GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

PHẢN ỨNG NHẬT- HÀN SAU TUYÊN BỐ SẼ DỪNG CÁC CUỘC TẬP TRẬN CHUNG CỦA TỔNG THỐNG MỸ DONALD TRUMP

Đăng ngày: 19-06-2018, 08:21

Bản tuyên bố chung lịch sử được ký giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6 với mục đích cuối cùng là nhằm hướng tới giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên đã giúp cho Nhật Bản, Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung không còn phải đối mặt với nguy cơ bùng phát chiến tranh. Tuy nhiên, các nước này vẫn chưa thể yên tâm hoàn toàn trước thông báo sẽ dừng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn của Tổng thống Donald Trump.

Tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ dừng tập trận chung với Hàn Quốc. Ông Trump cho rằng đây là hoạt động rất tốn kém trong khi đó Washington phải trả phần lớn chi phí. Đồng thời ông khẳng định, đây là những cuộc tập trận quân sự mang tính khiêu khích và không thích hợp. Có thể hiểu hành động hoãn các cuộc tập trận chung của ông Trump là biểu hiện của sự nhượng bộ, là cách thể hiện thái độ thiện chí trong đàm phán, đồng thời góp phần tạo niềm tin đối với Triều Tiên, giúp Bình Nhưỡng an tâm tuyệt đối để hành động hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo. Tuy vậy, sự nhượng bộ này của ông Trump dường như đã khoét sâu nỗi lo lắng của các nước đồng minh về cam kết của Mỹ nhằm đảm bảo an ninh lâu dài trong khu vực. Kể từ khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc, vai trò của Mỹ đã được mở rộng tại khu vực Đông Bắc Á, với việc đảm bảo an ninh cho các đồng minh chủ chốt là Hàn Quốc và Nhật Bản trong trường hợp các nước này bị tấn công, Mỹ đã triển khai lực lượng lớn các binh sỹ tại Hàn Quốc và xây dựng các căn cứ không quân, hải quân tại Nhật. Chính vì vậy, ngay sau tuyên bố của ông Trump, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có chung nỗi lo sợ và tỏ ra quan ngại rằng các cuộc đàm phán Mỹ và Triều Tiên có thể sẽ không dẫn tới tiến trình giải trừ hạt nhân, thay vì đó Mỹ rút dần lực lượng ra khỏi khu vực và tất yếu an ninh của hai nước sẽ bị đe dọa.

Phản ứng phía Nhật Bản

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera  ngày 13/6 nhấn mạnh sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc cũng như các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đóng vai trò quan trọng đối với an ninh Đông Á. Đồng thời, ông hy vọng sẽ chia sẻ quan điểm nhận thức này giữa Nhật Bản và Mỹ hay giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc. Ông Itsunori Onodera khẳng định chính sách của Nhật Bản không có gì thay đổi sau cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều. Nhật Bản sẽ tiếp tục tập trận với Mỹ cũng như triển khai kế hoạch tăng cường phòng thủ để chống lại nguy cơ bị tấn công từ tên lửa đạn đạo Triều Tiên. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết Nhật Bản muốn chứng kiến nhiều hơn nữa những hành động cụ thể từ Triều Tiên trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân, tên lửa và bắt cóc con tin[1]. Có thể thấy rằng, điều Nhật Bản mong muốn ở đây là việc Triều Tiên cần phải nhanh chóng tiến hành phi hạt nhân hóa bằng các hoạt động cụ thể, thực hiện hóa lời nói. Và trước khi điều đó được diễn ra, Nhật Bản luôn đánh giá cao vai trò đảm bảo an ninh của Mỹ tại khu vực và mong muốn Mỹ không vội vàng xó bỏ nó.

Phản ứng của Hàn Quốc

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 14/6 cho biết Hàn Quốc có thể xem xét ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ để giúp xây dựng niềm tin và giảm bớt căng thẳng với Triều Tiên. Văn phòng tổng thống Hàn Quốc nêu rõ:   Tổng thống Moon Jae-in cho biết nếu Triều Tiên thực thi các biện pháp phi hạt nhân hóa và các cuộc đối thoại chân thành giữa Hàn Quốc và Triều Tiên cũng như giữa Triều Tiên và Mỹ được tiếp tục, nhằm xoa dịu quan hệ thù địch giữa các bên thì Hàn Quốc cũng cần thay đổi linh hoạt sức ép quân sự đối với Bình Nhưỡng với tinh thần xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau, như đã được nhất trí trong Tuyên bố Panmunjom[2]. Phản ứng trên từ phía Seoul có phần hơi khác so với Tokyo, đây được coi như một động thái nhằm thể hiện sự ủng hộ của Hàn Quốc với các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang diễn ra, đồng thời phần nào phán ánh niềm tin của Hàn Quốc đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tuy hai nước Nhật – Hàn đã đưa ra các quan điểm rất riêng của từng nước, song họ vẫn không tránh khỏi sự lo lắng và hoang mang xoay quanh việc xử lý vấn đề này.

Nhằm thông báo kết quả cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore và cũng là nhằm trấn an, xoa dịu lo ngại của các đồng minh trong khu vực sau tuyên bố dừng tập trận chung của ông Trump, ngày 13/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thủ đô Seoul trong chuyến công du khu vực. Ngày 14/6, Ngoại trưởng ba nước: Mỹ Mike Pompeo , Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono đã gặp nhau tại thủ đô Seoul và tiến hành hội đàm ba bên. Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã trình bày một số nội dung trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên, khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore là bước ngoặt trong quan hệ giữa Mỹ và Triều. Ngoại trưởng Mỹ cũng xác nhận cuộc tập trận có thể sẽ được khôi phục nếu Triều Tiên không thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa. Bên cạnh đó, ông cho rằng lãnh đạo Triều Tiên cũng đã hiểu được tính cấp bách rằng phải nhanh chóng tiến hành phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Đồng thời, ông Mike Pompeo nhấn mạnh đây là một tiến trình toàn diện, có kiểm chứng và không thể đảo ngược. Vấn đề này trong văn bản được kí kết bị thiếu, mà thay vào đó ông Kim Jong Un chỉ cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo. Về phía Hàn Quốc, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết trong cuộc họp báo chung sau hội đàm rằng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là vấn đề giữa hai đồng minh và phải được quyết định qua các cuộc tham vấn giữa giới chức quân sự của hai bên[3]. Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản cũng chia sẻ sự lo lắng cùng với Hàn Quốc. Ám chỉ là thỏa thuận Trump-Kim không có một lịch trình chi tiết và cụ thể, ngoại trưởng Taro Kono cho biết trong cuộc họp rằng Mỹ-Nhật-Hàn đã thảo luận thẳng thắn về phương án ép buộc Bắc Triều Tiên thi hành những biện pháp cụ thể[4].

Các cuộc tập trận Mỹ-Hàn là một trong những nguyên nhân làm tình hình trên Bán đảo Triều Tiên tăng nhiệt, cản trở các nỗ lực xích lại giữa hai miền Triều Tiên trong thời gian qua, nhưng đây lại là bằng chứng rõ ràng nhất về việc Mỹ thực hiện cam kết với an ninh của các đồng minh trong khu vực. Chính vì vậy, việc tuyên bố dừng các cuộc tập trận làm phía Nhật Bản và Hàn Quốc lo ngại là điều hiển nhiên. Giả thiết, nếu các cuộc tập trận chung không còn diễn ra, điều đó có thể sẽ làm suy yếu khối liên minh quân sự cũng như kéo theo nhiều những thiệt hại về mặt ngoại giao mà các bên đã dày công xây dựng trong quá khứ. Tuy nhiên, dù quyết định theo chiều hướng nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng không thể phủ nhận sự thành công hết sức tốt đẹp của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa trọng đại, vượt qua thời gian dài căng thẳng, thù địch giữa hai đất nước để mở ra một tương lai mới, góp phần giảm nhiệt căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á.Và dù hành động thế nào đi chăng nữa thì mục đích cuối cùng của Hàn – Nhật nói riêng, các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung là nỗ lực xây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo.

Trần Mỹ Hoa

Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Japan says U.S.-South Korea drills are vital

https://japantoday.com/category/politics/Japan-says-U.S.-South-Korea-drills-are-vital

[2] Moon says may consider suspending military drills with U.S. if necessary

http://english.yonhapnews.co.kr/national/2018/06/14/0301000000AEN20180614010800315.html

[3] U.S. seeks to assure S Korea, Japan after Trump-Kim summit

https://japantoday.com/category/politics/us-seeks-to-assuage-asian-allies-after-north-korea-summit

[4] Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khẳng định: Kim Jong Un phải "phi hạt nhân hóa"

http://vi.rfi.fr/chau-a/20180614-my-trieu-ngoai-truong-pompeo-khang-dinh-kim-phai-%C2%AB-phi-hat-nhan-hoa-%C2%BB

 

 

 

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn