GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CHUYÊN GIA NHẬT BẢN NHẬN ĐỊNH VỀ TAM GIÁC CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIỂN ĐÔNG

Đăng ngày: 22-01-2016, 16:40

Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục tiến hành bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông, vùng biển có vai trò kết nối thương mại giữa Trung Quốc và Đông Bắc Á, giữa Trung Quốc với các hòn đảo Đông Nam Á, cũng như Ấn Độ, Iran,… Nhìn trên bản đồ hàng hải có thể thấy căn cứ hậu phương vững chắc để Trung Quốc tiến ra Biển Đông là thành phố Tam Á, nơi có căn cứ không quân và căn cứ hải quân lớn nhất châu Á với trang thiết bị tối tân. Thành phố Tam Á là thành phố cực nam của đảo Hải Nam, Trung Quốc, có tổng diện tích đất liền là 1919,58 km2 và diện tích nước biển là 6000 km2, dân số là 685.000. Đây là thành phố lớn thứ hai (sau thành phố Hải Khẩu) trên đảo này. Tam Á là thành phố trung tâm và là khu trung tâm thông tin liên lạc ở phía Nam tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Từ căn cứ Tam Á, Trung Quốc đang dần thiết lập 3 cơ sở tạo thành tam giác chiến lược trên Biển Đông là đảo Phú Lâm, đảo đá Chữ Thập và bãi cạn Scarborough.

Đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) cách Tam Á khoảng 700km theo hướng Đông Nam, là đảo lớn nhất của quần đảo Hoàng Sa. Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, nhưng do vấn đề lịch sử toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng trái phép từ năm 1974. Ngày 21/6/2012, Trung Quốc thành lập trái phép “Thành phố Tam Sa” có trụ sở chính quyền đặt tại đảo Phú Lâm và coi là thành phố cấp địa khu thứ 285, đơn vị cấp địa khu thứ 333 của nước này[1]. Hành động đơn phương thành lập “Thành phố Tam Sa” nằm trong chiến lược bành trướng mới, dùng Hoàng Sa làm căn cứ để kiểm soát Biển Đông. Tại đảo Phú Lâm, Trung Quốc đã tiến hành bồi đắp xây dựng thành cứ điểm hiện đại với sân bay có đường băng dài khoảng 2500m và bến bãi cho thuyền cỡ lớn có thể cập cảng. Ngược lại, ở giữa và phía Nam của Biển Đông, Trung Quốc không có cứ điểm nào đáng kể, sự hiện diện của quân đội là tàu hải quân được triển khai với mức độ có phần hạn chế. Điều này cho thấy tầm quan trọng của đảo Phú Lâm trong chiến lược của Trung Quốc.

Vị trí thứ hai trên Biển Đông đang nằm trong quyền kiểm soát của Trung Quốc là đảo Chữ Thập, một trong những thực thể địa lý lớn nhất, có vị trí địa chiến lược quan trọng của quần đảo Trường Sa. Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Trường Sa, song năm 1988 Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm 6 đảo đá, trong đó có đảo đá Chữ Thập.

Trung Quốc tiến hành bồi đắp 7 đảo nhân tạo trong phạm vi bán kính 200km xung quanh bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa. Tại đảo Chữ Thập, Trung Quốc tiến hành xây dựng các cơ sở phục vụ cho không quân và hải quân như đường băng dài 3000m, kho chứa nhiên liệu, đạn dược,…  Những đảo nhân tạo này có chức năng phòng vệ, cảnh báo sớm, quan sát khu vực trên không và trên biển. Mới đây, ngày 2 và 3 tháng 1 năm 2016, Trung Quốc đã thực hiện việc bay thử nghiệm ra sân bay mà Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên đá Chữ Thập. Người ta quan ngại rằng đến khi những cơ sở trên đảo Chữ Thập được xây dựng hoàn tất, Trung Quốc sẽ có  căn không quân và hải quân đầy uy lực trên quần đảo Trường Sa cách phía nam đảo Phú Lâm khoảng 900km.

Vị trí chiến lược thứ ba là bãi cạn Scarborough, nằm ở Vịnh Manila, phía đông của Biển Đông, một ngư trường dồi dào thủy sản ở Biển Đông, là sự tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chiếm bãi cạn này từ Philippines vào năm 2012 và kể từ đó tàu Trung Quốc ngăn cản ngư dân Philippines đến gần khu vực bãi cạn Scarborough. Nhật báo The Philippine Star ngày 3/8/2015 dẫn lời ông Antonio Carpio, thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines cho rằng Trung Quốc sẽ xây căn cứ không quân và hải quân trên bãi cạn Scarborough, tương tự những gì nước này đã làm tại Đá Chữ Thập và Đá Xu Bi thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nếu cộng đồng quốc tế không ngăn chặn hành động bồi đắp của Trung Quốc hiện nay, bãi đá Scarborough sẽ biến thành căn cứ quân sự của Trung Quốc[2].

Mới đây, Tư lệnh hải quân Trung Quốc, Đô đốc Ngô Thắng Lợi đã phát biểu với người đồng cấp Mỹ, Đô đốc John Richardson ám chỉ Trung Quốc sẽ hành động cứng rắn trên Biển Đông: “Chúng tôi không quân sự hóa các đảo và đá ngầm nhưng không phải chúng tôi sẽ không thiết lập căn cứ phòng thủ. Số lượng căn cứ phòng thủ phụ thuộc vào mức độ đe dọa mà chúng tôi phải đối mặt”[3].

Ảnh: Tam giác chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông

Nguồn: http://www.nippon.com/ja/currents/d00190/

Ông Koda Yoji, nguyên chỉ huy trưởng hạm đội phòng vệ trên biển của Nhật Bản, nhận định đảo Phú Lâm và đảo Chữ Thập sẽ là tuyến Bắc – Nam trên Biển Đông của Trung Quốc. Tuyến này kết hợp với bãi đá Scarborough hình thành tam giác chiến lược kiểm soát hải phận và không phận của Trung Quốc trên Biển Đông. Rõ ràng là cán cân quân sự trên Biển Đông nghiêng về phía Trung Quốc. Đây là bài toán khó với Mỹ trên vùng biển phía tây Okinawa khi Washington không có được những căn cứ chiến lược.

Trung Quốc đang mưu đồ quân sự hóa các cứ điểm trên Biển Đông, gây ảnh hưởng không chỉ đối với an ninh mà còn trên nhiều lĩnh vực hoạt động của Nhật Bản. Nhật Bản cần nỗ lực kiềm chế những hoạt động bất chấp luật lệ quốc tế của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc đang chú ý coi trọng lợi ích trên Biển Đông, có thể nhận thấy không đơn giản để có thể làm thay đổi ý đồ bồi đắp của Bắc Kinh. Với nhận định này, để kiềm chế ý đồ độc chiếm đầy phiêu lưu của Trung Quốc, Chính phủ Nhật Bản cần xây dựng năng lực quốc gia, đồng thời tiến hành các biện pháp chính trị và ngoại giao. Trong đó năng lực quốc gia gồm hai trụ cột chính là sự hiện diện của Mỹ và nỗ lực hỗ trợ Mỹ của Nhật Bản.

Quân đội Mỹ đang cụ thể hóa chính sách tái cân bằng sang khu vực châu Á, tăng cường thể chế và sức mạnh quân sự trên vùng biển Thái Bình Dương, tiến hành các biện pháp như tăng cường liên kết quân sự với các nước trong khu vực. Lực lượng quân sự đối phó với những thay đổi trên Biển Đông hay tình hình trên bán đảo Triều Tiên là quân đội Mỹ và lực lượng thường trú tại Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong chiến lược đối ngoại, Trung Quốc có tư tưởng là một cực đối trọng với Mỹ. Trung Quốc hiểu rõ thực lực của Mỹ, dự đoán một cuộc cạnh tranh trong tương lai và không hề muốn sự can thiệp của một quốc gia ngoài khu vực như Mỹ tới vấn đề Biển Đông ở trong khu vực. Giải quyết vấn đề Biển Đông nên bằng các biện pháp phi quân sự như chính trị, ngoại giao song những hoạt động này cần có sự hỗ trợ của năng lực quân sự, năng lực phòng vệ. Dường như trước hết phải có sự can dự của quân đội Mỹ và tăng cường năng lực của các quốc gia ven biển, mới làm Trung Quốc thận trọng hơn và ngồi vào bàn đàm phán vấn đề Biển Đông. Trong việc hỗ trợ Mỹ và các quốc gia ven biển, vai trò của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông là vô cùng quan trọng[4].

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Sự khác biệt giữa Tam Á và "Thành phố Tam Sa"

http://vtc.vn/su-khac-biet-giua-tam-a-va-thanh-pho-tam-sa.311.343133.htm

[2] Philippines lo ngại Trung Quốc xây căn cứ quân sự tại bãi cạn Scarborough

http://thanhnien.vn/quoc-phong/philippines-lo-ngai-trung-quoc-xay-can-cu-quan-su-tai-bai-can-scarborough-592987.html

[3] China says South China Sea militarisation depends on threat

http://af.reuters.com/article/moroccoNews/idAFL3N1544HU?pageNumber=1&virtualBrandChannel=0

[4] 中国の南シナ海環礁埋め立てと日本の安全保障

http://www.nippon.com/ja/currents/d00190/

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn