GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHỮNG NGƯỜI “GIỮ LỬA” CHO LỄ HỘI GION

Đăng ngày: 4-05-2017, 15:42

Bài viết của tác giả Yoshida Mitsukuni, Giáo sư danh dự Đại học Kyoto. Tên bài trong bản gốc là 「町衆の願い」, người dịch chuyển thành “Những người “giữ lửa” cho lễ hội Gion”.

 

Lễ hội Gion đã báo hiệu cho người dân Kyoto về một mùa hè đang đến. Kể từ ngày hôm ấy, những ngọn lửa trại lập lòe cháy trên đỉnh Ngũ Sơn, và Kyoto với bầu trời cao xanh thăm thẳm, tràn ngập thứ ánh sáng chói chang đẹp đẽ.

Và thế là lại một mùa lễ hội xoay vần theo vòng quay năm tháng. Kinh thành Heian vẫn là một nơi như thế, vẫn ngập tràn những hội hè, để khẽ bảo cho người ta biết về những điều tốt đẹp đi cùng tháng năm. Nếu như người dân ở nông thôn thường lập kế hoạch trồng trọt và canh tác của họ dựa vào sự thay đổi khi hậu theo mùa, thì ở Kyoto - lần đầu tiên lịch sử được tạo ra bởi sự hoạch định của con người, chính là nơi mà các nghi lễ và lễ hội trong năm cho ta cái cảm giác rất thật của dòng chảy thời gian.

Vào một ngày tháng bảy oi ả, như tách khỏi sự hỗn tạp, hối hả của cuộc sống thường ngày, người ta lấy đi một không gian nho nhỏ nơi góc phố để bắt đầu dựng những chiếc kiệu Hoko và Yama. Qua từng ngày, mỗi chiếc kiệu lại cho thấy hình hài cụ thể của nó, và chẳng bao lâu chúng đã biến cái không gian thường nhật thành phi thường nhật, có chút gì đó thần thánh linh thiêng. Cuộc sống của người dân phố cổ cũng bỗng chốc như chậm lại, như thay đổi theo không gian ấy. Những thanh âm của đội nhạc truyền thống bắt đầu vang lên văng vẳng trong khắp các ngõ phố. Khi chiếc kiệu Yama và Hoko được dựng xong cũng là lúc không gian linh thiêng bao trùm lên các con phố Gion. Người dân thường khao khát cái không gian trang nghiêm ấy, còn những người khách du lịch lại khát khao một trải nghiệm mới thú vị, họ hòa vào dòng người đi bộ đông dần lên trong những ngày này. Chẳng bao lâu, trước mắt họ mở ra một không gian tráng lệ, có cảm giác như các vị thần đang ngự trong những chiếc kiệu lung linh màu sắc, được trang trí kỳ công bằng những đồ tạo tác tinh xảo kia. Người ta tin rằng những vị thần giáng thế trong ngày hội Gion hẳn sẽ ngồi vào trong những chiếc kiệu được rước từ ngôi đền cổ Yasaka. Không chỉ có một vị thần. Mỗi chiếc kiệu Hoko rước một vị thần riêng của họ. Kiệu Naginata-hoko có Izumi Kojiro, kiệu Tsuki-hoko có Tsukuyomi no Mikoto (Thần mặt trăng), kiệu Kikusui-hoko lại rước các vị Tiên nhân, Bành tổ của Trung Quốc... Còn kiệu Yama thì có Yamabushi-yama thuộc phái kiếm đạo  Shugendo, Taishi-yama thờ Thánh đức Thái tử (Shotoku taishi), Abura Tenjin-yama thờ Ngưu thần, Urade-yama thờ Thần công Hoàng hậu, Kita Kanon-yama theo tín ngưỡng Phật giáo - thờ Quan âm Dương Liễu (Youryou Kanon) và Di Đà Thiên (Idaten), Hachiman-yama theo tín ngưỡng Hachiman (Bát phàm), Suzuka-yama thờ Linh Lộc quyền nhi (Suzuka Kenji)... Cứ như vậy, rất nhiều hình thức tín ngưỡng của người dân Nhật Bản được thể hiện qua những cỗ kiệu Yama hoặc Hoko. Ngoài ra, còn có cỗ kiệu Kakkyo-yama vẽ những điển tích trong 24 truyền thuyết Trung Hoa thuyết giảng về đạo Phật... Từ những ví dụ được đưa ra, có thể thấy mỗi cộng đồng cư dân phố cổ ở Kyoto từ lâu đã chọn cho mình vị thần mà họ tin tưởng sẽ đem lại hạnh phúc, bình an cho họ, và cứ thế họ thuộc về những cộng đồng tín ngưỡng riêng như vậy.

Chính vì thế, cho đến ngay nay, những cỗ kiệu Yama và Hoko mỗi cỗ kiệu đều mang một truyền thống riêng độc đáo, và chúng chỉ kết hợp lại với nhau duy nhất trong một ngày - lễ tuần hành của lễ hội Gion. Ngoài ra, có những nơi tổ chức riêng ngày hội của mình theo các nghi thức của Shugendo (Tu nghiệm đạo), lại có nơi hành lễ theo triết lý Phật giáo, mặt khác, có những nơi tổ chức lễ hội dân gian truyền thống.

Bối cảnh ra đời của những tín ngưỡng đa dạng trên bắt nguồn từ trận đại dịch ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân Kyoto thời cổ đại, khởi nguồn cho sự ra đời tín ngưỡng thờ các linh hồn mà họ tin rằng đã đưa đến trận đại dịch đó. Những bệnh dịch cứ như một quy luật, thường đến trong mỗi mùa hè đã đem lại nỗi khiếp sợ cho người dân thời ấy. Các lễ hội, nghi lễ cúng tế theo tín ngưỡng thờ linh hồn đã ra đời như một biện pháp nhằm ngăn chặn điều này. Những nghi lễ như vậy được gọi là Gion san hay Tenou san, không chỉ có ở Kyoto mà còn được tổ chức khắp nơi trên đất nước Nhật Bản. Tuy nhiên, ở Kyoto, nghi lễ này đã phát triển thành một lễ hội đô thị, cho thấy sự khác nhau cơ bản của nó với các lễ hội ở  địa phương.

Ở đây có một lý do đặc biệt, đó là vào thời đại Heian, Kyoto đã trở thành một trung tâm  mỹ thuật và nghề thủ công truyền thống lớn nhất của Nhật Bản. Để đáp ứng nhu cầu  xa hoa của tầng lớp quý tộc cung đình và nhu cầu của một số lượng lớn các đền chùa được xây dựng nhanh chóng, Kyoto đã phát triển thành một thực thể nghệ thuật tiêu biểu của đất nước mặt trời mọc. Chính những điều này đã làm nảy sinh và phát triển trào lưu trình diễn nghệ thuật và công nghệ thủ công truyền thống độc đáo, tinh xảo gắn với các lễ hội ở Nhật Bản.

Vào khoảng thế kỷ thứ 12, tác phẩm “Tranh cuộn về các ngày lễ hội trong năm” (「年中行事絵巻」) đã ra đời, có thể thấy người ta trang trí những đồ tạo tác tinh xảo trên những chiếc ô, có rất nhiều trường phái trang trí ô hoa xuất hiện với những cách thức thể hiện cực kỳ phong phú và thấm đẫm chất mỹ thuật hội họa. Tuy nhiên, vẫn còn chưa thấy quang cảnh của những chiếc kiệu Yama và Hoko được trang trí có trong những bức tranh này.

Nhưng vào thời Muromachi, trong vở kịch Kyogen “Tên trộm xổ số” (狂言「くじ盗人」) đã thấy có nói đến việc trang trí các cỗ kiệu Yama như một trào lưu của các phố đương thời. Người ta đã thấy có sự khác biệt giữa những chiếc kiệu khênh Yama được trang trí độc đáo với loại kiệu thông thường thời bấy giờ. Bên cạnh đó, hình ảnh những ngôi nhà lưu động trình diễn kịch còn sót lại ở các địa phương cho đến ngày nay gợi cho ta cảm nghĩ rằng có thể đương thời đã có việc diễn kịch trên những cỗ kiệu. Do đó, những cỗ kiệu Yama và Hoko thời đó không hẳn đã là những cỗ xe mang đầy tính nghệ thuật mà người ta tự hào ngày nay, nhưng chắc chắn nó thú vị ở sự mới mẻ, năng động, được tạo ra theo từng chủ đề riêng biệt.

Có những ghi chép cho thấy đã từng có những cuộc diễu hành xe kiệu Yama và Hoko trước thời kỳ Loạn Onin - biến cố lịch sử đã làm biến đổi hoàn toàn văn hóa Kyoto - gây ra trận đại hỏa hoạn gần như phá hủy toàn bộ thành phố. Theo ghi chép thì thời kỳ đó có tới 58 cỗ kiệu Yama và Hoko. Từ điển tích này mà suy đoán, và theo “Quân ký vật ngữ” và “Võ dũng truyền kỳ”, đã có những cái chết oai hùng của các tráng sĩ được ghi chép lại. Ở đây, ta thấy bóng dáng của tín ngưỡng thờ các linh hồn tử trận. Sau đó, cũng có những câu chuyện được ghi lại từ các điển tích Trung Hoa. Điển hình là Gozan (Ngũ Sơn) ở Kyoto thời Muromachi, có thể thấy văn hóa Trung Hoa cùng một số sở thích của người Trung Quốc đương thời được giới trí thức Nhật Bản du nhập vào. Sau đó đến Hachiman (Bát Phàm), Kanon (Quan Âm), Sumiyoshi (Chú Cát), Tenjin (Thiên Thần), Gyoekisha (Hành Dịch Giả), Taishi (Thái Tử)..., rất nhiều tín ngưỡng đa dạng. Ngoài ra, còn thấy các tín ngưỡng này xuất hiện trong các tác phẩm văn học như “Nghĩa kinh ký” và các tác phẩm dân gian đương thời. Biện Khánh, Ngưu Cảo, Trung Tín... là những chủ đề như vậy. Rõ ràng tất cả những điều này phản ánh nền văn hóa tri thức của người Kyoto đương thời.

Sau Loạn Onin, các cỗ kiệu yama và hoko được khôi phục lại, theo ghi chép thì có 37 cỗ kiệu. Cỗ kiệu Hakurakuten-yama (Bạch lạc thiên sơn) là cỗ kiệu được dựng mới vào thời kỳ này, có thể thấy trong tác phẩm “Truyền đăng lục”. Việc trang trí kiệu được sáng tác dựa trên cảm hứng của văn hóa Thiền lâm. Ở cỗ kiệu Kuronushi-yama (Hắc chủ sơn), có thể thấy hình thức của vị thần (dưới hình hài búp bê) đã biến đổi từ Sơn nhân sang Công gia. Nó phản ánh một cách tượng trưng bài thơ của Kuronushi trong “Cổ kim dự tập”. Vào thời sau này, người ta đã tìm kiếm bóng dáng thật của nhà thơ Kuronushi dựng trên cỗ kiệu. Kuronushi (黒主) là nhà thơ nổi tiếng của Nhật Bản vào thế kỷ thứ 10. Cảnh nhà thơ ngắm hoa anh đào được tái hiện trong hình nộm búp bê được trang trí trên nóc chiếc kiệu Kuronushi-yama.

Qua thời đại Aizuchi Momoyama, bước sang thời Edo, Kyoto đã bước vào thời kỳ phát triển ổn định của một đô thị lớn. Lúc này, để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật cao của số lớn các gia đình quý tộc cung đình, các nghệ nhân thủ công truyền thống ở Kyoto đã nhanh chóng phát triển công nghệ thủ công đến đỉnh cao nghệ thuật của sự khéo léo, tinh xảo, và Kyoto đã nhanh chóng mở rộng thị trường của mình trên toàn nước Nhật. Các sản phẩm thủ công ra đời từ công nghệ tạo tác đỉnh cao cùng với cảm quan mỹ học phát triển cao độ đã được phản ánh vào việc trình diễn những cỗ xe kiệu Yama và Hoko vô cùng lộng lẫy, nhưng trên hết người Kyoto lúc này bắt đầu truy tìm một “vẻ đẹp” thực sự. Kể từ khi đó, mỗi cỗ kiệu đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật thủ công tinh xảo, trở thành biểu tượng của cái đẹp thuần khiết mà người đương thời hướng đến. Và cũng từ lúc đó, đã bắt đầu manh nha về một sự cạnh tranh giữa các phố làm kiệu, mỗi phố đều dồn công sức và tài lực để thể hiện cảm quan thẩm mỹ của cộng đồng mình, kết tinh trong từng cỗ kiệu Yama và Hoko được trình diễn trong lễ hội. Người ta đã trang trí các cỗ kiệu bằng thảm Ba Tư, thảm treo tường của Bỉ (vùng Flandre), đồ dệt, đồ len từ Trung Quốc, đồ lụa Nishijin với kỹ thuật dệt cao cấp của các nghệ nhân Kyoto...

Theo cuốn “Douman kamotsu chou” (Đường man hóa vật trướng) ghi chép lại thực trạng buôn bán với nước ngoài ở Nagasaki, vải hoa thời bấy giờ được nhập khẩu với số lượng lớn. Vào năm Chính Đức thứ 2 (tức 1712), số lượng vải nhập lên đến hơn 3.000 mảnh. Ngoài ra còn có vải len màu, vải dệt màu cũng được nhập với số lượng lớn. Những sản phẩm nhập khẩu này đã trở thành nguyên liệu để chế tác và trang trí những cỗ xe kiệu yama và hoko đẹp lộng lẫy thời đó.

Ngoài ra, các họa sĩ đương thời ở Kyoto còn vẽ trang trí những bức tranh tuyệt mỹ lên trần và mái của những cỗ kiệu. Họ nạm vàng lên từng chi tiết chính của các cỗ kiệu Yama và Hoko. Kyoto với số lượng lớn các đền chùa, ngay từ thời cổ đại đã trở thành một trung tâm tôn giáo lớn nhất Nhật Bản. Việc chạm khắc vàng trang trí cho những ngôi chùa cũng là một yếu tố thúc đẩy ngành chế tác và chạm khắc kim loại của Kyoto phát triển mạnh mẽ. Nếu như kỹ thuật gia công chế tác vàng bạc ở Edo phần lớn dồn kỹ thuật tinh xảo vào việc chạm khắc những thanh đao, kiếm thì ở Kyoto, kỹ thuật chế tác vàng bạc chủ yếu để phục vụ cho việc trang trí các ngôi đền và chùa. Có nghĩa là, ngành chế tác đồ trang trí bằng kim loại đã rất phát triển ở Kyoto vào thời đó.

Những người thợ thủ công kim hoàn ở Kyoto đã chế tác ra rất nhiều đồ trang trí tinh xảo bằng vàng. Chính vì vậy mà việc dùng các đồ tạo tác này để trang trí ở mặt ngoài của những cỗ kiệu yama và hoko làm cho những cỗ kiệu trở nên lộng lẫy đã trở thành một trào lưu. Tuy nhiên, trào lưu chính của thời kỳ này là viết những câu văn thể hiện sự may mắn theo kiểu Trung Hoa, nó phản ánh ảnh hưởng cơ bản của văn hóa Trung Hoa đối với cuộc sống của người dân Kyoto đương thời.

Thời kỳ này cũng xuất hiện những kiểu trang trí vô cùng độc đáo mà trước đây chưa từng có, ví dụ như trang trí những đồ kim loại hình cỏ đồng hồ (tokeisou) trên kiệu Tsuki-hoko. Bắt nguồn từ một loài hoa ở Nam Mỹ, sang châu Âu rồi trở thành loài hoa tượng trưng cho sự cứu rỗi của chúa Giê Su, khi sang đến phương Đông thì được người Phương Đông hình dung thành chiếc đồng hồ;  Du nhập vào Nhật Bản những năm Hưởng Bảo (Kyoho - giữa thời đại Edo) và được dùng để trang trí lên những cỗ kiệu như vậy. Đặc biệt, ở cỗ kiệu Taishi-yama cũng có trang trí đồ kim loại hình cỏ đồng hồ này, nhưng được chế tác vào thời Minh Trị.

Tuy nhiên, nạn hỏa hoạn liên tiếp đã làm khủng hoảng cuộc sống ở đô thị Kyoto. Đặc biệt vào năm Thiên Minh có trận đại hỏa hoạn đã làm cháy rụi nhiều cỗ kiệu Yama và Hoko. Sau đó, những cỗ kiệu này được khôi phục nhanh chóng và được trang trí lộng lẫy như chúng ta thấy ngày nay. Ở phần đằng sau một số kiệu Yama còn được trang trí thêm hình tổ chim, có sự dụng những tấm vải nhuộm màu cỡ lớn. Ngoài ra, các bánh xe của kiệu Hoko được trang trí thêm hình chữ vi, đó chính là lý do khiến các bánh xe kiệu hoko phát triển đến hình dạng to lớn cực đại như ngày này.

Tiếp sau đó là trận biến Hamaguri Gomon cuối thời Mạc phủ mà người Kyoto gọi là “Nạn thiêu hủy những cỗ kiệu Hoko”, một số kiệu yama và hoko đã bị đốt cháy, cho đến nay chưa khôi phục lại được. Trong trận binh biến, những người dân phố cổ Kyoto đã sống chết gìn giữ lại được một số đồ trang trí của các cỗ kiệu, để cho chúng có cơ hội tỏa sáng đến ngày nay.

Cứ như vậy, những chiếc kiệu Yama - Hoko được người dân phố cổ Kyoto gìn giữ, bảo vệ và duy trì cho đến ngày nay. Chính vì vậy, vẻ đẹp lộng lẫy, cầu kỳ, tinh xảo của những chiếc kiệu không phải được làm ra trong một thời kỳ duy nhất, mà nó được bồi đắp, tu bổ, tân trang bởi những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân Kyoto qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Những chiếc kiệu Yama - Hoko ngày nay cùng các đồ tạo tác trang trí tinh xảo kèm theo nó mang dấu ấn thương đau, hào hùng của lịch sử với vẻ đẹp thời gian bất diệt. Đó chính là sự nghiệp của cha ông được trao truyền, gìn giữ qua bao thời đại của người dân phố cổ Kyoto./.

Người dịch: Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện NC Đông Bắc Á

Dịch từ bài 「町衆の願い」của Yoshida Mutsukuni, đăng trên tạp chí “Thái Dương” số 7 năm 1985 (「町衆の願い」、『太陽』雑誌、1985年7月号、PP.14-15).

 

 

 

 

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn