻ đẹp Nhật Bản - một di sản văn hóa tinh thần quan trọng và giới thiệu người làm công tác bảo tồn”, “Triển lãm các tác phẩm văn nghệ dân gian quý của quốc gia”, “Triển lãm các tác phẩm xuất sắc của đoàn thể làm công tác bảo tồn - Thế giới của kỹ nghệ và vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản”... Đây còn là cơ hội để giao lưu giữa người sản xuất và người tiêu dùng, trao đổi thông tin, nâng cao hiệu quả quản lý các làng nghề.

- Nghiên cứu nguyên vật liệu: Việc nghiên cứu nguyên vật liệu thay thế cho vật liệu truyền thống đang ngày một cạn kiệt là việc làm cần thiết. Trên thực tế, hiện nay sợi tơ thô trong sản xuất vải lụa, sơn ta dùng trong sơn mài, vật liệu gỗ và đá quý, vật liệu làm giấy truyền thống Nhật Bản... lại đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Chính vì vậy mà có rất nhiều dự án tìm kiếm nguyên vật liệu thay thế, sản xuất hàng mẫu bằng nguyên vật liệu mới được thực hiện ở nước ngoài.

- Sử dụng lao động địa phương: Một trong những điểm trọng tâm của Luật Nghề truyền thống sửa đổi là “tận dụng tối đa nguồn lao động tại địa phương”, “tập trung phát triển sản phẩm mới sử dụng kỹ thuật truyền thống” bằng cách kết hợp các ý tưởng từ nhiều ngành nghề khác nhau[5]. Chính sách này mang tính “mở” cho các đối tượng tự nguyện, nên thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân địa phương.

- Thiết kế mẫu mã, phát triển sản phẩm mới: trong thời đại tiêu dùng đa dạng, phong phú như ngày nay, các sản phẩm thủ công truyền thống Nhật Bản không thể giữ nguyên mẫu mã cũ, bởi phải cạnh tranh với hàng hóa cao cấp mẫu mã đẹp của châu Âu và hàng thông thường giá rẻ từ châu Á tràn vào. Có dự án “Hỗ trợ phát triển mẫu mã cho các ngành nghề địa phương”, mỗi năm 2 địa phương được chọn để nhận hỗ trợ, dự án thực hiện trong vòng 4 năm với tổng kinh phí lên tới 1 tỷ yên. Trong năm đầu tiên, thành lập cơ quan quản lý dự án với tên gọi “Phòng phát triển mẫu mã địa phương”, năm thứ hai kêu gọi các tổ chức tham gia thực hiện dự án (trường hợp ít nhất là 5-6 cơ sở, nhiều nhất có tới 900 cơ sở tham gia), năm thứ ba thực hiện sản xuất thử nghiệm mặt hàng mới với sự hợp tác của các nhà thiết kế mẫu mã, năm cuối cùng mở triển lãm trưng bày sản phẩm mới tại Tokyo, lấy ý kiến đóng góp, phê bình của các nhà chuyên môn và người tiêu dùng.

Trải qua hơn 40 năm thực hiện Luật Nghề thủ công truyền thống, ở Nhật Bản hiện nay đã có 222 sản phẩm thủ công truyền thống được công nhận làm đối tượng bảo tồn, có 69.635 người theo nghề, 13.567 cơ sở sản xuất với tổng doanh thu từ nghề thủ công truyền thống đạt 104 tỷ yên (880 triệu USD) hàng năm[6].

Xã hội Nhật Bản biến động sâu sắc kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Từ một nước nông nghiệp, Nhật Bản nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu các cường quốc công nghiệp trên thế giới; giai đoạn dân số vàng những năm 1960-1970 qua đi, Nhật Bản bước vào xã hội già hóa, ít trẻ em. Sự thay đổi trong lối sống, quan niệm sống, giá trị quan về hôn nhân, gia đình, con cái… của người Nhật Bản đã khiến cho quốc gia này trở thành đất nước có tỉ lệ dân số già cao nhất thế giới, tỉ lệ trẻ em thấp, gia đình “một người” chiếm tới 25%, sự giao tiếp với hàng xóm ngày phai nhạt, các mối quan hệ xã hội trở nên lỏng lẻo, cộng đồng địa phương suy yếu... Đó là những vấn đề xã hội lớn mà Nhật Bản đang phải đối mặt.

Cùng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội Nhật Bản, vốn xã hội ở Nhật Bản cũng có những biến động. Từ một nước có vốn xã hội ở mức độ trung - cao, mạnh về vốn xã hội tổng hợp với các mối quan hệ chặt chẽ trong cộng đồng truyền thống (gia đình, dòng tộc, làng xóm, địa phương), vốn xã hội ở Nhật Bản chuyển dần sang hình thái vốn xã hội bắc cầu, phát triển trên cơ sở quan hệ công dân mới trong các tổ chức dân sự như: NPO, hội từ thiện, hội thể thao, hội sở thích, hội bảo vệ môi trường… Cộng đồng truyền thống suy yếu nhưng xã hội dân sự hiện đại lại phát triển, đem đến cho vốn xã hội một hình thái phát triển mới.

Vốn xã hội góp phần to lớn vào việc duy trì sự ổn định, an toàn trong cộng đồng, duy trì và bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống. Khảo sát trường hợp bảo tồn lễ hội truyền thống Gion, Onbashira và nghề thủ công truyền thống nhuộm Kagayuzen, chúng tôi nhận thấy vốn xã hội trong cộng đồng có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển các yếu tố truyền thống. Đó là mạng lưới quan hệ chặt chẽ giữa con người và con người trong các tổ chức có nguồn gốc từ xa xưa như “hội phố” (trong lễ hội Gion), “địa khu” (làng, trong lễ hội Onbashira) và “sanchi” (làng nghề trong nghề nhuộm Kagayuzen). Trong mạng lưới này, mọi người phân công lao động, đóng góp tài chính… một cách tự nguyện để gìn giữ các giá trị truyền thống cũng như niềm tự hào về văn hóa địa phương của họ. Đó còn là hoạt động đa dạng đóng góp cho địa phương của các tổ chức công dân mới như Hội bảo tồn kiệu yama-hoko (lễ hội Gion), Tổ chức tín đồ đền Suwa taisha và Hội liên kết đại diện đền Thượng (lễ hội Onbashira), Liên hiệp hội chấn hưng nghề nhuộm Kagayuzen… Và cuối cùng, các chính sách quốc gia như Chính sách bảo tồn văn hóa truyền thống ra đời từ thời Minh Trị, Luật Bảo tồn di sản văn hóa (1950), Luật nghề thủ công truyền thống (1974)… cũng góp phần tích cực gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống ở Nhật Bản.

 

Ngô Hương Lan

Trung tâmNghiêncứu Nhật Bản

Viện Nghiêncứu Đông Bắc Á

Trích từ cuốn “Vốn xã hội trong bảo tồn văn hóa truyền thống ở Nhật Bản và Hàn Quốc – Kinh nghiệmđốivới Việt Nam” (2022),

Ngô Hương Lan (chủ biên), NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội



[1] Theo bài giảng của GS.Higuchi Hiromi, trường Đại học Senshu về “Kế thừa công nghệ và văn hóa truyền thống nhìn từ lễ hội và nghề thủ công truyền thống” tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á tháng 9/2015.

[2]Hồ Hoàng Hoa (chủ biên), “Vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản”, Nxb.Khoa học xã hội, 2004.

[3]Tonya (問屋) giữ vai trò là người điều phối toàn bộ quy trình sản xuất của một sản phẩm thủ công tại một sanchi (làng nghề) từ khâu nhận đơn đặt hàng (đầu vào) đến lưu thông hàng hóa (đầu ra). Nguồn: Bài giảng của GS.Higuchi Hiromi, Đại học Senshu tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á ngày 4/9/2015 (Bài giảng 2, tr.33).

[4]Khu vực sản xuất có thể hiểu là một “làng nghề” (sanchi), còn cơ sở sản xuất tương đương với một công ty (hoặc hộ gia đình) làm nghề.

[5]Ví dụ, làng nghề sơn mài ở Yamanaka (Yamanaka shikki) đã ứng dụng công nghệ rắc bột vàng truyền thống (makie) trên bát, đĩa gỗ vào việc trang trí các sản phẩm mỹ nghệ khác ngoài đồ gỗ như cúc áo, vỏ sò (làm móc treo chìa khóa)… tạo nên những sản phẩm thủ công hiện đại, phù hợp với xã hội tiêu dùng hiện đại. Điều này thu hút nhiều thanh niên ở các địa phương lân cận đến đây để học nghề sơn mài truyền thống.

[6]Số liệu công bố năm 2012 của Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản. Nguồn: Bài giảng của GS.Higuchi Hiromi, Đại học Senshu tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á ngày 4/9/2015 (Bài giảng 2, tr.8).

Tin tức khác

VAI TRÒ CỦA CÁC TỔ CHỨC DÂN SỰ TRONG BẢO TỒN LỄ HỘI VÀ NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG Ở N ...
VAI TRÒ CỦA CÁC TỔ CHỨC DÂN SỰ TRONG BẢO TỒN LỄ HỘI VÀ NGHỀ THỦ CÔNG TRUYỀN THỐNG Ở N ...

Quy chế tổ chức lễ hội Gion ra đời đầu tiên vào thời trung thế (năm Thiên Chính 19, năm 1591), có tên là “Chế ...

ĐỐI CHIẾU VĂN HÓA GIAO TIẾP  NHẬT BẢN – VIỆT NAM QUA KHẢO SÁT CÁC HÀNH VI NGÔN NGỮ  “ ...
ĐỐI CHIẾU VĂN HÓA GIAO TIẾP NHẬT BẢN – VIỆT NAM QUA KHẢO SÁT CÁC HÀNH VI NGÔN NGỮ “ ...

Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa đều có những quy tắc ngôn ngữ và quy tắc ứng xử riêng được quy định bởi thói quen tư duy, ứng xử của ...

BÌNH CHỌN CHỮ HÁN CỦA NĂM – MỘT NÉT VĂN HÓA NHẬT BẢN
BÌNH CHỌN CHỮ HÁN CỦA NĂM – MỘT NÉT VĂN HÓA NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc bình chọn một chữ Hán tiêu biểu, mô tả tình hình và xu thế nổi bật của một năm đã trở nên quen thuộc với khá nhiều người. Bắt đầu ...

CÁC XU HƯỚNG VÀ HẠN CHẾ TRONG PHƯƠNG PHÁP  GIÁO DỤC DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ THÔNG ...
CÁC XU HƯỚNG VÀ HẠN CHẾ TRONG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ THÔNG ...

Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, hầu hết các chính phủ trên thế giới đã tạm thời đóng cửa các trường học. Giáo dục tại nhà hiện là l ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn