GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

XUNG QUANH VIỆC CẢI TỔ NỘI CÁC CỦA THỦ TƯỚNG SHINZO ABE

Đăng ngày: 7-08-2017, 07:56

Trong bối cảnh dân chúng giảm lòng tin vào chính phủ do những bê bối liên quan đến các thành viên Nội các, ngày 3 tháng 8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiến hành cải tổ Nội các nhằm khôi phục uy tín của chính quyền. Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Abe tiến hành cải tổ Nội các kể từ khi ông trở lại cầm quyền lần thứ 2 vào cuối năm 2012. Hai lần trước là vào tháng 9 năm 2014 và tháng 8 năm 2016.

Bối cảnh cải tổ Nội các

Cuộc cải tổ diễn ra trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe suy giảm mạnh. Sự tín nhiệm của người dân đối với Nội các của ông Abe  giảm xuống mức thấp chưa từng có kể từ khi ông trở lại cầm quyền. Theo điều tra trong tháng 7, lần đầu tiên trong khoảng 2 năm tỷ lệ không ủng hộ đã vượt quá tỷ lệ ủng hộ. So với tháng 6, tỉ lệ ủng hộ trong tháng 7 giảm 13 điểm xuống 35%, trong khi tỉ lệ không ủng hộ tăng 12 điểm lên 48%[1].

Tỉ lệ ủng hộ chính quyền ông Shinzo Abe giảm bắt nguồn từ những bê bối liên quan đến bản thân Thủ tướng và các thành viên Nội các. Trước hết là vấn đề liên quan đến Học viện Moritomo khi cơ quan này được cho là đã mua một mảnh đất thuộc sở hữu nhà nước ở Osaka, phía Tây Nhật Bản, với giá thấp hơn nhiều mức định giá. Vợ ông Abe, bà Akie Abe được cơ cấu là hiệu trưởng danh dự. Tiếp đó là vụ việc liên quan đến những cáo buộc rằng Thủ tướng Shinzo Abe đã giúp đỡ một cách không phù hợp việc xúc tiến mở khoa thú y tại Học viện Kakei. Trường học này vốn là do một người bạn thân của Thủ tướng Shinzo Abe kinh doanh.

Về các thành niên Nội các, Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản trước cuộc cải tổ là bà Inada Tomomi bị cáo buộc đã đồng ý che giấu sự thực rằng sở chỉ huy của Lực lượng Phòng vệ Trên bộ (GSDF) lưu giữ các hồ sơ liên quan đến hoạt động gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan. Ngoài ra, trong thời gian diễn ra tranh cử Hội đồng nhân dân Tokyo, bà Inada vận động các cử tri bỏ phiếu cho một ứng cử viên của Đảng Dân chủ Tự do (LDP). Điều này trái với Luật của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cấm nhân viên của Bộ này có các hoạt động liên quan đến chính trị. Những bê bối này khiến bà Inada buộc phải từ chức trước ngày cải tổ Nội các ngày 3 tháng 8.

Trước bà Inada, tháng 4 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tái thiết Imamura Masayoshi có phát ngôn rằng may mắn là thảm họa động đất và sóng thần hồi năm 2011 đã xảy ra ở khu vực Đông Bắc chứ không phải ở khu vực Tokyo. Dù sau đó ông đã có lời xin lỗi công khai nhưng người dân vùng bị thảm họa vẫn cảm thấy bị tổn thương nghiêm trọng và ông cũng buộc phải rời khỏi chức vụ.

Đồng thời, đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đã chịu thất bại đáng kể trong các cuộc bầu cử hội đồng thành phố Tokyo hồi đầu tháng 7. Trước cuộc bầu cử, Đảng Dân chủ Tự do với Thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu là đảng lớn nhất với 57 ghế, nhưng hiện nay chỉ còn giữ 23 ghế. Kết quả lần này thể hiện sự bất bình mạnh mẽ của cử tri đối với đảng của Thủ tướng Abe. Việc chính quyền của Thủ tướng Abe không đưa ra được lời giải thích đầy đủ về các vấn đề mà người dân quan tâm, cùng với việc Bộ trưởng Phòng vệ Inada Tomomi có phát biểu gây hiểu lầm đã ảnh hưởng lớn tới đảng Dân chủ Tự do, khiến đảng này có kết quả tệ nhất từ trước tới nay trong cuộc bầu cử Hội đồng Thủ đô.

Một số nghị sỹ đảng Dân chủ Tự do bày tỏ lo ngại rằng điều này có thể dẫn tới tình hình giống như 8 năm trước. Khi đó đảng đối lập đã lên nắm quyền, do đảng Dân chủ Tự do không nhận được sự ủng hộ của cử tri sau khi thất bại trong cuộc bầu cử Hội đồng Thủ đô Tokyo. Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Thị trưởng thành phố Sendai, phía Bắc Nhật Bản, ứng cử viên được đảng Dân chủ Tự do hậu thuẫn cũng đã thất bại.

Những bê bối, thất bại này là bước lùi lớn đối với Thủ tướng Abe và ngày càng gây khó khăn cho Nội các của ông. Các đảng đối lập tăng cường gây áp lực đòi ông Abe phải từ chức. Trong tình hình đó, Thủ tướng Abe cải tổ Nội các để người dân tin tưởng hơn vào chính quyền, tạo sự ổn định, đoàn kết vượt qua những trở ngại từ các đảng đối lập, tiếp tục thực hiện các mục tiêu cả ở trong nước và quốc tế mà ông đã đề ra.

Nội các mới của Thủ tướng Shinzo Abe

Chính quyền Thủ tướng Abe thành lập Nội các mới với kỳ vọng đây là tập thể chú trọng đến kết quả, công việc là trên hết và có thể tạo ra nhiều động lực. Trong danh sách Nội các mới, một số vị trí chủ chốt không thay đổi, ông Aso Taro giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính và ông Suga Yoshihide giữ chức Chánh Văn phòng Nội các. Đáng chú ý là sự thay đổi ở vị trí Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng ngoại giao. Người đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng ngoại giao là nghị sỹ kì cựu Taro Kono, sinh năm 1963, nguyên là Bộ trưởng đảm nhiệm cải cách hành chính kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn Công cộng Quốc gia. Ông Taro từng giữ các chức vụ Phó Tổng thư ký LDP, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban kiểm tra hành chính tài chính Hạ viện Nhật Bản và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại LDP. Ông Taro Kono được cho là người có tưởng dung hòa thiên về các lợi ích kinh tế, xã hội trong nước.

Vị trí Bộ trưởng Quốc phòng thuộc về ông Itsunori Onodera, sinh năm 1960, người từng đảm nhiệm chức vụ này từ năm 2012-2014. Ông có đóng góp trong quyết định thay tên “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” bằng “Ba nguyên tắc chuyển giao thiết bị phòng vệ” hay Hướng dẫn hợp tác Phòng vệ Nhật–Mỹ,… Ông Itsunori Onodera cũng được xem là người có tư tưởng ôn hòa. Dường như như ông Abe hy vọng ông Onodera sẽ lấy lại tín nhiệm cho Bộ này nhờ kinh nghiệm về chính sách an ninh.

Ngoại trưởng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Fumio Kishida được chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của Đảng LDP. Ông Kishida, sinh năm 1957, là người tham gia Nội các từ thời điểm ông Abe nhận chức thủ tướng lần 2 vào năm 2012 và được coi là nhân vật số 2 trong chính phủ. Khi bà Inada Tomomi từ chức, ông Kishida giao kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, ông Kishida vẫn rút lui khỏi Nội các để đảm nhiệm cương vị mới và người ta đồn đoán rằng đây là bước chuẩn bị để kế nhiệm ông Abe làm chủ tịch đảng LDP. Sau nhiều năm tham gia Nội các và có tư tưởng ôn hòa, ông Kishida nhận được sự ủng hộ lớn trong đảng. Ngoài ra, với vai trò là trưởng một phái trong đảng thuộc LDP với 45 ghế nghị sỹ, ông Kishida càng có thêm cơ hội cạnh tranh giành ghế chủ tịch LDP trong cuộc bầu cử dự kiến vào cuối tháng 8 năm 2018[2].

Bộ trưởng Nội vụ là bà Noda Seiko, người 2 năm trước từng có ý định cạnh tranh với thủ tướng đương nhiệm để trở thành lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do và dường như giữ khoảng cách với ông Abe từ đó. Động thái này được xem như nỗ lực của ông Abe nhằm mở rộng đối tượng thành viên của đảng vào nội các[3].

Như vậy, khung chính quyền vẫn được duy trì, ngoài vị trí Chánh văn phòng Nội các và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính trong Nội các, vị trí Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do của ông Toshihiro Nikai được giữ nguyên, thể hiện sự tiếp nối và phù hợp. So với Nội các 1 năm trước đây khi tuổi trung bình thấp hơn và chỉ có 2 người từng vào Nội các, thể hiện ông Abe coi trọng kinh nghiệm, lựa chọn sự ổn định và tránh sự mạo hiểm.

Những thách thức mà Thủ tướng Abe sẽ phải đối mặt trong thời gian tới

Có thể thấy rằng cải tổ Nội các không có nghĩa là giải quyết ngay được mọi vấn đề, chính quyền Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới. Thứ nhất, Thủ tướng Shinzo Abe và Nội các mới phải cố gắng giải quyết triệt để hai bê bối liên quan đến Học viện Morimoto và Học viện Kakei. Thủ tướng Abe đã chấp nhận bị chất vấn bên ngoài phiên họp thông thường của Quốc hội. Đây là việc hiếm khi xảy ra, cho thấy một cách rõ nét nỗ lực của Thủ tướng Abe trong việc giành lại niềm tin của công chúng. Tới đây, Thủ tướng Abe cùng tân Bộ trưởng Giáo dục Văn hóa Khoa học Yoshimasa Hayashi sẽ phải có trách nhiệm giải thích rõ về các vấn đề này.

Thứ hai, ổn định kinh tế gắn liền với sức mạnh của chính quyền nên cần ưu tiên khôi phục sức mạnh kinh tế. Hiện nay, kinh tế Nhật Bản vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề như lạm phát còn xa với mục tiêu 2% đã được đề ra, nợ công không bền vững trong khi mục tiêu tăng lợi nhuận doanh nghiệp để tăng lương cơ bản không hoàn thành[4]. Cải tổ Nội các lần này, Thủ tướng Abe xác định phục hồi kinh tế là ưu tiên hàng đầu, chính sách Abenomics cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Mục tiêu chống giảm phát ông đưa ra từ khi nhậm chức lần 2 mới đi được nửa quãng đường. Kinh tế hồi phục còn chậm và chưa đạt được quĩ đạo tăng trưởng ổn định[5]. Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, Bộ trưởng Kinh tế Công nghiệp Hiroshige Seko, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Lao động Phúc lợi Xã hội Katsunobu Kato sẽ phải phối hợp chặt chẽ để thực hiện những mục tiêu này.

Thứ ba là khắc phục những hậu quả do thiên tai như thảm họa sóng thần từ ngày 11/3/2011 vẫn để di chứng đến hiện nay và tiến trình tái thiết bị chỉ trích là chậm chạp. Động đất tại Kumamoto tháng 4/2016 có cường độ 7 theo thang đo từ 0 đến 7 của Nhật Bản đã tàn phá nặng nề, khiến 50 người thiệt mạng, lở đất xảy ra tại nhiều nơi trong tỉnh. Đơn cử như làng Minamiaso là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, cơ sở hạ tầng vẫn chưa được xây dựng lại. Và gần đây là thiệt hại do mưa lớn ở phía bắc vùng Kyushu vào đầu tháng 7 vừa qua làm hàng chục người chết, hàng trăm nghìn người phải đi sơ tán, nhiều nơi giao thông tê liệt khiến chính phủ Nhật Bản phải huy động lực lượng cứu hộ lớn để hỗ trợ.

Thứ tư là những vấn đề chính trị-ngoại giao. Nhật Bản phải phát huy sức mạnh ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên, đặc biệt trong thời gian gần đây chính quyền Kim Jong-un đã thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Nhật Bản và cả lòng tin vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ. Cần phải xóa bỏ sự bất an trong người dân Nhật Bản hiện nay. Bên cạnh đó, tăng cường quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Donal Trump, ứng phó trước Trung Quốc đang đẩy mạnh ảnh hưởng trên cả lĩnh vực kinh tế và quân sự, cải thiện quan hệ với chính quyền Moon Jae-in ở Hàn Quốc là những khó khăn trước mắt của Nội các mới.

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]内閣支持率(NHK世論調査)

http://www.nhk.or.jp/senkyo/shijiritsu/

[2]Cuộc cải tổ Nội các lần ba của Nhật Bản

Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 04-08-2017, tr.7-8

[3]「内閣改造 イメージの刷新は?」

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/300/276871.html

[4]Trần Quang Minh, Kinh tế Nhật Bản năm 2016 và triển vọng

Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á số 6 năm 2017, tr.28

[5]安倍内閣改造 「経済最優先」で原点回帰せよ

http://www.yomiuri.co.jp/editorial/20170803-OYT1T50125.html?from=yartcl_popin

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn