GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐỘNG THÁI CỦA NHẬT BẢN TRƯỚC HÀNG LOẠT VỤ PHÓNG TÊN LỬA CỦA BẮC TRIỀU TIÊN

Đăng ngày: 2-11-2016, 14:24

Trước hàng loạt những vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên khiến thế giới và khu vực lo ngại, các nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết Tokyo có thể sẽ đẩy nhanh việc giải ngân khoản chi trị giá 1 tỷ USD đã được lên kế hoạch từ trước để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Kế hoạch của chính phủ Nhật Bản nằm trong gói ngân sách bắt đầu từ tháng 4/2017, bao gồm tiền trang bị một lớp tên lửa phòng thủ mới, gồm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của tập đoàn Lockheed Martin hay Aegis Ashore, phiên bản trên đất liền của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo sử dụng trên các tàu chiến ở Biển Nhật Bản. Nguồn tin cũng cho hay, kế hoạch này cũng bao gồm ngân sách để nâng cấp phạm vi cũng như độ chính xác của hệ thống PAC-3 Patriot. Tuy nhiên, việc nâng cấp và thu mua các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại không thể thực hiện trong chốc lát, ngay cả việc triển khai hệ thống THAAD hay Aegis Ashore trên thực tế cũng phải mất vài năm. Việc Nhật Bản sẵn sàng tăng cường chi tiêu cho các khẩu đội tên lửa đánh chặn PAC-3 cũng không thể giúp việc nâng cấp của Tokyo diễn ra nhanh chóng hơn do khả năng hạn chế của các công ty tham gia, gồm Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi và Công ty Raytheon, trong việc đẩy nhanh kế hoạch sản xuất[1].

Thông tin về kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa của Nhật Bản được đưa ra chỉ vài ngày sau khi bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa được phỏng đoán là tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan (ngày 15/10).  Tuy nhiên, tên lửa đã phát nổ ngay trước khi được phóng đi. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc hôm 17/10 cũng đã ra thông cáo báo chí có nội dung lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo Musudan. Đây là thông cáo thứ 11 của Hội đồng Bảo an trong năm nay, liên quan tới vấn đề hạt nhân và tên lửa miền Bắc. Cho tới nay, miền Bắc đã bảy lần phóng tên lửa Musudan nhưng có tới sáu lần bị thất bại. Vào hôm 22/6, nước này đã phóng hai tên lửa Musudan, trong đó có một tên lửa bay được 400 km và là vụ phóng thành công duy nhất của miền Bắc. Tên lửa Musudan có chiều dài 12 m, tầm bắn đạt từ 3.000 tới 4.000 km, có thể gắn đầu đạn hạt nhân nặng 650 kg. Bắc Triều Tiên quyết tâm theo đuổi loại tên lửa này để nhằm thị uy về khả năng tấn công Nhật Bản và căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam, những địa điểm mà từ đó Washington có thể sẽ điều quân và trang thiết bị tăng cường tới bán đảo Hàn Quốc trong tình huống nguy cấp[2]. Việc Bình Nhưỡng đạt được những tiến bộ vượt bậc về công nghệ tên lửa thời gian vừa qua đã vượt xa suy đoán của nhiều quốc gia liên quan, khiến Nhật Bản phải nâng tầm cảnh báo. Tokyo và Bình Nhưỡng cũng đã âm thầm tiến hành một cuộc chạy đua ngầm kể từ khi Bắc Triều Tiên bắn tên lửa qua Nhật Bản năm 1998.

Trong một động thái liên quan, vào ngày 25/10, Nhật Bản cho biết Tokyo đang xem xét biện pháp trừng phạt các công ty của Trung Quốc và nước khác tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tokyo muốn cắt đứt các nguồn tạo ngoại tệ cho Bình Nhưỡng từ bên ngoài. Động thái này chắc chắn sẽ bị Trung Quốc phản đối, vì vậy Tokyo sẽ xem xét cẩn thận thời gian và mức độ trừng phạt, đồng thời theo dõi đàm phán của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hướng tới việc thông qua một nghị quyết mới trừng phạt bổ sung đối với Bắc Triều Tiên. Mục tiêu của chính phủ Nhật Bản là nhằm vào những công ty giúp Bình Nhưỡng trốn tránh lệnh cấm vận kinh tế của Liên hợp quốc hoặc sử dụng nhiều lao động người Bắc Triều Tiên. Các biện pháp trừng phạt sẽ bao gồm đóng băng tài sản của các công ty ở Nhật Bản và cấm các công ty Nhật Bản giao dịch kinh doanh với Bắc Triều Tiên[3].

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm 27/10 cũng đã nhất trí cùng hợp tác để áp đặt thêm các lệnh trừng phạt với bắc Triều Tiên nhằm gây thêm áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama phát biểu tại cuộc họp các Thứ trưởng Ngoại giao 3 nước ở Tokyo với Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lim Sung-nam và người đồng cấp Mỹ Tony Blinken rằng, các cuộc thử nghiệm phô diễn khả năng tên lửa và hạt nhân gần đây của Bắc Triều Tiên đã gây ra mức đe dọa mới. “Chúng ta cần có những động thái đáp trả khác với trước đây”. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken khẳng định chính sách của Mỹ vẫn không thay đổi, Mỹ không chấp nhận bắc Triều Tiên là quốc gia hạt nhân và sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông khẳng định: “Chúng tôi đang tập trung tăng cường sức ép lên Bắc Triều Tiên với mục đích: đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán đầy thiện chí”. Về phía Hàn Quốc, nước này cho biết sẽ mở lại đối thoại với Nhật Bản về thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân đội để đối phó với các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng hiệu quả tốt hơn[4]. Cả ba quốc gia Nhật, Mỹ, Hàn đều nằm trong nhóm đàm phán 6 bên, các cuộc đàm phán này đã bị đình trệ khi Bắc Triều Tiên rút khỏi bàn đàm phán vào năm 2009. Ba nước này đã nhiều lần họp bàn các biện pháp đối phó với những mối đe dọa mà Bắc Triều Tiên mang đến.

Rõ ràng, những hành động của Bắc Triều Tiên sẽ góp phần quan trọng giúp Bình Nhưỡng khẳng định vị thế của mình trên đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, động thái này chính là mối nguy hiểm đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới, cũng như vấp phải sự phản đối dữ dội từ cộng đồng quốc tế. Trong năm nay, căng thẳng không ngừng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên kể từ sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành hàng loạt các vụ thử tên lửa khác nhau và đây được cho là thách thức các biện pháp trừng phạt quốc tế. Việc tăng cường sức ép đối với Bắc Triều Tiên để nước này từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa, tiến tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là việc làm cần thiết hơn lúc nào hết. Nhật Bản không thể được điều đó một mình, mà cần sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế, trong đó phải kể đến cả thiện chí đàm phán của Bình Nhưỡng.

Trần Mỹ Hoa, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Japan may accelerate missile defense upgrades in wake of N Korean tests

https://www.japantoday.com/category/politics/view/japan-may-accelerate-missile-defense-upgrades-in-wake-of-n-korean-tests

[2] Liên hợp quốc lên án vụ phóng tên lửa Musudan của Bình Nhưỡng

http://world.kbs.co.kr/vietnamese/news/news_newsthema_detail.htm?lang=v&id=news_newsthema&No=10061487&current_page=9

[3] Japan may blacklist overseas firms aiding N Korea

https://www.japantoday.com/category/politics/view/japan-may-blacklist-overseas-firms-aiding-n-korea

[4] Japan, U.S., S Korea to step up pressure on N Korea

https://www.japantoday.com/category/politics/view/s-korea-plans-to-restart-talks-on-military-pact-with-japan

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn