GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐỘNG THÁI CỦA MỸ VÀ NHẬT BẢN TẠI KHU VỰC ĐÔNG BẮC Á TRƯỚC SỰ TRỖI DẬY VỀ QUÂN SỰ CỦA TRUNG QUỐC (phần 2)

Đăng ngày: 28-01-2017, 01:08

3. Động thái của Mỹ và Nhật Bản ở khu vực Đông Bắc Á trước sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc

3.1. Tăng cường sức mạnh quân sự để cân bằng quyền lực với Trung Quốc

Có một điều không thể phủ nhận được là sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc trong những năm gần đây đã trở thành nỗi “ám ảnh” của rất nhiều quốc gia. Sự trỗi dậy của Trung Quốc chính là nguyên nhân dẫn đến một cuộc chạy đua âm thầm giữa các nước lớn nhằm cân bằng quyền lực trong trật tự thế giới đa cực đang dịch chuyển mạnh mẽ. Đồng thời, cùng với cuộc chạy đua trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa…cũng không thể phủ nhận nguy cơ tiềm ẩn của một cuộc chạy đua vũ trang trong thời kỳ mới giữa các cường quốc đứng đầu nhằm cân bằng sức mạnh quân sự, kiềm chế và đối trọng lẫn nhau.

Đối với Nhật Bản, sự trỗi dậy mạnh mẽ về quân sự của người láng giềng khổng lồ Trung Quốc không chỉ là một thách thức về mặt cạnh tranh ảnh hưởng trong trật tự thế giới đa cực đang được định hình mà còn là một thách thức an ninh không nhỏ đối với nước này. Nhật Bản đang nỗ lực trở thành “một quốc gia bình thường”, có đầy đủ thế và lực trên tất cả các phương diện trong đó có quốc phòng, an ninh. Năm 2007, Nhật Bản nâng cấp Cục phòng vệ lên thành Bộ Quốc phòng, thành lập một lực lượng quân sự đặc biệt với tên gọi “Lực lượng sẵn sàng chiến đấu” với khả năng tác chiến cao nhằm đối phó với các “mối đe dọa mới” và đóng vai trò quan trọng trong hợp tác quốc tế cũng như các hoạt động vì hòa bình”. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng tái bố trí lại lực lượng và tăng cường vũ khí. Quốc hội Nhật Bản thông qua luật cho phép triển khai vệ tinh quân sự, tăng cường vũ khí và các phương tiện tối tân hiện đại hàng đầu thế giới như tàu sân bay trực thăng lớp Izumo, tàu ngầm Soryu, tàu khu trục mang tên lửa điều khiển lớp Atago, máy bay MV-22 Osprey mua từ Mỹ…tiếp tục củng cố hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không của mình, tăng cường nâng cấp các mẫu mới với khả năng nã pháo tầm xa, khả năng đa nhiệm và chống lại các máy bay chiến đấu và tên lửa liên thanh.

Nhật Bản công bố các diễn giải mới về Hiến pháp, gỡ bỏ việc “chủ động tự vệ” và cho phép quân đội tham gia “phòng thủ tập thể” với các quốc gia khác. Với nhiệm vụ mới này, quân đội Nhật Bản sẽ có phạm vi hoạt động rộng hơn trước đây khi có thể đưa quân đội ra tham chiến ở nước ngoài để hỗ trợ, bảo vệ đồng minh, ký hiệp ước phòng thủ tập thể với các quốc gia khác, xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng, hay chủ động tham chiến ở nước ngoài để ngăn chặn các mối đe dọa từ xa...như tất cả các quốc gia bình thường khác. Nhật Bản đã xác định ba hình thức an ninh – quốc phòng trong tình hình mới của nước này là an ninh dựa trên nỗ lực quốc gia, an ninh dựa trên đối tác với đồng minh (Mỹ) và an ninh dựa trên hợp tác với cộng đồng quốc tế.

Đối với Mỹ, hiện nay Mỹ vẫn là cường quốc quân sự đứng đầu thế giới.Tuy nhiên, trước sự trỗi dậy không ngừng của Trung Quốc, Mỹ cũng phải có ngay các động thái đáp trả. Năm 2014, Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát hành một phiên bản cập nhật Sách trắng quốc phòng của nước này trong đó đề cập đến sự phát triển quân sự và chiến lược của Trung Quốc để báo cáo trước Quốc hội Mỹ với tên gọi: Sự phát triển an ninh và quân sự liên quan đến Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa. Bộ Quốc phòng Mỹ xem chiến lược của Trung Quốc ngày càng mang tính chất cạnh tranh hơn và dịch chuyển theo hướng trở thành đối thủ ngang ngửa với Mỹ, sẵn sàng làm thay đổi sự cân bằng ở Đông Bắc Á và bán đảo Triều Tiên [5].

Bên cạnh các loại vũ khí tối tân đã có, Mỹ chú trọng nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí với công nghệ vượt trội của tương lai như vũ khí laser trong không gian, máy bay không người lái có trí thông minh nhân tạo, quân phục tàng hình Quantum có khả năng bẻ cong ánh sáng khiến người đối diện khó nhìn thấy…Ngoài ra, Mỹ còn tăng cường bán vũ khí cho các nước và vùng lãnh thổ lân cận Trung Quốc như Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines…Đây là những bằng chứng xác thực nhất cho một cuộc chạy đua vũ trang, chạy đua quân sự âm thầm đang diễn ra trong khu vực. Trong cuộc chạy đua này, cơ hội và lợi thế giữa các nước là cân bằng và ngang ngửa với nhau, dù sức ép ràng buộc về hợp tác kinh tế vẫn rất lớn, song cạnh tranh và chạy đua để cân bằng quyền lực vẫn đóng vai trò chi phối trong bối cảnh trật tự thế giới đang dịch chuyển mạnh mẽ và mục tiêu “ảnh hưởng” đang dần thay thế mục tiêu “an ninh” và “phát triển” trở thành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia.

3.2. Tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn để đối trọng lại với Trung Quốc

Mỹ có hệ thống các nước đồng minh rải rác khắp thế giới, còn Trung Quốc cũng không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng để lôi kéo, thu hút, tìm kiếm đồng minh cho mình, tận dụng từ những nước, những vùng lãnh thổ ở những khu vực nhỏ bé, xa xôi nhất. Bức tranh về cục diện đa cực đang được định hình ngày một rõ nét nhưng trong cục diện đó vẫn nổi lên hai cực với sức mạnh vượt trội hơn hẳn so với tất cả các đối thủ khác, tác động đến mọi vấn đề trong quan hệ quốc tế. Vì thế, việc Mỹ tăng cường thắt chặt quan hệ đồng minh, hay Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đối thoại với các nước còn tồn tại nhiều bất đồng, mâu thuẫn là điều tất yếu trong bối cảnh Trung Quốc vươn lên mạnh mẽ và trở thành một thách thức lớn đối với các nước trong khu vực.

Về quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, nếu như thời kỳ Chiến tranh lạnh, Nhật Bản dựa hoàn toàn vào Mỹ như một chiếc “ô bảo trợ an ninh” để tập trung vào phát triển kinh tế, thì sau Chiến tranh lạnh dù có sự độc lập tương đối nhưng quan hệ Mỹ - Nhật về cơ bản vẫn dựa trên nền tảng an ninh như thời kỳ trước đây. Đặc biệt là trong bối cảnh có ngày càng nhiều các thách thức an ninh mới, các thách thức an ninh phi truyền thống xuất hiện. Một số động thái nhằm tăng cường quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật trong thời gian gần đây đều được cho rằng để nhằm đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ với tốc độ nhanh chóng của Trung Quốc. Việc Mỹ và Nhật Bản bố trí lại lực lượng quân sự Mỹ đóng tại Okinawa, xem xét lại quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật đã cho thấy cả hai nước đều quan tâm đến việc củng cố, khẳng định lại quan hệ trong tình hình mới. Mỹ cũng đã  chính thức triển khai hệ thống radar phòng thủ tên lửa X-band thứ hai tại tỉnh miền trung Kyoto của Nhật Bản vào cuối năm 2014 trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản ngày càng gia tăng, cho thấy quyết tâm ứng phó của liên minh Mỹ - Nhật đối với Trung Quốc. Thông qua việc thống nhất hành động và phản ứng trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là các vấn đề căng thẳng có sự tham gia của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tái khẳng định quan hệ đồng minh chiến lược không thay đổi của hai cường quốc này.

Về quan hệ Mỹ - Hàn, quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn không ngừng được củng cố, đặc biệt là hợp tác về mặt an ninh quốc phòng nhằm đối phó với các mối đe dọa đang hiện hữu cũng như các mối đe dọa tiềm ẩn trong khu vực. Ngoài hợp tác để đối phó với Triều Tiên, quan hệ an ninh Mỹ - Hàn được thắt chặt cũng đồng thời là một chiến lược của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc. Có thể thấy, sự tăng cường quan hệ của Mỹ với một loạt các nước láng giềng của Trung Quốc đã tạo thành thế bao vây, cản trở sự phát triển cả về kinh tế và quân sự của “người khổng lồ” đang vươn mình trỗi dậy này. Đầu tháng 9/2016, Mỹ và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận về việc Mỹ sẽ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Mặc dù cả Mỹ và Hàn Quốc đều khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa này là một biện pháp phòng vệ nhằm vào Triều Tiên và các mối đe dọa từ Triều Tiên, song rõ ràng Mỹ cũng hiểu rõ hơn ai hết lợi thế khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này trong tương quan so sánh lực lượng quân sự với Trung Quốc. Mỹ đã đạt được mục tiêu cân bằng ảnh hưởng và thậm chí là đối trọng, răn đe ngầm đối với các đối thủ ở khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc và Nga. Trung Quốc và Nga đều lên tiếng phản đối và cho rằng động thái này của Mỹ - Hàn sẽ làm mất ổn định an ninh trong khu vực. Đây được xem là phản ứng cứng rắn nhất của Mỹ trong thời gian gần đây khi Triều Tiên vừa tiến hành một loạt vụ thử tên lửa, còn Trung Quốc không ngừng gia tăng ngân sách quốc phòng và sở hữu thêm nhiều loại vũ khí chiến lược mới có khả năng nhắm tới Mỹ.

Về quan hệ Nhật - Hàn, quan hệ hai nước này từng trải qua một thời gian dài căng thẳng do bất đồng về kinh tế, tranh chấp lãnh thổ trên biển và những mâu thuẫn, bất đồng do lịch sử để lại. Tuy nhiên, với sự thay đổi nhanh chóng trong tình hình an ninh khu vực, quan hệ Nhật - Hàn buộc phải thay đổi để thích ứng và ứng phó với tình hình mới. Quan hệ hai nước bắt đầu có dấu hiệu nồng ấm trở lại kể từ chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 6/2015 của Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se nhân dịp kỷ niệm 50 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tiếp theo đó là cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye trong Hội nghị thượng đỉnh Hàn - Trung - Nhật như là một động thái cho thấy nỗ lực trung gian hàn gắn của Mỹ với hai nước đồng minh ở Đông Bắc Á của mình đã có kết quả. Để tích cực thúc đẩy quan hệ với Hàn Quốc, gác lại bất đồng, Nhật Bản cũng nỗ lực xoa dịu nước láng giềng này bằng cách thỏa thuận viện trợ cho Hàn Quốc để hỗ trợ tài chính cho các “nô lệ tình dục” của binh sỹ Nhật trước đây còn sống và đã mất. Điều này cho thấy, Nhật Bản thực sự quan tâm đến việc cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, thực sự cầu thị trong giải quyết và tháo gỡ các vấn đề mâu thuẫn, bất đồng trong bối cảnh Trung Quốc đang không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự.

3.3. Tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc trong các vấn đề khu vực

Cạnh tranh giữa Mỹ và Nhật Bản với Trung Quốc cũng được thể hiện rõ nét trong các vấn đề an ninh khu vực. Có thể kể một số xung đột, điểm nóng điển hình ở khu vực Đông Bắc Á đó là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và vấn đề Đài Loan.Với hai điểm nóng nổi bật này, Mỹ và Nhật Bản đã có những tính toán chiến lược nhằm tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Đặc biệt là Mỹ đã có những động thái trực tiếp và những hành động cụ thể hơn so với Nhật Bản khi “đối đầu” với Trung Quốc trong hai vấn đề an ninh nổi cộm tại khu vực.

Đài Loan và Triều Tiên đã bị quốc tế hóa cao độ với sự xung đột lợi ích của các nước lớn. Quan hệ hai miền Triều Tiên liên tục nổi sóng. Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên cũng thể hiện quyết tâm theo đuổi chương trình hạt nhân bằng việc rút khỏi Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân và tiến hành các vụ thử hạt nhân năm 2006, 2009, 2013 và mới đây nhất là hai vụ thử hạt nhân tháng 1/2016 và tháng 9/2016.  Vòng đám phán 6 bên với sự tham gia của Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên bắt đầu được khởi động từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn bế tắc chưa đem lại kết quả, thậm chí năm 2009, CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút khỏi bàn đàm phán 6 bên. An ninh khu vực Đông Bắc Á vì vấn đề này mà luôn trong tình trạng đáng lo ngại.

Trong vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc cũng có một số tính toán nhất định. Không như Mỹ và Nhật Bản lên án và thi hành các biện pháp cấm vận, trừng phạt khi Triều Tiên ngày càng ngang nhiên phát triển vũ khí hạt nhân, Trung Quốc lại là đồng minh ngoại giao thân cận và là nước viện trợ, giao thương chính với Triều Tiên. Dù ủng hộ việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nhưng ở một mức độ nào đó Trung Quốc vẫn được xem là đồng minh thân cận và có hành động phản ứng ngược lại với Mỹ, Nhật Bản và Phương Tây trong vấn đề này. Trung Quốc đã phản đối các lệnh cấm vận kinh tế mà Liên Hợp Quốc sử dụng để trừng phạt các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Hơn nữa, Trung Quốc cũng là nước chủ trì các cuộc đàm phán 6 bên, đưa ra phản ứng tích cực và nỗ lực khởi động lại vòng đàm phán này khi tình hình xấu đi.

Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, Mỹ - Nhật - Hàn có thái độ phản ứng hoàn toàn cứng rắn bằng các biện pháp lên án, phản đối, cấm vận, trừng phạt nước này. Sự khác biệt về tính toán chiến lược và sự xung đột về lợi ích giữa Trung Quốc và Mỹ - Nhật - Hàn xung quanh vấn đề Triên Tiên sẽ đưa vấn đề Triều Tiên trở thành một quân bài để Mỹ - Nhật - Hàn dằn mặt Trung Quốc trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của nước này. Mới đây, Mỹ đã đưa hai máy bay siêu thanh B-1B được hộ tống bởi các phi cơ của Mỹ và Hàn Quốc đến khu vực gần biên giới Triều Tiên. Nước này đã đạt được thỏa thuận về việc triển khai hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD tại Hàn Quốc. Đồng thời, Mỹ cũng thông báo quyết định trừng phạt một công ty Trung Quốc mà Mỹ cho rằng đã góp sức cho chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thời gian gần đây. Những động thái này, ngoài nhằm vào chủ thể chính là Triều Tiên thì mục đích khác của nó cũng nhằm dằn mặt một đối thủ tiềm tàng có sức ảnh hưởng ngày càng lớn khác đó là Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, dù phản đối việc thử hạt nhân của Triều Tiên song thực tế giao thương giữa Trung Quốc và Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân vẫn diễn ra tấp nập. Đồng thời, một thực tế khác đó là Trung Quốc phản đối việc đơn phương trừng phạt Triều Tiên của Mỹ và Nhật Bản cũng như kịch liệt phản đối Mỹ trừng phạt công ty và các cá nhân Trung Quốc. Rõ ràng, cuộc chiến cạnh tranh ảnh hưởng trong thời kỳ mới giữa Trung Quốc với Mỹ và Nhật Bản vẫn chưa có hồi kết, nó tồn tại trên mọi phương diện cả trực tiếp lẫn gián tiếp và góp phần làm tình hình khu vực trở nên phức tạp hơn.

Đối với vấn đề Đài Loan, về khía cạnh lịch sử lẫn khía cạnh pháp lý, Đài Loan vẫn là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần quan trọng không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc và luôn kiên định nguyên tắc “Một nước Trung Quốc”. Tuy nhiên, Đài Loan đã trở thành một công cụ chính trị trong tay các nước lớn, đặc biệt là địa bàn để Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản cạnh tranh ảnh hưởng và cân bằng sức mạnh quân sự.

Việc Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân sự, tăng cường khả năng chiến đấu và phòng vệ cho lực lượng quân sự của nước này đã được Mỹ, Nhật Bản phản ứng lại một cách gián tiếp thông qua việc liên tiếp hỗ trợ và bán vũ khí cho Đài Loan, thách thức sự trỗi dậy của Trung Quốc và trực tiếp chạy đua cân bằng sức mạnh quân sự với nước này. Năm 2008 được coi là năm Mỹ bán cho Đài Loan số lượng vũ khí lớn nhất khi chính quyền Mỹ thông qua hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 6,4 tỉ USD. Một phần của hợp đồng này được đề xuất từ năm 2001, nhưng bị dừng lại do sự phản đối từ Quốc hội Đài Loan và từ phía Trung Quốc [4, tr. 38]. Năm 2011, Mỹ bán cho Đài Loan gói vũ khí trị giá 5,8 tỉ USD. Năm 2015, chính quyền Obama tuyến bố bán cho Đài Loan hợp đồng vũ khí trị giá 1,83 tỉ USD bao gồm hai tàu chiến và tên lửa chống xe tăng [6]. Động thái này chính là đòn đáp trả gián tiếp của Mỹ đến Trung Quốc và cũng bị Trung Quốc coi như một mối đe dọa lớn khi Đài Loan là một vấn đề quan trọng và vô cùng nhạy cảm của nước này. Tuy nhiên, khi bán vũ khí cho Đài Loan, Mỹ cũng tính đến những giới hạn để duy trì nguyên trạng đó là không đáp ứng hết các yêu cầu về mua vũ khí của hòn đảo này để không gây căng thẳng quá với Trung Quốc, không để Đài Loan có đủ sức mạnh sẽ trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc, gây khó xử cho Mỹ. Chẳng hạn như việc Mỹ quyết định không bán cho Đài Loan máy bay chiến đấu F16 C/D mà chỉ quyết định nâng cấp F16 A/B vào tháng 9/2011 khi Đài Loan yêu cầu Mỹ bán máy bay chiến đấu F16 C/D để đối đầu với Trung Quốc. Hành động này được dư luận cho là Mỹ muốn giảm bớt căng thẳng với Trung Quốc khi Mỹ và Đài Loan thực hiện hợp đồng mua bán vũ khí [2, tr. 117].

Có thể nói rằng, sự trỗi dậy mạnh mẽ về quân sự của Trung Quốc đã dẫn đến cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Nhật Bản với Trung Quốc trong các vấn đề khu vực, cụ thể là vấn đề Đài Loan, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong hiện tại và cả tương lai.

Nói tóm lại, trước sự trỗi dậy đầy thách thức của Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã có phản ứng gay gắt từ trực tiếp đến gián tiếp. Trực tiếp là tăng cường nội lực kinh tế, quân sự, tăng cường quan hệ liên minh, đồng minh để tạo thế cân bằng, đối trọng lại với Trung Quốc, còn gián tiếp là phản ứng thông qua các vấn đề an ninh khu vực mà các nước lớn này là các chủ thể liên quan, can dự vào. Tương lai của quá trình cạnh tranh này sẽ đi về đâu vẫn là một câu hỏi lớn đối với các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế. Ít nhất có thể dự đoán rằng quá trình cạnh tranh này sẽ diễn ra đến khi trật tự đa cực chính thức hình thành nghĩa là khi sức mạnh của các cực được đánh giá là tương đương, ngang ngửa. Sau đó, có thể quá trình cạnh tranh sẽ diễn ra theo một chiều hướng khác và với tính chất đặc thù khác. Cũng có một kịch bản khác sáng sủa hơn, đó là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản sẽ cùng kiềm chế cạnh tranh, xung đột trực diện do sự ràng buộc của hợp tác kinh tế và sự lo ngại đến những nguy cơ chung xuất phát từ hiểm họa hạt nhân cũng như các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển chóng mặt của Trung Quốc cũng như động thái ngày càng cứng rắn của nước này, từ nay cho đến khi hình thành trật tự đa cực, cuộc chạy đua giữa Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản ở trên thế giới nói chung và khu vực Đông Bắc Á nói riêng được dự đoán khả năng cao là vẫn tiếp diễn và có tính chất ngày càng phức tạp hơn.

Phan Diễm Huyền, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1] Đỗ Minh Cao (2013), Sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

[2] Hoàng Minh Hằng (2015), An ninh Đông Bắc Á trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự gia tăng can dự châu Á của Hoa Kỳ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

[3] Aaron Lin and Anthony H. Cordesman (2015), The changing military balance in the Koreas and Northeast Asia, Rowman & Littlefield, Washington D.C.

[4] Phipps, G. (2008), “US deal breaks “freeze” on arms sale to Taiwan”, Jane’s Defense Weekly, 10 Dec 2008, p.38.

[5] US Department of Defense, “Annual Report to Congress: Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2014”, April 2014.

[6] 傅才德 ,“美国宣布18.3亿美元对台军 售,中国强烈抗议” (Phó Tài Đức, “Mỹ tuyên bố bán cho Đài Loan gói vũ khí trị giá 1,83 tỷ USD, Trung Quốc kịch liệt phản đối”)

http://cn.nytimes.com/china/2015 1218/c18taiwan/,2015.

[7] 国防部, “国防白皮书:中国武装力量的多样化运用(全文)” (Bộ Quốc phòng Trung Quốc, “Toàn văn Sách trắng Quốc phòng: vận dụng đa dạng hóa lực lượng vũ trang Trung Quốc”)

http://www.mod.gov.cn/affair/2013-04/16/content_4442839.htm, 2013.

[8] 高辰, “世界军费排名:2016年中国军费增幅降低” ”(Cao Thần, “Xếp hạng chi phí quân sự thế giới: năm 2016 đầu tư cho quốc phòng Trung Quốc giảm thấp”)

http://www.chinanews.com/mil/hd2011/2016/03-04/614670.shtml, 2016.

[9] 李洪鹏, “今年军费预算9543.54亿元” (Lý Hồng Bằng “Dự toán chi phí quốc phòng của Trung Quốc năm 2016 là 954,3 tỷ nhân dân tệ”)

http://dzb.fawan.com/html/2016-03/05/content_595253.htm, 2016.

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn