GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Sức mạnh tinh thần của người Nhật Bản: Qua trường hợp đối phó với thảm hoạ 11-3-2011

Đăng ngày: 20-07-2012, 16:23

Sức mạnh tinh thần của người Nhật Bản cho đến nay vẫn luôn là đề tài hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu văn hóa. Ngày 11-3-2011, nước Nhật liên tiếp hứng chịu ba thảm họa kinh hoàng: trận động đất lớn hy hữu với cường độ 9,1 độ richter, sóng thần cao hơn 10 mét khiến gần 3 vạn người chết và mất tích, và ngay sau đó là thảm họa rõ rỉ chất phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I đe dọa hàng trăm ngàn người phải sơ tán trong vòng bán kính 30km. Có thể nói, trong những thời khắc của tháng 3 năm 2011, nhân dân Nhật Bản đã đứng trước thảm họa lớn nhất trong lịch sử nhân loại, đối mặt với cái chết chỉ trong gang tấc. Nhưng, mỗi người dân Nhật Bản đã đứng vững trong sự bình tĩnh, đoàn kết, kỷ luật, kiên cường khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Người phương Tây không ngừng bàn đến “văn hóa hổ thẹn”, “lòng trọng danh dự phi phàm” của người Nhật Bản, nhằm minh chứng cho sự bình tĩnh và kiên cường của họ. Người phương Đông thì ca ngợi kỷ luật của một xã hội không cướp bóc, hôi của, không đầu tư, trục lợi. Vậy thì điều gì đã làm nên cách ứng xử phi thường ấy? Có lẽ, chỉ có thể lý giải bằng sức mạnh tinh thần của người Nhật Bản mà ẩn sau nó là đặc trưng tâm lý, văn hóa, tính cách dân tộc đã được hình thành và bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử. Bài viết sẽ thông qua các ví dụ minh họa về cách ứng xử của người Nhật trong thảm họa này để tìm hiểu cội nguồn của sức mạnh dân tộc Nhật Bản.

  1. 1. Ứng xử của người Nhật trong thảm họa

Một ngày sau cơn đại địa chấn, từng hàng người xếp hàng dài để được nhận lương thực và nước uống. Sau thảm họa kinh hoàng có thể đã cướp đi người thân hay nhà cửa, tiền bạc của họ, hẳn là họ cũng bất an, mệt mỏi và đói khát như lẽ thường tình. Nhưng trong những hàng người lặng lẽ xếp hàng ấy, tuyệt nhiên không thấy một lời oán thán, không ai có ý định chen hàng và nài xin thêm khẩu phần được phát, mỗi người nhẫn nại chờ đến lượt của mình và chỉ lấy duy nhất một phần đồ ăn và nước uống. Trong tình trạng thiếu lương thực và nước nghiêm trọng, các cửa hàng cũng không hề có ý định trục lợi. Hàng hóa trên toàn nước Nhật không tăng giá. Trong các cửa hàng bị hư hại, hàng hóa đổ ngổn ngang nhưng không hề có kẻ trộm đồ hay hôi của, mà ngược lại, nhiều người mua hàng đã giúp sắp xếp lại đồ đạc lên giá, và để lại tiền mua hàng tại quầy bán không người thu tiền. Một số chủ quầy bán nước tự động đã phát miễn phí các chai nước uống. Mọi người giúp đỡ nhau để cùng tồn tại.

“Ở khách sạn Monterey, thuộc thành phố Sendai, nơi xảy ra động đất và sóng thần, hai đầu bếp đứng ra mời những người đi qua bát súp nóng cho bữa sáng. Đối với nhiều người, đây là bữa ăn đầu tiên sau trận sóng thần hôm 11/3. Mọi người xếp hàng chỉ để lấy một cốc súp. Không ai lấy sang cốc thứ hai”[1].

Tất cả những điều này trái ngược với cảnh tưởng hỗn độn sau cơn bão Katrina ở Mỹ năm 2005 mà hậu quả về mặt xã hội của nó đến giờ vẫn chưa thể khắc phục được. Nạn cướp bóc, sự phân biệt đối xử đối với những người dân nghèo ở New Orleans, trục lợi bằng cách lừa tiền ủng hộ các nạn nhân của cơn bão (vụ Phishing) hay “cái chết êm ái” dành cho những người nghèo bị thương nặng, không có tiền chữa trị. Rõ ràng là có sự khác biệt trong cách ứng xử của những con người ở hai quốc gia giàu có nhất, nhì thế giới này.

Vài ngày sau thảm họa động đất và sóng thần, sự cố hạt nhân xuất hiện tại nhà máy Fukushima I. Việc một trong các lò phản ứng của nhà máy này phát nổ, gây ra rò rỉ chất phóng xạ đã làm cho cả một vùng dân cư rộng lớn phải di tản, người dân trong vùng lâm vào cảnh khó khăn chưa từng thấy. Tuy nhiên, nhiều công nhân trong nhà máy điện Fukushima I và II vẫn làm việc miệt mài với nỗ lực làm mát lò phản ứng. Phần lớn họ đều là cư dân tại các địa phương hứng chịu thiệt hại, nhiều người trong số họ đã biết chắc người thân và nhà cửa bị sóng cuốn trôi hay vùi lấp trong đống đổ nát, nhưng họ không vì thế mà bỏ vị trí, vẫn kiên trì bám trụ trong khu vực khẩn cấp của nhà máy. Điều gì giữ họ ở lại với công việc trong khi đã hứng chịu những mất mát to lớn như vậy? Đó chính là tinh thần trách nhiệm với tập thể - công ty mà họ thuộc vào, và sau nữa là sự hy sinh bản thân vì lợi ích cộng đồng.

Còn những nhà lãnh đạo Nhật Bản? Ngay sau trận động đất, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và Chánh văn phòng nội các Edano đã mặc quần áo bảo hộ trong tình trạng khẩn lên truyền hình để trấn an người dân. Và sau đó, bộ quần áo bảo hộ màu xanh nước biển đã trở thành hình ảnh quen thuộc của toàn bộ nội các Nhật Bản trong các cuộc họp và khi đi công cán đến hiện trường vùng bị thiệt hại. Không diễn đạt bằng lời nói sáo rỗng, nhưng tất cả các quan chức chính phủ trên từng vị trí của mình đã hành động quyết liệt nhằm giảm thiểu tối đa sự thiệt hại cho dân chúng và mau chóng đưa đất nước đi vào quỹ đạo ổn định.

Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị chủ quản nhà máy Fukushima I vừa qua cũng đã bán các tài sản của mình bao gồm bất động sản và cổ phần tại Tập đoàn KDDI, ước tính khoảng 100 tỉ yên để đền bù thiệt hại cho người dân. Trong hoàn cảnh khó khăn do tổng thiệt hại đã lên tới 10.000 tỉ yên, số phận công ty không biết sẽ ra sao, nhưng công ty này vẫn cố gắng chịu trách nhiệm ở mức cao nhất có thể.

Ngay sau trận động đất, hàng chục ngàn hộ gia đình đã nhanh chóng được đưa ra khỏi khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Cuộc di dời diễn ra trong vòng 1 tháng đến nay đã tạm hoàn tất với 170.000 người dân được di rời, một vùng bán kính 30km xung quanh nhà máy đã được phong tỏa nghiêm ngặt, cấm người ra vào. Số người di rời hiện nay được bố trí ở tạm trong các nhà văn hóa cộng đồng, nhà thi đấu thể thao… ở các vùng lân cận. Thủ tướng Naoto Kan đã chỉ đạo xây dựng các thành phố sinh thái từ 5 đến 10 vạn dân cho những người phải di rời này, trong đó, số tiền đền bù di rời do nhà nước chịu 2/3, chính quyền địa phương chịu 1/3. Như vậy, có thể thấy tính mạng và lợi ích của người dân đã được quan tâm  khá chu đáo ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, trong thảm họa vừa qua, cũng có một số hành động bị chỉ trích như: sự ứng cứu chậm chạp tại những vùng bị thiệt hại nặng do sóng thần; thông tin về sự cố hạt nhân đến với người dân Nhật và cộng đồng quốc tế tương đối muộn; đặc biệt là việc xử lý các vấn đề của nhà máy điện hạt nhân và nước thải có chứa chất phóng xạ đã gây nên mối lo ngại cho nhiều nước láng giềng của Nhật Bản. Nguyên nhân của những vấn đề trên, ngoài những lý do khách quan do thảm họa thiên nhiên gây ra hay những lý do về chính trị, còn có một số lý do chủ quan nằm ở sự cứng nhắc của bộ máy chính quyền, thiếu năng động và uyển chuyển khi phải ứng phó với những tình huống khẩn cấp của ban lãnh đạo Tepco… Tất cả những điều này, một phần nào đó cũng có thể lý giải bởi những nhược điểm xuất phát từ đặc điểm tâm lý, tính cách dân tộc: tính hai mặt của một xã hội quá trật tự, kỷ luật, sự phụ thuộc lớn vào cấp trên, hay tin cẩn nhau quá nhiều mà buông lỏng việc kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả những nhược điểm này, văn hóa ứng xử và nhân cách người Nhật trong thảm họa vẫn còn rất nhiều điều đáng để chúng ta học hỏi.

  1. 2. Sự thăng hoa của tính cách dân tộc và các nhân tố tác động

- Nhưng đặc điểm tính cách nổi bật

Chúng tôi tạm liệt kê những đặc điểm nổi bật của người Nhật thể hiện trong thảm họa động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân vừa qua như sau:

-         Đoàn kết, giữ vững kỷ luật, trật tự xã hội xuất phát từ “tinh thần tập thể” và lòng kiêu hãnh, trọng danh dự.

-         Khả năng chịu đựng gian khổ, sự nhẫn nại và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc.

-         Sự phục tùng, tin tưởng của nhân dân vào bộ máy chính quyền. Sự trung thành tuyệt của người công nhân với lợi ích của công ty.

-         Lịch sự, tự chủ, tránh làm phiền người khác.

Đó là những đặc điểm mà chúng tôi tạm gọi là “tính cách dân tộc” của người Nhật Bản và sẽ chứng minh sự hình thành và phát triển của các đặc trưng tâm lý, tính cách dân tộc này thông qua xem xét một số yếu tố tác động chính như: điều kiện địa lý tự nhiên, điều kiện xã hội bao gồm lịch sử phát triển xã hội, vai trò của hệ tư tưởng Nho giáo, vai trò của tầng lớp Samurai đối với sự hình thành đạo đức Nhật Bản và sự đóng góp của hệ thống giáo dục thời cận đại và hiện đại.

- Các nhân tố tác động đến đặc điểm tâm lý, tính cách dân tộc Nhật Bản

-         Điều kiện địa lý tự nhiên

Trước hết, phải kế đến điều kiện địa lý tự nhiên của một đảo quốc, biệt lập với thế giới trong hàng ngàn năm lịch sử đã tạo cho người Nhật Bản một tinh thần dân tộc tự tôn, kiêu hãnh. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu so sánh với tinh thần “yêu danh dự” của các cư dân đảo quốc khác như người Anh, người đảo Corse, đảo Sicil. Bản lĩnh trong khủng hoảng, sự duy trì trật tự, ngăn nắp của người Nhật chính là nhờ lòng tự trọng và danh dự của họ được đặt lên hàng đầu. Không ai sẵn sàng đổi danh dự phấn đấu cả đời chỉ vì một miếng bánh hay chai nước. Tất nhiên, lý giải về lòng trọng danh dự, sự tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt của người Nhật, còn phải kể đến hiệu quả của hệ thống giáo dục hiện đại, những thói quen được duy trì nghiêm túc trong cuộc sống hàng ngày và cả tinh thần “võ sĩ đạo” được hun đúc qua nhiều thế kỷ (điều này sẽ được đề cập trong phần sau của bài viết).

Việc chung sống cùng nhau, canh tác trên một diện tích đất hẹp (nước Nhật ¾ là núi, diện tích sinh sống được chỉ chiếm ¼) khiến người Nhật từ xa xưa đã có tinh thần đoàn kết, làm việc theo nhóm, và tinh thần này lại được bồi đắp bởi sự tồn tại của kiểu gia đình phụ hệ “ie” với cuộc sống chung, lao động chung của vài thế hệ. Ý thức về “nhóm” ở người Nhật vô cùng mạnh mẽ và cũng được xem là khác thường so với các dân tộc khác. Ở Nhật Bản, mỗi người đều  thuộc “nhóm” của mình, nhóm nhỏ là gia đình, lớn hơn một chút là họ hàng, bạn bè thân hữu, đồng nghiệp trong công ty… cứ thế, cho đến “nhóm” lớn nhất chính là dân tộc Nhật Bản, đối lập với người bên ngoài (gaijin), nước ngoài (gaikoku). Người Nhật thích phân chia xã hội ra thành “người mình” (người trong nhóm - uchi) và “người lạ” (người ngoài nhóm -soto) và đối xử theo mức độ tương xứng.

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt ở Nhật Bản với trung bình hơn 1.000 trận động đất một năm, hàng chục cơn bão lớn nhỏ khi mùa thu đến có lẽ cũng là một nguyên nhân làm cho người Nhật có thói quen sống nương tựa vào nhau, thích ở trong cảm giác “tập thể”. Một nhà nghiên cứu người Anh đã viết về “cảm giác tập thể” của người Nhật như sau: “Nhật Bản - đó là đất nước của nhóm, tập thể. Trên những hòn đảo đông dân đó, những nhóm người được tạo ra có lẽ là do sự cần thiết. Sự tách biệt theo quan niệm của chúng ta ở đây là không thể đạt được. Bạn không thể có căn phòng riêng của mình. Và nếu như thật kỳ lạ mà bạn có căn phòng như vậy  thì cả gia đình vẫn nghe thấy tiếng từng bước chân của bạn, từng tiếng thở dài sau bức tường ngăn bằng giấy. Cuộc sống ở Nhật Bản loại trừ mọi sự tách biệt và thậm chí cả lòng mong muốn hướng tới sự tách biệt. Sự tách biệt được so với sự cô độc - và sự cô độc đối với người Nhật là một cái gì đó khủng khiếp. Tinh thần tập thể ở Nhật Bản cũng là hiện tượng điển hình như chủ nghĩa cá nhân ở Anh”[2].

Trong hầu hết các khảo luận tâm lý học, xã hội học nghiên cứu về Nhật Bản, “tinh thần tập thể” của người Nhật được nhắc đến như một đặc trưng tâm lý dân tộc nổi bật. V.V. Ovchinikov, tác giả của cuốn bút ký đặc sắc “Cành sakura” đã phát hiện ra sự khao khát bị phụ thuộc của người Nhật: “Về người Nhật, có thể nói họ không thích sự độc lập bằng cảm giác tập thể… Xã hội Nhật là xã hội của các tập thể. Mỗi một người Nhật thường xuyên cảm thấy mình là một phần của một nhóm người nào đó - của gia đình, của thị tộc hay của hãng. Họ quen suy nghĩ và hành động cùng nhau, được giáo dục tuân theo ý muốn của tập thể và cư xử phù hợp với vị trí của mình trong tập thể đó”[3]. Vì vậy, không lạ là ngay trong những lúc “nước sôi lửa bỏng” như trong trận động đất 11-3 vừa qua, mọi người đoàn kết, chia sẻ từng bữa ăn, cùng nhau vượt qua gian khó. Mỗi người nhìn người khác mà hành động, toàn dân đoàn kết thành một khối kiên nhẫn, chịu đựng khó khăn, hành xử một cách có kỷ luật với lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự “dẫn đường” của chính phủ và chính quyền địa phương. Một người Nhật đang làm việc tại Việt Nam, khi được hỏi rằng “tại sao ở Nhật hầu như không có trộm cắp vào những lúc như thế này?”, đã trả lời rằng “nếu tôi lấy đi một chai nước để thỏa cơn khát, hay lấy trộm tiền để mong có cuộc sống sung túc hơn thì tôi cũng không thể cảm thấy hạnh phúc khi những người xung quanh tôi đang gặp khó khăn”, “tôi không thể có hạnh phúc một mình được”… Tinh thần tập thể, sự chối bỏ mưu cầu hạnh phúc “cá nhân” và tấm lòng biết sẻ chia đã làm nên điều kỳ diệu.

Khả năng chịu đựng giỏi, sự nhẫn nại… của người Nhật cũng có nguồn gốc hình thành từ điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Sống ở mảnh đất bốn mặt là biển cả, quanh năm chống chọi với gió bão đã “rèn giũa” cho họ tính kiên cường, nhẫn nại. Đức tính này đã được tôi luyện qua hàng trăm năm nước Nhật được điều hành bởi tầng lớp võ sĩ samurai, và vẫn được gìn giữ đến ngày nay trong xã hội công nghiệp hiện đại đòi hỏi khắt khe khả năng làm việc và cống hiến của mỗi con người.

Tóm lại, có thể nói, điều kiện tự nhiên của nước Nhật đã giúp hình thành các đặc điểm tính cách dân tộc: tự tôn, kiên cường, giỏi chịu đựng gian khổ, đoàn kết, có tinh thần tập thể cao.

-         Đặc trưng xã hội Nhật Bản

Chiều dài lịch sử phát triển xã hội Nhật Bản đóng góp quan trọng vào việc hình thành tâm lý, tính cách dân tộc và văn hóa ứng xử của người Nhật. Xã hội phong kiến Nhật Bản với kiểu gia đình phụ hệ “ie” lấy quan hệ cha-con làm trung tâm, trong đó con phải kính trọng và phục tùng tuyệt đối cha. Tinh thần này được tầng lớp thống trị Nhật Bản sử dụng triệt để, kết hợp với tư tưởng đạo đức Khổng giáo được du nhập vào Nhật Bản thế kỷ IV, nhấn mạnh việc tôn trọng bậc quyền uy để xây dựng tôn ti, trật tự của xã hội phong kiến. Có thể nói, tính kỷ luật, tôn trọng người bề trên của dân tộc Nhật Bản đã ra đời từ đó. Người Nhật có câu châm ngôn nổi tiếng: “Quan hệ giữa người trên và người dưới cũng như quan hệ giữa gió với ngọn cỏ: cỏ phải rạp xuống khi gió thổi”[4].

Vào thời đại Kamakura (1192-1333), tầng lớp quý tộc quân nhân chuyên nghiệp nổi bật lên và tầng lớp samurai (võ sĩ) được hình thành, thì tinh thần xả thân vì bề trên và tính kỷ luật đã được nâng lên thành đạo đức dân tộc. Tinh thần này tiếp tục thẩm thấu vào lối sống của mọi tầng lớp xã hội Nhật Bản trong suốt thời Tokugawa nước Nhật “cửa đóng then cài” với thế giới bên ngoài. Khi thời đại Tokugawa kết thúc (năm 1867), về mặt hình thức, tầng lớp samurai bị thủ tiêu, nhưng các chuẩn tắc đạo đức võ sĩ đạo như: trung thành vô hạn với chủ, sẵn sàng mổ bụng tự sát (hara-kiri) để theo chủ xuống mồ… không hề biến mất. Trái lại, tinh thần võ sĩ đạo được tất cả các tầng lớp xã hội lĩnh hội và trau dồi, coi nó là tinh thần Nhật Bản đích thực. Trong xã hội Nhật Bản hiện đại, lòng trung thành, kính trọng bậc bề trên tiếp tục là chuẩn tắc ứng xử trong các hãng, còn tính kỷ luật thì đã trở thành một thói quen trong xã hội.

Khi tai họa ập đến trong ngày 11-3 vừa qua, người Nhật không hề rối loạn vì tính kỷ luật đã được họ duy trì như một thói quen trong đời sống hàng ngày. Một lý do nữa có thể kể đến, đó là sự bình tĩnh, kỷ luật của người Nhật còn do họ sống trong một xã hội thứ bậc rõ ràng. Người dân luôn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo, xử lý tình huống của bộ máy chính quyền cũng như sự chăm lo của những người lãnh đạo đất nước đối với họ. Họ không hoảng loạn vì tin rằng mọi việc sẽ được cấp trên giải quyết, mỗi người dân chỉ cần làm tốt nghĩa vụ ở vị trí của mình là đủ.

Tuy nhiên, chấp hành kỷ luật quá đôi khi thành cứng nhắc, nhất là trong những tình huống đòi hỏi phải có sự linh hoạt. Việc ứng cứu chậm trễ về lương thực, thực phẩm đối với vùng Miyagi là do cảnh sát cứ theo lệnh “chỉ dành đường cho xe cấp cứu” nên đã không cho các xe chở lương thực vào vùng bị nạn. Thậm chí, máy bay trực thăng chở lương thực và nước uống cũng không được phép thả các vật dụng này xuống cho người dân vì “chưa có luật cho phép như vậy”. Mọi sự nhất nhất phải chờ ý kiến lãnh đạo cũng là một nhược điểm, về điều này, trong trận động đất Kobe 1995, người Nhật đã phải trả những bài học đắt giá.

-         Ảnh hưởng của Khổng giáo

Khổng giáo du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ IV-V, được người Nhật Bản tiếp thu một cách có chọn lọc. Tinh thần cơ bản của Khổng giáo là “coi trọng các giá trị gia đình và giáo dục”[5]. Chữ “hiếu” trong ứng xử gia đình đã được người Nhật Bản chuyển hóa thành chữ “ân” (ơn) trong ứng xử xã hội. Ở Trung Quốc - cái nôi của Khổng giáo, và ở các nước châu Á tiếp thu Khổng giáo như Việt Nam, Hàn Quốc…, chữ “hiếu” được coi là cốt lõi của đạo đức Khổng giáo, nhưng sang đến Nhật Bản, chữ “ân” mới là nguồn gốc của mọi ứng xử gia đình và xã hội. Trong gia đình, con cái phải hiếu lễ với cha mẹ vì chịu cái “ân” (ơn) sinh thành. Ở trường học, trò lễ độ với thày vì chịu cái ơn dạy dỗ. Trong công việc, người đi sau (kẻ hậu bối - kouhai) chịu ơn hướng dẫn, chỉ bảo của người đi trước (bậc tiền bối - senpai). Cứ như vậy, cái “trật tự theo chiều dọc” này đã chi phối mọi ứng xử của người Nhật Bản. Xã hội Nhật Bản sở dĩ duy trì được tôn ti trật tự tốt là bởi người dưới luôn phục tùng tuyệt đối người trên, ngược lại, người trên có trách nhiệm với người dưới, mọi hành vi của từng thành viên trong xã hội được quy định một cách nghiêm khắc. Tinh thần phục tùng được vun đắp qua nhiều thế kỷ đã tạo cho người Nhật “một kiểu nhất định của các khuynh hướng tâm lý: đời sống và phép xử thế của cá nhân được điều chỉnh bởi các chuẩn tắc quy định một cách chặt chẽ, và dù trong hoàn cảnh nào, không ai được bài bác các chuẩn tắc đó” [6].

Trong 5 đức tính mà Khổng giáo đề cao là Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí - Tín, khác với người Việt Nam ta đề cao chữ “nhân”, người Nhật Bản đặc biệt coi trọng chữ chữ “lễ”. Người Nhật luôn hành xử sao cho đúng lễ nghĩa, “lễ”, “nghĩa” còn được biểu hiện trong ngôn ngữ Nhật với vô số các cách nói kính ngữ phức tạp. Có thể nói, tính lịch sự của người Nhật ban đầu được hình thành từ tinh thần “lễ”, “nghĩa” ảnh hưởng từ Khổng giáo như vậy. Ngày nay, chúng ta có thể nhìn thấy những ảnh hưởng chủ yếu của đạo đức Khổng giáo còn lại trong xã hội Nhật Bản được biểu hiện ở việc thờ cùng tổ tiên, tôn kính cha mẹ, người dưới tuyệt đối phục tùng người trên và việc tích cực giữ gìn trật tự xã hội.

-         Ảnh hưởng của tinh thần Samurai trong lối sống người Nhật Bản

Trong giai đoạn lịch sử trung đại của Nhật Bản, sự ra đời và lớn mạnh của một tầng lớp xã hội đặc biệt - tầng lớp võ sĩ quý tộc (samurai) có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến sự hình thành các giá trị đạo đức và lối sống của người Nhật Bản sau này. Vào thời đại Kamakura (1180-1333), tầng lớp chiến binh (samurai) ở các địa phương không ngừng lớn mạnh, đã thâu tóm quyền lực của giới quý tộc triều đình Kyoto. Lúc này, bắt đầu có sự pha trộn giữa lối sống của tầng lớp quý tộc Kyoto lịch sự, hào hoa, sang trọng với lối sống giản dị, đạm bạc của các chiến binh ở Kamakura, dần dần làm hình thành một tầng lớp võ sĩ quý tộc, kết hợp được cả sự lạnh lùng, dũng mãnh, tự chủ của người võ sĩ với sự tinh thế, khả năng cảm thụ thẩm mỹ cao và cách hành xử lịch thiệp của tầng lớp quý tộc.

Lối sống khắc kỷ của tầng lớp quân nhân samurai được rèn luyện trong hàng trăm năm nội chiến kéo dài từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVI. Trong thời kỳ này, những bản anh hùng ca về lòng trung thành, quả cảm, trọng danh dự và đức hy sinh cao cả của người võ sĩ samurai đã dần trở thành phẩm chất đạo đức được xã hội tôn kính và noi theo. Rốt cuộc, đó chính là cái tinh thần quan trọng nhất - tinh thần “võ sĩ đạo” mà tầng lớp samurai để lại cho hậu thế.

Vì lòng trọng danh dự mà người Nhật ngày nay không mấy khi “tơ hào” đến của cải của người khác. Cả thế giới được chứng kiến sự ưu việt của một xã hội không có nạn cướp bóc và hôi của trong cơn “đại hồng thủy” vừa qua. Cũng vì trọng danh dự mà người Nhật duy trì được sự tự chủ trong nguy biến, xã hội Nhật Bản giữ được trật tự, ổn định.

Hy sinh quên mình, trung thành với bậc bề trên là những chuẩn tắc đạo đức từ thời các võ sĩ samurai, vừa qua đã được phát huy khi sự cố hạt nhân xảy ra. Báo chí nói nhiều đến “những người hùng giấu mặt” - một đội ngũ gồm 50 chuyên gia và công nhân đã bất chấp tính mạng, sức khỏe của họ, ngày đêm làm việc tại hiện trường sự cố ở nhà máy Fukushima 1 để cứu tính mạng của nhiều người dân. Bộ đồ bảo hộ màu trắng và các mặt nạ biến họ thành những người hùng “giấu mặt”, tên tuổi của họ cũng không được TEPCO công khai, nhưng lòng quả cảm của họ thì được cả thế giới biết đến.

-         Vai trò của nền giáo dục Nhật Bản cận đại và hiện đại:

Nền giáo dục Nhật Bản thời cận đại (cuối thể kỷ XIX) và hiện đại đã đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành xã hội Nhật Bản văn minh, lịch sự ngày nay. Đóng góp quan trọng của nền giáo dục thời Minh Trị là: hiện đại hóa đất nước thông qua giáo dục ngôn ngữ (tiếng Nhật), giáo dục khoa học và giáo dục đạo đức công dân. Ở đây, chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục đạo đức công dân vì nó giúp trau dồi nhận thức của người Nhật về tính độc lập, bình đẳng và tự do cá nhân như những yếu tố quan trọng của nhân cách hiện đại. Trong các sách giáo khoa quốc gia, việc chú trọng giáo dục đạo đức công dân hiện đại đã được thể hiện ở những chủ đề như: “tự do của người khác, quyền công dân, tiến bộ xã hội, lợi ích chung, tính rộng lượng, độc lập và tự chủ, tự do làm người, nghề nghiệp, chăm chỉ, phép xã giao, tính đúng giờ và giữ lời hứa” [7]. Trong giáo dục đạo đức công dân, “tinh thần hy sinh bản thân” cũng được nhấn mạnh: “Vì lợi ích chung, người ta cũng phải từ bỏ cái tôi của mình, phải tự hy sinh mình, nghĩa là không tính đến lợi ích riêng cho mình, phải giải quyết những bất đồng ý kiến nhỏ vì lợi ích tốt đẹp nhất của cái chung, phải cố gắng vì sự hợp tác hòa thuận…”[8]. Như vậy, trẻ em Nhật ngay từ nhỏ đã được dạy về tinh thần hy sinh, cống hiến, về ý thức cộng đồng, tinh thần hợp tác.

Sau chiến tranh Thế giới thứ hai, nền giáo dục Nhật Bản bước vào thời kỳ hiện đại, được cơ cấu lại hoàn toàn, nhưng riêng bộ môn giáo dục đạo đức vẫn tiếp nối tinh thần của giáo dục thời Minh Trị, đề cao “chủ nghĩa yêu nước”. Bộ giáo dục Nhật Bản đã cải cách chương trình giáo dục đạo đức, trong đó có những tiết học mới rèn luyện tính độc lập, tự chủ, tôn trọng quyền tự chủ của người khác, lắng nghe ý kiến và rộng lượng tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, hiểu được giá trị của đức tính chăm chỉ, tích cực hợp tác để làm việc vì lợi ích của người khác, đoàn kết xã hội, chủ nghĩa yêu nước và hiểu biết quốc tế…

Có thể thấy rằng nền giáo dục Nhật Bản - một trong những nền giáo dục ưu việt nhất thế giới đã rất chú trọng đến giáo dục đạo đức, nhân cách, và điều này, về cơ bản đã giúp hình thành nhân cách đáng quý của những công dân Nhật Bản như vừa qua chúng ta đã chứng kiến.

 

Tóm lại, có thể thấy các điều kiện tự nhiên và điều kiện xã hội, như trên đã phân tích, đóng vai trò quyết định trong việc hình thành đặc trưng tâm lý, tính cách dân tộc Nhật Bản - cái chi phối toàn bộ văn hóa ứng xử của người Nhật. Trong thảm họa động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân vừa qua, văn hóa Nhật Bản - đặc biệt là văn hóa ứng xử của người Nhật lại một lần nữa hấp dẫn toàn thế giới. Cái sức mạnh tinh thần tiềm ẩn của họ, những giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử trong cơn nguy biến đã tỏa sáng rực rỡ. Lần này, người Nhật đã chinh phục thế giới bằng “sức mạnh mềm” của chiều sâu văn hóa và tính cách dân tộc./.

Ths. Ngô Hương Lan, TS. Nguyễn Thu Phương

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. Ovchinikov.V.V, Cành Sakura (1975). Nguyễn Ngọc Sang dịch, NXB. Mũi Cà Mau, 1987.

2. V.A. Pronnikov, I.D. Ladanov, Người Nhật, NXB. Tổng hợp Hậu Giang (sách dịch), 1988.

3. Richard Bowring, Peter Kornicki, Bách khoa thư Nhật Bản, Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Hà Nội, 1995.

4. Hồ Hoàng Hoa (chủ biên), Văn hóa Nhật những chặng đường phát triển, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.

5. Hiện đại hóa giáo dục Nhật Bản, Hội thông tin giáo dục quốc tế, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.

6. Giáo dục Nhật Bản, Hội thông tin giáo dục quốc tế, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.

7. NHK放送文化研究所:『現代日本人の意識構造[第七版]』、日本放送出版協会、2010年 (Viện Nghiên cứu văn hóa truyền thông NHK, Cơ cấu ý thức người Nhật hiện đại (bản thứ 7),  Hiệp hội xuất bản truyền thông Nhật Bản, Tokyo, 2010).

8. Các báo điện tử Asahi shinbun, Nikkei shinbun.

9. Các báo điện tử Thanh niên online, Đất Việt, Dân trí…

 



[1] “Người Nhật đã làm gì trong thảm họa”, Nguồn: http://nghean.vicongdong.vn/38655096/NGUOI-NHAT-DA-LAM-GI-TRONG-THAM-HOA-

[2] Giooc Mikeso (Anh), Đất nước của những đồng yên đang lên, 1970. Dẫn theo: Ovchinikov.V.V, Cành Sakura,  (1975), NXB. Mũi Cà Mau, 1987, tr.115.

[3] Ovchinikov.V.V, đã dẫn, tr.110.

[4] V.A. Pronnikov, I.D. Ladanov, Người Nhật, NXB. Tổng hợp Hậu Giang (dịch), 1988, tr. 58.

[5] Bách khoa thư Nhật Bản, tr.196.

[6] V.A. Pronnikov, I.D. Ladanov, đã dẫn, tr.60.

[7] Hiện đại hóa giáo dục Nhật Bản, Hội thông tin giáo dục quốc tế, NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002; Tr.99.

[8] Trích sách giáo khoa đạo đức tiểu học, đoạn nói về “quyền tự trị địa phương. Nguồn: Hiện đại hóa giáo dục Nhật Bản, đã dẫn, tr.110.

Tin tức khác

ĐỐI CHIẾU VĂN HÓA GIAO TIẾP  NHẬT BẢN – VIỆT NAM QUA KHẢO SÁT CÁC HÀNH VI NGÔN NGỮ  “ ...
ĐỐI CHIẾU VĂN HÓA GIAO TIẾP NHẬT BẢN – VIỆT NAM QUA KHẢO SÁT CÁC HÀNH VI NGÔN NGỮ “ ...

Mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa đều có những quy tắc ngôn ngữ và quy tắc ứng xử riêng được quy định bởi thói quen tư duy, ứng xử của ...

BÌNH CHỌN CHỮ HÁN CỦA NĂM – MỘT NÉT VĂN HÓA NHẬT BẢN
BÌNH CHỌN CHỮ HÁN CỦA NĂM – MỘT NÉT VĂN HÓA NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc bình chọn một chữ Hán tiêu biểu, mô tả tình hình và xu thế nổi bật của một năm đã trở nên quen thuộc với khá nhiều người. Bắt đầu ...

CÁC XU HƯỚNG VÀ HẠN CHẾ TRONG PHƯƠNG PHÁP  GIÁO DỤC DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ THÔNG ...
CÁC XU HƯỚNG VÀ HẠN CHẾ TRONG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ THÔNG ...

Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, hầu hết các chính phủ trên thế giới đã tạm thời đóng cửa các trường học. Giáo dục tại nhà hiện là l ...

CÁC XU HƯỚNG VÀ HẠN CHẾ TRONG PHƯƠNG PHÁP  GIÁO DỤC DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ THÔNG ...
CÁC XU HƯỚNG VÀ HẠN CHẾ TRONG PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC DỰA TRÊN NỀN TẢNG CÔNG NGHỆ THÔNG ...

Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, hầu hết các chính phủ trên toàn cầu đã quyết định tạm thời đóng cửa các cơ sở giáo dục. Khi Nhật Bả ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn