GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

DƯ LUẬN NHẬT BẢN VỀ VỤ THỬ HẠT NHÂN LẦN THỨ 6 CỦA TRIỀU TIÊN

Đăng ngày: 8-09-2017, 03:50

Ngày 3 tháng 9 vừa qua, Triều Tiên đã tiến hành thử nghiệm vụ nổ hạt nhân lần thứ 6 tại khu thử hạt nhân Punggye-ri và là lần đầu tiên kể từ khi tổng thống Donal Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Những dữ liệu cho thấy vụ nổ lần này mạnh hơn rất nhiều so với các vụ nổ hạt nhân trước đó. Với cường độ và sức công phá của vụ nổ vượt mức 100 kiloton, các chuyên gia nhận định có thể Triều Tiên đã thử nghiệm bom nhiệt hạch. Trong buổi nói chuyện với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á,  đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam cũng nói rằng nước này đã thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch có thể gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)[1].

Điều đáng chú ý lần này là qui mô của vụ nổ. Phân tích cho thấy uy lực lần này gấp hơn 10 lần so với các vụ nổ trước đây. Trong thử nghiệm vào tháng 1 năm 2016, Triều Tiên đã tuyên bố thành công thử nghiệm bom nhiệt hạch nhưng qui mô vụ nổ bé. Lần này có thể đúng là bom nhiệt hạch và nếu Triều Tiên thực sự bước vào giai đoạn có thể gắn bom nhiệt hạch lên ICBM thì sẽ là mối đe dọa lớn đối với Mỹ.

Ngay sau vụ thử hạt nhân này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu rằng cộng đồng quốc tế, trong đó có Nhật Bản, nhiều lần kêu gọi Triều Tiên nghiêm túc tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, lên án các hành vi khiêu khích, bao gồm việc liên tiếp thử hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo, cũng như kêu gọi Triều Tiên từ bỏ các loại vũ khí này. Vụ thử hạt nhân này là mối đe dọa nghiêm trọng và cận kề đối với an ninh của Nhật Bản. Mối đe dọa này đã ở một mức độ mới, gây tổn hại mạnh mẽ cho hòa bình và an ninh của khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Đây rõ ràng là sự tiếp tục vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là thách thức quốc tế  nghiêm trọng nhằm giảm trừ quân bị cũng như không phổ biến hạt nhân. Nhật Bản kiên quyết phê phán và phản đối kịch liệt Triều Tiên[2].

Nguy cơ Triều Tiên tấn công xung điện từ

Ngoài ra, điều đáng chú ý là lần đầu tiên Triều Tiên đề cập tới “tấn công xung điện từ”. Bom hạt nhân gắn trên tên lửa được cho nổ trên không trung, sóng xung điện cường độ lớn phá hủy mạng lưới thông tin, điện lực trên mặt đất, khiến thành phố bị tê liệt. Thực tế, loại vũ khí này phát nổ ở ngoài tầng khí quyển nên không cần phải có kỹ thuật hồi quyển, dễ chế tạo hơn so với ICBM. Dường như Triều Tiên muốn kiềm chế Mỹ bằng cách phát triển tấn công hạt nhân dạng này.

Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên, ngày 3/9 chủ tịch Kim Jong-un đã đi thị sát và khi nói về loại bom nhiệt hạch mới có thể gắn trên đầu đạn hạt nhân của tên lửa xuyên lục địa ICBM, ông đã đề cập đến tấn công xung điện từ (EMP). Đây là hình thức đe dọa mới với Nhật-Mỹ-Hàn bằng cách kích nổ đầu đạn hạt nhân ở độ cao cách mặt đất hàng trăm km, khiến mạng lưới phòng thủ của đối phương tê liệt.

Về bom nhiệt hạch, Hãng thông tấn khẳng định rằng không chỉ phát huy sức công phá, sát thương lớn, làm nổ đầu đạn trên cao thích ứng với mục tiêu chiến lược, sức nóng của đầu đạn hạt nhân được chuyển hóa có thể tấn công xung điện cường độ cao tới khu vực rộng lớn.

Chuyên gia tên lửa Mỹ đã viết trên báo rằng qua các cuộc điều tra có thể xác nhận sự thực là năm 2004, Triều Tiên đã sở hữu kỹ thuật EPM của Nga. Khả năng cao Triều Tiên sẽ sử dụng đầu đạn tạo xung điện từ làm biện pháp tấn công đầu tiên hơn là trực tiếp bằng tên lửa.

Đạn đạo tấn công xung điện phát nổ trên cao nên không cần phải đạt được kỹ thuật hồi quyển. Kỹ thuật hồi quyển được xem là một rào cản cuối cùng trong việc hoàn thành ICBM của Triều Tiên, nhưng hiện tại có thể tham chiến mà không cần kỹ thuật này.

Giả sử tên lửa đạn đạo tầm ngắn có đầu đạn hạt nhân thu nhỏ được bắn đi, sau đó kích nổ trên bầu trời miền trung Hàn Quốc sẽ phá hủy thiết bị điện tử và cơ sở hạ tầng như trạm điện lực trên phạm vi rộng, bao gồm cả thủ đô Seoul. Dù không gây ra thiệt hại về người nhưng tấn công xung điện từ có thể vô hiệu hóa mạng lưới phòng thủ tên lửa Mỹ-Hàn hiện nay. Nhật-Mỹ-Hàn đang đứng trước mối đe dọa mới đòi hỏi phải xem xét lại kỹ càng hệ thống phòng thủ tên lửa[3].

Phòng vệ xung điện từ của Nhật Bản còn yếu

Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Triều Tiên đã thành công trong việc thu nhỏ đầu đạn hạt nhân. Nếu đúng như vậy, có khả năng Rocket mang vệ tinh nhân tạo hoặc tên lửa đạn đạo có thể bay qua vùng trời Nhật Bản và cho phát nổ ngay trên không gian của Nhật Bản. Thực tế đã chứng minh Triều Tiên có thể bắn tên lửa bay qua Nhật Bản như thế nào trong vụ thử nghiệm ngày 28 tháng 8 vừa qua.

Mỹ, Nga và Trung Quốc đều được coi là sở hữu sức mạnh tấn công xung điện từ, kể cả khả năng sử dụng phương pháp không dùng phát nổ hạt nhân. Ngoài 3 quốc gia trên, Đài Loan và Hàn Quốc vốn e ngại Triều Tiên, Trung Quốc cũng đang phát triển biện pháp phòng vệ như xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự.

Liên quan đến lĩnh vực này, trang báo mạng Sankei nhận định Nhật Bản đang chậm hơn các nước khác. Viện nghiên cứu trang thiết bị điện tử của Bộ phòng vệ, nơi đảm trách nghiên cứu triển khai chiến lược điện tử từng lo lắng chức năng chỉ huy phối hợp của lực lượng phòng vệ sẽ bị vô hiệu hóa khi bị tấn công xung điện từ và cơ quan này bắt đầu tiến hành tìm hiểu phương hướng công nghệ phòng vệ trong mùa thu này. Thế nhưng, nội dung về nghiên cứu mối đe dọa tấn công, hiện thực hóa công nghệ kỹ thuật phòng vệ chỉ dừng ở mức độ thảo luận cơ bản. Một quan chức trong ngành hiểu rõ về ảnh hưởng của xung điện từ đến trang thiết bị phòng vệ cảnh báo rằng Nhật Bản không sẵn sàng cho khả năng bị tấn công xung điện từ, và thực trạng toàn xã hội không có sự chuẩn bị phòng vệ này là vô cùng nguy hiểm[4].

Vấn đề tăng cường trừng phạt Triều Tiên sẽ đi đến đâu

Tại hội nghị khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc diễn ra sau vụ nổ, đại sứ các nước dù có cách thể hiện khác nhau nhưng tất cả đều kịch liệt phê phán vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên. Thông điệp trước hết mà Hội đồng Bảo an đưa ra một cách rõ ràng là yêu cầu Triều Tiên dừng ngay chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.

Song vấn đề là làm thế nào tăng cường áp lực với Triều Tiên dường như không muốn lắng tai nghe. Nhật-Mỹ cho rằng cần nhanh chóng đưa ra nghị quyết trừng phạt mới nhằm tăng cường áp lực với Triều Tiên. Về vấn đề này, đáng chú ý là có hay không sự hợp tác Nga-Trung đang không muốn phá vỡ tình hình thận trọng trong việc gia tăng trừng phạt.

Trong bản dự thảo nghị quyết, Mỹ muốn thực hiện biện pháp cấm cung cấp dầu lửa cho Triều Tiên, cắt đứt nguồn thu ngoại tệ, hạn chế mạnh hơn nữa việc tiếp nhận lao động Triều Tiên tại nước ngoài. Thế nhưng Nga-Trung, hai quốc gia tiếp nhận nhiều lao động Triều Tiên và xuất khẩu dầu mỏ sang nước này có quan điểm tiêu cực là những trừng phạt này không những không liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà làm cho tình hình thêm hỗn loạn. Thậm chí, hai nước Nga-Trung yêu cầu Mỹ mở lại đối thoại với Triều Tiên và coi đối thoại và đàm phán là con đường duy nhất để giải quyết vấn đề.

Tổng thống Trump coi đối thoại không phải là biện pháp giải quyết, ông muốn tăng cường gây áp lực trên phương diện kinh tế và quân sự. Ông đề cập đến việc dừng trao đổi thương mại với các quốc gia có quan hệ kinh tế với Triều Tiên, bao hàm ý kiềm chế Trung Quốc. Mặt khác không loại trừ khả năng điều này khiến Triều Tiên tiếp tục có hành động khiêu khích hơn nữa. Có sự khác biệt giữa quan điểm Nhật-Mỹ và Trung-Nga, thời gian và biện pháp để giải quyết bằng ngoại giao đang ngày càng thu hẹp[5].

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]Buổi nói chuyện của Đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam ở Viện nghiên cứu Đông Bắc Á ngày 8/9/2017.

[2]首相が声明「北朝鮮断じて容認できず」

https://www3.nhk.or.jp/news/html/20170903/k10011124911000.html?utm_int=detail_contents_news-related-auto_001

[3]北「電磁パルス攻撃」も可能と主張 日米韓防衛網を無力化

http://www.sankei.com/world/amp/170903/wor1709030041-a.html

[4]「電磁パルス攻撃」の脅威 上空の核爆発で日本全土が機能不全に

http://www.sankei.com/premium/news/170827/prm1708270021-n1.html

[5]「対北朝鮮"圧力強化"の行方は?」

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/300/278942.html

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn