GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

QUAN HỆ NHẬT BẢN – HÀN QUỐC NĂM 2016 THEO DÒNG THỜI GIAN

Đăng ngày: 1-01-2017, 00:28

Năm 2016, có nhiều sự kiện liên quan đến ngoại giao giữa hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc đã diễn ra. Có thể điểm lại những sự kiện quan trọng theo trình tự thời gian như sau.

Tháng 1: Sau vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã điện đàm, nhất trí hợp tác chặt chẽ. Ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng 2 nước cũng có những cuộc điện đàm riêng. Bộ Phòng vệ Nhật Bản đang cố gắng sớm ký kết hiệp định chia sẻ thông tin về an ninh với Hàn Quốc sau vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Nhật Bản và Hàn Quốc trao đổi thông tin qua Mỹ, dựa trên hiệp định 3 bên ký kết vào năm 2014. Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Nakatani Gen thời điếm đó đã nói rằng nhu cầu chia sẻ thông tin giữa 2 nước đang tăng lên do phải đối mặt với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.

Tháng 2: Ngày 9/2, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nói chuyện qua điện thoại về vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên. Hai bên đồng ý rằng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần hợp tác và nhanh chóng thông qua nghị quyết kêu gọi các biện pháp trừng phạt mới đối với Bắc Triều Tiên.

Tháng 3: Sau khi luật an ninh quốc gia mới của Nhật Bản có hiệu lực, Ngoại trưởng Hàn Quốc nói nước này sẽ tiếp tục theo dõi xem liệu Nhật Bản có thi hành chính sách phòng vệ dựa theo tinh thần chủ nghĩa hòa bình của Hiến pháp hay không. Hàn Quốc giữ vững lập trường rằng chính sách phòng vệ của Nhật Bản cần được thi hành một cách minh bạch, để đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực. Dường như Hàn Quốc thể hiện mối lo ngại rằng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể can dự vào những hoạt động trên Bán đảo Triều Tiên hoặc vùng biển lân cận, nếu có trường hợp khẩn cấp xảy ra trên bán đảo này.

Tháng 4: Lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc hội đàm bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân khai mạc tại Washington vào ngày 31/3. Hội nghị được tổ chức 2 năm một lần, bắt đầu vào năm 2010 theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Barack Obama, người cam kết kiến tạo một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Tại hội nghị, ba nhà lãnh đạo nhất trí chia sẻ trách nhiệm về hòa bình và ổn định khu vực đồng thời lo ngại việc Bắc Triều Tiên cải thiện công nghệ hạt nhân và tên lửa là mối đe dọa đến 3 nước, cũng như cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Abe và Tổng thống Park đã có cuộc họp song phương kéo dài 20 phút bên lề Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân. Tại cuộc họp, ông Abe nói với bà Park, rằng thỏa thuận về vấn đề này nên được kiên quyết thực hiện trong nhiệm kì lãnh đạo của họ. Ông nói một lần nữa hoan nghênh thỏa thuận và muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, như một phần của thời kì mới giữa Nhật Bản và Hàn Quốc. Bà Park nói với ông Abe rằng bà sẽ nghiêm túc thực hiện thỏa thuận này.

Tháng 5: Chính phủ Hàn Quốc thành lập một ủy ban chuẩn bị cho quỹ hỗ trợ những người được gọi là “phụ nữ mua vui”. Ủy ban này có 11 thành viên, gồm các chuyên gia và quan chức chính phủ. Nhật Bản đóng góp 1 tỷ yên, tương đương 9,5 triệu đôla Mỹ, cho dự án này. Bà Kim Tae-hyun, Giáo sư danh dự trường Đại học Phụ nữ Sungshin là chủ nhiệm ủy ban. Phát biểu với báo giới, bà Kim cho biết các thành viên ủy ban sẽ làm hết sức để đạt được điều mà những phụ nữ này mong muốn. bà Kim cũng nhắc đến bức tượng thể hiện hình ảnh các “phụ nữ mua vui” được đặt trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul. Nhật Bản muốn dỡ bỏ bức tượng này.

Tháng 6: Tàu hải quân và của tuần tra bờ biển cùng với lính thủy quân lục chiến Hàn Quốc tập trận gần quần đảo Takeshima, kéo dài 2 ngày nhằm ngăn chặn việc xâm nhập nhóm đảo này. Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói những đảo này là một phần cố hữu của lãnh thổ Nhật Bản theo cả góc độ lịch sử và luật quốc tế. Nhật Bản tuyên bố chủ quyền với các đảo hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Hàn Quốc, và nói rằng Hàn Quốc đang chiếm giữ các đảo này một cách bất hợp pháp. Các quan chức quân đội Hàn Quốc nói cuộc tập trận này là tập huấn quốc phòng thông thường, được tổ chức 2 lần mỗi năm.

Tháng 7: Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) khai mạc ở thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye gặp gỡ, nhất trí hợp tác chặt chẽ để đối phó với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên.Ông Abe bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Hàn Quốc triển khai hệ thống chống tên lửa tối tân của Mỹ mang tên Hệ thống Phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Đồng thời hai nhà lãnh đạo cũng khẳng định chính phủ hai nước sẽ thực hiện thỏa thuận đạt được vào tháng 12 năm ngoái về vấn đề phụ nữ mua vui.

Chính phủ Hàn Quốc chính thức thành lập quỹ do Nhật Bản hỗ trợ tài chính, được biết đến là “tổ chức hòa giải và hàn gắn". Đây là một phần trong thỏa thuận mà hai chính phủ Hàn Quốc và Nhật Bản đạt được vào tháng 12 năm 2015, nhằm giải quyết vấn đề “phụ nữ mua vui”. Quỹ này đã tổ chức cuộc họp ban giám đốc đầu tiên tại văn phòng của quỹ ở Seoul. Đứng đầu ban giám đốc là giáo sư danh dự Đại học Phụ nữ Sungshin, bà Kim Tae-hyun. Quỹ hoạt động với 1 tỷ yên (khoảng 9,5 triệu USD) mà Nhật Bản cung cấp. Nhưng vẫn có người biểu tình bên ngoài văn phòng của quỹ, đồng thời một số người từng là “phụ nữ mua vui” và các tổ chức dân sự chỉ trích thỏa thuận.

Tháng 8: Nhân dịp Nhật Bản kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Thủ tướng Abe dùng quỹ riêng để chuẩn bị đồ viếng, nhưng không đến thăm ngôi đền Yasukini thờ những người chết trong chiến tranh của Nhật Bản. Thay vào đó, phụ tá của ông Abe trong Đảng Dân chủ Tự do là Nishimura Yasutoshi chuyển đồ viếng tới đền nhân danh chủ tịch đảng.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tuyên bố rõ chính phủ nước này “thực sự quan ngại sâu sắc và lấy làm tiếc” khi những nhà lãnh đạo chính trị có trách nhiệm lại gửi tiền viếng hay đi viếng đền Yasukuni. Tuyên bố nói rằng các chính trị gia Nhật Bản nên “đối mặt với lịch sử một cách dũng cảm và tích cực nỗ lực để giành lại niềm tin của các nước láng giềng”.

Tại lễ kỷ niệm được tổ chức ở Seoul nhân dịp 71 năm kết thúc giai đoạn cai trị của Nhật Bản. Tổng thống Park Geun-hye nói Hàn Quốc và Nhật Bản nên xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai trong khi thẳng thắn thừa nhận quá khứ. Bà nói môi trường an ninh ở Đông Bắc Á đang thay đổi, do đó cần phải có một cách tư duy mang tính chiến lược. Dường như bà Park muốn gián tiếp ám chỉ tới mối đe dọa ngày càng tăng từ các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên, cũng như quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc. Quan hệ Hàn - Trung đã trở nên căng thẳng sau việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

Đài truyền hình KBS của Hàn Quốc đưa tin 10 nghị sỹ thuộc đảng cầm quyền và các đảng đối lập đã tới quần đảo Dokdo/Takeshima. Các nghị sỹ đã di chuyển bằng máy bay trực thăng từ Seoul tới quần đảo, động viên các thành viên thuộc đơn vị tuần tra trên đảo, và trò chuyện với các nhóm dân sự cũng tới thăm nơi này.

Chính phủ Nhật Bản lập tức tỏ thái độ với Chính phủ Hàn Quốc và đưa ra kháng nghị mạnh mẽ. Tokyo cũng yêu cầu Seoul ngăn các sự việc tương tự tái diễn. Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide bày tỏ lấy làm tiếc về chuyến thăm của nhóm nghị sỹ Hàn Quốc tới quần đảo Takeshima trên Biển Nhật Bản. Ông Suga Yoshihide nói chuyến thăm nói trên là không thể chấp nhận được xét trên quan điểm của Nhật Bản đối với quần đảo này và điều rất đáng tiếc là chuyến thăm diễn ra bất chấp việc Tokyo đã phản đối và yêu cầu hoãn chuyến thăm này.

Trong tháng 8, ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc đã có cuộc gặp nhân dịp Hội nghị ngoại trưởng ba nước Nhật - Trung - Hàn tổ chức tại Tokyo. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ với nhau và với Mỹ để đáp lại việc Bắc Triều Tiên nhiều lần phóng tên lửa. Hai ngoại trưởng cũng đã trao đổi ý kiến về thỏa thuận song phương hồi tháng 12 năm 2015 về vấn đề “phụ nữ mua vui” thời chiến tranh, đồng thời tái khẳng định quyết tâm của tiếp tục thực thi tốt thỏa thuận này.

Tháng 9: Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Inada Tomomi và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo có cuộc trao đổi qua điện thoại. Bà Inada nói vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và Nhật Bản lên án mạnh mẽ hành động này. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ giữa hai nước với Mỹ, thông qua chia sẻ thông tin và duy trì sự đoàn kết giữa ba nước. Về phần mình, ông Han nói vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên là hành động khiêu khích nghiêm trọng, đe dọa hòa bình và ổn định không chỉ của Bán đảo Triều Tiên mà cả thế giới, cộng đồng quốc tế cần nhất trí hành động trong vấn đề này.

Tháng 10: Quỹ Hòa giải và Hàn gắn về vấn đề “phụ nữ mua vui” bắt đầu hỗ trợ tiền cho những người đã hoàn tất các thủ tục cần thiết. Theo quỹ này, 29 người từng là “phụ nữ mua” vui thời chiến đồng ý nhận tiền hỗ trợ. Những người này nằm trong số 46 người vẫn còn sống vào thời điểm hai nước đạt được thỏa thuận hồi tháng 12 năm 2015. Mỗi phụ nữ sẽ được nhận khoảng 100.000 đôla Mỹ. Gia đình những người đã chết, tính đến thời điểm hai nước đạt thỏa thuận, sẽ được nhận khoảng 20.000 đôla Mỹ.

Tháng 11: Đại sứ Nhật Bản Nagamine Yasumasa và Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo ký Hiệp định Thông tin Tình báo và An ninh chung tại Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Hiệp định này tăng cường hợp tác giữa 2 nước trong tình hình Bắc Triều Tiên liên tục thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trước đó, 2 nước chia sẻ thông tin về hoạt động của Bình Nhưỡng thông qua Mỹ. Hiệp định này dự kiến sẽ thúc đẩy việc chia sẻ thông tin và nâng cao khả năng đối phó với các hoạt động của Bắc Triều Tiên. Hiệp định hạn chế việc tiếp cận thông tin nhằm bảo vệ bí mật quân sự. Ngoài ra, hiệp định cũng cấm việc cung cấp thông tin cho nước thứ 3 mà chưa được phép.

Tháng 12: Theo dự kiến, cuộc gặp thượng đỉnh 3 nước Nhật - Trung - Hàn sẽ được tổ chức trong năm 2016 tại Nhật Bản. Nhưng vào phút chót hội nghị này đã hoãn sang năm 2017.

Trong tháng 12, hải quân Hàn Quốc tổ chức tập trận trên biển xung quanh quần đảo Takeshima/Dokdo đang tranh chấp trong vùng Biển Nhật Bản. Các quan chức hải quân Hàn Quốc cho biết tàu chiến và máy bay tuần tra tham gia vào cuộc tập trận với mục đích ngăn người xâm nhập quần đảo. Hàn Quốc cho rằng việc tập trận được tổ chức nhằm bảo vệ quần đảo, và đã được lên kế hoạch từ trước.

Ông Suzuki Hideo, Công sứ tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul, kháng nghị mạnh mẽ cuộc tập trận này qua điện thoại với ông Chung Byung-won, Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc. Ông Suzuki nói quần đảo Takeshima là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nhật Bản cả về mặt lịch sử và luật pháp quốc tế.

Trong những ngày cuối cùng của năm 2016, Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Inada Tomomi lần đầu tiên kể từ khi nhận chức đến viếng đền Yasukuni. Phía Hàn Quốc chỉ trích và tuyên bố không thể bỏ qua việc một chính trị gia Nhật Bản giữ cương vị có trách nhiệm lại đến viếng ngôi đền.

Chính quyền thành phố Busan, phía Đông Nam Hàn Quốc, đã cho phép một tổ chức dân sự đặt một bức tượng cô gái biểu trưng cho những người “phụ nữ mua vui” trước tòa Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản. Bức tượng này giống với bức tượng  đặt trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul mà Tokyo vẫn đang yêu cầu dỡ bỏ.

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn