GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

VỀ VỤ BẮN TÊN LỬA XUYÊN LỤC ĐỊA CỦA TRIỀU TIÊN NGÀY 29/11

Đăng ngày: 5-12-2017, 15:25

Sau hai tháng không động tĩnh, ngày 29/11, Triều Tiên tiến hành thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có tên Hỏa tinh 15. Tên lửa được bắn theo quĩ đạo bắn bổng (Lofted) sau đó rơi xuống vùng biển Nhật Bản tiếp giáp tỉnh Aomori. Truyền thông Triều Tiên tuyên bố tên lửa Hỏa tinh 15 là tên lửa liên lục địa mạnh nhất từ trước đến nay, mang theo đầu đạn siêu lớn, đã bay 950km trong 53 phút và đạt độ cao 4.475km. Hỏa tinh 15 là tên lửa cải tiến của Hỏa tinh 14. Theo các chuyên gia, nếu được bắn theo góc tiêu chuẩn (thay vì theo quĩ đạo bắn bổng như đã thực hiện), Hỏa tinh 15 có thể đạt tầm bắn hơn 13.000km[1]. Trong trường hợp này, theo lý thuyết, toàn bộ lãnh thổ Mỹ, bao gồm cả thủ đô Washington sẽ nằm trong tầm bắn của tên lửa.

Phát biểu trong cuộc họp Ủy ban Phòng vệ-Ngoại giao Thượng viện ngày 5/12 vừa qua, Bộ trưởng Phòng vệ Onodera Itsunori xác nhận tên lửa bắn ngày 29/11 là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa kiểu mới, khác với loại xuyên lục địa được bắn 2 lần trước đó trong tháng 7. Phân tích những hình ảnh được công bố, tên lửa có thể mang đầu đạn có khối lượng nặng và tầm bắn hơn 10.000km. Với tầm bắn này, tên lửa có khả năng vươn tới lãnh thổ nước Mỹ[2].

Nhìn lại những lần thử nghiệm trước đó, tên lửa ICBM đầu tiên của Triều Tiên bắn ngày 4/7 được cho là bay 39 phút, độ cao tối đa đạt được là 2.802km và bay xa 933km. Tiếp đó, Hỏa tinh 14 bắn ngày 28/7 bay khoảng 47 phút, độ cao tối đa 3.724km, cự ly bay khoảng 998km. Theo các nhà phân tích, tên lửa này khả năng bay xa khoảng hơn 10.000km và như vậy bờ Tây nước Mỹ nằm trong tầm bắn[3].

Qua lần bắn này, có thể thấy kỹ thuật tên lửa của Triều Tiên có sự tiến bộ rõ rệt theo thời gian. Sau vụ thử nghiệm, chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố rằng cuối cùng công cuộc lịch sử trở thành quốc gia có sức mạnh hạt nhân đã thành hiện thực. Điều này có ý nghĩa Triều Tiên có khả năng tấn công thủ đô nước Mỹ. Khả năng tấn công thực sự là rất thấp, nhưng rõ ràng tiềm năng tấn công của Triều Tiên là mối đe dọa nghiêm trọng với thế giới. Triều Tiên một lần nữa cho thấy rõ tư tưởng bất chấp sự bao vây, gây sức ép của cộng đồng quốc tế, tiếp tục phát triển chương trình tên lửa hạt nhân, duy trì chế độ độc tài.

Dù vậy, các nhà chuyên môn cho rằng việc tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân để tấn công nước Mỹ được hay không vẫn chưa rõ ràng. Để hoàn thiện ICBM, cần làm rõ 3 yếu tố kỹ thuật.

Thứ nhất là tầm bắn tên lửa. Điều này được xem là đã hoàn thiện.

Thứ hai là vấn đề thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để có thể gắn lên tên lửa. Vấn đề này dường như Triều Tiên đã đạt được qua 6 lần thử hạt nhân.

Thứ ba, rào cản cuối cùng là “Kỹ thuật hồi quyển” đảm bảo tên lửa đạn đạo chịu được va chạm và nhiệt độ cao khi từ không gian vũ trụ tái xâm nhập vùng khí quyển và rơi đúng mục tiêu tấn công. Kỹ thuật này chưa hoàn thiện nhưng có quan điểm rằng đó chỉ là vấn đề thời gian. Lần bắn với quĩ đạo “Lofted” vừa qua có thể là để thực nghiệm điều này[4]. Nhưng tên lửa Hỏa tinh 15 lần này khi bắn theo quĩ đạo “Lofted” sẽ rơi xuống với độ dốc lớn, khi hồi quyển sẽ có sự ma sát nhỏ hơn so với khi bắn theo góc tiêu chuẩn.

Trong vụ thử nghiệm ngày 29/11, tên lửa được bắn đi từ thị trấn Pyongsong, cách thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 30km về phương bắc. Đây là lần đầu tiên tên lửa được bắn tại khu vực này. Trước đó, các tên lửa thường được bắn vào sáng sớm, lần bắn này vào khoảng 2 giờ 28 phút theo giờ địa phương. Thời gian và địa điểm thể hiện tuyên bố của Triều Tiên là có thể bắn tên lửa ở bất cứ nơi đâu, vào bất kỳ lúc nào. Do đó, các quốc gia khác rất khó để dự đoán và phòng ngừa. Mặt khác, việc thử nghiệm lần này diễn ra vào ban đêm là sự khác biệt, cho thấy Triều Tiền dường như e ngại muốn tránh khả năng đánh chặn của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Mỹ.

Trong hai tháng trước đó, tháng 10 có Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 11 có chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Donal Trump, Triều Tiên có lẽ đã  theo dõi kỹ những diễn biến này nhưng không thực hiện vụ bắn tên lửa nào. Có ý kiến cho rằng do Mỹ tăng cường quân sự như việc đồng thời triển khai 3 tàu hàng không mẫu hạm trên biển Nhật Bản nên Triều Tiên thận trọng và hạn chế bắn tên lửa. Nhưng cũng có quan điểm cho là việc Mỹ đưa Triều Tiên trở lại danh sách quốc gia tài trợ khủng bố là cái cớ để nước này bắn tên lửa. Song có lẽ vụ bắn tên lửa lần này được xem là dấu mốc phát triển và là kết quả của quá trình nâng cao kỹ thuật tên lửa trong thời gian không thể hiện động tĩnh gì vừa qua. Bởi lẽ, đối với Triều Tiên, hoàn thành tên lửa xuyên lục địa ICBM là mục tiêu quốc gia quan trọng nhất.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian không có hành động, những thông tin trên báo Lao động Triều Tiên cho thấy nước này vẫn nhấn mạnh ý tưởng tiếp tục triển khai chương trình tên lửa và hạt nhân. Không thể phủ nhận những tác động do thái độ của Mỹ và Trung Quốc, nhưng lần thử nghiệm tên lửa này thể hiện rõ ý đồ tiếp tục  chương trình tên lửa hạt và nhân của chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Gần đây, Triều Tiên nhiều lần nhấn mạnh khẩu hiệu “Tự lực, tự cường”. Khác với cố chủ tịch Kim Jongi-il thường dựa vào sự hỗ trợ đằng sau của Trung Quốc và Nga, chủ tịch Kim Jong-un nhất quán lập trường bảo vệ thể chế quốc gia không dựa vào viện trợ của Nga và Trung Quốc, hoàn thiện chương trình tên lửa hạt nhân bằng sức mạnh tự thân.

Trung Quốc và Nga đưa ra “phương án đóng băng kép”. Theo đó, Triều Tiên đóng băng chương trình tên lửa hạt nhân, nhưng đổi lại Mỹ-Hàn cũng đóng băng diễn tập quân sự chung. Chính quyền Hàn Quốc thể hiện sự quan tâm nhất định, song Nhật-Mỹ tỏ vẻ hoài nghi. Có thể hi vọng tạm dừng tình trạng xấu đi hiện nay nhưng nếu chỉ đóng băng khó có thể hiện thực hóa việc dừng chương trình tên lửa hạt nhân, bởi Triều Tiên đã nhiều lần phá vỡ giao ước với cộng đồng quốc tế. Triều Tiên có thực hiện đề án này hay không chưa rõ ràng[5].

Phản ứng trước vụ phóng tên lửa ngày 29/11, Thượng viện Nhật Bản ra nghị quyết kịch liệt lên án và coi hành động của Triều Tiên là vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nghị quyết tuyệt đối không chấp nhận ý đồ tiếp tục triển khai chương trình tên lửa và hạt nhân, khiêu khích cộng đồng quốc tế. Nghị quyết yêu cầu Triều Tiên tuân thủ triệt để và ngay lập tức nghị quyết của Hội đồng Bảo an về từ bỏ toàn bộ chương trình tên lửa đạn đạo, hạt nhân và thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Abe cho rằng ông tiếp tục triển khai đường lối ngoại giao từ trước đến nay, liên kết với cộng đồng quốc tế, gia tăng áp lực, yêu cầu đối thoại buộc Triều Tiên thay đổi chính sách. Sau vấn đề tên lửa và hạt nhân, quan trọng nhất là nỗ lực hết sức giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc[6].

Phan Cao Nhật Anh, Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]Những vấn đề quan trọng sau vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên

Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 01/12/2017, tr.7

[2]北朝鮮ミサイル射程は1万キロ超の可能性 防衛相

http://www3.nhk.or.jp/news/html/20171205/k10011247361000.html?utm_int=news-politics_contents_list-items_002

[3]北朝鮮「新型ICBM」は従来型と何が違うのか

http://toyokeizai.net/articles/-/199758

[4] 「北朝鮮 ICBMの脅威」

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/100/285487.html

[5]「北朝鮮 ICBMの脅威」

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/100/285487.html

[6] 参院 北朝鮮ミサイル発射への抗議決議可決

http://www3.nhk.or.jp/news/html/20171204/k10011245761000.html?utm_int=detail_contents_news-related_001

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn