GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐỘNG THÁI CỦA MỸ VÀ NHẬT BẢN TẠI KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á TRƯỚC SỰ TRỖI DẬY VỀ QUÂN SỰ CỦA TRUNG QUỐC (phần 1)

Đăng ngày: 26-01-2017, 00:00

1. Tình hình khu vực Đông Bắc Á giai đoạn hiện nay

Đông Bắc Á là khu vực tập hợp những nền kinh tế hàng đầu khu vực và thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Mặc dù sự phát triển về kinh tế của khu vực Đông Bắc[1]*Á giai đoạn hiện nay không còn sôi động như giai đoạn trước, nhường chỗ cho các thực thể mới ngoài khu vực như ASEAN, Brazil, Ấn Độ…nhưng thực tế ở khu vực này vẫn còn một thực thể không ngừng phát triển và ngày càng chứng tỏ sức mạnh vượt trội của mình trên tất cả các bình diện: đó là Trung Quốc. Chỉ riêng Trung Quốc với diện tích, dân số và quy mô kinh tế của mình đã đủ sức mạnh để trở thành một đối thủ tiềm năng, thách thức bất kỳ quốc gia, khu vực nào ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển về kinh tế, trong những năm gần đây, tình hình khu vực Đông Bắc Á vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn về mặt chính trị - an ninh bắt nguồn từ những vấn đề nội tại của từng nước, các vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn giữa các quốc gia trong khu vực trên cả bình diện song phương và đa phương. Có thể kể đến một số thách thức an ninh điển hình ở khu vực Đông Bắc Á giai đoạn hiện nay như vấn đề chia rẽ sắc tộc, tôn giáo ở Tân Cương, Tây Tạng, vấn đề Đài Loan, vấn đề Triều Tiên, một số tranh chấp lãnh thổ như tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku giữa Trung Quốc và Nhật Bản, tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, tranh chấp chủ quyền đảo Ieodo/Tô Nham giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, tranh chấp các hòn đảo phía Bắc Nhật Bản giữa Nhật Bản và Nga hay những mâu thuẫn do lịch sử để lại vẫn luôn làm dậy sóng quan hệ giữa các quốc gia.

Bên cạnh đó, Đông Bắc Á cũng là khu vực cạnh tranh ảnh hưởng gay gắt giữa các nước lớn tiêu biểu là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Đặc biệt, việc Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ về mặt quân sự trong bối cảnh cạnh tranh khu vực ngày một gay gắt đang có tác động rất lớn đến cục diện và cấu trúc an ninh khu vực, khiến các vấn đề an ninh vốn đã khó giải quyết lại càng trở nên phức tạp hơn. Đồng thời sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng buộc các nước như Mỹ, Nhật Bản phải có cách hành xử phù hợp để duy trì vị thế hiện tại của mình trong khu vực cũng như trên thế giới.

2. Sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc

Trung Quốc bắt đầu cải thiện khả năng quân sự khoảng hơn một thập kỷ nay và ngày càng đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, gia tăng sức mạnh quốc phòng. Xu thế tăng cường quân sự này của Trung Quốc bắt đầu từ khi nước này nổi lên như một cường quốc về kinh tế.

Theo Sách trắng quốc phòng năm 2013 của Trung Quốc, lợi ích và mục tiêu quốc phòng của Trung Quốc được thể hiện trong các khía cạnh “bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của sự phát triển quốc gia”, “duy trì ổn định xã hội”, “tăng cường hiện đại hóa quân đội” và “duy trì hòa bình và ổn định của thế giới”. Việc đưa ra Sách trắng quốc phòng cũng nhằm hợp pháp hóa khả năng triển khai quân sự của Trung Quốc ở trong và ngoài nước. Thêm vào đó, sự quan tâm đặc biệt của Trung Quốc đến việc tăng cường tiềm lực quốc phòng còn thể hiện ở việc nước này không ngừng tăng ngân sách chi cho quốc phòng bất chấp nền kinh tế đang phát triển chững lại. Có thể thấy, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng từ mức một con số, lên hai con số và đến gần đây là ba con số với 129,4 tỷ USD (năm 2014); 145,8 tỷ USD (năm 2015) và 157,4 tỷ USD (năm 2016) [8]. Phải nói rằng, đó là một mức tăng trưởng quá nhanh và khó có thể tìm thấy một quốc gia nào có tốc độ gia tăng ngân sách quốc phòng nhanh như vậy. Mặc dù, theo công bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đầu tư cho quốc phòng của Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần (Năm 2011 tăng 12,7% so với năm 2010, năm 2012 tăng 11,2%, năm 2013 tăng 10,7%, năm 2014 tăng lên 12,2%, năm 2015 tăng thêm 10,1%, năm 2016 chỉ tăng thêm 7,6% [9]) nhưng với việc chiếm tới 4,3% GDP, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc hiện nay cao hơn rất nhiều so với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc…khiến cho các nước vô cùng lo ngại trước “mối đe dọa” từ Trung Quốc.

Trung Quốc cũng tiến hành việc hiện đại hóa quân sự đối với tất cả các lực lượng lục quân, hải quân và không quân nhằm tăng cường khả năng tấn công chính xác thông thường, khả năng tham chiến và quản lý chiến đấu, khả năng triển khai quân, khả năng chiến tranh trong không gian, tăng cường tiềm lực tên lửa và hạt nhân, và khả năng tiến hành chiến tranh bất đối xứng gồm các loại hình mới như chiến tranh trên mạng.

Về hải quân, vào tháng 3 năm 2013, Trung Quốc đã thông qua luật hợp nhất 4 trong số 5 cơ quan thực thi pháp luật trên biển (Maritime Law Enforcement - MLE) thành lực lượng mới với tên gọi Hải cảnh (Cảnh sát biển) Trung Quốc, trực thuộc Cục Hải dương Quốc gia. Động thái này phần nào cho thấy sự quan tâm của Trung Quốc đối với an ninh biển, đặc biệt là các vùng biển đang tranh chấp với các nước Đông Nam Á và các quốc gia Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng muốn phát triển lực lượng hải quân với khả năng bảo vệ những lợi ích đang gia tăng, khi nước này đang có lập trường cứng rắn hơn về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trước hết, hải quân Trung Quốc đặt ưu tiên cao cho việc hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm.. Về số lượng mà nói, quy mô lực lượng tàu ngầm hiện nay của Trung Quốc đứng đầu khu vực Châu Á. Trung Quốc sản xuất các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo JIN (SSBN). Hiện tại có 3 tàu JIN SSBN (loại 094) đang hoạt động và dự kiến có khoảng 5 tàu nữa sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trước khi Trung Quốc triển khai thế hệ SSBN tiếp theo (loại 096) trong thập kỷ tới. Các tàu JIN SSBN này sẽ chở tàu ngầm JL-2 phóng tên lửa đạn đạo với tầm bắn ước tính hơn 4000 hải lý. Bên cạnh các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo, Bắc Kinh còn tiến hành mở rộng lực lượng tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN) [2, tr. 34]. Hải quân Trung Quốc cũng đã được trang bị tàu khu trục mang tên lửa 052 và tàu tuần tiễu mang tên lửa 053H2 thuộc thế hệ mới nhất do Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra, việc xây dựng tàu sân bay cũng đã và đang được hải quân Trung Quốc đẩy mạnh. Trung Quốc đã đại tu lại mẫu tàu sân bay Varyag mà Trung Quốc mua lại của Ukraine và chuyển thành tàu sân bay Liêu Ninh hiện nay. Giữa năm 2010, theo quyết định của Trung ương Đảng Cộng sản, Trung Quốc quyết định tự đóng tàu sân bay mới với sự trợ giúp của một nhà máy đóng tàu Tây Ban Nha và một nhà máy đóng tàu khác ở Châu Âu. Tàu sân bay mới của Trung Quốc với tên gọi Type 001A đang được đóng mới tại cảng Đại Liên và cho đến nay, con tàu này vẫn còn là một “ẩn số”. Sự xuất hiện của hai tàu sân bay này cho thấy sức mạnh của lực lượng hải quân Trung Quốc ngày càng tăng, đồng thời cũng tạo nên mối đe dọa lớn đối với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Về lục quân, lục quân Trung Quốc được xem là sức mạnh chính của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc kể từ khi lực lượng này được thành lập vào năm 1927. Hiện nay, cùng với nỗ lực tăng cường sức mạnh và hiện đại hóa quân sự, lục quân Trung Quốc cũng được đánh giá cao với số lượng quân và phương tiện tác chiến khổng lồ. Bên cạnh việc sở hữu các trực thăng vũ trang hiện đại như WZ-9 và WZ-19, mới đây, quân đội Trung Quốc vừa trang bị cho tất cả lực lượng lục quân của mình trực thăng chiến đấu hiện đại nhất WZ-10 nhằm duy trì được ưu thế hỏa lực mặt đất lẫn trên không với hệ thống trang thiết bị điện tử và vũ khí mới. Nỗ lực hiện đại hóa của quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc được xác định tập trung vào xây dựng một lực lượng có khả năng chiến đấu trong “các cuộc chiến tranh khu vực trong điều kiện thông tin hóa”, điều kiện mà các lực lượng quân đội hiện đại sẽ sử dụng hệ thống máy tính, công nghệ thông tin tân tiến và mạng lưới truyền thông để giành lợi thế so với đối thủ [3, tr. 338]. Với các trang thiết bị chiến đấu tối tân, có khả năng so sánh với các nước phương Tây, Trung Quốc giờ đây không còn là “con hổ giấy” “ẩn mình chờ thời” nữa.

Về không quân, lực lượng không quân Trung Quốc đang được hiện đại hóa ở một phạm vi và cấp độ chưa từng có trong lịch sử. Hiện nay, Trung Quốc đang sở hữu hai chương trình máy bay chiến đấu tàng hình – loại nguyên mẫu J-20 thứ ba và thứ tư đã tiến hành những chuyến bay đầu tiên vào tháng 3 và tháng 7 năm 2014. Kho hạt nhân của Trung Quốc hiện có 50 đến 60 tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nước này cũng phát triển hơn 1200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn thông thường, các loại tên lửa đạn đạo tầm trung như DF-16 để cải thiện khả năng tấn công khu vực của nước này. Trung Quốc tiếp tục triển khai với số lượng ngày càng gia tăng các tên lửa đạn đạo chống tàu DF-21D và đang tiếp tục nghiên cứu triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng.

Như vậy, có thể thấy rằng sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc đang diễn ra với tốc độ mạnh mẽ. Theo bảng xếp hạng về sức mạnh quân sự dựa trên 50 yếu tố quyết định Chỉ số sức mạnh quốc gia của Global Fire Power tính đến ngày 4/1/2016 thì sức mạnh quân sự của Trung Quốc đứng thứ ba trên thế giới chỉ sau Nga và Mỹ. Trung Quốc chú trọng hiện đại hóa quân sự trên cả ba lực lượng hải, lục, không quân, tập trung vào những loại vũ khí phục vụ tác chiến trong thời đại thông tin hóa. Đặc biệt lực lượng hải quân và các loại vũ khí, khí tài, phương tiện hoạt động trên biển ngày càng được quan tâm hơn để phục vụ cho mục tiêu trở thành  “cường quốc biển” của nước này.

(Còn nữa)

Phan Diễm Huyền, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1] Đỗ Minh Cao (2013), Sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

[2] Hoàng Minh Hằng (2015), An ninh Đông Bắc Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự gia tăng can dự châu Á của Hoa Kỳ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[3] Aaron Lin and Anthony H. Cordesman (2015), The changing military balance in the Koreas and Northeast Asia, Rowman & Littlefield, Washington D.C.

[4] Phipps, G. (2008), “US deal breaks “freeze” on arms sale to Taiwan”, Jane’s Defense Weekly, 10 Dec 2008, p.38.

[5] US Department of Defense, “Annual Report to Congress: Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2014”, April 2014.

[6] 傅才德 ,“美国宣布18.3亿美元对台军 售,中国强烈抗议” (Phó Tài Đức, “Mỹ tuyên bố bán cho Đài Loan gói vũ khí trị giá 1,83 tỷ USD, Trung Quốc kịch liệt phản đối”)

http://cn.nytimes.com/china/2015 1218/c18taiwan/,2015.

[7] 国防部, “国防白皮书:中国武装力量的多样化运用(全文)” (Bộ Quốc phòng Trung Quốc, “Toàn văn Sách trắng Quốc phòng: vận dụng đa dạng hóa lực lượng vũ trang Trung Quốc”)

http://www.mod.gov.cn/affair/2013-04/16/content_4442839.htm, 2013.

[8] 高辰, “世界军费排名:2016年中国军费增幅降低” ”(Cao Thần, “Xếp hạng chi phí quân sự thế giới: năm 2016 đầu tư cho quốc phòng Trung Quốc giảm thấp”)

http://www.chinanews.com/mil/hd2011/2016/03-04/614670.shtml, 2016.

[9] 李洪鹏, “今年军费预算9543.54亿元” (Lý Hồng Bằng “Dự toán chi phí quốc phòng của Trung Quốc năm 2016 là 954,3 tỷ nhân dân tệ”)

http://dzb.fawan.com/html/2016-03/05/content_595253.htm, 2016.




Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn