GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN LO NGẠI HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG QUỐC TRÊN BIỂN HOA ĐÔNG

Đăng ngày: 20-08-2016, 21:58

Trong tháng 8, Trung Quốc triển khai thuyền bè với số lượng lớn hoạt động trên biển Hoa Đông. Thuyền cá và tàu chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu ngư, nơi Nhật Bản đang kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Ngày 16/8, Chính phủ Nhật Bản đã cho đăng tải lên mạng Internet một băng video cho thấy tàu của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông. Băng video do Lực lượng Bảo vệ Bờ biển quay được trong khoảng từ ngày 5/8 đến 9/8 cho thấy các tàu của chính phủ Trung Quốc và các tàu đánh cá đang hoạt động xung quanh quần đảo Senkaku. Tàu Trung Quốc đã đi lại trong vùng lãnh hải của Nhật Bản bất chấp các nhân viên Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Nhật cảnh báo[1]. Việc đăng tải nhằm mục đích cho cộng động trong và ngoài Nhật Bản thấy những hành động đơn phương gia tăng căng thẳng của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh tự kiềm chế. Vụ trưởng Vụ Châu Á Thái Bình Dương, Bộ ngoại giao Nhật Bản, ông Kanasugi Genji cho rằng không thể chấp nhận được việc Trung Quốc liên tục có hành động đơn phương gây căng thẳng tình hình bất chấp sự phản đối của Nhật Bản[2].

Trang báo mạng Sankei, Nhật Bản, thận trọng đưa ra nhận định tàu cá và tàu chính phủ Trung Quốc nhiều lần đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku với hơn 100 dân quân trên biển đã có mặt trên các thuyền này, ý đồ kiểm soát Senkaku là rõ ràng.

Dân quân trên biển khác với ngư dân thông thường, là lực lượng lính du kích trên biển sử dụng thuyền đánh cá. Đây là lực lượng quân sự đặc biệt mà Trung Quốc đang sử dụng. Tổ chức dân quân của Trung Quốc nằm dưới sự chỉ đạo của Ủy ban quân sự của Trung ương Đảng cộng sản. Theo luật quốc phòng Trung Quốc, đây là một đơn vị cấu thành lực lượng quân đội Trung Quốc. Phải chăng là ý độ luyện tập trước cho việc kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu ngư, không thể bỏ qua những hành động nguy hiểm như vậy.

Hiện nay, tại vùng biển quanh đảo Senkaku, Cục bảo vệ an ninh trên biển là một cơ quan cảnh sát không có năng lực và quyền hạn kiểm soát tổ chức quân sự nước ngoài. Giả sử những thuyền cá ngụy trang này bất ngờ gắn tên quân đội bao vây thuyền tuần tra trên biển, hay nghiêm trọng hơn lực lượng quân đội đặc nhiệm và dân quân trên biển từ các tàu cá ngụy trang bất ngờ lên đảo Senkaku thì không thể can thiệp kịp thời[3].

Cùng chung quan điểm lo ngại hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, báo Yomiuri viết Trung Quốc rõ ràng đang dùng vũ lực nhằm thay đổi hiện trạng, cần yêu cầu Trung Quốc tự kiềm chế. Vấn đề ở đây là Trung Quốc có chủ trương cho thuyền chính phủ phối hợp với hàng trăm thuyền cá đổ ra biển Hoa Đông. Trung Quốc sử dụng thủ đoạn thường thấy là thực hiện sự đã rồi như mở rộng kiểm soát cưỡng bức, xâm nhập lãnh hải, phái thuyền chính phủ với danh nghĩa theo dõi, chỉ đạo và bảo vệ các thuyền đánh cá. Trung Quốc có lực lượng dân quân trên biển được huấn luyện và có tổ chức. Khi có mệnh lệnh quân sự, lực lượng này sẽ giữ vai trò tiên phong trên các vùng biển liên quan. Cần có sự cảnh giác trước lực lượng này của Trung Quốc[4].

Tại Trung Quốc, dân quân là tổ chức bán quân sự (có nhiều người là lính hết nghĩa vụ quân sự) đảm nhiệm vai trò duy trì trật tự trị an, phòng vệ biên giới, vận chuyển trang thiết bị của quân đội hoặc cảnh sát. Trong đó, nhóm liên quan đến biển như ngư dân, lao động tại cảng được tổ chức lại và gọi là dân quân trên biển.

Cuối những năm 1970, thời đầu cuộc cải cách, lực lượng dân quân khoảng 30.000.000 người, đến năm 2011 giảm xuống 8.000.000. Song lực lượng dân quân trên biển đang trong xu hướng gia tăng và được chú trọng, theo một chuyên gia quân sự hiện có khoảng 300.000 người.

Lực lượng này được chú trọng kể từ khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thị sát và khuyến khích lực lượng dân quân trên biển ở đảo Hải Nam. Sau đó, lực lượng dân quân trên biển được vũ trang xuất hiện trên Biển Đông. Tương tự như vậy, lực lượng dân quân trên biển thuộc tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến, nơi tiếp giáp biển Hoa Đông cũng được triển khai. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn trong lần đi thị sát lực lượng dân quân trên biển ở tỉnh Chiết Giang đã kêu gọi phát huy hết sức mạnh chiến tranh nhân dân trên biển[5].

Cách đây không lâu, Nhật Bản đã lưu ý đến động thái Trung Quốc lắp đặt Rada cũng như Camera quan sát trên các giàn khoan dầu sát ranh giới trung gian giữa hai nước trên biển Hoa Đông. Những hoạt động này được xem là theo dõi trên biển, không có chức năng phát hiện máy bay nhưng có thể là một bước trong tiến trình biến giàn khoan thành căn cứ quân sự. Nếu những năng lực này càng phát triển, hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ bị theo dõi, ảnh hưởng đến an ninh Nhật Bản.

Trước những động thái căng thẳng trên biển Hoa Đông, gần đây Chính phủ Nhật Bản xem xét và phát triển chương trình tên lửa với lý do “bảo vệ an toàn lãnh thổ Nhật Bản”. Loại tên lửa đất đối hạm hiện nay của lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản được gọi là Type-12, có tầm bắn tối đa trên 100km, ngay cả khi được triển khai thì Type-12 không đủ khả năng tấn công các mục tiêu trong vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu ngư và vùng biển tiếp giáp. Nếu Nhật Bản triển khai tên lửa có tầm bắn lên 300km, quân đội nước này có đủ khả năng đánh chặn các mục tiêu trên biển tiến gần Senkaku/Điếu ngư.

Tờ “Japan Time” cho biết Chính phủ Nhật Bản đã quyết định kế hoạch phát triển tên lửa đất đối hạm với tầm bắn 300km để bảo vệ các hòn đảo mà Tokyo tuyên bố chủ quyền, trong đó có Senkaku/Điếu ngư đang tranh chấp với Trung Quốc. Dự kiến Chính phủ Nhật Bản triển khai tên lửa đất đối hạm tại đảo Miyakojima, quần đảo Sakishima để đưa toàn bộ vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu ngư trong tầm hoạt động của tên lửa này[6].

Chương trình phát triển tên lửa mới cho thấy chủ trương tăng cường năng lực quốc phòng của Nhật Bản hiện nay. Song bên cạnh đó, nhằm tránh tình trạng mất kiểm soát, điều quan trọng là chính phủ Nhật Bản, Trung Quốc cần có nhiều cuộc đối thoại các cấp. Cho đến nay, ý tưởng về việc hình thành cơ chế liên lạc trên biển nhằm tránh xung đột đã hình thành nhưng chưa có tiến triển.

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]政府 尖閣諸島周辺で領海侵入 中国船の動画公開

http://www3.nhk.or.jp/news/html/20160816/k10010637381000.html?utm_int=news-politics_contents_list-items_026

[2]尖閣沖の領海に中国当局船4隻が一時侵入

http://www3.nhk.or.jp/news/html/20160817/k10010639381000.html?utm_int=news-politics_contents_list-items_021

[3]尖閣奪取に海上民兵 中国は本気だ!「軍事力」への警戒強めよ

http://www.sankei.com/column/news/160818/clm1608180002-n1.html

[4]尖閣領海侵入 中国は示威活動を自制せよ

http://www.yomiuri.co.jp/editorial/20160808-OYT1T50231.html

[5]「海の人民戦争だ」中国漁船に乗り込んだ海上民兵の実態とは 100人超動員、日本への憎しみ教育受ける

http://www.sankei.com/politics/news/160816/plt1608160015-n1.html

[6]Có nguy cơ xảy ra xung đột không chủ ý giữa Trung Quốc và Nhật Bản

Bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 16-08-2016, tr.5-6

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn