GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

Đối sách của Nhật Bản về sự gia tăng quyền lực mềm (từ năm 2000 đến nay)

Đăng ngày: 11-08-2013, 11:31

ĐỐI SÁCH CỦA NHẬT BẢN VỀ QUYỀN LỰC MỀM

(Từ năm 2000 - nay)

 

 

1. Ngoại giao văn hóa

Một trong những đối sách quan trọng của Nhật Bản về sự gia tăng quyền lực mềm đó là thực thi chiến lược ngoại giao văn hóa nhằm nâng cao quốc lực văn hóa và nâng tầm ảnh hưởng quốc gia trên trường quốc tế. Để đạt được mục đích như vậy, Nhật Bản tích cực triển khai ngoại giao văn hóa, giao lưu văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng tư đầu thế kỷ XXI đến nay. Cho dù sự xung đột và đối lập trên thế giới vẫn tồn tại, song không thể phủ nhận giá trị đặc biệt của ngoại giao văn hóa, giao lưu văn hóa có thể tránh khỏi mâu thuẫn, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa và văn minh. Hơn nữa, Nhật Bản tích cực tiến hành các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế để bảo tồn tài sản văn hóa với quan điểm tài sản văn hóa là tài sản chung của nhân loại. Như vậy, văn hóa quốc gia góp phần thúc đẩy thế giới hiểu biết Nhật Bản, qua đó, nâng cao hình tượng Nhật Bản bằng sự lôi cuốn, hấp dẫn cũng như giành được sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế. Xác định như vậy, Nhật Bản coi quảng bá văn hóa là phương cách quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu trên. Các công cụ quảng bá chủ yếu là phổ cập tiếng Nhật, giao lưu văn hóa, nghệ thuật truyền thống và hiện đại, hoạt hình, truyện tranh, âm nhạc, điện ảnh, phim truyền hình, thời trang, ẩm thực… Quảng bá văn hóa còn được nâng lên tầm cao mới với việc khẳng định trong văn kiện có tính cương lĩnh ngoại giao văn hóa quốc gia là "Giao lưu văn hóa của quốc gia hòa bình" do cựu Thủ tướng Nhật Bản Koizumi phê duyệt năm 2005. Những hoạt động giao lưu văn hóa sau năm 2005 cho thấy, tinh thần cơ bản của văn kiện này tiếp tục được đẩy mạnh và phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Tiếp đó, tháng 6/2010, chiến lược mới về xây dựng "Phòng văn hóa Nhật Bản" đã được Bộ Kinh tế Nhật Bản khẳng định là một phương tiện nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa quốc gia trên phạm vi toàn cầu. "Phòng văn hóa Nhật Bản" được xây dựng trên cơ sở thống nhất ý tưởng từ dự án "Chấn hưng ngành công nghiệp văn hóa của Nhật Bản" do các ban, ngành thuộc Bộ Kinh tế Nhật Bản đóng góp. Cuối năm 2010, Hội nghị Chiến lược với sự tham gia của các ban, ngành có liên quan được tổ chức, có nội dung chủ yếu là xây dựng các chính sách hỗ trợ của chính phủ nhằm đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa trong nước, đồng thời xúc tiến khai thác thị trường nước ngoài. Thông qua Hội nghị Chiến lược, một chiến dịch tổng hợp nhằm quảng bá văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài sẽ được thực hiện. Theo đó, chiến dịch quảng báo văn hóa ẩm thực sẽ do Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp tiến hành; Chiến dịch thu hút khách du lịch đến Nhật Bản do Sở Du lịch đảm nhận; Chiến dịch lễ hội văn hóa và giáo dục sáng tạo là sự phối hợp của các trường đại học và các cơ quan văn hóa như Cục Văn hóa Tokyo, các phòng văn hóa các địa phương. Thật vậy, tháng 9/2010, Chính phủ Nhật Bản quyết định đưa ẩm thực truyền thống, phương tiện giải trí là những công cụ chủ yếu trong quảng bá, giao lưu văn hóa Nhật Bản với nước ngoài. Qua đó, mong muốn thế giới biết đến Nhật Bản không chỉ về kinh tế mà còn có nền văn hóa phong phú, đặc sắc. Trên cơ sở này, Nhật Bản kỳ vọng điều lớn hơn là khi người ta hiểu, gần gũi với văn hóa Nhật Bản thì sẽ gần gũi xã hội và người Nhật Bản, đồng thời cũng bồi dưỡng "tình cảm thân Nhật" có tính quốc tế. Trên thực tế, sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa đại chúng Nhật Bản đã và đang ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống văn hóa thế giới, đó là kết quả của quá trình xây dựng, phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ngoài do chính phủ Nhật Bản đề xướng. Hơn nữa, chính sách này trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước trong thời đại mới. Để tăng cường xuất khẩu các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Nhật Bản ra nước ngoài, Bộ Kinh tế, Bộ Công thương đã quyết định thành lập các đội đặc nhiệm định hướng giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thâm nhập các thị trường nước ngoài. Nhằm thu hút sự chú ý của nước ngoài, các nhóm đặc nhiệm sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực là thời trang, ẩm thực, nhà ở, du lịch, giải trí, đồng thời tổ chức biên chế theo từng khu vực để quảng bá và bán các sản phẩm văn hóa. Bên cạnh đó, mỗi nhóm đặc nhiệm còn mời các chuyên gia chính phủ và dân sự vào "Ban cố vấn sáng tạo" nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác thị trường mới ở nước ngoài. Một yếu tố quan trọng đó là chính phủ Nhật Bản sẵn sàng đóng vai trò trung gian giới thiệu các doanh nghiệp hợp tác với nhau, cung cấp thông tin thị trường. Như đã đề cập ở phần trước, Phòng Văn hóa Nhật Bản, không chỉ được chính phủ đưa quảng bá văn hóa vào chiến lược tăng trưởng mới mà còn đặt mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, Phòng Văn hóa Nhật Bản còn có chức năng đào tạo và thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Chính phủ Nhật Bản còn hỗ trợ một trong những nội dung quan trọng của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ra nước ngoài đó là đào tạo nguồn nhân lực gồm: nhân lực quản lý, nhân lực sáng tạo. Trong đó, nguồn nhân lực sáng tạo được chính phủ Nhật Bản hết sức quan tâm nhằm phát hiện, bồi dưỡng những nhân tài phục vụ cho công nghiệp hóa. Hàng năm, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch với qui mô quốc tế, khu vực cũng nhận được sự hỗ trợ của chính phủ, qua đó, bồi dưỡng, phát hiện nguồn nhân lực sáng tạo văn hóa có thể đảm trách các mục tiêu, đối sách của ngành công nghiệp văn hóa ra nước ngoài. Thật vậy, từ đầu thế kỷ XXI đến nay, chính sách văn hóa của Nhật Bản cũng có nhiều thay đổi nhằm phù hợp với thời đại toàn cầu hóa sâu rộng và sự phát triển với tốc độ "chóng mặt" của công nghệ thông tin. Do đó, mục tiêu hướng tới "Toàn cầu hóa nền công nghiệp văn hóa" của Nhật Bản đòi hỏi cần có các chính sách thích hợp với việc mở rộng thị trường nước ngoài. Như vậy, nhiều bộ, ban, ngành, cơ quan chính phủ như Bộ Văn hóa giáo dục, Đại sứ quán, Quĩ giao lưu quốc tế (Japan Foundation), Tổ chức Xúc tiến Thương mại hải ngoại (JETRO) v.v… với nhiệm vụ dùng công nghiệp văn hóa thu hút thị trường ở nước ngoài, đồng thời có trách nhiệm sau:

- Hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức các hoạt động văn hóa ở nước ngoài. Chẳng hạn: Liên hoan Quốc tế Công nghiệp giải trí (Festival Content), Liên hoan Phim hoạt hình (Festival Anime), Liên hoan Quốc tế truyện tranh (Festival Manga), Lễ hội Quốc tế Cosplay (trang phục theo các nhân vật phim hoạt hình), Lễ hội Quốc tế trò chơi điện tử (Festival Game)… Bên cạnh đó, nhằm quảng bá nền công nghiệp giải trí, tổ chức các sự kiện quốc tế lớn như: "Sức hút Nhật Bản", "Đại sứ văn hóa" ở nhiều nước trên thế giới.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp điều tra, cung cấp thông tin thị trường nước ngoài

- Thúc đầy sự hợp tác với các nước Châu Á về công nghiệp văn hóa, chẳng hạn như: Tổ chức cuộc thi sáng tác truyện tranh, phim hoạt hình dành cho người nước ngoài. Đặc biệt, hàng năm tổ chức diễn đàn hợp tác phát triển công nghiệp giải trí giữa 3 quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc do Bộ Kinh tế, Bộ Công Thương Nhật Bản đăng cai.

- Cung cấp vốn và nguồn nhân lực cho sự phát triển thị trường nước ngoài.

Sự thay đổi nhanh chóng tình hình quốc tế thời đại toàn cầu hóa cũng khiến cho chính phủ Nhật Bản phải có những đối sách phù hợp trong việc đẩy mạnh công nghiệp văn hóa với mục tiêu ngày càng lớn hơn. Thật vậy, nếu như tháng 4/2004, chính phủ chỉ đưa ra "Chính sách khuyến khích kinh doanh công nghiệp giải trí" thì đến 3/2007 đã nâng lên tầm cao mới đó là "Hướng tới một cường quốc về công nghiệp văn hóa mũi nhọn trên thế giới". Tiếp đó, tháng 9/2007, công bố "Chiến lược toàn cầu của nền công nghiệp giải trí" để rồi đến tháng 5/2010 đề xuất "Chiến lược tăng trưởng công nghiệp giải trí". Để đạt được mục tiêu này, các chính sách, biện pháp thực hiện đòi hỏi, sự kết hợp "nhịp nhàng" cả trong và ngoài nước. Một hình thức được triển khai ở hầu hết các hải cảng, sân bay của Nhật Bản nhằm quảng bá về đất nước, con người, ẩm thực, thời trang, phim hoạt hình, truyện tranh của Nhật Bản đó là quảng cáo bằng truyền hình, sách báo, áp phích… Các chương trình du lịch đến Nhật Bản, ngoài các địa điểm du lịch nổi tiếng về danh lam, thắng cảnh còn được mở rộng với các hình thức mới như: du lịch, ẩm thực, du lịch Anime, Manga, Cosplay… qua đó, tạo nên mô hình liên kết chặt chẽ, khai thác tối đa mọi ưu thế của giá trị văn hóa quốc gia. Tháng 10 hàng năm, Liên hoan quóc tế Nhật Bản về truyện tranh, phim hoạt hình; Tuần lễ thời trang Nhật Bản cùng các lễ hội nhỏ có liên quan sẽ được tổ chức đồng thời, rầm rộ, đưa văn hóa Nhật Bản ra với thế giới. Với việc tổ chức các sự kiện, lễ hội, liên hoan quốc tế, Nhật Bản kỳ vọng không chỉ đẩy mạnh công nghiệp văn hóa trong và ngoài nước mà còn tạo nên sức cuốn hút quốc tế về đất nước và văn hóa Nhật Bản trong thời đại mới. Trong phạm vi khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt với những quốc gia có nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, chính phủ Nhật Bản đã và đang điều tra thị trường công nghiệp văn hóa nơi đây, đồng thời mở các Phòng văn hóa tại những địa phương quan trọng và hỗ trợ cho các công ty văn hóa Nhật Bản muốn thâm nhập vào thị trường này.

Một vài số liệu chứng minh cho những hoạt động quảng bá du lịch và văn hóa ẩm thực để nhận thấy tầm quan trọng của chính sách này. Năm 2003 bắt đầu khởi động chiến dịch "Visit to Japan", lượng khách đến Nhật Bản là "5.210.000 người, đến năm 2005 tăng lên 6.730.000 người, năm 2007 là 8.350.000 người"[1]. Hiện nay, tuổi thọ trung bình của người dân Nhật Bản thuộc hàng cao nhất trên thế giới vì "tuổi thọ trung bình vào năm 2009 là nam 80 tuổi, nữ 86 tuổi" [2]. Điều này không chỉ phản ánh chính sách phúc lợi xã hội, y tế hoàn hảo của Nhật Bản mà còn là minh chứng "cho những thức ăn bổ dưỡng và văn hóa ẩm thực tinh tế  của người Nhật"[3]. Trên cơ sở đó, Chính phủ Nhật Bản tăng cường bổ trợ cho việc phổ biến ẩm thực quốc gia ra nước ngoài và xem đây là một trong những mục tiêu phát triển thương hiệu Nhật Bản.

Chính sách ngoại giao văn hóa của Nhật Bản có thể thấy nổi bật các khía cạnh đó là hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật và ngoại giao công chúng. Trong hoạt động giao lưu văn hóa, Nhật Bản luôn triển khai theo hai hướng chính là: giao lưu văn hóa bác học và giao lưu văn hóa đại chúng.

Giao lưu văn hóa bác học đã được triển khai từ những thập kỷ cuối của thế kỷ XX. Hoạt động này được triển khai theo các hướng: chương trình giảng dạy tiếng Nhật, giao lưu văn hóa nghệ thuật, giao lưu trí tuệ và nghiên cứu Nhật Bản, giao lưu con người.

Phổ cập và tăng cường số lượng người nước ngoài học tiếng Nhật luôn là một trong những ưu tiên của chính sách ngoại giao văn hóa của Chính phủ Nhật Bản. Nếu như thập niên 90 của thế kỷ XX, tại nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam), chương trình dạy tiếng Nhật còn lạc hậu với những bộ giáo trình được biên soạn từ thập kỷ 70, 80, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, chỉ chú trọng đến dạy ngữ pháp… thì từ đầu thế kỷ XXI, đặc biệt vào năm gần đây, tiếng Nhật là bộ môn ngoại ngữ được cung cấp những phương tiện giảng dạy tiên tiến nhất, đội ngũ giáo viên có trình độ cao, hầu hết đều được tu nghiệp ngắn hạn hoặc dài hạn tại Nhật Bản theo chương trình tài trợ của Quĩ Giao lưu quốc tế Nhật Bản. Giáo trình giảng dạy tiếng Nhật tại nhiều quốc gia ngày càng phong phú, đa dạng và được cập nhật liên tục. Đội ngũ giáo viên tu nghiệp tại Nhật Bản trở về nước đã sử dụng các phương pháp giảng dạy mới, chú trọng đến mục đích nâng cao khả năng giao tiếp để học nên có thể nhanh chóng sử dụng vốn kiến thức đã học vào giao tiếp thực tiễn. Giảng dạy tiếng Nhật tại nhiều quốc gia thường được tiến hành theo từng giai đoạn. Giai đoạn đầu, tiếng Nhật được dạy chủ yếu tại các trường đại học và các trung tâm tiếng Nhật tư nhân (hoặc trực thuộc một trường đại học) tại các thành phố lớn. Giai đoạn hai, mở rộng về đối tượng học viên (dạy cả ở bậc giáo dục phổ thông), mở rộng về phạm vi địa lý, có thêm nhiều cơ sở giảng dạy ở các địa phương.

Những thành quả đạt được là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ phía Nhật Bản về vốn, trang thiết bị giảng dạy, sách vở, giáo viên… Theo số liệu của Chính phủ Nhật Bản, năm 2006, có gần 3.000.000 người trên thế giới đã chọn học thêm tiếng Nhật, tăng gấp 3 lần so với năm 1990, là những năm mà nền kinh tế Nhật Bản chưa bước vào giai đoạn suy thoái. Nhật Bản tin tưởng rằng ngôn ngữ sẽ giúp người học hiểu về văn hóa, con người cũng như tăng độ "cảm tình" với đất nước có ngôn ngữ mà mình sử dụng. Hàng năm, Chính phủ Nhật Bản, đại diện là Quĩ Giao lưu Quốc tế "đã mời khoảng 500 giáo viên tiếng Nhật ở khoảng 50 nước trên thế giới đến Nhật theo các chương trình tu nghiệp tiếng, trao đổi văn hóa [4]. Tại Việt Nam "chỉ sau hơn 10 năm, đến năm 2008, số học viên đã tăng trên 30.000 người, với hơn 100 trường và trung tâm đào tạo và trên 1000 giáo viên, đưa Việt Nam trở thành nước có số người học tiếng Nhật đứng thứ 8 trên thế giới[5].

Giao lưu văn hóa, nghệ thuật thường được thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, biểu diễn nghệ thuật song phương. Đó là các Festival Văn hóa - Du lịch, Lễ hội văn hóa Nhật Bản tổ chức ở quốc gia có quan hệ hợp tác. Trong các hoạt động này, phía Nhật Bản luôn nhấn mạnh các đặc trưng văn hóa của dân tộc như: trình diễn nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật trà đạo, nghệ thuật ẩm thực, thời trang… theo đó thu hút sự tham gia của rất nhiều người dân nước sở tại. Qua đó, người dân ở nhiều quốc gia ngày càng hiểu rõ hơn về nền văn hóa cũng như đất nước, con người Nhật Bản, tạo ấn tượng tốt về quốc gia này. Cùng với giao lưu, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, phía Nhật Bản còn tổ chức các Diễn đàn giao lưu văn hóa với sự tham gia của đông đảo giới tri thức thuộc các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, bảo tồn di sản văn hóa, giao lưu tri thức, giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật v.v…

Trong các chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa Nhật Bản với các quốc gia không thể thiếu được vai trò của các Trung tâm giao lưu văn hóa thuộc Quĩ Giao lưu quốc tế Nhật Bản đặt tại các nước có quan hệ ngoại giao. Các Trung tâm này thường đứng ra tổ chức nhằm hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật như: tổ chức biểu diễn ca nhạc, mời các nhà hoạt động văn hóa của nước sải tại sang thăm Nhật Bản và ngược lại, tổ chức liên hoan phim Nhật Bản, hỗ trợ các nhà xuất bản phát hành các tác phẩm của Nhật Bản, tổ chức triển lãm, trưng bày nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản v.v… Bên cạnh đó, các hoạt động giảng dạy tiếng Nhật cũng được chú trọng như: hỗ trợ biên soạn giáo trình, tổ chức và hỗ trợ các hội thảo giành cho giáo viên, hỗ trợ giảng dạy tiếng Nhật tại các trường học, cửa các chuyên gia giảng dạy tiếng Nhật sang giúp đỡ v.v…

Giao lưu trí tuệ cũng nằm trong hoạt động giao lưu văn hóa bác học được thể hiện qua các chương trình mời các học giả nghiên cứu về Nhật Bản đến Nhật, chương trình trao đổi, hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Nhật Bản với các Viện Nghiên cứu, trường đại học ở nhiều nước… Trong các hoạt động này cũng cần phải nhắc đến vai trò của các Trung tâm giao lưu Văn hóa bởi đây là nơi hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu Nhật Bản và giao lưu trí tuệ, hỗ trợ các cơ quan nghiên cứu về Nhật Bản, giúp đỡ thành lập Hội nghiên cứu Nhật Bản, cung cấp học bổng cho các nhà nghiên cứu Nhật Bản học, tổ chức hội thảo về Nhật Bản học…

Giao lưu đào tạo con người cũng là một hướng quan trọng trong giao lưu văn hóa bác học của Nhật Bản. Đó là các chương trình trao đổi lưu học sinh, theo đó, hàng năm Chính phủ Nhật Bản dành hàng ngàn suất học bổng du học Nhật cho sinh viên và nghiên cứu sinh các nước. Chính sách nhập cư của Nhật Bản rất khó khăn nhưng có thể chấp nhận các chương trình đến Nhật như nhận lưu học sinh nước ngoài đến Nhật Bản học tập kể cả sinh viên du học tự túc. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn triển khai các chương trình giao lưu văn hóa thanh, thiếu niên, trao đổi các đoàn văn hóa, tình nguyện viên, chuyên gia… Chẳng hạn, chương trình thanh niên ASEAN thực hiện với 100 người/năm sang Nhật Bản giao lưu, học tập. Đặc biệt, theo sáng kiến của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe năm 2007, chương trình giao lưu thế hệ Đông Á thế kỷ XXI (JENESYS) mỗi năm mời khoảng 6000 thanh thiếu niên sang thăm Nhật Bản đã được thực hiện từ năm 2008 và sẽ kéo dài trong 5 năm. Đối với Việt Nam, từ tháng 8/2009 đến 7/2010 đã có khoảng 400 em học sinh được mời sang thăm Nhật Bản trong chương trình này. Nhìn chung, các chương trình giao lưu con người mà Nhật Bản tiến hành đều không ngoài mục đích quảng bá giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản, khi họ quay trở về nước thì hầu hết đều có ấn tượng tốt về quốc gia này.

Về các hoạt động giao lưu văn hóa đại chúng không trực tiếp cho Chính phủ Nhật Bản quản lý nhưng không thể phủ nhận sự thành công của hình thức này mang lại. Ảnh hưởng của văn hóa đại chúng chủ yếu là đến tầng lớp thanh thiếu niên nên nhiều khi các thông điệp về chính trị lại được truyền tải hiệu quả một cách vô thức đến đối phương. Chính vì lẽ đó, văn hóa đại chúng Nhật Bản, đặc biệt là văn hóa giải trí được xem như là phương tiện của quyền lực mềm để quốc gia này thay đổi cách tiếp cận quan hệ quốc tế từ khi bước vào thế kỷ XXI. Truyện tranh (Manga) và phim hoạt hình (Anime) của Nhật Bản được coi là một trong những phương cách chủ yếu để phổ biến văn hóa đại chúng ra thế giới, qua đó, gia tăng quyền lực mềm quốc gia. Từ ý tưởng của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Aso, giải thưởng Manga quốc tế được thành lập năm 2007. Là một độc giả nhiệt thành của Manga, ông Taro Aso cho biết "Tôi mong muốn Nhật Bản như là cội nguồn của Manga, phải đạt được một chuẩn mực cho Manga toàn thế giới. Giải thưởng Manga phải là một giải thưởng có quyền lực, có giá trị tương đương với giải Noben. Tôi hy vọng rằng bằng cách nhận giải thưởng, các tác giả sẽ có một cảm giác liên kết với Nhật Bản [6]. Lời phát biểu này không chỉ riêng ông Taro Aso thể hiện sự kỳ vọng lớn về sức ảnh hưởng mạnh mẽ của truyện tranh Nhật Bản mà bao hàm cả nền văn hóa đại chúng quốc gia này. Thật vậy, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, giải thưởng được thành lập để tôn vinh các nghệ sĩ Manga, những người đã đóng góp vào việc thúc đẩy sự phát triển Manga ở nước ngoài.

Ngoài Manga, phim hoạt hình cũng được phía Nhật Bản  rất chú trọng qua việc "bổ nhiệm" chú mèo máy (hay mèo robot) Doraemon (nhân vật chính nổi tiếng trong phim hoạt hình cùng tên) làm "Đại sứ Anime" của nước này (3/2008). Mục đích của sự bổ nhiệm này là qua vai trò của Doraemon, thế giới sẽ "biết nhiều hơn về mặt tích cực của Nhật Bản thông qua phổ biến phim hoạt hình Nhật Bản" [7]. Tại lễ ra mắt của "Đại sứ Anime", Bộ trưởng Ngoại giao Masahiko  Komura phát biểu rằng "các đại sứ văn hóa sẽ đi du lịch khắp thế giới để giới thiệu Nhật Bản" [8]. Tiếp đó, ngày 18/5/2008, Bộ Giao thông và Đất đai Nhật Bản đã bổ nhiệm "Hello Kitty" - nhân vật hoạt hình làm đại sứ du lịch ở Trung Quốc và Hồng Kông. Chính phủ kỳ vọng các đại sứ Anime sẽ thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới đến các sản phẩm văn hóa khác của Nhật Bản như âm nhạc, công nghệ cao... Việc sử dụng văn hóa đại chúng là nguồn lực chính của quyền lực mềm còn góp phần thúc đẩy sự hiện diện của Nhật Bản trên toàn thế giới, nâng cao hình ảnh quốc gia, tăng cường hơn nữa quyền lực mềm trong thời đại toàn cầu hóa. Ngoài truyện tranh, phim hoạt hình, các sản phẩm công nghiệp văn hóa thuộc văn hóa đại chúng Nhật Bản như thời trang, âm nhạc (J.pop), phần mềm trò chơi trên máy vi tính và điện thoại di động… đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Ngoài lợi nhuận về kinh tế, những sản phẩm văn hóa này còn gián tiếp là phương tiện truyền bá văn hóa Nhật Bản ra nước ngoài, tạo nên một hình ảnh Cool Japan (Ấn tượng Nhật Bản) trong lòng cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh ngoại giao văn hóa, Nhật Bản còn tiến hành ngoại giao công chúng thông qua văn hóa đại chúng. Ngoại giao công chúng có thể hiểu là các hoạt động nhằm tạo những ấn tượng, sự thiện cảm của đối tượng đối với chủ thể. Trường hợp của Nhật Bản là nhằm tạo ra những người hâm mộ, cảm tình với quốc gia này (Japans fans). Song, để có được sự hâm mộ, cảm tình của nhiều người (fans) nước ngoài với Nhật Bản thì mỗi công dân nước này đều có trách nhiệm tham gia vào chiến lược quảng bá, tăng cường sự thiện cảm của người nước ngoài với đất nước và con người Nhật Bản.

Việc xúc tiến quảng bá, tuyên truyền hình ảnh Nhật Bản dần thay đổi theo thời gian nhằm phù hợp với hoàn cảnh lịch sử từng giai đoạn. Sự thay đổi này liên quan đến việc lựa chọn hình ảnh quảng cáo, khẩu hiệu đi kèm theo các sách hướng dẫn du lịch, các trang web giới thiệu về đất nước, con người Nhật Bản. Tất cả đều nhằm mục đích gắn liền với văn hóa nói chung, văn hóa đại chúng Nhật Bản thời toàn cầu hóa nói riêng. Cùng với đó, khẩu hiệu "Nhật Bản xinh đẹp" (Beautyfull Japan) đã được thay bằng "Ấn tượng Nhật Bản" (Cool Japan) trong các chiến dịch quảng cáo hình ảnh đất nước, con người với khách du lịch và bạn bè quốc tế.

Các chính sách, biện pháp của Chính phủ Nhật Bản về ngoại giao văn hóa với mục đích tuyên truyền, quảng bá trên phạm vi toàn cầu, song Nhật Bản luôn đặc biệt chú trọng đến chính sách ngoại giao văn hóa hướng về Châu Á bởi những lý do có tính lịch sử và tính thời đại toàn cầu hóa, khu vực hóa hiện nay. Thứ nhất, trải qua thời gian của lịch sử song hình ảnh về một nước Nhật có sự khác biệt với người Châu Á dường như vẫn tồn tại trong suy nghĩ của một số quốc gia. Hình ảnh một "nước Nhật vô cảm" (Faceless Japan) hay "quả chuối Nhật Bản" (Banana Japan)… đều thể hiện hàm ý rằng Nhật Bản không hiểu Châu Á bởi tuy họ khoác lên mình các vỏ mầu vàng (là quốc gia Châu Á) nhưng mang màu trắng bên trong (suy nghĩ theo kiểu phương Tây). Không chỉ vậy, hiện tượng "chủ nghĩa dân tộc" ở Trung Quốc, Hàn Quốc nổi lên tại khu vực Đông Bắc Á cùng với những vấn đề mang tính lịch sử với các nước Châu Á.

Thứ hai, toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của kinh tế Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và một số nước Đông Nam Á khiến cho quyền lực mềm của các quốc gia vùng lãnh thổ cũng gia tăng nhanh chóng. Thật vậy, đi cùng với nền kinh tế phát triển, các nước đều có thể triển khai ngoại giao văn hóa của nước mình ra khu vực và trên toàn thế giới. Bởi vậy, hình ảnh "là quốc gia duy nhất ở Châu Á với một nền kinh tế tiên tiến, một quốc gia dân chủ và một nền văn hóa cổ truyền thống" có thể trở nên mờ nhạt so với các quốc gia khác trong khu vực.

Thứ ba, hiện nay Châu Á được đánh giá là khu vực năng động nhất trên thế giới với sự nổi lên của Trung Quốc, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khiến Nhật Bản cần xem xét lại vị trí của khu vực (cũng như của chính mình) trong chính sách đối ngoại của mình.

Bên cạnh việc chú trọng chính sách hướng về Châu Á, Chính phủ Nhật Bản triển khai kế hoạch xây dựng các Trung tâm Nhật Bản (JCC) ở các nước trong khu vực. Khởi đầu của kế hoạch này đánh dấu bằng sự ra đời của JCC tại Singapore (tháng 11/2009) và là một mô hình mới của trung tâm văn hóa giới thiệu thông tin của Nhật Bản hiện nay. Cụ thể hơn, đây là một cơ sở để phổ biến thông tin về văn hóa của công nghệ Nhật Bản hiện tại và có thể là một mô hình cho tương lai. Phía Nhật Bản kỳ vọng JCC sẽ góp phần tăng cường quyền lực mềm của Nhật Bản bằng cách giới thiệu văn hóa Nhật Bản như nghệ thuật truyền thống, J.pop, truyện tranh, hoạt hình… không chỉ đến với giới trẻ Singapore mà còn cho các nước khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, Trung tâm này còn liên tục giới thiệu nhiều lĩnh vực khác của Nhật Bản như sản phẩm công nghệ cao, thời trang, nghệ thuật ẩm thực, phim ảnh… thông qua chủ để "đổi mới và truyền thống" nhằm quảng bá sâu rộng đến với mọi người dân nước sở tại. Bằng cách này, JCC đã trở thành một sản phẩm hữu hình của ngoại giao văn hóa đại chúng của Nhật Bản như phát biểu của cựu Đại sứ Nhật Bản tại Singapore Makoto Yamanaka (tháng 6/2011): "Trung tâm sẽ mang lại cơ hội tuyệt vời cho Singapore và người dân ở các nước Đông Nam Á để làm quen với công nghệ Nhật Bản hiện đại, văn hóa truyền thống và ngôn ngữ Nhật Bản". Từ năm 2004, Ủy ban điều tra Thương hiệu Nhật Bản mở hội nghị bàn về "chiến lược thương hiệu quốc gia", nhưng phải đến tháng 3/2009, Ủy ban này mới thành lập Phòng Chiến lược tài sản trí tuệ trực thuộc nội các, đồng thời công bố "Chiến lược thương hiệu Nhật Bản: Nguồn động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp giải trí". Trong các công bố của mình, Ủy ban Thương hiệu quốc gia đã đề cập đến khái niệm "ngành công nghiệp quyền lực mềm" bao gồm các ngành công nghiệp giải trí, công nghiệp ẩm thực, thời trang và thiết kế… Đây là những ngành công nghiệp mang tính sáng tạo cao, có thể tạo ra những thương hiệu độc đáo bao hàm giá trị kép là giá trị kinh tế và nâng cao hình ảnh Nhật Bản.

Trong chính sách ngoại giao mới của Nhật Bản (từ tháng 12/2006) nêu rõ mục tiêu tăng cường ngoại giao Châu Á bên cạnh mối quan hệ chiến lược với Mỹ, tập trung vào Trung Quốc và Hàn Quốc. Các hoạt động ngoại giao đều nhằm phục vụ tôn chỉ "sống hòa hợp với Châu Á và thế giới". Nội dung của chiến lược ngoại giao đến 2020 chia ba điểm: trước hết là xây dựng hòa bình và thịnh vượng cho Châu Á, tiếp theo là tác xác định quan hệ chiến lược với Mỹ và góp phần thúc đẩy về hòa bình ổn định thế giới. Chiến lược này được khuyến khích thực hiện qua hệ thống quyền lực mềm của Nhật Bản đã và đang được Chính phủ hết sức coi trọng từ đầu thế kỷ XXI đến nay, do đó cần phải có những thay đổi. Ngay cả Bộ Ngoại giao cũng phải thực hiện chính sách có tối thiểu 20% nhân viên  ngoại giao tại các đại sứ quán Nhật Bản ở nước ngoài không được là công chức mà phải là chuyên gia như học giả, đại diện các giới, lãnh đạo địa phương, các cựu nghị sĩ…

2. Chính sách ngoại giao kinh tế

Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng, song có hai vấn đề đáng quan tâm nhất đó là xác lập lại vị trí quốc tế bình thường và tìm kiếm nguồn cung cấp nguyên liệu, năng lượng cho nền kinh tế. Trước hết, Nhật Bản bình thường hóa quan hệ với Mỹ (là cơ sở để bình thường hóa với thế giới phương Tây) và bình thường hóa với các nước Đông Nam Á (là chìa khóa để bình thường hóa với "thế giới Châu Á). Và, để thực hiện mục tiêu trên, Nhật Bản đã thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế với chương trình bồi thường chiến tranh như một công cụ hiệu quả nhất của chính sách này. Trên thực tế, "bồi thường chiến tranh, xét trên một phương diện nào đó, cũng có thể coi là một dạng tài trợ mang "dáng hình" của tài trợ ODA" [9]. Cho đến những năm gần đây, việc Trung Quốc vượt Nhật Bản để vươn lên trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới có thể tạo nên bước ngoặt mới song không vì thế mà đánh giá khác đi về tiềm lực kinh tế của quốc gia này. Sở dĩ như vậy là bởi từ lâu, Nhật Bản đã trở thành một hình mẫu phát triển kinh tế độc đáo cần học tập của các nước Châu Á và thế giới. Những thành tựu đáng khâm phục của một quốc gia bại trận sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, trở thành một cường quốc và từ lâu đã là nền kinh tế thứ hai thế giới. Tuy bị Trung Quốc vượt qua song mức độ phát triển của Nhật Bản vẫn rất ấn tượng bởi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo đầu người vẫn cao gấp 10 lần so với Trung Quốc, do đó quốc gia này vẫn là một hình mẫu về "nhà nước phát triển" trong cách nhìn nhận của nhiều nước Châu Á.

Viện trợ phát triển chính thức (ODA) từ lâu đã được Nhật Bản coi như một phần quan trọng trong chính sách ngoại giao kinh tế là một hoạt động mang tính nhất quán và hệ thống. Kết quả là, Nhật Bản trở thành nước viện trợ quan trọng nhất thế giới khi "các khoản ODA của Nhật Bản đã tăng gấp ba từ năm 1980 đến 1990. Từ năm 1994 đến 2004, Nhật Bản đã đảm nhận gần 1/5 tổng số khối lượng ODA thế giới. Mặc dù phần đóng góp của họ đã giảm kể từ năm 2000 nhưng nó vẫn có ý nghĩa với con số 9.699 tỷ USD năm 2008" [10]. Các nước cũng nhận thức được rằng, các chương trình viện trợ ODA của Nhật Bản cho họ là hết sức cần thiết bởi đó chính là vốn, công nghệ, tri thức quản lý để từ đó sẽ tạo ra việc làm mới, thu nhập mới cho các nước nhận viện trợ và điều này đáp ứng được nhu cầu của các nước. Nói cách khác, nhu cầu của cả hai phía đã tạo cơ sở để Nhật Bản thực thi chính sách viện trợ của họ cho nhiều nước trong suốt thời gian qua đến nay. Viện trợ ODA cho các nước với nhiều hình thức đa dạng và được thực hiện trong rất nhiều lĩnh vực. Tính đa dạng của viện trợ ODA cũng gắn liền với hoàn cảnh cụ thể của từng nước. Về cơ bản, các nước có mức thu nhập theo đầu người thấp thường nhận sự ưu tiên về đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực.

Với những nước có trình độ phát triển cao hơn lại nhận được các khoản viện trợ thông qua hợp tác phát triển kỹ thuật. Điểm đáng chú ý, Nhật Bản thực thi hành chính viện trợ ODA cho các nước (chẳng hạn với ASEAN) không kèm theo các điều kiện khắt khe. Song, chính sách này cũng dựa trên những nguyên tắc nhất định và yêu cầu các nước nhận viện trợ chấp thuận, ví dụ: đó là nguyên tắc không sử dụng sai mục đích viện trợ, không viện trợ cho quân sự, chống tham nhũng… Hơn nữa, Nhật Bản đã không đặt ra các điều kiện mang tính chất áp đặt gắn với chính trị, do vậy, tạo nên tâm lý dễ chấp nhận cho các nước nhận viện trợ. Chính điều này đã tạo ra nhiều cơ hội để gia tăng các hoạt động viện trợ và đến lượt nó, thúc đẩy hơn nữa các quan hệ kinh tế song phương giữa Nhật Bản với các quốc gia.

Đối với Nhật Bản, viện trợ ODA luôm chiếm một vị trí quan trọng trong các hoạt động thúc đẩy hòa bình và an ninh thế giới. Mục tiêu của ODA đã được khẳng định trong chính sách quốc gia đó là "góp phần cho hòa bình và phát triển của cộng đồng quốc tế và từ đó giúp bảo đảm an ninh và phồn vinh của Nhật Bản", qua đó thấy được vai trò, vị trí quan trọng của ODA trong an ninh của Nhật Bản.

Những đóng góp của Nhật Bản đối với các hoạt động của Liên Hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và các hoạt động khác cũng bao hàm ý nghĩa sâu sắc. Chẳng hạn, đến tháng 9/2010, Nhật Bản tham gia nhiều hoạt động gìn giữ hòa bình (OMP) của Liên Hợp quốc ở Angola (1992), Campuchia (1962), Môdămbích (1993), Xanvađo (1994), Gôlan (1996), Timo Leste (2007 và 2010), Nepan (2007), Xu đăng (2008), Haiti (2010). Ngoài ra, Nhật Bản còn tham gia các hoạt động quốc tế tại Ruanđa (1994), Timo Leste (1999), Apganixtan (2001) và Irac (2003). Tuy nhiên, sự tham gia của Nhật Bản chưa nhiều về số lượng nhân lực, ví dụ năm 2009, chỉ có 39 người Nhật Bản tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình, đứng hàng thứ 83 so với các nước khác.

Với tư cách là một quốc gia nỗ lực vì hòa bình, Nhật Bản đã đưa ra các chính sách giải trừ phòng bị quân sự, coi nhẹ vũ trang, chủ trương không phát triển vũ khí hạt nhân, không xuất khẩu vũ khí… Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đã đưa ra được những sáng kiến chủ động về các vấn đề môi trường. Có thái độ và hành động tích cực trong các chương trình nghị sự quan trọng của cộng đồng quốc tế về các vấn đề môi trường toàn cầu. Đóng góp tích cực trong việc khôi phục thảm họa trong khu vực cũng như các vấn đề sức khỏe, kiểm soát bệnh truyền nhiễm và các vấn đề toàn cầu khác.

 

TS. Hoàng Minh Lợi

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 



[1] http://www.vJc.JP

[2] Shimane Katsumi (2012), "Nhật Bản đã tiến đến một xã hội già hóa cao độ", Chương trình Workshop quốc tế tại Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, tr. 2

[3] Hoshiyama Takashi (2008), "Ngoại giao Nhật Bản và ngoại giao công chúng: Hướng đến việc thúc đẩy hoạt động tuyên truyền đối ngoại của quyền lực mềm" , Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Tokyo, http.//www.iips.org.

[4] http:// www. VJC.JP

[5] Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (2010), "Xây dựng đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản: nội dung và lộ trình", Hội thảo khoa học Quốc tế, Hà Nội, tr. 242.

[6] MOFA (2006), Speech by Minister for Foreign Affairs Taro Aso at Digital Hollywood University "A New Look at Cultural Diplomacy: A. Call to Japan' S Cultural 30".

[7] MOFA (2008 b) , Inauguration Ceremony of Anime Ambassador, 19 March. http://www.mofa.go.JP/ announce/announcy 2008/3/0319-3. html. Accessed on 20 July, 2011

[9] Ngô Xuân Bình (Chủ biên) (1999), Quan hệ Nhật Bản - ASEAN chính sách tài trợ ODA, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 302.

[10] Thông tấn xã Việt Nam, "Tài liệu tham khảo đặc biệt", số 186- TTX, thứ ba, ngày 12/7/2011, tr. 13.

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn