GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

HỢP TÁC QUỐC PHÒNG GIỮA MỸ, NHẬT BẢN VÀ ẤN ĐỘ

Đăng ngày: 23-07-2016, 00:38

Trước việc Trung Quốc ngày càng quyết liệt thúc đẩy các hoạt động quân sự ở Biển Đông, Mỹ vạch ra kế hoạch liên kết Ấn Độ và Nhật Bản để hình thành trật tự an ninh hàng hải mới tại châu Á. Ngày 3/6, bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Ấn Độ đã nhất trí thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên với Mỹ. Phát biểu với các phóng viên, Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Gen Nakatani cho biết “điều này sẽ rất quan trọng” đối với Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ về việc “chia sẻ giá trị chung” để tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo an ninh tại các vùng biển rộng lớn ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Một quan chức Nhật Bản cho biết, để thực hiện mục đích này, Bộ trưởng Nakatani đã đề xuất 3 nước bắt đầu tổ chức định kỳ các cuộc gặp cấp cao. Cũng theo quan chức giấu tên trên, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar nói rằng, ông sẽ đáp lại đề xuất của người đồng cấp Nhật Bản sau khi cân nhắc kỹ lưỡng. Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Ấn Độ diễn ra tại Singapore ngay trước thời điểm khai mạc diễn đàn an ninh cấp cao thường niên của châu Á (Đối thoại Shangri-La). Trước đó, Nhật Bản đã quyết định hàng năm sẽ cử Lực lượng Phòng vệ biển (MSDF) tham gia cuộc tập trận hải quân chung với Ấn Độ và Mỹ, mang tên Malabar, đây là sự kiện đã được hải quân Ấn Độ và Mỹ tổ chức từ năm 1992 tại Ấn Độ Dương. Năm 2007, Nhật Bản bắt đầu tham gia với tư cách khách mời cùng với Singapore và Australia. Trong các năm 2007 và 2009, địa điểm cuộc diễn tập đã được mở rộng từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Đến năm 2015, Nhật Bản bắt đầu tham gia Malabar với tư cách như một trong những thành viên lâu dài, biến cuộc diễn tập song phương Mỹ - Ấn thành cuộc diễn tập chung của ba nước Mỹ - Ấn - Nhật. Ngay tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 12/2015, Tokyo đã quyết định từ năm 2016 sẽ liên tục tham gia cuộc tập trận thường niên này[1].

Ngày 10/6, cuộc tập trận hải quân chung thường niên Malabar giữa Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản bắt đầu diễn ra ở Nhật Bản. Cuộc tập trận này có sự hiện diện của nhiều loại khí tài hết sức hiện đại, tập trung vào các hoạt động tác chiến chống tàu ngầm, ngăn chặn đường biển, huấn luyện phòng không nhằm nâng cao khả năng phối hợp tác chiến và bảo đảm lợi ích an ninh hàng hải chung. Trong đó, Ấn Độ mang đến máy bay P-8 Poseidon có khả năng phát hiện và gửi chỉ dẫn tọa độ cho hạm đội hoặc máy bay đồng minh ngay khi phát hiện tàu đối phương cùng các tàu tấn công lớp Rajput, tàu hộ tống lớp Brahmaputra và Shivalik, tất cả đều sở hữu khả năng phòng không, chống tàu ngầm. Trong khi Nhật Bản có Hyuga - một trong ba chiến hạm chở trực thăng săn ngầm mới nhất, máy bay do thám biển P-3C, tàu tấn công JS Fuyuzuki, tất cả đều ra mắt lần đầu trong sự kiện tập trận này. Hoành tráng hơn, Hải quân Mỹ đã cử hàng không mẫu hạm Nimitz USS John C Stennis - một trong 11 chiếc tàu sân bay năng lượng hạt nhân - chở theo hàng chục chiến đấu cơ các loại tham gia tập trận. Hộ tống mẫu hạm này là các chiến hạm USS Forth Worth, USS Normandy và tàu ngầm hạt nhân USS City of Corpus Christi[2].

Việc tham gia Malabar 2016 của Nhật Bản đã phản ánh được chính sách đối ngoại và quân sự năng động, tự chủ hơn; một trong những lý do quan trọng là bắt nguồn từ các thách thức an ninh và tranh chấp chủ quyền ngày càng căng thẳng tại biển Hoa Đông và Biển Đông. Với Mỹ, việc duy trì tập trận thường xuyên tại các vùng biển đã trở thành một chính sách xuyên suốt và lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh Washington khẳng định sự ổn định, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, biển Hoa Đông cũng như Ấn Độ Dương là nằm trong lợi ích của Mỹ. Đặc điểm nổi bật của Malabar 2016 đó là diễn ra đúng thời điểm tình hình an ninh chính trị ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở nên sôi động và kịch tính hơn bao giờ hết. Đây chính là thời điểm vấn đề tranh chấp chủ quyền leo thang ngày càng căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông do Trung Quốc tiếp tục có những hành động bành trướng chọc tức các nước láng giềng.

Cuộc tập trận hải quân ba bên Mỹ - Nhật - Ấn được xem là bước khởi đầu của việc hình thành một liên minh có khả năng định ra một trật tự mới trên vùng đại dương châu Á. Theo một số chuyên gia phân tích được nhật báo Mỹ “The Wall Street Journal” trích dẫn thì việc hình thành liên minh mới này nằm trong một chiến lược lâu dài của Mỹ, dựa trên quan hệ hợp tác chặt chẽ về quốc phòng từ lâu đời giữa Washington và Tokyo và việc thuyết phục New Delhi nhập cuộc. Trong thời gian gần đây, Mỹ đã nỗ lực củng cố quan hệ chiến lược với Ấn Độ và khuyến khích New Delhi đóng vai trò tích cực hơn, không chỉ ở Ấn Độ Dương mà cả ở Thái Bình Dương. Mỹ đã tranh thủ tâm lý quan ngại chung trước sự trỗi dậy của Trung Quốc đang làm thay đổi tương quan lực lượng trong khu vực. Theo ông C. Raja Mohan, Giám đốc trung tâm tại Ấn Độ của Qũy Hòa bình Quốc tế Carnegie thì “Mỹ đang tìm kiếm đối tác có thể chia sẻ gánh nặng” và việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ba bên Mỹ - Nhật - Ấn là “một sự chuyển đổi chiến lược quan trọng” của Washington[3].

Sự kiện minh chứng cho mối quan hệ hợp tác không ngừng được thúc đẩy đó là mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và người đồng cấp Ấn Độ Manoha Parrikar đã có cuộc hội đàm tại thủ đô New Delhi để thảo luận các biện pháp thức đẩy hợp tác quốc phòng song phương cũng như tăng cường hợp tác trong các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, đặc biệt là ngay sau khi Tòa trọng tài Thường trực PCA ra phán quyết về vụ kiện của Philippines. Tại cuộc hội đàm song phương ngày 14/7, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tái khẳng định sự ủng hộ phán quyết của PCA, kêu gọi các bên liên quan tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, đồng thời bày tỏ mối quan ngại sâu sắc với những diễn biến mới đây ở Biển Đông cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh và ổn định ở các vùng biển nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Về hợp tác quốc phòng, hai bên cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng hơn nữa, nhất trí tổ chức các cuộc đối thoại chiến lược song phương để thảo luận các biện pháp duy trì hòa bình và đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi cấp cao cũng như tổ chức các cuộc tham vấn cấp quan chức quốc phòng để thúc đẩy và mở rộng hợp tác cũng như phối hợp hành động nhằm đối phó với các thách thức an ninh toàn cầu đang nổi lên, tăng cường các cuộc tập trận song phương và đa phương, trao đổi thông tin và dữ liệu liên quan đến hoạt động di chuyển trên biển và hợp tác chia sẻ công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ thông tin mật. Hoan nghênh việc tham gia cuộc tập trận chung ba bên thường niên Malabar với Mỹ, hai bên đã nhất trí thúc đẩy cuộc tập trận chung giữa hải quân hai nước trong thời gian tới[4].

Việc nâng tầm quan hệ hợp tác quốc phòng giữa ba nước Mỹ - Nhật - Ấn đã giữ vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh tại các vùng biển rộng lớn ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Điều này cũng góp phần vào việc tạo lập cơ cấu cân bằng quân sự mới trên bình diện toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức mới nảy sinh, duy trì hòa bình, thức đẩy sự phát triển và thịnh vượng của  khu vực và trên toàn thế giới.

Huyền Anh, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Japan, India agree to boost three-way defense cooperation with US

http://www.japantimes.co.jp/news/2016/06/04/national/politics-diplomacy/japan-india-agree-boost-three-way-defense-cooperation-u-s/

[2] Tập trận chung Malabar 2016: Liên kết, tạo thế cân bằng quân sự

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Quan-su/837406/tap-tran-chung-malabar-2016-lien-ket-tao-the-can-bang-quan-su

[3] Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ bắt đầu phác họa trật tự mới trên biển châu Á?

Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới, Ngày 18/06/2016. Tr 14, 15.

[4] Ấn Độ - Nhật Bản tăng cường hợp tác quốc phòng song phương

Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới, Ngày 18/07/2016. Tr 11, 12.

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn