GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

NHẬT BẢN VỚI NHỮNG DIỄN BIẾN TRÊN BÁN ĐẢO TRIỀU TIÊN

Đăng ngày: 19-03-2018, 08:30

Năm 2017, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên căng thẳng khiến nhiều người lo ngại chiến tranh có thể sẽ xảy ra bất kỳ lúc nào. Sang năm 2018, nhiều thay đổi mang tính tích cực đã diễn ra ngoài dự đoán của các chuyên gia. Trước hết là đối thoại liên Triều ngày 9/1 và tạo ra cơ hội tham dự Olympic Mùa đông tại PyeongChang của đoàn vận động viên thể thao Triều Tiên. Tiếp đó là đoàn đặc phái viên của Hàn Quốc do Chánh Văn phòng an ninh quốc gia Phủ Tổng thống Chung Eui-yong làm trưởng đoàn sang thăm Bình Nhưỡng và được chủ tịch Kim Jong-un đón tiếp trọng thị. Chuyến thăm của đoàn đặc phái viên Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận mang tính tích cực. Theo các phương tiện truyền thông đại chúng, cuộc gặp giữa hai bên đã có một số điểm đáng chú ý sau.

Hội nghị thượng đỉnh Nam – Bắc sẽ được tổ chức vào cuối tháng 4

Hai miền Nam-Bắc nhất trí tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba tại Ngôi nhà hòa bình vốn nằm ở phần lãnh thổ của miền Nam trong làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào cuối tháng 4. Vì mục tiêu trên, hai bên sẽ tiến hành các cuộc thảo luận cấp chuyên viên trong thời gian tới. Nếu cuộc gặp trở thành hiện thực, đây sẽ là sự kiện lịch sử khi lần đầu tiên lãnh đạo tối cao của Triều Tiên bước qua ranh giới quân sự đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc.

Nếu thể chế Triều Tiên được đảm bảo, không có lý do gì phải sở hữu vũ khí hạt nhân

Sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, Triều Tiên đã sửa đổi Hiến pháp, tự công nhận là nước sở hữu hạt nhân. Việc lần đầu tiên lãnh đạo Triều Tiên khẳng định sẵn sàng thảo luận về phi hạt nhân hóa để đổi lấy đảm bảo thể chế là điều gây ngạc nhiên với cộng đồng quốc tế.

Chuẩn bị đối thoại với Mỹ nhằm bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều và thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa

Ở đây, cụm từ quan trọng là phi hạt nhân hóa. Cho đến nay, Triều Tiên hoàn toàn không chấp nhận đối thoại về phi hạt nhân hóa. Việc chuẩn bị đối thoại với Mỹ về phi hạt nhân hóa là một bước tiến lớn có dấu hiệu tích cực. Nhưng cũng có thể đây là một cái bẫy khi khái niệm phi hạt nhân hóa mà Triều Tiên đề cập nghĩa còn chưa rõ ràng.

Cho đến khi đối thoại, không tiến hành thêm thử nghiệm hạt nhân và bắn tên lửa đạn đạo

Đây là chủ trương theo thuyết đóng băng của Nga, Trung Quốc và cả Hàn Quốc. Có nghĩa không phải bất ngờ thúc đẩy từ bỏ hạt nhân, trước hết đóng băng giữ nguyên trạng chương trình tên lửa hạt nhân, từng bước tiếp cận đối thoại với Triều Tiên. Thực tế, đây là biện pháp ứng phó tức thời nhằm làm tình hình không tồi tệ hơn.

Lý giải được việc tập trận chung Mỹ-Hàn

Triều Tiên nhiều lần yêu cầu dừng cuộc tập trận này. Việc Triều Tiên nói lý giải được cuộc diễn tập chung này được hoãn cho đến khi kết thúc Paralympic là điều ngạc nhiên. Với những gì nhìn thấy hiện nay, nội dung thỏa thuận lần này khác tình hình căng thẳng từ trước đến nay khi Triều Tiên cực lực phản đối phi hạt nhân hóa.

Cho đến nay, quan điểm của Nhật Bản đối với Triều Tiên luôn nhất quán là gây áp lực tối đa với những biện pháp trừng phạt cứng rắn. Đặc biệt, trong năm 2017 Triều Tiên hai lần bắn tên lửa bay qua vùng trời Nhật Bản, và Tokyo coi chương trình tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng là mối đe dọa nghiêm trọng ở mức độ chưa từng có. Thủ tướng Abe từng nói đối thoại chỉ để đối thoại sẽ không giải quyết được vấn đề gì.

Thỏa thuận giữa Triều Tiên và Hàn Quốc về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh và thông tin về việc tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều khiến tại Nhật Bản dấy lên mối quan ngại bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi. Hơn nữa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chấp nhận đề nghị của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về cuộc gặp thượng đỉnh mà không đòi hỏi điều kiện tiên quyết. Nhật Bản đã không được tham khảo ý kiến và hoàn toàn bất ngờ trước thông tin về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 5. Một quan chức Bộ quốc phòng Nhật Bản đã thừa nhận quyết định này “được đưa ra sau lưng Nhật Bản” và Tokyo đã bị gạt sang một bên[1].

Tokyo tỏ vẻ hoài nghi về dấu hiệu lắng dịu căng thẳng liên quan đến mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh Nhật Bản đang đối mặt với nguy cơ căng thẳng thương mại với Mỹ về mức thuế trong ngành thép và quan hệ khó khăn với Hàn Quốc về vấn đề phụ nữ mua vui. Một cựu quan chức Nhật Bản cho rằng “Hàn Quốc đã quá dễ dãi chấp nhận đề xuất của Triều Tiên về tổ chức cuộc họp song phương”.

Mỹ và Nhật Bản thiết lập liên minh an ninh từ lâu, song những lo ngại Mỹ có thể không thể đảm bảo an ninh cho Nhật Bản đã âm ỉ trong thời gian qua. Giáo sư Brad Glosserman thỉnh giảng tại Đại học Tama cho rằng “Mối lo sợ thường trực của Nhật Bản là bị gạt ra ngoài lề các cuộc đàm phán về tình trạng quan hệ với Triều Tiên. Quan ngại ở đây là ông Trump sẵn sàng cắt đứt quan hệ với Nhật Bản. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, một đồng minh châu Á quan trọng khác của Mỹ đã trở nên xấu đi kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in lên cầm quyền hồi tháng 5 năm 2018 và bày tỏ nghi ngờ về thỏa thuận “phụ nữ mua vui” mà hai nước đã đạt được vào cuối năm 2015. Hai bên nói rằng mâu thuẫn này không ảnh hưởng đến sự hợp tác về vấn đề Triều Tiên. Nhưng nếu Mỹ tiến tới các cuộc đàm phán, họ sẽ xích lại gần với Hàn Quốc hơn Nhật Bản vào thời điểm quan hệ Nhật – Hàn khá chông gai[2].

Bình luận về hội nghị Mỹ-Triều có thể sẽ diễn ra, chuyên gia cao cấp đài NHK, ông Masuda Tsuyoshi cho rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể sẽ thăm Mỹ sớm nhất là vào đầu tháng tư để họp thượng đỉnh với ông Trump. Mục tiêu cuộc họp là xác nhận phương hướng sau này và đảm bảo chính sách tương lai giữa hai nước thống nhất để Mỹ không bị kẹt vào thế phải theo Triều Tiên. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất của Mỹ là gây sức ép để Triều Tiên dừng phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới. Từ góc độ của Nhật Bản, trường hợp xấu nhất là Washington và Bình Nhưỡng trực tiếp đạt thỏa thuận về dừng phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và nhất trí tạm thời dừng chương trình hạt nhân của Triều Tiên, mà không có sự tham dự của Tokyo. Nếu điều này xảy ra, việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn không thể thực hiện. Triều Tiên vẫn nắm giữ tên lửa tầm ngắn và tầm trung có thể đe dọa Nhật Bản. Thêm vào đó, vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc cũng không được giải quyết. Việc hòa giải một cách dễ dàng hay đưa ra thỏa thuận nửa vời sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng trong tương lai. Câu hỏi là liệu Nhật Bản có thể trao đổi chặt chẽ với Mỹ và buộc Triều Tiên có hành động cụ thể để dừng chương trình hạt nhân hay không. Đây là lúc khả năng ngoại giao của Nhật Bản bị đem ra thử thách[3].

Nguyên Bộ trưởng phòng vệ Nhật Bản Moritomo Satoshi nhận định giải quyết vấn đề đảm bảo an ninh bằng đối thoại và đàm phán ngoại giao là cách thức tốt nhất. Nhưng thực tế, chưa thấy có sự thay đổi trong việc sản xuất, chuẩn bị phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên nên không thể phòng vệ và đảm bảo an ninh quốc gia chỉ bằng đối thoại và đàm phán. Theo những báo cáo gần đây, Triều Tiên đã tái triển khai sản xuất Plutonium. Cần thúc đẩy chính sách đảm bảo thực hiện biện pháp cụ thể nhằm xóa bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Nhìn vào thực tế, phản ứng của Nhật Bản tiếp tục gây sức ép tối đa và trừng phạt có lẽ sẽ  thích hợp hơn[4].

Tại buổi gặp với Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon,  thành viên đoàn đặc phái viên đã gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Abe xác nhận Nhật Bản nỗ lực hết sức nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cùng với vấn đề công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc. Ông hoan nghênh động thái của Triều Tiên tổ chức các cuộc đàm phán với tiền đề là phi hạt nhân hóa, tuy nhiên điều quan trọng là nước này cần phải có hành động cụ thể. Ông Abe kêu gọi Hàn Quốc và Mỹ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, đồng thời nhất trí hợp tác vì sự thành công của hội nghị thượng đỉnh Nam-Bắc và Mỹ-Triều[5].

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]Nhật Bản sợ bị cô lập trong vấn đề Triều Tiên

Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 14-03-2018, tr.24

[2]Hoài nghi về cơ hội hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên

Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 10-03-2018, tr.8

[3]「南北・米朝急接近!?日本政府の『警戒心』は」

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/300/291926.html

[4]巧妙な北の戦術に攻勢をかけよ

http://www.sankei.com/column/news/180313/clm1803130006-n1.html

[5]安倍首相が韓国特使と面会 「非核化前提の話し合い評価」https://www3.nhk.or.jp/news/html/20180313/k10011362811000.html?utm_int=news-politics_contents_list-items_072

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn