GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

KẾT QUẢ CHUYẾN CÔNG TÁC THAM DỰ HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7 MỞ RỘNG VÀ LÀM VIỆC TẠI NHẬT BẢN CỦA THỦ TƯỚNG PHẠM MINH CHÍNH

Đăng ngày: 24-05-2023, 14:29

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra tại Hiroshima từ ngày 20 đến ngày 21-5-2023 dưới sự chủ trì của Nhật Bản đã thành công tốt đẹp. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 do Thủ tướng Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại 3 phiên họp của Hội nghị: "Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng", "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững" và "Hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng", đưa ra nhiều đề xuất thiết thực, phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực, đóng góp những cách tiếp cận và giải pháp quan trọng từ góc độ một nước đang phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Trong chưa đầy 3 ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động, gồm các phiên họp của hội nghị, các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản, các giới, doanh nghiệp, bạn bè Nhật Bản và các cuộc trao đổi, gặp gỡ với lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, với nước chủ nhà Nhật Bản, Thủ tướng đã có 13 cuộc làm việc, bao gồm Hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, tiếp Thống đốc, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Hiroshima, các nghị sĩ Quốc hội có khu vực bầu cử tại Hiroshima, các Hội hữu nghị với Việt Nam, lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn lớn của Nhật Bản, dự và phát biểu tại Tọa đàm kinh doanh Việt – Nhật; gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.

Tại buổi Hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio, hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như hợp tác quốc phòng-an ninh; thúc đẩy trao đổi về các nội dung Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; khẳng định tăng cường liên kết hai nền kinh tế thông qua đẩy mạnh hợp tác đầu tư, thương mại. Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành hai nước thúc đẩy tiến độ một số dự án hợp tác ODA; phối hợp thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh cho Việt Nam để tham gia sâu, rộng hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hai bên cũng khẳng định phối hợp lập trường trong các vấn đề cùng quan tâm trên các diễn đàn đa phương, khu vực như ASEAN, Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)... Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.

Trước hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã chứng kiến trao đổi văn bản ký kết 3 dự án hợp tác ODA với tổng trị giá 61 tỷ yen (khoảng 500 triệu USD) gồm: Chương trình hỗ trợ ngân sách ODA thế hệ mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu COVID-19, dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương, dự án cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chuyến công tác của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp trên cả phương. diện đa phương và song phương.

Thứ nhất, về đa phương, đoàn Việt Nam đã đóng góp những cách tiếp cận và giải pháp quan trọng từ góc độ một nước đang phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

Tại các phiên họp, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nhiều thông điệp quan trọng: (i) Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn, đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương là chìa khóa để giải quyết các thách thức chưa có tiền lệ như hiện nay; (ii) phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, bảo đảm cân bằng, hợp lý theo điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước; (iii) tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và thực hiện bằng cam kết cụ thể. Thủ tướng cũng đưa ra nhiều đề xuất thiết thực, phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực.

Những ý tưởng và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ được lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần xây dựng cách tiếp cận cân bằng, tổng thể nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Sự tham gia thực chất, trách nhiệm của Việt Nam cũng đã đóng góp quan trọng vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với quan tâm, lợi ích của các nước đang phát triển.

Thứ hai, về song phương, chuyến công tác với nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, thực chất với lãnh đạo và các giới của Nhật Bản và lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đã góp phần tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với các đối tác.

Với Nhật Bản, các cuộc hội đàm, trao đổi của Thủ tướng với Thủ tướng Nhật Ban, lãnh đạo tỉnh Hiroshima và đông đảo các giới của Nhật Bản đã góp phần nâng cao hơn nữa tin cậy chính trị, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Kết quả này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chân thành với tất cả các nhà lãnh đạo G7, các nước khách mời, các tổ chức quốc tế để trao đổi các biện pháp cụ thể, thực chất thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường phối hợp trong các vấn đề cùng quan tâm. Trong trao đổi, các đối tác đều đề cao vai trò, vị thế của Việt Nam và bày tỏ sẵn sàng tăng cường hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, trọng tâm là hợp tác kinh tế - thương mại, giải quyết các vấn đề đang nổi lên như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo.

Tại hội nghị và các cuộc tiếp xúc song phương, lãnh đạo các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; thực hiện đầy đủ DOC, sớm hoàn tất COC hiệu quả, thực chất.

Một điểm nhấn quan trọng trong chuyến công tác của Thủ tướng là các cuộc gặp gỡ với các hiệp hội, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản, từ đó thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; đồng thời tăng cường, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, giải quyết được nhiều khó khăn, vướng mắc cụ thể trong các dự án.

Có thể thấy sự tham gia, đóng góp tích cực và hiệu quả của đoàn Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh G7 và các buổi làm việc tại Nhật Bản đã góp phần vào thành công của Hội nghị; đồng thời cho thấy tiếng nói quan trọng của Việt Nam trong các vấn đề toàn cầu và vị thế quan trọng của Việt Nam trong việc triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản tại khu vực. Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng hai nước cũng là tiền đề thúc đẩy các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao trong năm 2023 - năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.

 

Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.https://baotintuc.vn/chinh-tri/thu-tuong-pham-minh-chinh-hoi-dam-voi-thu-tuong-nhat-ban-kishida-fumio-20230521163404568.htm

2.https://tuoitre.vn/bo-truong-bui-thanh-son-chuyen-cong-tac-cua-thu-tuong-pham-minh-chinh-ket-thuc-thanh-cong-20230521183901936.htm

3.https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-du-toa-dam-doanh-nghiep-viet-nam-nhat-ban-728836

4. https://www.mofa.go.jp/mofaj/s_sa/sea1/vn/page1_001715.html

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn