GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

VÀI NÉT THÚ VỊ VỀ THÀNH NGỮ TRONG TIẾNG NHẬT

Đăng ngày: 14-06-2017, 01:11

Khi học về ngôn ngữ của một quốc gia, chúng ta sẽ lý giải được sâu sắc hơn về tính cách con người cũng như nền văn hóa của quốc gia ấy. Đối với người yêu thích văn hóa và con người Nhật Bản, việc học tiếng Nhật là một bước quan trọng. Đặc biệt, việc hiểu và nắm bắt được ý nghĩa  các câu thành ngữ trong tiếng Nhật cũng là một điều rất tốt trong quá trình luyện nhuần nhuyễn tiếng Nhật. Theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học - Nhà xuất bản Đà Nẵng-1977: “Thành ngữ là tập hợp từ cố định đã quen dùng mà nghĩa của nó thường không thể giải thích được một cách đơn giản bằng nghĩa của các từ tạo nên nó”. Cũng giống như thành ngữ tiếng Việt, thành ngữ trong tiếng Nhật thường sử dụng cách nói hàm ý, phương pháp so sánh cũng như lối diễn đạt sắc bén để người nghe hiểu được ý nghĩa muốn truyền đạt, và tất nhiên cũng không thể giải thích nghĩa một cách đơn giản từ nghĩa các từ tạo nên nó. Trong quá trình học tiếng Nhật và thành ngữ tiếng Nhật, người học có thể nhận ra cách diễn đạt sử dụng động vật để minh họa cho ý nghĩa của thành ngữ tiếng Nhật khá phổ biến. Ngoài ra còn cách nói sử dụng các yếu tố trong tự nhiên như mưa, gió, núi… cách nói sử dụng các bộ phận cơ thể như tay, mặt… Chúng ta có thể phân loại thành ngữ tiếng Nhật theo cách diễn đạt như sau:

1. Cách diễn đạt sử dụng động vật:  Trong thành ngữ tiếng Nhật, không khó để bắt gặp cách diễn đạt sử dụng động vật nhằm giúp người đọc dễ liên tưởng, làm rõ hơn ý nghĩa của thành ngữ, ví dụ như câu馬には乗ってみよ人には添うてみよ. Thành ngữ này có nghĩa là ngựa thử cưỡi, người thử kết hôn mới biết được chính xác như thế nào, không nên phán đoán khi chỉ nhìn bên ngoài, cũng giống “Ở trong chăn mới biết chăn có rận” của Việt Nam. Cùng việc sử dụng ngựa để minh họa cho ý nghĩa thành ngữ, ta có 生き馬の目をぬく, đây là cách nói hơi cường điệu nhằm tạo cảm giác mạnh, tức là “bứt mắt ngựa đang sống”, ý nói việc làm đánh lừa người khác, khiến cho họ không còn chú ý, để tâm được việc chính, giúp mình tranh thủ đạt được mục đích. Thành ngữ  馬子にも衣装cũng rất thú vị, nguyên nghĩa là chú ngựa con cũng phải mặc quần áo, tức là ai cũng nên chăm chút ngoại hình để nhìn xinh đẹp hơn, khá giống câu “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” của Việt Nam. Thành ngữ 鶏口となるも牛後となるなかれthì hơi giống câu “Đầu gà còn hơn đuôi phượng” [1] của Việt Nam. Thành ngữ này nguyên nghĩa là làm miệng gà còn hơn làm đuôi trâu, ý nói là làm lãnh đạo ở công ty nhỏ còn hơn làm nhân viên ở công ty lớn. Ngoài ngựa và trâu, khỉ cũng hay được sử dụng trong thành ngữ, tiêu biểu như  猿に木登る, tức là dạy khỉ leo cây, một việc thừa thãi, hơi giống câu “Múa rìu qua mắt thợ” của Việt Nam. Cùng sử dụng khỉ như một cách nói hình ảnh, thành ngữ 犬猿の仲 [2] với nguyên nghĩa chỉ tình bạn giữa chó (犬) và khỉ (猿). Giữa chó và khỉ làm gì có tình bạn êm đẹp được, nên ý của thành ngữ này chỉ tình trạng quan hệ tồi tệ giữa hai người quen biết nhau, khiến người đọc liên tưởng tới câu “Cãi nhau như chó với mèo” ở Việt Nam. Thật là một cách nói gây cảm giác thú vị. Thành ngữ 鴨がねぎをしょってくる [3], tức là vịt trời cõng hành trên lưng tới, chỉ việc mình đang mong đợi lại tới mà chả cần vất vả gì, tự dưng được như ý (xuất phát từ việc vịt trời nấu với hành rất ngon, thế mà tự dưng vịt trời lại cõng hành tới với mình thì quá tuyệt vời). Thành ngữ này gần giống với “Buồn ngủ gặp chiếu manh” trong tiếng Việt.

2. Cách diễn đạt sử dụng các yếu tố, sự vật trong tự nhiên: Việc thành ngữ sử dụng các yếu tố, sự vật trong tự nhiên nhằm diễn đạt ý nghĩa khá phổ biến, trong tiếng Việt chúng ta có các thành ngữ như “Ao sâu nước cả”, “Bờ xôi ruộng mật”, “Bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”, “Đồng không mông quạnh”, “Lên thác xuống ghềnh”… Tương tự như vậy, thành ngữ tiếng Nhật cũng sử dụng rất nhiều yếu tố, sự vật trong tự nhiên.  Ví dụ như thành ngữ  隣の花は赤い, tức là hoa nhà bên cạnh màu đỏ hơn, với ý nghĩa là người ta lúc nào cũng thấy thứ người khác có tốt hơn thứ mình có, khá giống câu “Đứng núi này trông núi nọ” của Việt Nam. Rồi thành ngữ 人生山あり谷ありchỉ đời người có núi, có thung lũng, tức có lúc thế này lúc thế nọ, giống thành ngữ “Sông có khúc, người có lúc” trong tiếng Việt. Cùng sử dụng yếu tố “Núi” là thành ngữ 海のものとも山のものともつかない, tức là trở thành núi hay biển cũng không biết được, lại có nghĩa là không thể đoán trước được tương lai thế nào. Thành ngữ 風がふけば桶屋がもうかるvới nghĩa đen là gió mà thổi thì cửa hàng bán thùng gỗ lại kiếm lời, tức là dù việc có không hay thì vẫn có những hiệu ứng không ngờ tới, như gió thổi là việc không hay lắm, song với hàng bán thùng gỗ thì lại là việc hay. Thành ngữ 月夜に提灯tức đốt đèn (lồng) vào đêm trăng, chỉ việc làm thừa thãi, không cần thiết, thêm phiền hà, đêm trăng đã sáng còn đi đốt đèn, rất giống “Chở củi về rừng” ở Việt Nam. Có thành ngữ lại sử dụng yếu tố “cây” và “rừng”, 木を見て森を見ず, nghĩa đen là thấy cây mà không thấy rừng, ý nói người chỉ quan tâm tới việc nhỏ mà bỏ qua mất việc lớn trước mắt. Sử dụng yếu tố “Lửa”, người Nhật có thành ngữ 火中の栗を拾う, tức là nhặt hạt dẻ trong đống lửa, chỉ việc hướng tới nguy hiểm vì người khác, hay còn có nghĩa là tự dưng lại mua việc rắc rối vào người mà chả được ích lợi gì cho mình, tương tự thành ngữ “Mua dây buộc mình” ở Việt Nam. Ở Nhật còn có một thành ngữ rất thú vị, thường dùng vào dịp năm mới, đó là 一富士 二鷹 三なすび、tức là thứ nhất núi Phú Sĩ, thứ nhì chim ưng, thứ ba quả cà, đó là khi nằm mơ giấc mơ đầu tiên trong năm mới, mơ thấy núi Phú Sĩ là mọi việc sẽ may mắn nhất, tiếp theo mơ thấy chim ưng là may mắn nhì, còn mơ thấy quả cà (ở Nhật là quả cà tím) là may mắn thứ ba. Ngoài ra, còn rất nhiều thành ngữ rất hay, sử dụng các yếu tố, sự vật tự nhiên khác.

3. Cách diễn đạt sử dụng các bộ phận cơ thể: Số lượng thành ngữ sử dụng các bộ phận cơ thể để diễn đạt, nhấn mạnh ý nghĩa khá đông đảo, tiêu biểu như 口も八丁手も八丁, tức miệng và tay đều khá, chỉ những người làm vừa giỏi mà nói năng cũng khéo léo, tóm lại là được cả đôi đường. Cũng sử dụng “tay” là thành ngữ 両手に花、nghĩa đen là hai tay đều có hoa, nghĩa bóng là người đàn ông may mắn, thân thiết được một lúc với hai người phụ nữ đẹp. Thành ngữ sử dụng bộ phận “chân” thì có 二足のわらじ, nghĩa đen là đôi dép rơm cho cả hai chân, còn nghĩa bóng là người có thể làm được hai công việc khác nhau hoàn toàn cùng lúc, ví dụ vừa làm họa sĩ vừa làm ca sĩ chẳng hạn. Nói về bộ phận khác như “bụng”, thành ngữ Nhật có câu 腹八分に医者いらず, tức là bụng mà 8 phút thì không cần bác sĩ, chỉ việc ăn cơm mà 8 phút xong thì không bao giờ có bệnh, thành ngữ này trực tiếp sử dụng nghĩa đen chứ không cần nghĩa bóng. Vẫn là bộ phận “bụng”, người Nhật có thành ngữ 腹は減っては戦ができぬ, ở đây nghĩa đen cũng được sử dụng tới chứ không cần luận ra nghĩa bóng là gì, đó là bụng mà đói thì không thể chiến đấu, tương tự “Có thực mới vực được đạo” của tiếng Việt. . Thậm chí cả bộ phận cơ thể của động vật cũng được sử dụng, khi nói một người rất bận rộn, họ nói bận tới mức mà muốn 猫の手も借りたい , tức là bận tới mức muốn mượn tay của cả con mèo nữa để làm xong được việc. Hay khi muốn nói nhà chật chội quá, người ta dí dỏm đùa rằng nhà tôi chỉ rộng bằng 猫の額tức là bằng cái trán của con mèo thôi. Thành ngữ 羊頭をかかげて狗肉を売る[4] thì rất giống thành ngữ “Treo đầu dê, bán thịt chó” ở Việt Nam, vì nghĩa đen của nó cũng chính là chỉ việc bị lừa, nhìn bên ngoài một kiểu nhưng khi mua hàng về mới biết không được như quảng cáo.

Qua tìm hiểu thành ngữ trong tiếng Nhật, chúng ta nhận thấy chúng có những điểm tương đồng với thành ngữ tiếng Việt, nhiều thành công vừa đọc ta đã liên tưởng tới một thành ngữ tiếng Việt có ý nghĩa gần giống. Điều này rất thú vị và tạo động lực cho các học viên đang học tiếng Nhật và tìm hiểu văn hóa Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh hai nước Việt- Nhật đang có mối quan hệ tốt đẹp và tiến tới hợp tác bền vững trong tương lai.

Nguyễn Ngọc Phương Trang, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] http://e-cadao.com/tieuluan/cadaodongdao/gavacadaotucngu.htm

[2] Sakura Momoko, Lớp học Kotowaza của Chibimaruko chan, Nxb Shueisha, Nhật Bản, 2010, tr. 46.

[3] Sakura Momoko, Lớp học Kotowaza của Chibimaruko chan, Nxb Shueisha, Nhật Bản, 2010, tr. 39.

[4] Sakura Momoko, Lớp học Kotowaza của Chibimaruko chan, Nxb Shueisha, Nhật Bản, 2010, tr. 145

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1) Sakura Momoko, Lớp học Kotowaza của Chibimaruko chan, Nxb Shueisha, Nhật Bản, 2010.

2) http://e-cadao.com/tieuluan/cadaodongdao/gavacadaotucngu.htm

3)http://www.coviet.vn/diendan/showthread.php?t=32262

4)http://kotowaza-allguide.com/

5)http://ejje.weblio.jp/

Tin tức khác

CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN
CHỮ HÁN “KIM” ĐƯỢC BÌNH CHỌN LÀ CHỮ HÁN NĂM 2024 CỦA NHẬT BẢN

Ngày 12/12, Hiệp hội Kiểm tra năng lực chữ Hán (Kanji) của Nhật Bản đã chính thức công bố chữ Hán của năm 2024 là "Kim" (金). Đây là lần thứ năm t ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Tuy nhiên, vấn đề này không đơn giản. Về các “giả thuyết” mà Higashino đã đề cập ở trên, nghiên cứu tiếp theo của của Takayuki Tanaka trong cuốn “U ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Điểm mấu chốt ở đây là bối cảnh các chuyến viếng thăm của các tăng sư như Phật Triết. Tại đây có câu chuyện lịch sử thú vị liên quan đến các sứ thầ ...

GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...
GÓC NHÌN MỚI VỀ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC CỔ NHẬT BẢN DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KỶ NGUYÊN 50 NĂM QUA ...

Cách thời điểm kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam đúng 10 năm, vào mùa hè (từ ngày 7/7 đến 22/9) năm 2013, nhân kỷ niệm 40 năm t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn