GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

HỢP TÁC NHẬT BẢN – VIỆT NAM VỀ AN NINH TRÊN BIỂN

Đăng ngày: 3-08-2017, 10:32

Trung Quốc tiếp tục thay đổi hiện trạng trên Biển Đông

Ngày 23/7, Trung Quốc tuyên bố mở rạp chiếu phim trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc kiểm soát, và coi đây là một phần trong "nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự" ở Biển Đông. Việc Trung Quốc xây dựng và đưa vào sử dụng rạp chiếu phim trên đảo Phú Lâm đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế. Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc xây rạp chiếu phim ở Phú Lâm không thể làm thay đổi được chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo.

Về vấn đề này, trang báo mạng Sankei Nhật Bản viết rằng trong buổi đầu tiên, phim tài liệu về các nhân vật lãnh đạo địa phương đã được trình chiếu cho khoảng hơn 200 người dân và quân nhân sống trên đảo. Đây là bộ phim tuyên truyền của giới chính quyền ông Tập Cận Bình.

Bộ ngoại giao Trung Quốc cho rằng không có vấn đề gì lớn đối với việc xây rạp chiếu phim trên lãnh thổ của quốc gia mình. Nhưng vấn đề là lãnh thổ mà Trung Quốc nói không được cộng đồng quốc tế công nhận. Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đã bị Trung Quốc chiếm đóng toàn bộ năm 1974.

Trung Quốc tự vẽ đường 9 đoạn gần như bao trọn Biển Đông và cho rằng họ có quyền lịch sử trong toàn bộ khu vực này. Liên quan đến vấn đề này, bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài tại La Haye (Hà Lan), Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các cứ điểm trên Biển Đông. Vùng biển này là tuyến đường giao thương quan trọng, không thể chấp nhận những hành vi đe dọa tự do hàng hải. Các quốc gia, kể cả những nước ngoài khu vực như Nhật Bản, yêu cầu quán triệt tính thượng tôn pháp luật là đương nhiên.

Thế nhưng, Trung Quốc có thái độ giải quyết vấn đề lãnh thổ trên Biển Đông bằng cách đối thoại với các nước đương sự trong khu vực thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines. Trung Quốc vừa kêu gọi đàm phán với các nước đương sự, vừa từng bước tạo sự đã rồi để kiểm soát hoàn toàn tại thực địa. Việc xây rạp chiếu phim là phương thức thay đổi hiện trạng của Trung Quốc. Cần nhớ rằng Trung Quốc đang kéo dài thời gian thỏa hiệp để từng bước kiểm soát hoàn toàn Biển Đông[1].

Trước đây, năm 2012, Trung Quốc thành lập thành phố cấp chính phủ Tam Sa trên đảo Phú Lâm nhằm quản lý ba quần đảo trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trên các đảo này có khoảng 1000 dân sinh sống, các cơ sở hạ tầng như thư viện, sân thể thao, khu xử lý nước ô nhiễm,.. cũng được xây dựng. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng coi đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển

Trong tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có những thay đổi lớn, Nhật Bản nỗ lực hướng tới việc đảm bảo được sự hòa bình và phồn vinh của khu vực, trong đó, Nhật Bản coi trọng việc thắt chặt mối quan hệ và đồng hành cùng các nước ASEAN. Thủ tướng Abe sau khi trở lại cầm quyền lần thứ hai, chuyến công du nước ngoài đầu tiên từ ngày 16-18 tháng 1 năm 2013 là tới ba nước Việt Nam, Thái Lan và Indonexia. Chỉ trong năm 2013, Thủ tướng Abe đã đi thăm toàn bộ 10 nước Đông Nam Á. Ông đưa ra 5 nguyên tắc còn gọi là học thuyết Abe, trong đó đáng chú ý là cùng với các thành viên ASEAN bảo đảm sao cho các vùng biển mở và tự do được quản trị bằng pháp luật và quy định chứ không phải bằng vũ lực[2].

Trên tinh thần đó, trong những năm gần đây, mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không chỉ giới hạn trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế đầu tư mà còn mở rộng sang lĩnh vực an ninh quốc phòng. Điều này được thể hiện một phần qua thiện chí của Nhật Bản giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển.

Tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng là một trong những nội dung được quan tâm trong các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong thời gian qua. Cụ thể chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 9 năm 2015 đã đem lại nhiều nét mới trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Trong dịp này, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và an toàn trên biển, cũng như tìm kiếm cứu nạn và đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và cướp biển.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng phòng vệ Nhật Bản Nakatani Gen vào tháng 11 năm 2015, hai bên đã nhất trí tăng cường nâng cao hiệu quả cơ chế đối thoại. Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa các quân chủng của lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội nhân dân Việt Nam, hai bên khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về an toàn hàng hải nhằm đáp ứng nhu cầu về nâng cao năng lực cho các cơ quan chấp pháp biển của Việt Nam[3].

Ngày 27 tháng 5 năm 2016, tại hội nghị thượng đỉnh G7 các nước công nghiệp phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra quan điểm của Việt Nam về những chủ đề ưu tiên trong chương trình nghị sự của Hội nghị G7 mở rộng. Trong đó có việc đảm bảo an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Trong buổi hội đàm sau đó với Thủ tướng Shinzo Abe, hai bên nhất trí duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao và tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc năm 2017, hai bên đã ra Tuyên bố chung về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản. Tuyên bố tiếp tục khẳng định tăng cường hợp tác về an ninh, an toàn hàng hải như cứu hộ, cứu nạn, chống cướp biển thông qua trao đổi thông tin giữa các cơ quan bảo vệ bờ biển và hợp tác trong khuôn khổ Hiệp định hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp tàu có vũ trang ở châu Á (ReCAAP). Thủ tướng Shinzo Abe cam kết hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực lực lượng thực thi pháp luật trên biển, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản trong việc nâng cao năng lực lực lượng thực thi pháp luật trên biển bao gồm việc cung cấp tàu đã qua sử dụng, tàu tuần tra mới và hỗ trợ xây dựng năng lực quốc phòng và hoan nghênh các tàu của Lực lượng Phòng vệ trên biển và tàu tuần tra của Cục Bảo an trên biển Nhật Bản vào thăm Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam[4].

Năm 2015, Nhật Bản hoàn tất việc chuyển giao 06 tàu đã qua sử dụng cho hải quân Việt Nam và trong chuyến thăm của Thủ tướng Abe đến Việt Nam đầu năm 2017, Nhật Bản quyết định cung cấp cho Việt Nam 6 tàu tuần tra mới, tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực của lực lượng thực thi pháp luật trên biển, cụ thể hóa hoạt động hợp tác của các cơ quan thực thi pháp luật trên biển.

Không chỉ là những tuyên bố, các chuyến thăm Việt Nam của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản trong thời gian qua là hoạt động nổi bật trong hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước. Tháng 4 năm 2015, hai tàu huấn luyện thuộc lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản gồm 500 thành viên đã cập cảng Đà Nẵng. Tháng 4 năm 2016, tàu hộ vệ JS Ariake-109 và tàu hộ vệ JS Setogiri-156 cùng 500 sĩ quan thủy thủ đã cập cảng quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Qua các chuyến thăm này hai bên đã trao đổi kinh nghiệm về chống cướp biển và huấn luyện chung về tìm kiếm cứu nạn trên biển, nâng cao nghiệp vụ trong lĩnh vực đảm bảo an ninh hàng hải và thực thi nhiệm vụ an ninh trên biển.

Ngày 16/6/2017, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản và cảnh sát biển Việt Nam tiến hành cuộc diễn tập chung đầu tiên nhằm đối phó với nạn đánh bắt trái phép trên Biển Đông. Cuộc diễn tập được tổ chức ngoài khơi Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam. Tham gia cuộc diễn tập có tàu tuần tra Echigo của Nhật Bản và một tàu tuần tra mà Nhật Bản đã tặng cho phía Việt Nam 2 năm trước. Quan chức Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản Adachi Motonari cho biết giới chức hải quân hai nước sẽ hợp tác để đối phó với tất cả nguy cơ nhằm bảo đảm các vùng biển mở, ổn định và tự do, đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực[5].

Thủ tướng Abe muốn tăng cường quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, đặc biệt là vấn đề an ninh trên biển. Ngoài việc hỗ trợ về phần cứng như bàn giao tàu tuần tra cho Việt Nam, Nhật Bản cũng hỗ trợ về phần mềm như đào tạo, huấn luyện lực lượng cảnh sát biển. Tới đây, Hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN sẽ nhóm họp tại Philippines có sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ, vấn đề Biển Đông sẽ là một chủ đề quan trọng của Hội nghị.

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]南シナ海に映画館 中国流「拡張術」の象徴だ

http://www.sankei.com/column/news/170731/clm1707310001-n1.html

[2]Lê Hoàng Anh, Điểm lại chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á qua các đời thủ tướng

Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, số 8 năm 2014, tr.22

[3]VTV4, Japan Link - 29/05/2016

https://www.youtube.com/watch?v=GUdyPIH689c&index=1&list=PLQ9ujV_whCP2TKxk0VzErDAfFBptYjEU2

[4]Tuyên bố chung 2017 về việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản

[5]Việt Nam – Nhật Bản lần đầu tập trận trên Biển Đông

http://www.biendong.net/bi-n-nong/15222-viet-nam-nhat-ban-lan-dau-tap-tran-tren-bien-dong.html

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn