GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

TRUYỀN THÔNG NHK BÌNH LUẬN VỀ TÌNH HÌNH TRIỀU TIÊN

Đăng ngày: 14-04-2017, 21:21

Đã 5 năm trôi qua kể từ ngày Kim Jong Un trở thành lãnh tụ tối cao của Triều Tiên (11/4/2012-11/4/2017). Với việc tiếp tục triển khai chương trình tên lửa hạt nhân, Triều Tiên tiếp tục đặt ra thách thức ngoại giao đối với cộng đồng quốc tế. Đến nay, Triều Tiên đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân tại Punggye-ri, khu vực thử hạt nhân dưới lòng đất phía Đông Bắc. Các vụ thử này bắt đầu từ năm 2006 và liên tục tăng cường trong những năm vừa qua.

Đánh giá về tình hình Triều Tiên trong 5 năm qua, chuyên gia Ideishi Tadashi của đài NHK Nhật Bản cho rằng Triều Tiên hiện nay có thể mô tả là phát triển song song tên lửa hạt nhân và kinh tế. Việc cố gắng đảm bảo cân bằng cả hai mặt này có thể gọi là “ổn định trong sự bất ổn”. Ông Kim Jong Un trở thành lãnh tụ tối cao khi còn rất trẻ nhưng những người xung quanh ông ta từ những lãnh đạo cấp cao từng  được xem như có vai trò giám hộ, đến anh trai cùng cha khác mẹ là Kim Jong Nam đã bị sát hại. Quyền lực cơ bản đang dần dần được củng cố nhưng thủ đoạn chính trị tàn bạo như vậy cũng có mặt trái khiến nguy cơ chế độ bị lật đổ. Dường như vì nền tảng không vững nên phải vội vàng củng cố quyền lực cơ bản như vậy. Ngoài ra, chính sách song tiến phát triển kinh tế và vũ khí hạt nhân là do chính Kim Jong Un đưa ra. Vũ khí hạt nhân để bảo vệ thể chế, phát triển kinh tế để cuộc sống người dân tốt hơn. Nhưng vì phát triển vũ khí hạt nhân nên bị sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế khiến kinh tế bị trói buộc. Cuộc sống người dân không thể nói là khá hơn[1].

Trong thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đích thân giám sát các vụ thử tên lửa, một mặt nâng cao kỹ thuật bắn và mặt khác là mang hàm ý chính trị. Ví dụ, vụ thử vào tháng 2 năm 2017 trùng với thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hội đàm với Tổng thống Donal Trump; vụ thử đầu tháng 4 vừa qua diễn ra trước thềm chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ. Trong tháng 4 này, Triều Tiên có nhiều ngày kỉ niệm. Ngày 11/4 kỷ niệm 5 năm Kim Jong Un  nắm giữ quyền lực tối cao, ngày 15/4 kỷ niệm 105 năm ngày sinh chủ tịch Kim Nhật Thành. Tiếp đó, ngày 25/4 kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội nhân dân Triều Tiên. Đối với Triều Tiên, những ngày này đặc biệt quan trọng cần phô trương sức mạnh quốc gia, ví dụ như 15/4 năm 2016, lần đầu tiên quốc gia này thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung loại mới Musudan. Trang mạng 38 North của đại học Johns Hopkins (Mỹ) chuyên nghiên cứu về động thái của Triều Tiên tiết lộ rằng Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Bằng những hình ảnh đào bới đường hầm thu được tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên, các chuyên gia phân tích nếu Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6, sức nổ tối đa của nó có thể lên đến 282.000 tấn, gấp 14 lần so với vụ thử thứ 5[2]. Trước tình hình này các nước có liên quan đang cảnh giác cao độ khả năng Triều Tiên có thể có hành động khiêu khích.

Về phía Mỹ, sau khi tấn công Syria, tàu sân bay tấn công USS Carl Vinson hướng đến Tây Thái Bình Dương và đến vùng biển gần bán đảo Triều Tiên. Trước đó, tàu USS Carl Vinson từng tham gia cuộc tập trận chung kết thúc vào giữa tháng 3 với quân đội Hàn Quốc ở gần bán đảo Triều Tiên. Động thái này xuất hiện vào thời điểm Mỹ ngày càng thận trọng hơn đối với Triều Tiên. Các nhà phân tích cho rằng việc Mỹ huy động khẩn cấp số tàu này rõ ràng muốn gây sức ép quân sự buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình thử vũ khí hạt nhân[3].

Về vấn đề này chuyên gia Hiraiwa Shunzi của đại học Nanzan, Nhật Bản, phân tích với NHK rằng khác với cuộc oanh kích Syria, sự thực có nhiều trở ngại lớn để Mỹ tấn công Triều Tiên. Thứ nhất, giả sử Triều Tiên bị tấn công và họ sẽ phản công lại thì Hàn Quốc sẽ là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nên chính quyền Hàn Quốc sẽ không chấp nhận việc này. Thứ hai, Trung Quốc sẽ không chấp nhận hành động tấn công trước cửa ngõ của họ, cần phải nghĩ đến mối quan hệ với Trung Quốc. Trở ngại lớn chính là mối quan hệ với Trung Quốc và Hàn Quốc. Thêm một vấn đề quan trọng nữa là giả sử Hàn Quốc hay Nhật Bản tiến hành tấn công, Triều Tiên phản kích lại thì không chỉ quân nhân Mỹ và gia đình đóng tại Hàn Quốc và Nhật Bản mà cả dân thường cũng chịu hậu quả. Đó là những trở ngại lớn mà Mỹ phải tính toán[4].

Trong cuộc Hội đàm Mỹ-Trung ngày 6/4, Tổng thống Trump yêu cầu Trung Quốc tăng cường sức ép với Triều Tiên, trong trường hợp Trung Quốc không hợp tác Mỹ sẽ hành động một mình. Đáp lại, Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng việc Mỹ - Triều nên quay lại lập trường từ trước đến nay giải quyết bằng đối thoại. Phía Mỹ quan điểm rõ ràng hơn, mong hợp tác với Trung Quốc gửi thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên. Nhưng phía Trung Quốc có vẻ muốn kiềm chế động thái của Mỹ không cần phải đến mức đó.

Với tình hình này, theo ông Hiraiwa Shunzi, phía Bình Nhưỡng có phần yên tâm bởi không có chuyện Mỹ-Trung hợp tác, trong đó có biện pháp quân sự, đưa ra thông điệp cứng rắn với Triều Tiên. Nhưng mặt khác, cùng thời điểm hội đàm, Mỹ tấn công Syria hàm ý cho Triều Tiên thấy chính quyền Donal Trump có thể sử dụng sức mạnh quân sự. Yên tâm và đe dọa là một mâu thuẫn trong tình hình hiện nay với Triều Tiên[5].

Triều Tiên từng cho rằng, chính quyền Iraq và Libya không có vũ khí hạt nhân và bị lật đổ. Nếu có vũ khí hạt nhân sẽ không bị tấn công, đảm bảo cho sự tồn tại của chính quyền. Đồng thời tăng cường quan hệ với nước đỡ đầu Trung Quốc nhằm kiềm chế Mỹ.

Song mối quan hệ Trung-Triều hiện nay là tồi tệ, về cơ bản Trung Quốc không hài lòng với Triều Tiên. Thời điểm chính quyền Tập Cận Bình bắt đầu, Triều Tiên liên tục bắn tên lửa, có thể nói làm mất mặt Trung Quốc. Sau đó, năm 2013 diễn ra vụ thanh trừng Jang Song Thaek, chú dượng Kim Jong Un, người được xem là chiếc cầu nối quan trọng với Trung Quốc. Việc ông này bị thanh trừng làm quan hệ Trung-Triều xấu đi rất nhiều. Thực tế, Trung Quốc đã có hành động tuân thủ phần nào lệnh trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do nước này triển khai vũ khí hạt nhân, nên Triều Tiên cũng mất lòng tin vào Trung Quốc.

Chuyên gia Ideishi Tadashi nhận định môi trường quốc tế xung quanh Triều Tiên đang thay đổi mạnh mẽ. Chính quyền Tổng thống Donal Trump sẽ có những động thái cứng rắn với Triều Tiên. Hàn Quốc sắp tới sẽ có Tổng thống mới. Trung Quốc có thể không bảo vệ Triều Tiên như trước đây. Lãnh đạo Kim Jong Un không muốn bị tấn công quân sự như Syria, có lẽ sẽ quyết tâm thực hiện những kế sách để tồn tại. Điều đáng ngại là sẽ phá vỡ sự cân bằng trong tình hình bất ổn. Hi vọng Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, ổn định tình hình trong nước, làm cho cuộc sống người dân tốt hơn[6].

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]「就任5年 北朝鮮はどこへ?」

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/300/267708.html

[2]Về thông tin Triều Tiên chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 6

Bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 17/3/2017, trang 9.

[3]Tàu sân bay tấn công Carl Vinson tại sao lại tiến về vùng biển gần Triều Tiên

Bản dịch của Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 13/4/2017, trang 11-12.

[4], [5]北朝鮮の挑発をどう止めるのか

http://www.nhk.or.jp/kokusaihoudou/archive/2017/04/0410.html

[6]「就任5年 北朝鮮はどこへ?」

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/300/267708.html

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn