GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐÁNH GIÁ CUỘC BẦU CỬ THƯỢNG VIỆN NHẬT BẢN 2016

Đăng ngày: 21-07-2016, 01:58

Ngày 10/7/2016, cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản đã diễn ra với kết quả chiến thắng thuyết phục của liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do và đảng Công minh. Cuộc bầu cử này có nhiều điểm mới như lần đầu tiên tuổi bầu cử được hạ từ 20 xuống 18; đảng đối lập lớn nhất có tên mới là Dân tiến, vốn là sự hợp nhất giữa đảng Dân chủ và Duy tân; tỉ lệ phụ nữ được bầu cao nhất từ trước đến nay. Có thể đưa ra vài đánh giá về cuộc bầu cử Thượng viện như sau.

Người dân ủng hộ liên minh cầm quyền

Kết quả bầu cử Thượng viện Nhật Bản 2016 cho thấy liên minh cầm quyền đã chiến thắng áp đảo so với phe đối lập. Đảng Dân chủ Tự do giành thêm 6 ghế, đảng Công minh giành thêm 5 ghế trong Thượng viện. Tổng cộng liên minh cầm quyền giành thêm 11 ghế, nâng số ghế trong Thượng viện lên con số 146. Trước cuộc bầu cử, người ta nói nhiều đến sự liên minh của 4 đảng Dân tiến, đảng Cộng sản, đảng Dân chủ Xã hội và đảng Cuộc sống. Song đảng Dân tiến, đảng đối lập lớn nhất, mất 15 ghế trong lần bầu cử này. Đảng Xã hội dân chủ và đảng Cuộc sống mỗi đảng mất 1 ghế, chỉ có đảng Cộng sản có thêm 3 ghế.

Thắng lợi của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử lần này phản ảnh sự ủng hộ của cử tri đối với đường lối của chính phủ do Thủ tướng Abe Shinzo đứng đầu và liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do và đảng Công minh, trong đó có chính sách Abenomics và quyết định hoãn tăng thuế tiêu dùng. Các đảng đối lập phê phán chính quyền và liên minh cầm quyền rằng cuộc sống của người dân không được cải thiện và đang gia tăng nỗi bất an đối với tương lai. Bốn đảng đối lập, trong đó có đảng Dân chủ là đảng đối lập chính và đảng Cộng sản Nhật Bản lần đầu tiên đã thống nhất với nhau trong việc đưa ứng cử viên ra ứng cử tại nhiều đơn vị bầu cử một ghế nhằm cạnh tranh một chọi một với liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, chiến thuật này của phe đối lập dường như không thực sự có kết quả. Chiến thắng của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử lần này tạo điều kiện cho Thủ tướng Abe kéo dài thời gian cầm quyền thêm vài năm nữa.

Về khả năng sửa đổi Hiến pháp

Vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận là sửa đổi Hiến pháp vẫn đang gây chia rẽ trong quan điểm của người dân Nhật Bản hiện nay. Theo điều 96 của Hiến pháp Nhật Bản, để có thể sửa đổi Hiến pháp đòi hỏi phải có sự tán thành của đa số 2/3 ở cả Hạ viện và Thượng viện, cộng thêm đa số người dân tán thành qua trưng cầu dân ý quốc gia. Trong cuộc bầu Hạ viện diễn ra cuối năm 2014, liên minh cầm quyền giành được 326 ghế (nhiều hơn 2/3, tức 317 ghế) trong số 475 ghế của Hạ viện. Bởi vậy, để có thể sửa đổi Hiến pháp, Thủ tướng Abe cần giành được 2/3 số ghế (162 ghế) trong Thượng viện.

Hiện tại, phe có tư tưởng sửa đổi Hiến pháp gồm 4 đảng Tự do Dân chủ, Công minh, Hội Duy tân Osaka và Vì tấm lòng Nhật Bản có số ghế không bầu lại lần này là 84 ghế. Trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, 4 đảng trên giành 77 ghế nên phe sửa đổi Hiến pháp có 161 ghế sát với con số 162 (2/3 của 242 ghế trong Thượng viện). Người ta đang nói nhiều đến khả năng phe có tư tưởng sửa đổi Hiến pháp sẽ kết hợp với một Thượng nghị sỹ độc lập có thái độ tích cực với việc sửa đổi Hiến pháp để có đủ 2/3 số ghế trong Thượng viện.

Đảng Dân chủ Tự do từ lâu đã thể hiện mong muốn sửa đổi Hiến pháp năm 1946 được soạn thảo trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đảng này cho rằng Nhật Bản cần có bản Hiến pháp do chính tay người Nhật biên soạn để Nhật Bản trở thành nước có chủ quyền thực sự. Trong bản Hiến pháp sửa đổi năm 2012, đảng Dân chủ Tự do đề xuất một loạt những thay đổi để đáp ứng yêu cầu của thời đại và phản ánh rõ hơn lịch sử, văn hóa Nhật Bản vốn tôn trọng sự hài hòa. Bản dự thảo nhấn mạnh đề cao ba nguyên tắc cơ bản trong Hiến pháp thời hậu chiến là chủ quyền, chủ nghĩa hòa bình và tôn trọng nhân quyền. Vấn đề nhạy cảm nhất là sửa đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản vốn khẳng định người dân Nhật Bản phản đối chiến tranh, không thành lập các lực lượng quân đội hay tiềm năng quân sự khác và quyền tham chiến không được công nhận[1].

Về vấn đề này, Thủ tướng Abe vẫn nói rằng ông chưa có được sự thấu hiểu của dân chúng. Đồng thời, cho tới thời điểm hiện nay, lực lượng ủng hộ sửa đổi, bao gồm đảng Công minh, đảng nhỏ trong liên minh cầm quyền, Hội Duy tân Osaka và Vì tấm lòng Nhật Bản cũng chưa hẳn đã ủng hộ việc sửa đổi điều khoản này. Vì thế người ta cho rằng việc tranh luận về sửa đổi Hiến pháp sẽ tập trung vào những vấn đề khác ví dụ như vấn đề tăng quyền hạn của thủ tướng trong những tình huống khẩn cấp mang tính quốc gia, đảm bảo môi trường sinh sống tốt cho người dân và việc phân chia trách nhiệm giữa chính phủ trung ương, chính quyền tỉnh và các chính quyền địa phương.

Mở rộng cơ hội đối thoại chính trị cho giới trẻ

Theo luật, công dân Nhật đến tuổi 20 mới có quyền bầu cử và đến tuổi 25 mới có quyền ứng cử vào Hạ Nghị viện, Hội đồng địa phương hay Thị trưởng. 30 tuổi mới có quyền ứng cử vào Thượng Nghị viện hoặc Tỉnh trưởng[2]. Bầu cử Thượng viện ngày 10/7 là lần đầu tiên tuổi bỏ phiếu được hạ từ 20 xuống 18. Hàng loạt các hoạt động diễn ra tại Nhật Bản nhằm thu hút các bạn trẻ lứa tuổi 18,19 tham gia thực hiện quyền bầu cử.

Theo Bộ tổng vụ, tỉ lệ bầu cử lứa tuổi 18 là 51,17%, lứa tuổi 19 là 39,6%, tính chung lại là 45,45%, thấp hơn 9,25 điểm % so với tỉ lệ tham gia bầu cử chung cho mọi lứa tuổi. Trong lứa tuổi này, tỉ lệ đi bầu của nam giới là 43,43%, nữ giới là 47,58%.

Về chính đảng ủng hộ của lứa tuổi 18-19, 32% ủng hộ Tự do Dân chủ, 10% ủng hộ Dân tiến và 42% không ủng hộ chính đảng nào. So với nhóm tuổi khác, tỉ lệ không ủng hộ chính đảng nào cao hơn hẳn.

Về chính sách Abenomic, 64% thừa nhận những thành công của Abenomic, tỉ lệ này trong nhóm tuổi 20 là 67%. Trong khi đó tỉ lệ chung khi đánh giá về Abenomic là 8% đánh giá cao, 48% đánh giá thành công mức độ nào đấy, 31% đánh giá không mấy thành công, 12% hoàn toàn không thành công.

Về việc trì hoãn tăng thuế ảnh hưởng đến tái cấu trúc tài chính và đảm bảo xã hội, 69% có cảm giác bất an. Xét theo cơ cấu lứa tuổi, nhóm tuổi 50 sắp về hưu có cảm giác bất an chiếm cao nhất là 83%. Lứa tuổi 18, 19 có cảm giác về vấn đề này mờ nhạt hơn.

Về sửa đổi Hiến pháp, 33% số người trả lời là cần thiết, 32% nói không cần thiết và 36% không thể đưa ra câu trả lời. So sánh với kết quả điều tra 3 năm trước đây, tỉ lệ trả lời cần thiết giảm 6 điểm %, tỉ lệ trả lời không cần thiết tăng 7 điểm %. Đối với lứa tuổi 18-19, 22% nói rằng cần sửa đổi Hiến pháp, 26% trả lời không cần và 52% không nghiêng về bên nào. Lứa tuổi càng cao thì số người không trả lời nghiêng về bên nào càng giảm, tỉ lệ chung ở mọi lứa tuổi là 36%[3].

Những số liệu trên cho thấy lứa thanh niên Nhật Bản ở độ tuổi 18-19, nhóm lần đầu tiên tham gia bầu cử lần này, có mối quan tâm đến chính trị thấp hơn so với mặt bằng chung cả nước. Tuy nhiên, phải nhận thấy rằng bầu cử được xem là đối thoại giữa người dân và giới chính trị. Kể cả khi không hiểu rõ về chính trị, nhưng nếu thanh niên trẻ đi bầu cử thì giới cầm quyền tới đây sẽ nhận thức và xây dựng chính sách hướng tới giới trẻ. Việc hạ tuổi bỏ phiếu ở lần bầu cử này có ý nghĩa to lớn và là thay đổi lịch sử trong vòng 70 năm qua của Nhật Bản. Thanh niên Nhật Bản tự tin cầm lá phiếu đi bầu chính là thông điệp đầy ý nghĩa trong nền chính trị Nhật Bản hiện nay.

Nâng cao vai trò phụ nữ

Theo kết quả bỏ phiếu Thượng viện vừa qua, 28 phụ nữ đã được bầu vào Thượng viện, vượt qua con số cao nhất trước đây là 26 người trong năm 2007[4]. Trong số các quốc gia phát triển, Nhật Bản vẫn được xem là quốc gia vẫn tồn tại bất bình đẳng nam nữ. Báo cáo của tổ chức OECD công bố trong tháng 9 năm 2014 cho biết tỉ lệ làm việc của nữ giới có bằng cấp từ đại học trở lên là 69%, đứng thứ 31 trong số 34 nước thành viên. Trong khi đó tỉ lệ này ở nam giới là 92% và đứng thứ 2. Báo cáo này đã chỉ ra vấn đề của Nhật Bản hiện nay là chưa tận dụng hết lực lượng nữ giới có năng lực[5]. Hiện nay, một trong những chính sách trụ cột của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe là tạo cơ hội để phụ nữ phát huy năng lực, làm tăng tỉ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động đóng góp cho xã hội Nhật Bản. Chính trong bối cảnh Nhật Bản đề cao phát huy năng lực và vai trò của phụ nữ, con số 28 phụ nữ, cao nhất từ trước đến nay, được bầu vào Thượng viện thực sự mang đầy ý nghĩa xã hội.

Tóm lại, cuộc bầu cử Thượng viện 2016 đã kết thúc với thắng lợi của liên minh cầm quyền. Kết quả này phản ánh sự ủng hộ của người dân Nhật Bản, là nền tảng để chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe củng cố quyền lực và tiếp tục thực hiện những mục tiêu đã đề ra. Đặc biệt là liên minh cầm quyền và các đảng nhỏ có tư tưởng sửa đổi Hiến pháp giành đủ số ghế đảm bảo điều kiện cần thiết để bước đầu tiến tới thực hiện việc sửa đổi. Lần bầu cử này đánh dấu sự thay đổi lịch sử khi hạ tuổi bỏ phiếu từ 20 xuống 18, mở rộng cơ hội đối thoại chính trị cho giới trẻ Nhật Bản. Ở một khía cạnh khác, bầu cử Thượng viện lần này góp phần nâng cao tư tưởng phát huy năng lực phụ nữ vốn đang được đẩy mạnh trong xã hội của đất nước mặt trời mọc hiện nay.

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]Những điểm đáng chú ý trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi của Nhật Bản

Bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 07/07/2016, tr.11-12

[2]Hệ thống bầu cử

http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=122

[3]参院選 14万人調査を徹底分析

http://www3.nhk.or.jp/news/web_tokushu/2016_0711.html?utm_int=detail_contents_tokushu_002

[4]参院選 女性の当選者が過去最多に

http://www3.nhk.or.jp/news/html/20160711/k10010590691000.html?utm_int=news-politics_contents_list-items_043

[5]女性活躍法案 働き方の見直しにつなげたい

http://www.yomiuri.co.jp/editorial/20140920-OYT1T50115.html

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn