GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

BỀN VỮNG TRONG QUAN HỆ NHẬT – MỸ

Đăng ngày: 2-03-2017, 14:08

Quan hệ Mỹ - Nhật đã chứng minh độ bền vững cao trong hơn 7 thập kỷ qua. Khởi đầu là kẻ thù thời chiến và sau đó là việc Mỹ chiếm đóng Nhật Bản từ năm 1945 đến 1952, liên minh Mỹ - Nhật dần dần đã phát triển thành một nền tảng vững chắc trong hệ thống “trục bánh xe và nan hoa”, gồm các đồng minh an ninh của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nguyên lý cốt lõi của liên minh này là “Mỹ bảo vệ an ninh lãnh thổ của Nhật Bản, đổi lại được sử dụng các cơ sở trên đất liền, vùng biển và không phận của Nhật Bản để duy trì hòa bình quốc tế ở vùng Viễn Đông” vẫn đóng vai trò quan trọng và cùng có lợi cho cả hai nước. Nhật Bản đã phục hồi, phát triển kinh tế  và tạo “đủ không gian dễ thở” cho quan hệ liên minh. Điều này cho phép Nhật Bản thúc đẩy cách tiếp cận định hướng quốc phòng đối với chính sách an ninh để tiếp tục giúp giảm thiểu tình trạng khó xử về an ninh và căng thẳng với các nước láng giềng ngày nay. Đối với Mỹ, các căn cứ của nước này tại Nhật Bản, bao gồm cả tàu hàng không mẫu hạm là không thể thiếu trong chiến lược triển khai tiên phong và khả năng gia tăng sức mạnh ở khu vực Thái Bình Dương. Nhờ đó, liên minh Mỹ - Nhật cho phép Mỹ trở thành cường quốc Thái Bình Dương.

Mối quan hệ Mỹ - Nhật cũng đã trải qua những thăng trầm trong nhiều thập kỷ. Mối quan hệ này đã vượt qua khó khăn trong những năm 1980 và 1990 của thế kỷ trước, khi tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản dường như là thách thức tiềm tàng đối với nền kinh tế ưu việt của Mỹ. Thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ vào thời điểm đó chiếm hơn 50% thâm hụt thương mại của Mỹ. Sự điều chỉnh giá trị tiền tệ của Nhật Bản theo Hiệp ước Plaza 1985, hạn chế xuất khẩu tự nguyện và tự do hóa dần dần các khu vực cụ thể của nền kinh tế, cũng như sự kiên nhẫn của Nhật Bản trong việc đối phó với những đòi hỏi của Mỹ để tránh khỏi bất kỳ điều gì ảnh hưởng đến hợp tác an ninh và cải cách quốc phòng kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, cho thấy mối quan hệ này đã phục hồi và trở nên mạnh mẽ hơn[1]. Minh chứng chính là các chuyến công du của lãnh đạo hai nước trong lịch sử, biểu hiện của sự hợp tác, đoàn kết, mối thâm tình mà lãnh đạo hai nước dày công vun đắp.

Trong hai tháng đầu năm nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã liên tiếp thực hiện một loạt chuyến công du tới các nước, trong đó gần đây nhất là chuyến thăm Mỹ. Có rất nhiều ý kiến xoay quanh chuyến công du này của ông Abe, nhà bình luận ngoại giao kỳ cựu của Nhật Bản Okamoto Yukio cho biết rằng việc Mỹ trong tuyên bố chung cam kết “bảo vệ Nhật Bản bằng năng lực quân sự hạt nhân” có ý nghĩa rất quan trọng. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai đến nay Washington tuyên bố một cách rõ ràng về việc bảo vệ hạt nhân đối với Nhật Bản. Cùng quan điểm, Đô đốc Tomohisa Takei, Tham mưu trưởng lực lượng Hải quân Nhật Bản, cho biết cam kết về “chiếc ô bảo vệ hạt nhân” của Mỹ sẽ bảo đảm cho Nhật Bản tăng cường sức mạnh trong thời gian tới và hợp tác Hải quân hai nước trong bảo vệ an ninh hàng hải sẽ ngày càng chặt chẽ[2].

Bên cạnh đó, ông Kent E.Calder - Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á Reischauer, thuộc trường Đại học Johns Hopkins ở Washington, cho rằng xét trên cả khía cạnh chính thức và không chính thức, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một lời khẳng định rõ ràng cho mối liên minh giữa hai nước. Sự kiện này cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ-Nhật trong nền ngoại giao toàn cầu của Washington. Theo ông Kent E.Calder, nói một cách ngắn gọn, ông Trump đã “đón nhận” Thủ tướng Abe một cách dễ dàng và nhã nhặn. Hai nhà lãnh đạo thậm chí còn có được sự đồng thuận trong hàng loạt vấn đề, nhiều hơn những gì mà các nhà quan sát Washington có thể kỳ vọng trước đó.

Tuy nhiên, ông Kent E.Calder tỏ ý hoài nghi về một mối quan hệ gần gũi và nồng ấm, tương tự những gì từng diễn ra cách đây 30 năm dưới thời Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Nhật Bản Yasuhiro Nakasone và ông chỉ ra ba lý do dẫn tới sự hoài nghi của mình. Lý do thứ nhất, ông cho rằng đó là tính cách của cá nhân ông Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ cần củng cố các mối quan hệ và sự ủng hộ của dư luận khi mới bắt đầu nhiệm kỳ, song ông có thể nhanh chóng thay đổi quan điểm trong tương lai, điều mà ông đã nhiều lần làm trong quá khứ. Lý do thứ hai là về nền tảng chính trị của ông Trump, một người có xu hướng bảo hộ và rất khác Tổng thống Reagan. Lý do thứ ba chính là thực tế nền dân số đang có xu hướng già hóa của Nhật Bản có thể sẽ không đem lại được nhiều nguồn lực có lợi cho Mỹ, nhất là trên khía cạnh tài chính, như ở thời ông Reagan.

Dưới thời Tổng thống Mỹ Reagan, Nhật Bản của Thủ tướng Nakasone có thể đem đến những hỗ trợ kinh tế - chính trị vô giá cho Mỹ thông qua dòng vốn lớn, nhờ sự tự do hóa tài chính ở Nhật Bản, giúp Mỹ đầu tư xây dựng năng lực quốc phòng. Ngày nay, với việc nền kinh tế Nhật Bản chững lại và Nhật Bản cũng có nhiều mối quan tâm hơn ở bên ngoài, rõ ràng không thể có những sự đầu tư mạnh mẽ như trước. Hơn thế nữa, bên cạnh Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác cũng đang cạnh tranh với các mục tiêu của ông Trump. Giới chức Nhật Bản và các doanh nghiệp tư nhân cần sự sáng tạo lớn hơn và nhiều tham vọng hơn trong việc phát triển các khái niệm hợp tác kinh tế với Mỹ để có thể đạt tới sự thịnh vượng và mở rộng trong quan hệ song phương như thời Reagan và Nakasone[3].

Cho đến nay, Thủ tướng Nhật Bản Shizo Abe đã rất khéo léo trong việc xử lý ngoại giao với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Về phần mình, ông Trump cũng thể hiện sự thân thiện, nồng nhiệt chào đón ông Abe trong các cuộc gặp. Thái độ mềm mại này của ông Trump được xem là một khẳng định mang ý nghĩa chào đón đối với Nhật Bản trong bối cảnh có những thách thức của Trung Quốc về các tranh chấp lãnh thổ trên biển và đà phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Hai nước Mỹ - Nhật không chỉ tăng cường liên minh trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, mà vấn đề hợp tác sâu rộng về kinh tế, thương mại tự do cũng được hai nhà lãnh đạo quan tâm. Điều này tiếp tục tái khẳng định tầm quan trọng liên minh Mỹ-Nhật, mối quan hệ này như một hòn đá tảng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trần Mỹ Hoa, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Quan hệ Mỹ - Nhật sẽ được tăng cường trong tương lai?

Bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới, 15/2/1017. Tr 19

[2] Mục đích của Nhật Bản qua các chuyến thăm cấp cao gần đây

Bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 16/2/2017. Tr 13

[3] Quan hệ Mỹ - Nhật: “ Đồng sàng dị mộng”

Bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 20/2/1017. Tr 16-18.

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn