GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

LUẬT AN NINH MỚI CỦA NHẬT BẢN CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 29/3/2016

Đăng ngày: 30-03-2016, 08:24

Tình hình an ninh khu vực và thế giới có nhiều biến động. Điều này khiến Nhật Bản lo ngại, đặc biệt trước các nguy cơ an ninh đến từ Bắc Triều Tiên, tổ chức IS, những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hay vấn đề tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng như Hàn Quốc... Nhằm ứng phó với những vấn đề mới nảy sinh, ngày 19/9/2015 Hạ viện Nhật Bản đã thông qua dự luật an ninh mới. Đây là bước tiến giúp Nhật Bản vượt ra bên ngoài khuôn khổ những khái niệm hòa bình, dân chủ mơ hồ và không còn thực tế trong bối cảnh địa - chính trị đang thay đổi nhanh chóng.

Đạo luật an ninh mới được ban hành cho phép mở rộng vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) ở nước ngoài và thực thi một cách hạn chế quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ Mỹ và các nước đồng minh khác bị tấn công vũ trang, ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công. Ngoài ra, luật mới này còn cho phép SDF hỗ trợ hậu cần cho quân đội nước ngoài trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Việc mở rộng hoạt động cho SDF là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu của Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe kể từ khi ông lên cầm quyền năm 2012[1].  Động thái này đã đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Bản Hiến pháp hòa bình năm 1947 đã bảo đảm lợi ích hòa bình mà Nhật Bản được hưởng hơn nửa thế kỷ qua. Tuy nhiên, đã hạn chế Nhật Bản trong môi trường an ninh mới, khiến cho Nhật Bản - một nền kinh tế lớn của thế giới lại trở thành một quốc gia “không bình thường”. Việc Thượng viện Nhật Bản thông qua dự luật an ninh đã chính thức chấm dứt 70 năm trung thành với chính sách an ninh chỉ hướng tới phòng thủ được quy định trong Hiến pháp, đồng thời biến Nhật Bản cơ bản đã trở thành một “quốc gia bình thường”.

Song, việc Thượng viện Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới vấp phải làn sóng phản đối từ một bộ phận các chính trị gia và người dân Nhật Bản. Bởi điều 9 trong bản Hiến pháp của Nhật Bản nêu rõ: Nhật Bản cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh, thực hiện các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe doạ bằng vũ lực. Các lực lượng lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Người dân Nhật Bản đã quá quen thuộc với điều khoản này và cho rằng luật an ninh mới sẽ làm thay đổi hướng đi của đất nước và cuộc sống của người dân. Nhằm trấn an dư luận, luật pháp Nhật Bản cũng đề ra một số điều kiện ràng buộc về việc triển khai quân đội ở nước ngoài như: chỉ điều quân khi không còn có giải pháp nào khác, triển khai sức mạnh ở mức tối thiểu nhất, cuộc xung đột đó phải đe dọa tới sự tồn vong của Nhật Bản và quyền sống, quyền tự do của người dân. Theo ông Abe, dự luật an ninh mới của Nhật Bản không chỉ là thay đổi “sánh ngang cải cách Minh Trị”, mà còn tác động mạnh về địa - chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thể hiện sự trở lại đầy quyết đoán về mặt quân sự của Nhật Bản. Mỹ và Anh hoan nghênh động thái trên của Nhật Bản và cho rằng dự luật này sẽ giúp các quốc gia xích lại gần nhau hơn, củng cố vững chắc quan hệ quân sự và chính trị hiện nay. Về phía Mỹ, sự kiện này  sẽ chia bớt gánh nặng về an ninh khu vực cho Washington. Mỹ cần đồng minh có khả năng làm việc chặt chẽ cùng các lực lượng quân sự để duy trì hòa bình khu vực và ngăn ngừa xung đột. Tuy nhiên, Hàn Quốc và Trung Quốc lại không cùng quan điểm, phía Hàn Quốc thúc giục Nhật Bản duy trì tinh thần của bản Hiến pháp với chủ trương hòa bình, còn Trung Quốc kêu gọi Tokyo “hành động thận trọng trong các vấn đề quân sự và an ninh”[2]. Việc thông qua dự luật an ninh được coi là thành công lớn của Thủ tướng Shinzo Abe trong quá trình thực hiện một kế hoạch bài bản nhằm tăng cường sức mạnh quân sự quốc gia trong suốt hơn 10 năm qua.

Vào ngày 22/3 nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã ra quyết định các luật an ninh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 29/3. Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Abe trong cuộc họp Nội các ngày 22/3 cho rằng: “với việc thực thi luật này, Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng phòng thủ và chủ động góp phần duy trì hòa bình và sự ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trong cộng đồng quốc tế”. Ông Abe nhấn mạnh sự cần thiết của luật an ninh mới trong bối cảnh môi trường an ninh quanh Nhật Bản ngày càng bất ổn, như việc Bắc Triều Tiên mới đây tiến hành các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa gần bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Cũng trong cuộc họp trên, Nội các của ông Abe cũng quyết định sửa đổi 26 sắc lệnh có liên quan, trong đó có sắc lệnh cho phép SDF gửi chỉ huy tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Việc phân bổ nhiệm vụ cho lực lượng này cũng sẽ được tiến hành một cách cẩn trọng sau khi Luật An ninh mới có hiệu lực[3].

Ngày 29/3, chỉ một tuần sau khi Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra quyết định, Luật an ninh mới của Nhật Bản đã chính thức có hiệu lực. Đây là sự thay đổi chính sách quốc phòng mang tính bước ngoặt tại một đất nước có Hiến pháp quy định phản đối chiến tranh. Phản ứng trước sự thay đổi, Nghị sỹ của đảng Dân chủ đối lập Kiyoshige Maekawa đã yêu cầu dỡ bỏ các đạo luật an ninh mới vì cho rằng “không cần tới quyền tự vệ tập thể để bảo vệ Nhật Bản”, nhưng ngay sau đó ông Abe đã nhấn mạnh nếu dỡ bỏ các đạo luật mới sẽ “gây tổn hại lớn tới quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ”. Phát biểu tại một ủy ban Nghị viện Nhật Bản, ông Abe cho biết hiện Nhật Bản và Mỹ có thể giúp đỡ lẫn nhau trong các tình huống khẩn cấp. Quan hệ đồng minh đã được tăng cường nhờ có những đạo luật trên. Bên cạnh đó, ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng khẳng định sự cần thiết của luật an ninh trong việc bảo vệ tính mạng và cuộc sống của người dân Nhật Bản. Theo ông Kishida, luật này đã nhận được sự ủng hộ của Mỹ cũng như nhiều nước, trong đó có cả các nước ở châu Âu và châu Á. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng cho hay theo luật mới, Bộ Quốc phòng và SDF sẽ thực hiện thêm các nhiệm vụ. Để tiến hành các nhiệm vụ mới này và đảm bảo an toàn cho các thành viên của SDF, Bộ trên sẽ hợp tác và chuẩn bị kỹ càng cũng như tổ chức các đợt huấn luyện cần thiết cho SDF[4].

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng: “Trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản, tôi có một trọng trách lớn lao đó là bảo vệ cuộc sống của người dân. Dựa trên mong muốn này, quyết định của chính phủ là sự chuẩn bị khuôn khổ cho một luật an ninh mới. Nhật Bản sẽ đóng góp nhiều hơn nữa nhằm đảm bảo ổn định và hòa bình thế giới. Tuy nhiên, trong bất kỳ cuộc xung đột nào, giải pháp không phải là sử dụng sức mạnh quân sự mà bằng luật pháp quốc tế và ngoại giao[5].

Luật an ninh mới có hiệu lực, Nhật Bản đã tiến thêm một bước trong quá trình khôi phục đầy đủ chức năng của lực lượng quân sự. Tokyo đang hướng đến mục tiêu đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia có năng lực quốc phòng mạnh, đáp ứng ưu tiên hàng đầu là bảo vệ an ninh quốc gia, góp phần nâng cao vai trò của Tokyo trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh toàn cầu. Đồng thời qua đây đã phát đi một thông điệp rằng Tokyo đã sẵn sàng bảo vệ các lợi ích quốc gia, chủ quyền, lãnh thổ một cách hợp pháp và cứng rắn khi cần thiết.

Trần Mỹ Hoa, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật an ninh mới

http://www.baomoi.com/Quoc-hoi-Nhat-Ban-thong-qua-du-luat-an-ninh-moi/c/17540908.epi

[2] Răn đe những ai muốn phá luật

http://antgct.cand.com.vn/So-tay/Ran-de-nhung-ai-muon-pha-luat-367312/

[3] Japan's new security laws to take effect March 29

http://www.japantoday.com/category/politics/view/japans-new-security-laws-to-take-effect-march-29

[4] Abe says security laws strengthen Japan-U.S. alliance

http://www.japantoday.com/category/politics/view/abe-says-security-laws-strengthen-japan-u-s-alliance

[5] Luật an ninh mới của Nhật Bản có hiệu lực từ hôm nay 29/3

http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/quoc-te/luat-an-ninh-moi-cua-nhat-ban-co-hieu-luc-tu-hom-nay-29-3-185571.html

 

 

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn