GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

LIÊN MINH NHẬT - MỸ DƯỚI THỜI KỲ CỦA TỔNG THỐNG DONALD TRUMP

Đăng ngày: 2-06-2017, 16:53

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố gắng làm dịu những lo ngại về an ninh của Nhật Bản trong chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe hồi tháng 2. Tuy nhiên, nhà chính trị học Nakayama Toshihiro cảnh báo rằng chính sách của Trump có thể làm suy yếu nền móng quan hệ đối tác an ninh song phương mà Nhật Bản và Mỹ đã xây dựng. So với thời điểm tổng tuyển cử của Donald Trump, mức độ lo lắng nói chung đã giảm xuống một chút, nhưng sự không chắc chắn vẫn còn nhiều. Đối với người Nhật, điểm nhấn trong những tháng đầu tiên của chính quyền Donal Trump này là chuyến thăm hồi giữa tháng hai của Thủ tướng Shinzo Abe đến Washington DC và Bãi biển Palm (Palm Beach), Florida. Trong quá trình đàm phán chính thức và cuộc gặp không chính thức tại Nhà Trắng và Mar-a-Lago của Trump ở Palm Beach, Thủ tướng Abe đã giải quyết được những mối quan ngại cấp bách nhất của Nhật Bản về tương lai của mối quan hệ song phương, đặc biệt về an ninh [1].

Trong khi chiến thắng của Trump đã gây ra nhiều cảnh báo trên khắp thế giới, thì ít có quốc gia nào tỏ ra e ngại với chính quyền mới này hơn Nhật Bản, căn cứ vào nội dung chính trong bài phát biểu của Trump trong suốt chiến dịch bầu cử và tầm quan trọng của Mỹ đối với Nhật Bản. Từ đó, liên minh Nhật-Mỹ, nền tảng của an ninh Nhật Bản, dường như trở nên không được vững chãi. Tuy nhiên, liên minh với Mỹ vẫn là một lựa chọn an ninh thực tế duy nhất của Nhật Bản và điều này đã tạo ra cảm giác thất vọng cho người dân nước này.

Obama, Abe và “Liên minh hy vọng”

Đây không phải là lần đầu tiên niềm tin của Nhật Bản vào liên minh Nhật - Mỹ bị lay chuyển. Một căn bệnh trước khi phát ra bao giờ cũng có quá trình ủ bệnh bên trong. Vào đầu những năm 1990, sau sự sụp đổ của Liên Xô - mối đe dọa chung đối với cả hai nước - một số chuyên gia cho rằng Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ đã không còn lí do để tồn tại nữa.

Tuy nhiên, vào nửa cuối của thập kỷ 90, liên minh này đã bắt đầu mang ý nghĩa mới chứ không chỉ đơn thuần là bảo đảm chống lại mối đe dọa có thể về an ninh mà là một cam kết chung của hai đối tác để xây dựng và duy trì một trật tự Đông Á dựa trên những giá trị dân chủ tiến bộ mà họ chia sẻ.

Quan sát một cách khách quan cho thấy rằng, liên minh giữa Nhật Bản và Mỹ là một liên minh không cân xứng, trong đó Nhật Bản lệ thuộc vào Mỹ. Sự không đồng đều trong mối quan hệ an ninh này đã luôn khiến Nhật Bản trăn trở. Nhưng khi chúng ta định nghĩa liên minh này theo nghĩa rộng hơn như một cam kết giữa các đối tác trong việc chia sẻ các giá trị nhằm duy trì trật tự khu vực và toàn cầu, Nhật Bản có thể coi mình ngang bằng với Mỹ trong cam kết này, ngay cả khi các khả năng mà nước này có thể cống hiến cho mục tiêu của liên minh là khác nhau đáng kể.

Theo nghĩa này, việc Tokyo sử dụng những biểu ngữ như “liên minh giá trị” (“alliance of values”) và “liên minh của hy vọng” (“alliance of hope”) để miêu tả mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản trong những năm gần đây không phải lời hùng biện trống rỗng. Những thuật ngữ này đã thể hiện được các chức năng chính trị quan trọng trong việc truyền đạt lí do tồn tại của liên minh Nhật - Mỹ trong thế kỷ 21. Thông qua các cuộc thảo luận như vậy, mối quan hệ này đã trưởng thành và sâu sắc hơn dưới thời kỳ lãnh đạo của Abe và Tổng thống Barack Obama. Các quan chức ở cả hai bên đều đồng ý rằng liên minh trong giai đoạn này thật sự vững mạnh hơn bao giờ hết.

Về những kết quả mang tính chiến lược, chính sách đối ngoại của ông Obama có thể bị chỉ trích. Nhưng một trong những thành tựu đáng chú ý là làm cho liên minh Nhật - Mỹ trở nên vững chắc và tăng cường quan hệ an ninh song phương.

Hy vọng tiêu tan

Giống như một số nước khác trên thế giới, người Nhật đã rất ngỡ ngàng trước sự lựa chọn của cử tri Mỹ. Trump đã biểu lộ sự thiếu hiểu biết một cách sâu sắc về chính sách đối ngoại và vấn đề an ninh. Trong chiến dịch tranh cử, ông dường như tránh đề cập đến thiết lập an ninh và chính sách ngoại giao của Mỹ.

Trong mọi trường hợp, quan điểm của Trump rất đơn giản và nhất quán: nước Mỹ trước tiên. Các yếu tố cơ bản của quan điểm này đã được áp dụng trước khi Trump chạy đua giành chức tổng thống. Chúng bao gồm xu hướng chủ nghĩa bảo thủ, chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa độc quyền[2]. Với lập trường “nước Mỹ là trên hết”, Trump sẽ tập trung vào việc đối phó với các mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh Mỹ và theo đuổi mà không do dự vì lợi ích quốc gia. Trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20 tháng 1, Trump đã đưa thông điệp “nước Mỹ là trên hết” đến với thế giới.

Làm suy yếu nền tảng tinh thần của liên minh Nhật - Mỹ

Mỹ luôn theo đuổi những lợi ích riêng của mình, nhưng nước này đã theo đuổi bằng cách kết hợp với các hệ thống và các quy tắc toàn cầu được xây dựng và duy trì thông qua sức mạnh của chính mình và đưa vào thực tiễn ở cấp khu vực trong hợp tác với các đồng minh. Các hệ thống và quy tắc mà Mỹ duy trì cùng với các đồng minh tạo thành nền tảng của một trật tự quốc tế tự do đã đem lại lợi ích cho vô số quốc gia trên thế giới. Và Nhật Bản là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất.

Sự từ bỏ quyền lực cứng của Nhật Bản và sự tin tưởng vào trật tự quốc tế tự do giải thích lý do tại sao liên minh Nhật-Mỹ là lựa chọn an ninh duy nhất của Nhật ngay từ đầu và vẫn là lựa chọn tốt nhất của của Nhật Bản từ trước tới nay, mặc dù đôi khi vẫn đặt câu hỏi về độ tin cậy của Mỹ. Phần lớn, người dân Nhật Bản đã nhận ra thực tế này qua trực giác, đó là lý do tại sao các lực lượng chống Mỹ đã chống lại các thỏa thuận an ninh song phương vẫn tương đối im lặng từ khi nối lại Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ vào năm 1970.

Tuy nhiên, ý đồ của Trump về Nhật Bản trong cuộc bầu cử và quan điểm Mỹ trước tiên  mà ông bám sát kể từ khi nhậm chức đã buộc nhiều người ở Nhật tưởng tượng ra một tương lai, trong đó an ninh của họ không còn dựa vào liên minh Nhật - Mỹ nữa. Khẩu hiệu thu hẹp lợi ích cá nhân, thay thế cho thuật ngữ hợp tác và chia sẻ giá trị, đe dọa làm suy yếu nền tảng tinh thần của liên minh này. Tổng thống Trump đã phát biểu rằng liên minh Nhật - Mỹ buộc Mỹ phải bảo vệ Nhật Bản là không công bằng. “Nếu Nhật Bản bị tấn công, chúng ta phải ngay lập tức giúp đỡ họ” và “nếu chúng ta bị tấn công, Nhật Bản không cần phải giúp chúng ta”. “Đó là một hiệp ước công bằng chăng?”[3].

Trump đã làm dấy lên lo lắng ở Tokyo và các nước khác của khu vực Châu Á Thái Bình Dương với những phát ngôn trong chiến dịch bầu cử bao gồm cam kết làm cho các đồng minh phải chi phí nhiều hơn cho an ninh do các lực lượng Mỹ cung cấp và phản đối thỏa thuận thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) [4].

Thực tế là mặc dù nhiều vấn đề đang được thảo luận ở cả hai bên Thái Bình Dương, động thái của chính quyền Trump đối với Nhật Bản diễn ra như thế nào vẫn là một câu hỏi mở. Phản ứng quá mạnh mẽ cho mỗi sự phát triển mới không phải là một cách làm tốt nhất. Dường như vào lúc này, chính sách chờ đợi thận trọng là một ý tưởng khôn ngoan.

Hà Hậu, Viện Đông Bắc Á

[1], [2]Can the Japan-US Alliance Survive the Trump Presidency?

http://www.nippon.com/en/currents/d00313/

[3] Japan-U.S. security alliance not fair, Donald Trump says

http://www.japantimes.co.jp/news/2015/08/27/national/politics-diplomacy/japan-u-s-security-alliance-not-fair-donald-trump-says/#.WRwUetSLQ_4

[4] Japan PM aims to strengthen U.S. alliance under President Trump

http://www.reuters.com/article/us-usa-trump-japan-idUSKBN1540E6

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn