GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN TĂNG CƯỜNG CAN DỰ TRÊN BIỂN ĐÔNG

Đăng ngày: 22-03-2016, 10:22

Những động thái của Trung Quốc như xây đảo nhân tạo, đường băng, sau đó bố trí tên lửa, điều máy bay chiến đấu ra đảo cho thấy Bắc Kinh đang mưu đồ độc chiếm Biển Đông, gây bất bình trong dư luận quốc tế. Các hành động này là sự cụ thể hóa chiến lược “Nam tiến” của Trung Quốc, có nghĩa là tiến công về phía Nam. Ở phía Nam, Trung Quốc có ba nước láng giềng trên bộ là Myanmar, Lào và Việt Nam, bốn nước láng giềng trên biển là Philippines, Indonexia, Malaixia và Brunei. Nếu có được Biển Đông, Trung Quốc càng nhanh chóng trỗi dậy phát triển thành cường quốc thế giới, nên Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong việc xác lập quyền kiểm soát trên Biển Đông[1].

Có thể nói rằng Nhật Bản là một đương sự trong vấn đề Biển Đông. Nhìn lại lịch sử, thời chiến tranh Nhật Bản từng chiếm lĩnh hầu hết các đảo trên Biển Đông. Ngay Hiệp ước San Fancisco và Hiệp ước Nhật Bản – Đài Loan kí với Trung Hoa dân quốc nêu rõ Nhật Bản từ bỏ quần đảo Trường Sa đã chiếm đóng. Nửa sau thế kỷ 20, có thể coi những tranh chấp về quần đảo Trường Sa là những tranh chấp sau khi Nhật Bản từ bỏ. Ngoài ra, đối với Nhật Bản hiện nay nếu nhìn nhận Biển Đông là con đường biển trọng yếu, sự liên quan với nhau giữa vấn đề Biển Đông và vấn đề lãnh thổ trên biển Hoa Đông thì càng khẳng định Nhật Bản chính là một đương sự[2].

Hiện nay, 83% dầu lửa, 30% khí tự nhiên của Nhật Bản đang phụ thuộc vào khu vực Trung Đông có chính trị đầy bất ổn và lượng nhiên liệu hóa thạch này được vận chuyển thông qua đường biển có độ dài lên tới 12000km. Giao thông hàng hải trên Biển Đông là con đường huyết mạch của kinh tế Nhật Bản để đảm bảo cuộc sống người dân. Nếu giao thông trên biển Biển Đông bị khống chế sẽ tác động đến việc vận chuyển dầu khí từ Trung Đông đến Nhật Bản, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế cũng như đời sống của người dân Nhật Bản[3].

Trong vấn đề Biển Đông, có hai nước tranh chấp biển và đảo quyết liệt nhất với Trung Quốc là Việt Nam và Philippines. Để kiềm chế Trung Quốc, Nhật Bản tăng cường can dự trên Biển Đông thông qua việc thúc đẩy nhanh chóng những liên kết chặt chẽ hơn với hai quốc gia này.

Ngày 29/2/2016, Nhật Bản đã ký thảo thuận cung cấp trang thiết bị quốc phòng cho Philippines. Đây là thỏa thuận quốc phòng đầu tiên của Nhật Bản trong khu vực, nơi các quốc gia đang lo lắng về hành động cứng rắn của Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết thỏa thuận mà ông ký với Đại sứ Nhật Bản tại Philippines Kazuhide Ishikawa đề ra một khuôn khổ cho việc cung cấp trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, theo đó giúp các nước châu Á tiến hành nghiên cứu triển khai các dự án phát triển chung. Các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ quyết định xem loại trang thiết bị nào sẽ được cung cấp. Ông Gazmin nhấn mạnh rằng “Thỏa thuận này là minh chứng thực sự cho thấy Philippines và Nhật Bản là đối tác chiến lược. Thỏa thuận này không chỉ nhằm nâng cao năng lực quốc phòng của mỗi nước mà còn đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực”. Hai nước đã công khai đưa quan hệ an ninh chính trị lên tầm cao mới, trong đó có việc tổ chức cuộc tập trận tìm kiếm cứu nạn chung trên biển năm 2015[4].

Ngày 18/2/2016, trang báo mạng Sankei đăng tin lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản đã đưa 2 máy bay PC3 đến Đà Nẵng trong 3 ngày (16-18/2) cùng diễn tập chung với Việt Nam. Bên cạnh việc kêu gọi hợp tác phòng vệ Nhật Bản - Việt Nam, kìm chế Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát Biển Đông, là mục tiêu tăng cường sự hiện diện của lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Việt Nam đang có tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với Trung Quốc. Trung Quốc đã tiến hành bố trí tên lửa trên quần đảo Hoàng Sa, việc Nhật Bản cử lực lượng phòng vệ có thể kích động tới Trung Quốc. Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng phòng vệ Nakatani Gen vào tháng 11 năm 2015, hai nước đã nhất trí việc tàu chiến Nhật Bản sẽ cập cảng vịnh Cam Ranh, cùng luyện tập chung trong hoạt động cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo, tăng cường hợp tác phòng vệ, theo sát tình hình Biển Đông. Lần ghé thăm Việt Nam trước đây của máy bay PC3 là vào tháng 5 năm 2015[5].

Theo một quan chức Bộ Phòng vệ, tháng 4 năm 2016 tới đây, tàu tuần tra và tàu ngầm Nhật Bản sẽ ghé vịnh Subic của Philippines. Tàu tuần tra Nhật Bản cũng sẽ ghé vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Theo kế hoạch dự kiến trung tuần tháng 3, tàu  xuất phát từ Nhật Bản, tháng 4 sẽ cập cảng vịnh Subic. Dù được cho là sử dụng tàu ngầm để luyện tập trên biển nhưng đây là thông điệp của Nhật Bản đối với Trung Quốc đang tăng cường hơn nữa kiểm soát Biển Đông. Sau 15 năm, tầu ngầm của lực lượng phòng vệ trên biển mới cập cảng Philippines. Hai tàu tuần tra đi cùng tàu ngầm sau đó sẽ ghé vào Vịnh Cam Ranh của Việt Nam. Vịnh này gần khu vực Việt Nam và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền, Việt Nam đang xây dựng cảng mới tiếp nhận tàu nước ngoài nhằm tăng cường sức mạnh phòng vệ. Tháng 11 năm 2015, Việt Nam và Nhật Bản đã thỏa thuận về việc tàu lực lượng phòng vệ sẽ cập cảng mới[6].

Những động thái trên cho thấy Nhật Bản tăng cường hiện diện trên Biển Đông thông qua việc nâng cao năng lực hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của các nước đương sự, đặc biệt là Philippines và Việt Nam nhằm duy trì sức mạnh đối phó với Trung Quốc. Bằng các hoạt động luyện tập chung, tàu cập cảng các nước xung quanh Biển Đông như Việt Nam và Philippines, Nhật Bản đang thực hiện sự can dự của mình trên Biển Đông.

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Về chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc

Bản dịch của TTXVN, Tài liệu tham khảo đặc biệt, 16/03/2016, tr 26.

[2] 南シナ海情勢と中国の対外政策—日本はどう関与すべきか

http://www.nippon.com/ja/editor/f00036/

[3] 東シナ海も南シナ海も必要とされる「積極的関与」 南西方面の対中抑止力を高めよ

http://www.sankei.com/column/news/160301/clm1603010008-n1.html

[4] Nhật Bản ký thỏa thuận cung cấp trang thiết bị quốc phòng cho Philippines

Bản dịch của TTXVN, Tin tham khảo thế giới 02/03/2016, tr3.

[5] 海自が存在感、中国を牽制 P3C派遣しベトナム海軍と合同訓練

http://www.sankei.com/world/news/160218/wor1602180033-n1.html

[6] 日本の潜水艦がフィリピン寄港へ、ベトナムにも護衛艦=関係者

http://jp.reuters.com/article/philippines-idJPKCN0W902N

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn