GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

PHẢN ỨNG CỦA NHẬT BẢN, MỸ VÀ HÀN QUỐC SAU KHI BẮC TRIỀU TIÊN PHÓNG TÊN LỬA TẦM TRUNG

Đăng ngày: 25-06-2016, 01:24

Căng thẳng trong khu vực tăng cao từ khi bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 4 hồi đầu năm nay, sau đó tiếp tục tiến hành các vụ phóng vệ tinh và thử tên lửa. Từ đầu năm, Nhật Bản đã nhiều lần phải đặt lực lượng phòng thủ tên lửa trong tình trạng báo động sau khi phát hiện những dấu hiệu khả nghi về các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Chính phủ Nhật Bản ngày 21/6 cho biết, quân đội Nhật Bản đã được đặt trong tình trạng báo động. Lực lượng hải quân và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Nhật Bản đã sẵn sàng đối phó với bất cứ vật thể nào hướng về phía Nhật Bản. Trong khi đó, theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, nhiều khả năng bắc Triều Tiên đã đưa một quả tên lửa tầm trung đến bờ biển phía đông nước này mặc dù chưa có dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sắp tiến hành phóng tên lửa. Mặc dù các quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối đưa ra bình luận. Tuy nhiên, quân đội Hàn Quốc đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động tên lửa của bắc Triều Tiên. Các nguồn tin chính phủ Nhật Bản cho biết, bắc Triều Tiên có thể đang chuẩn bị phóng tên lửa tầm trung Musudan[1].

Đúng như dự đoán, vào ngày 22/6 bắc Triều Tiên đã tiến hành 2 vụ phóng thử tên lửa được cho là loại tầm trung Musudan, hướng đến biển Nhật Bản trước khi lao xuống biển. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân của Hàn Quốc cho biết, Bình Nhưỡng bắn tên lửa Musudan đầu tiên vào lúc 5 giờ 58 phút, từ địa điểm gần Wonsan ở bờ biển phía đông. Tuy nhiên, vụ thử này dường như không thành công. Tên lửa đầu tiên đã nổ tung trên không và rơi xuống biển. Dave Benham - phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận quân đội Mỹ cũng phát hiện vụ bắn tên lửa này và xác định không gây đe dọa cho khu vực Bắc Mỹ. Khoảng 2 giờ sau vụ thử thứ nhất, vào lúc 8 giờ 05 phút (giờ địa phương) bắc Triều Tiên bắn quả tên lửa thứ hai, được cho là cũng thuộc loại trên từ địa điểm tương tự. Tên lửa đã bay đến độ cao khoảng trên 1000 km trước khi hạ cánh xuống biển tại khoảng cách 400 km so với điểm bắn.

Tên lửa Musudan có tầm bắn ước tính từ 2.500 km đến 4.000km. Tầm bắn thấp sẽ vươn tới Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi tầm bắn xa có thể vươn tới các căn cứ quân sự của Mỹ ở châu Á và Thái Bình Dương [2].

Vào sáng 23/6, một ngày sau các vụ phóng thử hai tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan, nhà lãnh đạo bắc Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố vụ thử tên lửa thành công mỹ mãn và nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng giờ đây đã có thể tấn công các mục tiêu của Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương như ở Guam và những nơi khác. Tuyên bố ngày 23/6 của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng giúp giải thích lý do vì sao bắc Triều Tiên quyết tâm phóng thử tên lửa Musudan, mặc dù đã nhiều lần thất bại trong năm nay. Bởi ông Kim Jong-un muốn chứng minh rằng bắc Triều Tiên có thể chế tạo được các loại tên lửa đạn đạo không chỉ có thể tấn công Guam ở Thái Bình Dương mà còn tấn công vào sâu trong lãnh thổ Mỹ.

Động thái trên của bắc Triều Tiên ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của nhiều nước, trong đó đặc biệt là các nước láng giềng Đông Bắc Á và Mỹ. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án vụ phóng thử tên lửa trên của Bình Nhưỡng, cho rằng, nếu đây là một vụ phóng tên lửa đạn đạo thì không thể tha thứ được. Nhật Bản sẽ phân tích kỹ vụ việc và sẽ phối hợp với cộng đồng quốc tế, bao gồm Hàn Quốc và Mỹ để ứng phó. Ông Abe nói: “Vụ phóng tên lửa ngày hôm nay của bắc Triều Tiên là một sự vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc và nếu đây là một vụ phóng tên lửa đạn đạo thì không thể tha thứ được. Chúng tôi cực lực lên án hành động đó của bắc Triều Tiên”. Về phía Hàn Quốc, tại văn phòng Tổng thống nước này, bà Park Geun-hye cho biết, Hàn Quốc triệu tập một cuộc họp an ninh ngay trong sáng 22/6 để đánh giá về các vụ phóng tên lửa mới nhất của bắc Triều Tiên. Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cùng ngày cũng lên án các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, cho rằng đây là các hành động gây hấn và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ông Jeong Joon Hee, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết: “Vụ phóng tên lửa của bắc Triều Tiên là sự vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là hành vi gây hấn nhằm vào Hàn Quốc. Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên nên nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và chú tâm đến cuộc sống của người dân, thay vì tiến hành các vụ thử tên lửa”. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên án mạnh mẽ vụ phóng trên của bắc Triều Tiên, cho rằng hành động này rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng, các vụ phóng tên lửa của bắc Triều Tiên càng làm tăng nỗ lực quốc tế chống các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng[3].

Giới phân tích cho rằng Bình Nhưỡng đang cố gắng làm chủ cái gọi là “công nghệ re-entry” (tên lửa đưa đầu đạn hạt nhân đến mục tiêu rồi quay trở lại) để có thể sản xuất tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nhà phân tích Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey cho rằng tiến bộ của tên lửa Musudan là đặc biệt “đáng ngại” bởi nó còn góp phần củng cố chương trình KN-08 của bắc Triều Tiên nhằm phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên có tầm bắn đủ xa để vươn tới Mỹ. Nhà phân tích Kim Dong-yup thuộc Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam ở Seoul thì cho rằng bắc Triều Tiên có những ý đồ sâu xa khi bất chấp nhiều lần thất bại vẫn thử đi thử lại loại tên lửa Musudan. Ông nói thêm: “Trên thực tế họ đang cố tìm cách dùng Musudan để thử ‘công nghệ re-entry’ và hệ thống phát nổ cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”[4].

Vụ phóng tên lửa ngày 22/6 diễn ra một tuần trước khi bắc Triều Tiên kỷ niệm ngày giành lại quyền kiểm soát Hội đồng nhân dân tối cao và đây được coi là một thành tựu quan trọng của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau các lần thử nghiệm thất bại trước đó. Tuy nhiên, các vụ phóng tên lửa trên của Bình Nhưỡng rõ ràng là những hành động khiêu khích nghiêm trọng, vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc, đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực. Với những hành động ngang nhiên đó, Triều Tiên sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Trần Mỹ Hoa, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] SDF on alert for possible North Korean ballistic missile launch

http://newsonjapan.com/html/newsdesk/article/116663.php

[2] Test launches show North Korea making progress in developing midrange missile

http://www.japantimes.co.jp/news/2016/06/22/national/north-korea-test-launch-guam-reachable-medium-range-missile-fails-seoul/#.V2zYuNKLTIV

[3] Cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh các vụ thử tên lửa của bắc Triều Tiên

http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/quoc-te/cong-dong-quoc-te-phan-ung-manh-cac-vu-thu-ten-lua-cua-trieu-tien-190440.html

[4] Giới chuyên gia nhận định về những tiến bộ trong công nghệ tên lửa của bắc Triều Tiên

Bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới, ngày 24/06/2016, tr 15, 16.

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn