GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CHỨC NĂNG QUYỀN HẠN CỦA NỀN TỰ TRỊ ĐỊA PHƯƠNG NHẬT BẢN

Đăng ngày: 27-09-2017, 02:59

Ở hầu như tất cả các nước trên thế giới, chính quyền nhà nước trên thực tế chia thành chính quyền trung ương và chính quyền địa phương. Dù đa dạng và khác biệt, pháp luật về tổ chức hành chính của các quốc gia trên thế giới đều dành phần quan tâm lớn nhất đến các địa phương và lo điều chỉnh mối quan hệ giữa trung ương - địa phương. Mức độ phân cấp, phân quyền có khác biệt tùy thuộc vào những đặc thù kinh tế, địa lý, xã hội của từng quốc gia. Ở nhiều nước, tự trị địa phương đã phát triển đến trình độ cao. Một trong số đó phải kể đến nền tự trị địa phương ở Nhật Bản. Nền chính trị Nhật Bản được thành lập dựa trên nền tảng của một thể chế quân chủ lập hiến và cộng hòa đại nghị (hay chính thể quân chủ đại nghị), dựa trên đó nền tự trị địa phương được phát triển. Đối với Nhật Bản, nền tự trị địa phương rất được quan tâm, từ năm 1947, Hiến pháp Nhật Bản đã dành hẳn một chương (Chương 8: Chính quyền địa phương) để nói về tự trị địa phương. Bài viết dưới đây sẽ làm rõ hơn về cơ cấu tổ chức và chức năng quyền hạn của nền tự trị địa phương ở Nhật Bản

1.  Cơ cấu tổ chức

1.1. Phân cấp chính quyền địa phương

Tổ chức chính quyền địa phương tại Nhật Bản được phân làm hai nhóm: (1) chính quyền địa phương thông thường (普通地方自治体, nghĩa là chính quyền địa phương hai cấp, gồm cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương và cấp thị trấn- làng xã thuộc tỉnh); (2) chính quyền địa phương đặc biệt (特別地方自治体, nghĩa là chính quyền địa phương ở 23 quận thủ đô Tokyo và các công đoàn).

Chính quyền địa phương thông thường: Hệ thống chính quyền địa phương hiện tại của Nhật Bản được duy trì theo hai cấp: Cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương (1 To- 都, 1 Do- 道, 2 Fu- 府, 43 Ken- 県- gọi chung là cấp tỉnh) và cấp quận thành phố thuộc tỉnh- thị trấn- làng xã thuộc tỉnh (669 Shi- 市, 1993 Cho- 町, 570 Son- 村- gọi chung là cấp cơ sở).

Với cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương, sự khác nhau trong tên gọi To都, Do道,  Fu府, Ken県là do yếu tố lịch sử. Về chức năng, chúng có chức năng như nhau, cụ thể: (1) Quyết định những vấn đề liên quan đến địa phương, chuẩn bị kế hoạch phát triển với các vùng dân cư, núi, sông hồ; (2) Quyết định những vấn đề đảm bảo tính thống nhất trong cả nước như duy trì công tác giáo dục đào tạo, giáo dục bắt buộc trong  nhà trường đảm bảo mức chuẩn mực quốc gia, quản lý đều hành lực lượng an ninh; (3) Quyết định những vấn đề liên quan đến việc liên kết, hợp tác giữa các cấp cơ sở, cầu nối quan trọng trong mối quan hệ giữa chính phủ trung ương với cấp cơ sở; (4) Quyết định những vấn đề vượt quá mức khả năng của cấp cơ sở hoặc cấp cơ sở không thể đưa ra mức giải quyết chính xác như việc thành lập và duy trì các trường đại học, trung học, phòng thí nghiệm cao cấp, bảo tàng quốc gia[1].

Với cấp cơ sở, đây là cấp quản lý cơ bản của vùng dân cư địa phương, quản lý những vấn đề trong vùng địa phương đó. Cấp cơ sở bao gồm: thành phố thuộc tỉnh (Shi市), và thị trấn- làng xã (Cho-町và Son-村). Với thành phố thuộc tỉnh (Shi-市), có  diểu kiện bắt buộc để trở thành thành phố thuộc tỉnh: (1) Dân số nhiều hơn 50.000 người, (2) Hơn 60% dân số sống ở thành thị, (3) Hơn 60% dân số hoạt động trong các ngành như thương mại, công nghiệp, dịch vụ ở thành thị. Với cấp thị trấn- làng xã (Cho-町và Son- 村), luật từng tỉnh sẽ quy định điều kiện để trở thành theo luật của riêng mình. So sánh cơ cấu tổ chức giữa thành phố thuộc tỉnh và thị trấn- làng xã có sự khác nhau cơ bản đó là thành phố thuộc tỉnh có số lượng thành viên hội đồng nhiều hơn và có yêu cầu bắt buộc đối với việc thành lập các cơ quan phúc lợi xã hội.

Chính quyền địa phương đặc biệt: Chính quyền địa phương đặc biệt bao gồm chính quyền ở 23 quận của thủ đô Tokyo và các công đoàn. Tổ chức và chức năng của chính quyền địa phương đặc biệt giống như chính quyền địa phương của các thành phố thuộc tỉnh (Shi-市). Sở dĩ phân riêng thành chính quyền địa phương đặc biệt bởi cơ cấu chính quyền của thủ đô Tokyo chia thành 23 quận hoạt động ngang bằng, mỗi quận lại đáp ứng đủ điều kiện để trở thành  một thành phố thuộc tỉnh.

Với chính quyền ở 23 quận của thủ đô Tokyo, tổ chức và chức năng giống như ở các thành phố thuộc tỉnh.Với các công đoàn, bao gồm cơ quan hợp tác của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý tài sản công. Các cơ quan của chính quyền địa phương được lập ra nhằm phối hợp thực hiện nhiệm vụ của cấp tỉnh và cấp cơ sở. Có 4 loại cơ quan hợp tác của chính quyền địa phương, bao gồm: (1) Cơ quan hợp tác từng bộ phận, (2) Cơ quan giải quyết các công việc mang tính hợp tác của các quan chức địa phương đã đề ra, (3)  Cơ quan phối hợp thực hiện quản lý hành chính, (4) Cơ quan hợp tác thúc đẩy giải quyết công việc liên quan đến công quyền. Cơ quan quản lý tài sản công thuộc cơ quan công quyền ở địa phương, được thành lập để quản lý các tài sản đặc biệt (sông ngòi, kênh tưới nước, suối nước khoáng,...)

1.2. Cơ quan quản lý

Cơ quan quản lý của tự trị địa phương do người lãnh đạo cơ quan hành chính (地方公共団体の首長) và nghị hội (議決機関) đảm nhiệm quản lý.

Người lãnh đạo cơ quan hành chính: Người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương còn được gọi là người đại diện cơ quan hành pháp (với cơ quan hành chính cấp tỉnh, được gọi là tỉnh trưởng, với cơ quan hành chính cấp cơ sở, được gọi là chủ tịch thành phố, chủ tịch thị trấn,…) là người được bầu cử trược tiếp từ cư dân địa phương, có nhiệm kì 4 năm. Với vị trí thành viên của Hội đồng cấp To (都- Cấp tỉnh) số lượng tối đa là 130 người; đối với cấp Do (道), Fu (府), Ken (県) số lượng từ 30 đến 100 người trong trường hợp thành phố thuộc tỉnh (Shi-市) và đối với trường hợp ở quận, thị trấn (町), làng (村) số lượng từ 12 đến 30 người. Theo Luật, người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương không thể đồng thời là đại biểu Quốc hội, đứng đầu cơ quan hành chính địa phương khác, đứng đầu nghị hội tại địa phương đó, công chức; bị cấm tham gia vào các mối quan hệ hợp đồng với các cơ quan địa phương hoặc giám đốc công ty, trừ trường hợp công ty được Chính phủ thành lập[2].

Người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương có quyền: ban hành các quy định để giải quyết vấn đề địa phương; chuẩn bị kế hoạch và thực hiện ngân sách; quy định về mức thuế và thu thuế; quy định vềlệ phí, xử phạt hành chính; kiểm kê, quản lý, hủy bỏ các vấn đề tài sản; thành lập tổ chức hoạt động và hủy bỏ việc sử dụng các phương tiện công cộng; đệ trình các vấn đề liên quan đến tài khoản, thống kê, xin ý kiến hội đồng. Tùy theo quy định của địa phương mà cơ quan bổ trợ cho người đứng đầu có thể là một hoặc nhiều cấp phó hoặc kế toán. Người đứng đầu cơ quan hành chính có quyền giải tán nghị hội, phủ quyết với những quyết định của nghị hội.

Người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương có thể bị bãi nhiệm trước thời hạn nếu không đủ tư cách để bầu cử hoặc hội đồng bầu cử không tín nhiệm hoặc bị phản đối bởi cư dân. Việc bãi nhiệm này được thực hiện bởi nghị hội. Ngược lại, người đứng đầu cơ quan hành chính có quyền giải tán nghị hội, phủ quyết với những quyết định của nghị hội.

Nghị hội: Nghị hội được thành lập với tư cách là cơ quan lập pháp, có quyền ban hành luật ở từng địa phương, quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương, giải quyết ngân sách.

Nghị hội của các địa phương bao gồm các thành viên được bầu cử trực tiếp bởi người dân địa phương với quy định rõ ràng về số lượng, độ tuổi, thời gian bầu cử. Theo số liệu từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (日本国総務省) thống kê năm 2009 cho ra các số liệu như sau: Đại diện đắc cử vào vị trí chủ tịch Nghị hội cấp Tỉnh là 1 người; số tuổi được phép tham gia ứng cử là trên 30 tuổi (trên 25 tuổi nếu là người dân ở địa phương đó); thời gian bầu cử là trong 17 ngày. Đối với vị trí chủ tịch Nghị hội cấp Thị trấn, làng cũng chọn ra 1 đại diện, độ tuổi ứng cử là trên 25 tuổi (hoặc trên 20 tuổi nếu là người dân thuộc địa phương đó). Thời gian diễn ra bầu cử tại thành phố được chỉ định là 14 ngày, tại thị trấn là 7 ngày, tại làng xã là 5 ngày. Với vị trí thành viên của Nghị hội cấp To (都- Cấp Tỉnh) số lượng tối đa là 130 người; đối với cấp Do (道), Fu (府), Ken (県) số lượng từ 30 đến 100 người. Trong trường hợp thành phố thuộc tỉnh (Shi -市 ) và đối với trường hợp ở quận, thị trấn (町), làng (村) số lượng từ 12 đến 30 người. Số lượng thành viên trong thực thế được quy định không được đạt quá mức giới hạn trên song được phép ít hơn giới hạn dưới theo số lượng đã quy định ở trên. Thời gian bầu cử cho các vị trí thành viên của Nghị hội là từ 5 ngày đến 9 ngày[3]. Nhiệm kỳ của Nghị hội là 4 năm.

Theo Luật, một thành viên của nghị hội không thể đồng thời là đại biểu Quốc hội, thuộc cơ quan hành chính địa phương khác, bị cấm tham gia vào các mối quan hệ hợp đồng với các cơ quan địa phương hoặc giám đốc công ty, trừ trường hợp công ty được Chính phủ thành lập. Người đứng đầu nghị hội thì không được đồng thời là người đứng đầu cơ quan hành pháp của địa phương đó. Nghị hội có người đứng đầu, cấp phó và các ủy viên, chia thành 3 ban để giải quyết các vấn đề giữa các kì họp: ủy ban thường trực, ủy ban điều hành và ủy ban đặc biệt.

Quyền lực của Nghị hội bao gồm: quyền lực giải quyết vụ việc và các quyền lực khác. Quyền lực giải quyết vụ việc là quyền lực quyết định những vấn đề liên quan đến địa phương như: ban hành, sửa đổi, hủy luật địa phương; thiết lập ngân sách; quy định các vấn đề tài chính; quy định vấn đề về thuế, mức giá thuế, quy định về hợp đồng hành chính; các vấn đề liên quan đến đầu tư, phương tiện thanh toán, chuyển nhượng hoặc cho thuê tài sản công. Quyền lực khác của Nghị hội bao gồm quyền điều tra, quyền báo cáo thu chi,... ngoài ra, Nghị hội còn có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương.

Hoạt động của Nghị hội: Nghị hội có phiên họp thường kì và đặc biệt. Họp thường kì được tổ chức 4 lần  năm, thời gian họp được quy định bởi từng địa phương; các phiên họp đặc biệt được họp bất kì khi nào cần thiết. Quyền triệu tập họp thuộc về người đứng đầu, tuy nhiên nếu trên 1/4 số thành viên Nghị hội có yêu cầu họp thì buộc người đứng đầu phải triệu tập họp dù có muốn hay không.

1.3. Mối quan hệ giữa các cơ quan trong tự trị địa phương và với chính quyền trung ương

- Mối quan hệ giữa người đứng đầu chính quyền địa phương và nghị hội:

Người đứng đầu chính quyền địa phương và nghị hội thực hiện nhiệm vụ một cách bình đẳng, độc lập, kiềm chế, cân bằng. Về cơ bản người đứng đầu chính quyền địa phương là cơ quan thi hành quyền lực, nghị hội là cơ quan biểu quyết. Mỗi cơ quan thực hiện nhiệm vụ riêng của mình theo quy định về quyền cụ thể. Nếu có sự khác nhau về mặt quan điểm, ý kiến giữa hai bên thì sẽ được giải quyết bằng biện pháp thương lượng, được gọi là “ xem xét lại nghị quyết của nghị hội” và “nghị quyết về bất tín nhiệm và giải thể nghị hội”.

“Xem xét lại nghị quyết hội đồng” là thủ tục mà trong đó người đứng đầu cơ quan hành pháp chính quyền địa phương trả lại nghị quyết của Nghị hội do có sự phản đối về vấn đề liên quan đến ban hành, sửa đổi và hủy bỏ luật địa phương hoặc liên quan đến ngân sách yêu cầu phải xem xét lại. “Nghị quyết về bất tín nhiệm và giải thể nghị hội” là việc xem xét lại mức độ tín nhiệm đối với nghị hội, trong trường hợp bất tín nhiệm sẽ đi đến giải thể nghị hội cũ.

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CHỨC NĂNG QUYỀN HẠN CỦA NỀN TỰ TRỊ ĐỊA PHƯƠNG NHẬT BẢN

Sơ đồ hóa mối quan hệ giữa 2 cơ quan của địa phương

Tóm lại, chính quyền tự trị địa phương ở Nhật Bản hoạt động thành hai nhóm: chính quyền địa phương thông thường (普通地方自治体, nghĩa là chính quyền địa phương hai cấp, gồm cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương và cấp thị trấn- làng xã thuộc tỉnh); và chính quyền địa phương đặc biệt ( 特別地方自治体, nghĩa là chính quyền địa phương ở 23 quận thủ đô Tokyo và các công đoàn). Ở mỗi nhóm lại gồm có 2 cơ quan quản lý: Cơ quan quản lý của tự trị địa phương do người lãnh đạo cơ quan hành chính (地方公共団体の首長) và nghị hội (議決機関) . Hai cơ quan hoạt động độc lập, bình đẳng, có mối quan hệ kiềm chế, cân bằng với nhau.

- Mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương:

Chính quyền địa phương được thành lập bởi chính quyền trung ương, tuy nhiên, chúng lại là những cơ quan tự trị và không phụ thuộc trực tiếp vào chính quyền trung ương. Bởi vậy, có thể nói, mối quan hệ giữa chính quyền địa phương và chính quyền trung ương được xây dựng trên nguyên tắc hợp tác, bổ trợ nhau. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo mức can thiệp tối thiểu của chính quyền trung ương đối với việc quản lý ở chính quyền địa phương, ví dụ như việc duy trì sự thống nhất của hoạt động hành chính, không được vượt quá giới hạn lập pháp. Chính quyền trung ương duy trì can thiệp tối thiểu vào chính quyền địa phương thông qua các văn bản pháp lý chính thức.

Chính quyền địa phương tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống thường ngày của cộng đồng. Chính quyền trung ương tập trung giải quyết các vấn đề vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cính quyền địa phương. Ví dụ: chính quyền trung ương chịu trách nhiệm về hỗ trợ tài chính, đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa các vùng, chịu trách nhiệm chỉ đạo giám sát chính sách ấy, chính quyền địa phương chịu trách nhiệm  điều khiển hoạt động địa phương theo hướng của chính phủ, tuy nhiên, cách thức đi như thế nào thì địa phương có quyền tự quyết định.

Tóm lại, chính quyền địa phương và chính quyền trung ương Nhật Bản được xây dựng theo nguyên tắc hợp tác, bổ trợ lẫn nhau. Mặc dù chính quyền địa phương được xây dụng từ chính quyền trung ương, tuy nhiên, theo cơ chế tự trị địa phương, chính quyền trung ương không tham gia quá nhiều vào chính sách của từng địa phương mà chỉ giữ mức can thiệp thối thiểu, định hướng hướng đi của địa phương.

2.  Chức năng và quyền hạn

2.1 Chức năng (nhiệm vụ) của chính quyền địa phương

Tự trị địa phương biểu thị quyền và nghĩa vụ của chính quyền địa phương trong giới hạn của luật pháp, để quản lí và tổ chức cung ứng các dịch vụ công theo đúng trách nhiệm của mình và vì lợi ích người dân địa phương. Theo quy định của Luật tự trị địa phương năm 1947, chức năng của các chính quyền địa phương gồm 3 loại:

Một là những công việc cố hữu (固有- koyuu) của các chính quyền địa phương nhằm phục vụ đời sống hằng ngày của người dân (hay còn được gọi là nhiệm vụ cố hữu của địa phương). Công việc này được gọi là tự trị (自治事務- jichi jimu) do bản thân các chính quyền tự tiến hành quản lý công việc chung của địa phương.

Điều 94 Hiến pháp Nhật Bản quy định: “Chính quyền địa phương được trao quyền trong quản lý tài sản của địa phương, thực thi các công việc, quản trị hành chính và ban hành các quy định của mình phù hợp với các quy định của pháp luật”. Ngoài ra trong Luật tự trị địa phương điều 149 và 155, chương II cũng quy định rất rõ về chức năng này.

Bảng thể hiện các công việc cố hữu của chính quyền địa phương

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CHỨC NĂNG QUYỀN HẠN CỦA NỀN TỰ TRỊ ĐỊA PHƯƠNG NHẬT BẢN

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CHỨC NĂNG QUYỀN HẠN CỦA NỀN TỰ TRỊ ĐỊA PHƯƠNG NHẬT BẢN

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CHỨC NĂNG QUYỀN HẠN CỦA NỀN TỰ TRỊ ĐỊA PHƯƠNG NHẬT BẢN

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CHỨC NĂNG QUYỀN HẠN CỦA NỀN TỰ TRỊ ĐỊA PHƯƠNG NHẬT BẢN

Hai là những công việc được ủy thác theo pháp luật (法定受託事務-hotei jutaku jimu) là công việc nhà nước ủy thác cho địa phương kèm theo các quy định cả về nội dung lẫn biện pháp thực thi như cuộc bầu cử quốc gia, cấp hộ chiếu, văn phòng đăng ký gia đình, phúc lợi, đất nước theo một văn phòng thống kê nào đó.Loại chức năng này còn được gọi là nhiệm vụ ủy nhiệm cho đoàn thể.Ví dụ như trong việc tổ chức bầu cử quốc hội, nhà nước đề ra các chính sách và hoạt động để các chính quyền địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo cho việc tiến hành bầu cử diễn ra thuận lợi và minh bạch cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân.

Tuy nhiên, đối với những công việc này các chính quyền địa phương được quyền từ chối công việc đó nếu thấy nó có những sai sót hoặc ảnh hưởng tới địa phương mình (Luật tự trị địa phương điều 154 chương II quy định: “Các tổ chức công cộng ở hai chính quyền địa phương khi xử lý các quy định của cơ quan hành chính thuộc về công tác quản lý nếu tìm thấy một sự vi phạm các quy định hoặc quy tắc nào, thì có thể hủy bỏ việc xử lý hoặc ngăn chặn nó). Điều này cũng được quy định trong điều 95, Hiến pháp Nhật Bản: “Quốc hội không thể thông qua một đạo luật để áp dụng cho một địa phương nếu đa số cử tri của địa phương đó không chấp thuận”.

Ví dụ như, xây dựng cơ sở hạ tầng, sân bay, cầu cảng cần tầm nhìn toàn quốc, nhưng việc triển khai thực hiện được tiến hành ở địa phương và phụ thuộc vào quyết định của cử tri địa phương. Địa phương có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của nhà nước khi tiến hành xây dựng trên lãnh thổ của địa phương. Nếu như chính quyền địa phương đồng ý thì chính phủ cũng phải chấp nhận thay đổi một số điều khoản hay cách thức tiến hành phù hợp với tiêu chí của chính quyền cũng như nguyện vọng của người dân địa phương đó.

Ba là những công việc được nhà nước ủy thác cho chính quyền địa phương mà địa phương không có quyền từ chối (hay còn gọi là nhiệm vụ ủy nhiệm cho cơ quan). “Nhiệm vụ ủy nhiệm cho cơ quan” là cơ chế coi cơ quan chấp hành của chính quyền địa phương (người đứng đầu chính quyền địa phương các cấp) là cơ quan của nhà nước và được ủy nhiệm thực thi nhiệm vụ của nhà nước.

Đây là cơ cấu mà nhờ đó cán bộ không cần thiết lập cơ quan trung ương tại địa phương nhưng vẫn có thể tạo ra và mở rộng các nhiệm vụ được coi là quan trọng, yêu cầu các địa phương thực hiện. Chế độ này có lợi cho chính quyền trung ương nhưng lại hạn chế sự tự trị của địa phương. Nó đặt người đứng đầu các chính quyền địa phương – những người lãnh đạo chính trị của địa phương- thành cấp dưới của các bộ trưởng và khiến họ phải gánh vác vai trò kép có tính mâu thuẫn (vừa gánh vác trách nhiệm với người dân địa phương, vừa phải gánh trách nhiệm đối với chính phủ). Hơn nữa, việc giám sát nhiệm vụ ủy nhiệm cho cơ quan của các bộ được thực hiện bởi những thông tư dưới hình thức mệnh lệnh chỉ huy trong nội bộ tổ chức hành chính và chính những phương pháp kiểm soát hoạt động của chính quyền địa phương mà không căn cứ vào luật, mệnh lệnh của Nội các cụ thể như vậy đã hạn chế phần nào quyền lập pháp độc lập của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, chắc chắn rằng việc duy trì cơ quan thực hiện nhiệm vụ ủy nhiệm cần khá nhiều kinh phí, nên việc địa phương phải gánh một phần chi phí nào đó là điều không tránh khỏi. Vì vậy mà sự tự trị về tài chính cũng bị hạn chế.

Bảng số liệu dưới đây cho thấy rõ sự can thiệp của nhà nước vào các nhiệm vụ của địa phương:

CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ CHỨC NĂNG QUYỀN HẠN CỦA NỀN TỰ TRỊ ĐỊA PHƯƠNG NHẬT BẢN

(1): can thiệp mang tính quyền lực

(2): can thiệp không mang tính quyền lực

 

Từ bảng số liệu cho thấy sự can thiệp của chính phủ vào hoạt động của chính quyền địa phương. Như vậy sẽ không đảm bảo được quyền tự trị cho địa phương thao quy định của Hiến pháp và Luật tự trị địa phương. Vì vậy, chính phủ Nhật Bản cần có những chính sách cụ thể để giải quyết vấn đề trên để đảm bảo quyền lợi cho người dân và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.

 

2.2 Quyền hạn của chính quyền địa phương

Chính quyền địa phương trong chế độ tự trị có các quyền chính sau: quyền chế định văn bản và quyền tự trị lập pháp.

Quyền chế định văn bản dưới luật (条例制定権- jorei seitei-ken) là quyền ban hành các văn bản dưới luật không vi phạm pháp luật và không xung đột với các quy định pháp luật, ngoại trừ các vấn đề ngoại giao và quốc phòng. Tuy nhiên, văn bản của chính quyền địa phương không có nội dung riêng biệt, mà chủ yếu là cụ thể hóa các văn bản của nhà nước, giúp cho người dân có thể hiểu và nắm vững các chính sách của nhà nước. Các thành viên của nghị viện địa phương, trong phạm vi pháp luật được xác định bởi chính phủ, được quyền nộp lệnh phù hợp với những vấn đề và hoàn cảnh khu vực. Nếu được thông qua, nó sẽ được ban hành, thi hành và mở rộng phạm vi thậm chí có thể làm thành pháp lệnh, được áp dụng rộng rãi trên cả nước[10]. Tuy nhiên, điều này sẽ gây ra sự phân biệt đối xử đối với các địa phương theo vùng và sự tranh giành giữa các địa phương trên cả nước.

Quyền tự trị lập pháp (自治立法権- jichi rippo-ken) là quyền soạn thảo văn bản dưới luật quy định hình phạt nhất định với một phạm vi nào đó. Điều 94 trong Hiến pháp Nhật Bản quy định, chính quyền địa phương có quyền ban hành các quy định quy tắc phù hợp với địa phương và đảm bảo quyền lợi của người dân (quyền lập pháp độc lập). Các quy định nêu trong Hiến pháp được quy định cụ thể trong Luật tự trị địa phương về quyền lập pháp độc lập của chính quyền địa phương dựa trên các quy định của nhà nước. Điều 117 khoản 1 (Luật tự trị địa phương)quy định “các tổ chức chính quyền địa phương được quyền soạn thảo các văn bản luật nhằm trừng phạt các công việc liên quan đến phúc lợi của người dân, quản lý tài sản của địa phương”. Trong Điều 14 khoản 2, đối với những những vi phạm các quy định trừ những vấn đề được quy định đặc biệt trong các luật, thì sẽ phải chịu hai năm tù giam hoặc tù chung thân, nộp 1 triệu yên tiền phạt, nhẹ hơn thì có thể bị giam cầm và chịu xử phạt dân sự không quá 200000 yên. Ngoài ra mức độ vi phạm quá nặng có thể phải chịu xử lý hình sự.

 

Chính quyền địa phương trong chế độ tự trị địa phương ở Nhật Bản có một số quyền hạn và chức năng nhất định trong việc điều hành và quản lý địa phương. Nhờ đó, với trách nhiệm của mình, các chính quyền địa phương có thể thi hành các chính sách cụ thể nhằm phát triển kinh tế địa phương, phục vụ lợi ích của người dân. Tuy nhiên, sự hoạt động của các chính quyền địa phương vẫn còn vấp phải một số sự kìm hãm và giám sát của nhà nước. Vì vậy, chính phủ Nhật Bản cần phải tiến hành các biện pháp cải cách tiến bộ để giảm bớt quyền hạn của mình vào công việc của các địa phương, nâng cao sự tự chủ cho người dân.

KẾT LUẬN

Tự trị địa phương là một đặc điểm nổi bật trong nền chính trị của Nhật Bản thể hiện được tính tự quản của nhân dân trong các vấn đề ở địa phương mình. Thông qua việc hình thành các cơ quan quản lý ở địa phương đã thể hiện được rõ vai trò của nhân dân trong việc thực hiện quyền quản lý của mình cũng như tính dân chủ hóa được đề cao. Ngoài ra mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý ở địa phương cũng như mỗi quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương đều dựa trên những nguyên tắc độc lập, công bằng và có sự bổ trợ lẫn nhau nhằm hạn chế sự nắm giữ quyền lực cho một cơ quan nhất định.

Hoàng Thị Phương Hoa, K59 Nhật Bản học, khoa Đông phương học, trường ĐHKHXH & NV

[1] Phạm Hồng Quang, Tạp chí Luật học số 5/2004, tr 61 - 62

[2] Phạm Văn Điểm- Tổ chức nhà nước số 3/2005, tr 38

[3] [日本の地方自治その現状と課題], 日本国総務省,2009年

[4] http://www.jpss.jp/vi/life/crisis/6

[5] Thống kê của国税庁năm 2004

[6] Dương Hồng Nhung, “Tìm hiểu hệ thống thuế Nhật Bản”, Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, 2001

[7] An Nhiên, “Sáu năm sau thảm họa động đất sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản”, Báo Công an nhân dân, ngày 11/3/2017

[8] Năm tài chính là tổ chức phân loại thu nhập và chi tiêu của các tổ chức công cộng và các công ty tư nhân, (một thời gian nhất định, được cung cấp để làm rõ tình hình một loại tài chính nào đó)

[9] Nhiệm vụ hỗn dung là nhiệm vụ mà nhà nước tiến hành can thiệp ở cả nhiệm vụ ủy quyền cho cơ quan và nhiệm vụ ủy nhiệm cho đoàn thể

[10] 朝日新聞 ngày 11/4/2007


 

 


Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn