GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

BIỂN HOA ĐÔNG DẬY SÓNG KHI TRUNG QUỐC ĐƯA TÀU VÀO GẦN QUẦN ĐẢO SENKAKU

Đăng ngày: 16-06-2016, 11:35

Trong khi những bất đồng giữa Nhật Bản và Trung Quốc chưa được giải quyết dứt điểm thì quan hệ hai nước lại có dấu hiệu căng thẳng liên quan đến những động thái ở Biển Hoa Đông. Vào rạng sáng 9/6, Nhật Bản cho biết đã phát hiện một tàu khu trục nhỏ của Hải quân Trung Quốc đã đi vào vùng tiếp giáp ngay bên ngoài lãnh hải Nhật Bản, gần quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku còn Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Hành động trên diễn ra giữa lúc cộng đồng quốc tế đang ra sức phản đối những hành động gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường Setogiri của Nhật Bản xác nhận tàu Hải quân Trung Quốc đã tiến vào khu vực phía Đông Bắc đảo Kuba thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng 0 giờ 50 phút sáng ngày 9/6. Sau đó, tàu của Hải quân Trung Quốc đã rời khỏi vùng biển này từ vị trí gần đảo Taisho thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng 3 giờ 10 phút sáng và hướng về phía Bắc. Bộ quốc phòng còn cho biết thêm con tàu đã không xâm phạm lãnh hải Nhật Bản. Phản ứng trước vụ việc trên, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, Yoshihide Suga cho biết: hành động đơn phương của Trung Quốc đã làm leo thang căng thẳng trong khu vực. Nhật Bản quan ngại sâu sắc hành vi này của Trung Quốc, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc chấm dứt những hành động gây căng thẳng. Ngay sau đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Akitaka Saiki đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Trình Vĩnh Hoa đến để bày tỏ quan ngại sâu sắc, đồng thời phản đối trước việc Trung Quốc cử tàu xâm phạm vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản. Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối từ phía Nhật Bản, Bộ ngoại giao Trung Quốc cho biết quần đảo Senkaku là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và khẳng định việc tàu khu trục nhỏ của Trung Quốc di chuyển trong khu vực trên là hợp pháp.

Trong diễn biến khiến tình hình trở nên phức tạp với Tokyo đó là khi Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết đã phát hiện 3 tàu Hải quân Nga tại vùng tiếp giáp gần Senkaku cùng thời điểm tàu khu trục Trung Quốc đi qua khu vực này vào 21 giờ 50 phút ngày 8/6 cho tới 3 giờ 05 phút sáng ngày 9/6 tàu rời khỏi khu vực - tức là cùng thời điểm tàu khu trục Trung Quốc đi qua khu vực trên[1].

Trước những hành động ngang nhiên của tàu Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã chỉ đạo tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các bộ và các bên liên quan đặc biệt là với nước đồng minh Mỹ, theo dõi sát hành động của Trung Quốc. Nhật Bản đã thiết lập Phòng thông tin liên lạc thuộc Trung tâm quản lý nguy cơ của Văn phòng Nội các để thu thập và thông báo các thông tin liên quan đến tàu Trung Quốc [2].

Các đảng đối lập Nhật Bản cũng bày tỏ sự lo lắng đối với hành vi của Trung Quốc và cho rằng đây là sự đe dọa mới đối với nền an ninh Nhật Bản và yêu cầu Chính phủ Nhật Bản nỗ lực hơn trong việc cảnh giới, liên kết chặt chẽ với các nước liên quan, tránh nguy cơ căng thẳng. Đảng Cộng sản Nhật Bản nhấn mạnh: “Việc các tàu của Trung Quốc xâm nhập vào vùng nội thủy của Nhật Bản là vấn đề lớn bởi nó không chỉ làm gia tăng căng thẳng mang tính quân sự mà còn đi ngược lại với biện pháp giải quyết hòa bình”. Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản sau đó họp khẩn cấp chỉ đạo việc tăng cường hợp tác chặt chẽ với nước đồng minh Mỹ. Vào ngày 9/6 thông tin về việc thảo luận hợp tác với Mỹ để đối phó với Trung Quốc được đưa ra trong cuộc họp của các quan chức. Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho hay, phía Nhật Bản đã thông báo cho Hoa Kỳ về vụ tàu chiến Trung Quốc và duy trì liên lạc với Washington. Mỹ cũng đã thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ lập trường của Nhật Bản. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: Mỹ rất lo ngại về hành vi của Trung Quốc khi nhận được bản báo cáo từ Nhật Bản và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với phía Nhật Bản [3].

Mặc dù Nhật Bản phát hiện tàu khu trục mang tên lửa Trung Quốc và 3 tàu chiến của Nga cùng đồng thời xuất hiện quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu ngư, nhưng Nhật Bản lại có những phản ứng khác nhau đối với sự xuất hiện của các tàu chiến. Nhật Bản không phản đối tàu chiến của Nga xuất hiện ở Senkaku mà chỉ bày tỏ sự quan tâm và đề nghị Moskva có một lời giải thích bởi với Nhật Bản, Nga không giống Trung Quốc vì không đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với đảo Senkaku. Còn với tàu khu trục mang tên lửa Trung Quốc, Nhật Bản ngay trong đêm đã triệu hồi Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản để phản đối. Tokyo tức giận như vậy đơn giản là bởi tàu Trung Quốc đã có mặt ở vị trí cách các hòn đảo tranh chấp khoảng 24 km và đó là vùng biển mà Nhật Bản coi là thuộc chủ quyền của mình. Trang báo Đa chiều của Trung Quốc hôm 11/6 đã lên tiếng thắc mắc thái độ của Nhật Bản đối với Nga và Trung Quốc. Trang báo bình luận, động thái này cho thấy Nhật đang nghiêng về phía Nga bằng cách lấy lòng và củng cố các mối quan hệ. Có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề trên, Đại sứ quán Nga tại Nhật Bản lên tiếng thanh minh rằng, thực tế không giống báo chí Trung Quốc tuyên truyền rằng chiến hạm hai nước phối hợp tiến vào Senkaku, đây chỉ là một sự trùng hợp gây hiểu nhầm. Hai chiến hạm Nga hoàn toàn không có mối liên hệ nào với tàu khu trục Trung Quốc[4].

Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga Valery Kistanov khi trao đổi với “Báo độc lập” (Nga), ông cho rằng phản ứng của Tokyo đối với Nga vẫn mềm mỏng hơn. Ông nói: “có thể, đây là sự thỏa hiệp phối hợp giữa Nga và Trung Quốc. Cũng cần lưu ý thêm rằng từ ngày 10-13/6 tại Sasebo (Nhật Bản) và ngày 14-17/6 tại khu vực ngoài khơi gần đảo Okinawa sẽ diễn ra cuộc tập trận hải quân quy mô lớn mang tên “Malabar” của các nước Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản (lần đầu tiên tham gia). Moskva tỏ ra lo ngại không chỉ đối với những hành động của Mỹ ở châu Âu mà cả ở khu vực Viễn Đông, cụ thể là sự tăng cường liên minh quân sự Mỹ - Nhật Bản. Vì vậy, không loại trừ khả năng các hành động kể trên là “sự phối hợp” giữa Nga và Trung Quốc”[5].

Tranh chấp chủ quyền đã làm cho quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc trở nên lạnh nhạt trong nhiều năm. Thời gian gần đây, quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này đã có những tín hiệu cải thiện. Tuy nhiên, với việc tàu hải quân Trung Quốc tiến vào vùng tiếp giáp lãnh hải Nhật Bản gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đã khiến Biển Hoa Đông tiếp tục dậy sóng, đẩy quan hệ Trung - Nhật rơi vào tình trạng căng thẳng. Hiện chưa rõ liệu tàu khu trục này của Trung Quốc có bất kì hành vi khiêu khích nào hay không khi ở khu vực tranh chấp trên, nhưng rõ ràng đây hành động mang tính đơn phương đồng thời thể hiện tính hiếu chiến của Trung Quốc. Với hành động ngang nhiên, “bất chấp tất cả” tại Biển Hoa Đông của Trung Quốc, có thể khiến nước này phải đối mặt với làn sóng quan ngại rộng lớn từ nhiều quốc gia trong khu vực.

Trần Mỹ Hoa, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] First Chinese warship to skirt Senkakus triggers protest from Tokyo

http://www.japantimes.co.jp/news/2016/06/09/national/chinese-frigate-sails-near-senkakus-russian-military-vessels/

[2] Chinese navy ship entered Japan's contiguous zone

http://newsonjapan.com/html/newsdesk/article/116551.php

[3] Trung Quốc chọc tức Nhật-Mỹ, tạo cơn 'ác mộng' với Nga

http://www.baomoi.com/trung-quoc-choc-tuc-nhat-my-tao-con-ac-mong-voi-nga/c/19590310.epi

[4] Nga đưa tàu tới Senkaku: Chỉ tình cờ gặp tàu Trung Quốc

http://www.baomoi.com/nga-dua-tau-toi-senkaku-chi-tinh-co-gap-tau-trung-quoc/c/19607828.epi

[5] Lý do tàu chiến của Nga xuất hiện ở quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư

Bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới, ngày 14/06/2016. Tr.12,13.

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn