GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NGOẠI TRƯỞNG NHẬT BẢN FUMIO KISHIDA THAM DỰ HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO ASEAN LẦN THỨ 49

Đăng ngày: 2-08-2016, 09:22

Từ ngày 24 -  26/7, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM 49) và các Hội nghị liên quan đã diễn ra tại Viêng Chăn (Lào). Đây là một sự kiện chính trị quan trọng của ASEAN diễn ra sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) vừa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện ở Biển Đông. Vì vậy, vấn đề Biển Đông tiếp tục trở thành chủ đề nóng tại các Hội nghị lần này và nó cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Ngày 24/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã tới thủ đô Viêng Chăn để tham dự một loạt các cuộc họp khu vực liên quan đến 10 thành viên ASEAN.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết tại cuộc gặp với người đồng cấp Lào Saleumxay Kommasith ở thủ đô Viêng Chăn, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã bày tỏ lập trường và quan điểm của Tokyo về vấn đề Biển Đông. Ông Kishida kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định phán quyết của PCA mang tính ràng buộc đối với các bên liên quan. Mặc dù không nêu chi tiết những phát biểu của ông Kishida trong cuộc gặp, song Bộ Ngoại giao Nhật Bản khẳng định Ngoại trưởng Nhật Bản đã bày tỏ một cách thẳng thắn quan điểm của Tokyo về vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, ông Kishida cũng bày tỏ hy vọng với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm nay, Lào sẽ đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Liên quan tới quan hệ song phương Nhật - Lào, ông Kishida cho biết Nhật Bản sẽ hỗ trợ Lào một cách đầy đủ nhất trong việc phát triển ngành năng lượng và nông nghiệp của nước này[1].

Trước bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều động thái ngang ngược và bành trướng nhằm theo đuổi những yêu sách phi lý tại Biển Đông; Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc đã đồng loạt thúc giục Trung Quốc không tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự trái phép, cũng như ngang ngược đòi chủ quyền ở Biển Đông. Tuyên bố chung của ba nước được ban hành vào ngày 25/7, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Viêng Chăn, trong cuộc gặp gồm: Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Fumio Kishida và Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop. Tại đây, các bộ trưởng đã bày tỏ mối quan tâm sâu sắc trong vấn đề tranh chấp hàng hải ở Biển Đông. Theo đó, cả 3 vị Ngoại trưởng cùng mạnh mẽ phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng.Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Nhật và Úc đã bày tỏ thái độ ủng hộ mạnh mẽ đối với luật pháp quốc tế và và kêu gọi Trung Quốc cũng như Philippines tuân thủ theo phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế (PCA) bởi đây là cách cuối cùng và ràng buộc về mặt pháp lý với cả hai bên. Tuyên bố chung nhấn mạnh: “Đây là cơ hội quan trọng đối với khu vực trong nỗ lực duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp cũng như trong việc thể hiện tôn trọng luật pháp quốc tế”. Tuyên bố chung kêu gọi “tất cả các bên kiềm chế hành động đơn phương có thể gây ra thay đổi vĩnh viễn môi trường biển, cũng như các hoạt động khai hoang đất đai quy mô lớn, xây dựng tiền đồn và sử dụng tiền đồn này cho mục đích quân sự”[2]. Cả ba nước Mỹ, Nhật Bản, Úc đều nhấn mạnh vai trò và lợi ích của mình tại Biển Đông mặc dù các nước này không có tranh chấp. Bản tuyên bố đưa ra được xem là bằng chứng mạnh mẽ nhất mà 3 cường quốc Thái Bình Dương thể hiện để ủng hộ những nước Đông Nam Á đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Ngay sau đó, Ngoại Trưởng Vương Nghị của Trung Quốc vào ngày 27/7 đã lên tiếng chỉ trích Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc, cho rằng ba nước này đang khuấy động tình hình trong khu vực, giữa lúc các nước có liên quan đang đồng ý tìm ách giảm bớt căng thẳng. Ông Vương cho rằng tuyên bố chung của ba nước nói trên được đưa ra vào thời điểm không thích hợp và không mang tính xây dựng. Ông Vương nói, Tuyên bố ba bên này là đổ thêm dầu vào lửa. “Bây giờ là thời điểm để xem bạn là người gìn giữ hòa bình hay chỉ là kẻ phá rối”. Câu nói của ông Vương nhắm tới Mỹ, Úc và Nhật Bản[3]. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc bực tức trước những chỉ trích của các nước về hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông. Tuy nhiên, về phản ứng này đã cho thấy rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ vững quan điểm và lập trường của Bắc Kinh về Biển Đông bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế cũng như vi phạm luật pháp quốc tế.

Cùng ngày 25/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida còn có cuộc hội đàm riêng với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, trong đó kêu gọi Bắc Kinh chấp nhận phán quyết trong vụ kiện trọng tài giữa Philippines đối với Trung Quốc liên quan các tranh chấp tại biển Đông. Ông Kishida bày tỏ quan ngại của Nhật Bản về tình hình Biển Đông hiện nay và hy vọng rằng Trung Quốc kiềm chế và tránh có những hành động có thể làm leo thang căng thẳng trên vùng biển tranh chấp. Đáp lại, Ngoại trưởng Vương Nghị đã tái khẳng định lập trường của Trung Quốc phản đối phán quyết trên của Tòa Trọng tài, đồng thời cho rằng Nhật Bản không nên can thiệp vào những vấn đề liên quan tới Biển Đông. Tuy nhiên, hai bên cũng thống nhất tiếp tục các cuộc đàm phán để sớm triển khai cơ chế giảm thiểu khả năng xảy ra đụng độ bất ngờ giữa tàu thuyền hai nước trên biển. Thêm vào đó, Ngoại trưởng Kishida cũng đề nghị Trung Quốc hợp tác trong việc tổ chức các cuộc hội đàm 3 bên cấp lãnh đạo với Hàn Quốc tại Nhật Bản trong năm nay, cũng như một cuộc đối thoại cấp bộ trưởng về kinh tế song phương[4].

Biển Đông gắn liền với hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực. Chính vì vậy, vấn đề Biển Đông được các bộ trưởng dành nhiều thời gian trao đổi nhằm tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp gần đây trên Biển Đông; đặc biệt trong đó có việc bồi đắp và quân sự hóa, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, ảnh hưởng tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.           Trước bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế cần phát huy đoàn kết, thống nhất, kêu gọi kiềm chế và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp. Trong đó, phải kể đến Nhật Bản - quốc gia luôn kiên định lập trường nhất quán về giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế đồng thời kêu gọi các bên liên quan tránh các hành động làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng. Hành động này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia, đồng thời như một thông điệp phát đi thể hiện được những mong muốn của người dân trên toàn thế giới nói chung và nhân dân Nhật Bản nói riêng về một thế giới hòa bình, trật tự, hợp tác và phát triển.

Trần Mỹ Hoa, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Kishida explains Japan’s stance on South China Sea to ASEAN summit host Laos

http://www.japantimes.co.jp/news/2016/07/25/national/politics-diplomacy/kishida-explains-japans-stance-south-china-sea-asean-summit-host-laos/#.V57nVtKLTIU

[2] U.S., Japan, Australia step in for weak Southeast Asia to chide China

http://www.japantoday.com/category/politics/view/u-s-japan-australia-step-in-for-weak-southeast-asia-to-chide-china

[3] China criticizes U.S., Japan, Australia for 'fanning' tensions

http://www.japantoday.com/category/politics/view/china-criticizes-u-s-japan-australia-for-fanning-tensions

[4] Japan presses China to accept South China Sea court ruling

http://www.japantimes.co.jp/news/2016/07/26/national/politics-diplomacy/japan-presses-china-accept-south-china-sea-court-ruling/#.V57patKLTIU

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn