GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

PHẢN ỨNG CỦA NHẬT BẢN SAU HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH MỸ-TRIỀU

Đăng ngày: 30-07-2018, 02:17

Ngày 12/6/2018, cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã diễn ra tại Singapore. Hai bên đưa ra tuyên bố chung với cam kết thực hiện 4 điều cơ bản sau:

1) Mỹ và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ thiết lập mối quan hệ mới.

2) Mỹ và Triều Tiên sẽ nỗ lực xây dựng một chế độ hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

3) Triều Tiên sẽ làm việc hướng tới “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên” và khẳng định lại tuyên bố Bàn Môn Điếm ngày 27/4/2018.

4) Mỹ và Triều Tiên sẽ cam kết khôi phục công cuộc tìm kiếm và đưa hài cốt tù nhân chiến tranh và binh lính Mỹ mất tích trong hoạt động tại Triều Tiên trở về quê hương.

Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng cam kết sẽ ngừng tập trận quân sự với Hàn Quốc dựa trên thiện chí tiếp theo của Triều Tiên. Thực tế, Mỹ và Hàn Quốc đã quyết định tạm dừng cuộc tập trận chung mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi” (Ulchi Freedom Guardian – UFG), vốn được lên kế hoạch vào tháng 8 năm nay, như một cử chỉ đầy thiện ý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên trong vòng 24 năm Seoul và Washington sẽ không tổ chức tập trận chung. Hành động này của Mỹ và Hàn mang tính biểu tượng đầu tiên hướng tới hòa bình sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Giảm mức độ giám sát tên lửa

Trước tình hình quan hệ Mỹ-Triều chuyển biến tích cực từ đối lập sang cục diện đối thoại, Nhật Bản cho dỡ bỏ lệnh trực chiến đối với các tàu khu trục có trang bị hệ thống ra-đa Aegis. Trước đó, Bộ Phòng vệ Nhật Bản đã triển khai trên Biển Nhật Bản các tàu khu trục được trang bị hệ thống ra-đa Aegis tiên tiến của Lực lượng Phòng vệ Trên biển. Các tàu được triển khai sau các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong năm 2017 và luôn được đặt trong tình trạng trực chiến. Ngoài ra, tháng 8 năm 2017, Triều Tiên từng cảnh báo bắn tên lửa nhằm vào đảo Guam, và thực tế đã bắn tên lửa bay qua vùng trời Hokkaido, nên tại các khu vực đồn trú lực lượng phòng vệ ở Hokkaido, Shikoku, Chyugoku, lực lượng đánh chặn tên lửa trên bộ PAC3 đã được triển khai trực chiến 24/24. Từ cuối tháng 6/2018, lệnh trực chiến đối với các tàu khu trục được dỡ bỏ, nhưng Bộ trưởng Phòng vệ vẫn duy trì lệnh yêu cầu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bắn hạ mọi tên lửa bay tới Nhật Bản.

Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga từng nói rõ ràng không còn những tình huống không biết khi nào tên lửa sẽ hướng đến Nhật Bản. Đồng thời, Tổng tham mưu trưởng lực lượng phòng vệ Nhật Bản, Đô đốc Katsutoshi Kawano cũng cho rằng theo suy nghĩ thông thường khó có thể có chuyện bắn tên lửa và ông muốn có những phản ứng thích hợp trước tình hình hiện nay[1].

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn thận trọng với việc giảm mức độ cảnh giác với Triều Tiên, bởi sau thượng đỉnh Mỹ-Triều, việc dỡ bỏ loại tên lửa tầm trung và ngắn có thể tấn công Nhật Bản chưa được tiến hành, lộ trình đàm phán Nhật-Triều cũng không rõ ràng.

Một thực tế Nhật Bản tính đến là tình trạng sẵn sàng trực chiến 24/24 của lực lượng Aegis trên biển trong thời gian dài có tác động cả về thể chất và tinh thần đối với lực lượng phòng vệ. Người ta nhiều lần đề cập đến tình hình đang đến mức giới hạn nên có lẽ chính phủ cần phải giảm mức độ giám sát hiện nay.

Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản quyết định tạm dừng luyện tập cho người dân tránh nạn trong trường hợp giả định tên lửa từ Triều Tiên bắn đến. Đến nay, chính phủ Nhật Bản đã có sự ưu tiên cho việc tổ chức tập luyện, nhất là tại các thành phố lớn, khu vực đông dân cư có khả năng trở thành mục tiêu tên lửa. Bởi thực tế nếu không tổ chức luyện tập với sự tham gia của nhiều người, chuẩn bị tránh sự hỗn loạn có thể xảy ra, việc cảnh báo sẽ không có ý nghĩa. Từ tháng 3 năm 2017, chính phủ đã hợp tác với các địa phương tổ chức 29 lần luyện tập người dân tránh nạn trong trường hợp giả định tên lửa Triều Tiên rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản.

Quyết định dừng luyện tập được đưa ra trong bối cảnh khả năng bắn tên lửa của Triều Tiên giảm, người ta lo ngại nếu các diễn tập vẫn diễn ra rất có thể sẽ khiêu khích Triều Tiên, gây ảnh hưởng xấu đến không khí đối thoại hiện nay. Trước đó, đã có những phê phán về các cuộc luyện tập này là thổi phồng mối đe dọa Triều Tiên, khiến người dân bất an hơn mức bình thường. Với những thay đổi tình hình sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, việc tạm dừng được xem là hợp lý. Tuy nhiên, chính phủ và các địa phương sẽ tiếp tục diễn tập cung cấp thông tin cần thiết cho người dân, trong đó có việc sử dụng hệ thống cảnh báo toàn quốc J-ALERT.

Thúc đẩy lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore

Cuối năm 2017, nội các Nhật Bản đã phê chuẩn kế hoạch của Bộ Phòng vệ nước này nhằm mua 2 hệ thống tên lửa Aegis Ashore, bổ sung thêm vào mạng lưới phòng thủ tên lửa hiện có của Nhật Bản gồm hệ thống Patriot và các tàu khu trục trang bị tên lửa Aegis. Aegis Ashore là biến thể trên đất liền của hệ thống chiến đấu Aegis tích hợp trên tàu chiến. Nó bao gồm hệ thống radar, các máy tính và hệ thống tên lửa. Loại hình này có thể bắn SM3 và SM3 Block II A đang triển khai, từ mặt đất có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo ở ngoài tầng khí quyển[2]. Với 2 hệ thống này có thể phòng vệ toàn lãnh thổ Nhật Bản. Các hệ thống có thể hoạt động sớm nhất vào năm 2023. Chính phủ Nhật Bản dự kiến lắp đặt tại khu diễn tập của lực lượng phòng vệ trên bộ ở Akita và Yamaguchi. Nếu hệ thống phòng thủ Aegis Ashore được hoàn thành sẽ giải phóng trách nhiệm phòng thủ tên lửa cho các tàu khu trục Aegis, để các tàu này được triển khai tại khu vực các đảo phía Tây-Nam Nhật Bản, tập trung vào nhiệm vụ chính ban đầu là đảm bảo an ninh tuyến đường giao thông trên biển[3].

Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, một bộ phận trong đảng Dân chủ Tự do có ý kiến cho rằng nên cân nhắc lại phương châm phòng thủ tên lửa trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Triều đang thay đổi và liệu có cần một khoản dự toán lớn để trang bị vũ khí này hay không. Về phía địa phương, bản thân lãnh đạo và người dân tỉnh Akita không hẳn hài lòng khi chính phủ chưa có sự giải thích đầy đủ mà đã thúc đẩy các bước nhằm bố trí thiết bị phòng thủ tên lửa tại đây. Một trong những lo lắng là nơi định lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa vốn là bãi tập luyện của lực lượng phòng vệ nằm cạnh khu dân cư, tập trung nhiều người dân sinh sống và trường học. Hơn nữa, điều người dân lo ngại là sóng điện cực mạnh được Aegis Ashore phát ra để nhận biết tên lửa có thể ảnh hưởng đên sức khỏe con người[4].

Nhằm thuyết phục người dân, Bộ trưởng Phòng vệ Nhật Bản Onodera đã đến Akita, nơi định lắp đặt Aegis Ashore, và hội đàm với tỉnh trưởng nơi đây. Quan điểm của Bộ trưởng Onodera là dù khả năng thử nghiệm tên lửa hiện nay thấp, song Triều Tiên có hàng trăm tên lửa đạn đạo có thể vươn tới Nhật Bản nên mối đe dọa từ Triều Tiên không thay đổi. Để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản, vị trí vùng ven biển Akita rất thích hợp. Các chuyên gia Bộ phòng vệ cũng cho rằng về cơ bản sóng điện phát ra từ Aegis Ashore không có ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Tiếp tục theo dõi sát sao động thái trên Bán đảo Triều Tiên

Đến nay, chưa thấy có tiến triển trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Tại thời điểm ban đầu, có kỳ vọng sẽ đưa ra những thay đổi lớn hướng tói phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, nhưng do có nhiều khó khăn mà ngay từ đầu mà người ta đã lường trước, mục tiêu dường như đang ở rất xa. Gần đây, Mỹ đã nói rằng không đưa ra giới hạn trong thảo luận với Triều Tiên. Mỹ-Triều đã bàn cụ thể về phi hạt nhân hóa tại Bình Nhưỡng, song Triều Tiên cho thấy họ không sẵn sàng cho phi hạt nhân hóa hoàn toàn có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược như cộng đồng quốc tế kỳ vọng[5].

Có thể nhận thấy chủ tịch Kim Jong-un sẽ không đơn giản giao nộp ngay lập tức số vũ khí hạt nhân và phá hủy công trình hạt nhân và tên lửa được dày công xây dựng trong vài thập kỷ qua. Điều này đúng ngay cả nếu Triều Tiên nhất trí với mục tiêu tối thượng là phi hạt nhân hóa, cũng như cách giải thích “phi hạt nhân hóa” là phá bỏ vũ khí hạt nhân và cơ sở hạ tầng liên quan. Khó có biện pháp trừng phạt hay sức ép tối đa nào có thể buộc Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa toàn diện ngay lập tức[6].

Hiện nay, Nhật Bản sẽ tiếp tục chờ đợi và theo dõi sát sao diễn biến trên Bán đảo Triều Tiên. Ngay từ trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Nhật Bản đã e ngại về việc nằm ngoài lề trong vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên. Nhật Bản không chỉ lo ngại tên lửa liên lục địa mà ngay tên lửa tầm ngắn lớn cũng có thể nhằm vào lãnh thổ nước này. Vấn đề này không được đề cập công khai nên Nhật Bản nghi ngờ rằng không chỉ họ nằm bên lề đàm phán mà Mỹ cũng không quan tâm đến những lo ngại của đồng minh châu Á thân cận.

Một vấn đề khác luôn thu hút sự chú ý quan tâm của người dân Nhật Bản là vấn đề người Nhật bị đặc vụ Triều Tiên bắt cóc từ những năm 1970 và 1980. Song phía Triều Tiên nhiều lần khẳng định vấn đề này đã được giải quyết trọn vẹn. Nhật Bản mong muốn vấn đề này phải được Tokyo và Bình Nhưỡng thảo luận trực tiếp. Thủ tướng Abe từng bày tỏ quyết tâm gặp chủ tịch Kim Jong-un để giải quyết vấn đề bắt cóc, Nhật Bản và Triều Tiên phải chấm dứt việc không tin tưởng nhau và bắt đầu quan hệ ngoại giao mới, nhưng điều này có lẽ sẽ không dễ dàng.

Điều Nhật Bản lo ngại là những quan điểm của ông Trump về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc là gánh nặng không mong muốn. Bản thân Nhật Bản có khoảng hơn 50.000 lính Mỹ đóng quân ở trên đất liền, trên biển, và sự hiện diện này là tượng trưng cho sự cam kết bảo vệ đồng minh của Washington với Tokyo. Có lẽ Thủ tướng Abe sẽ phải có cuộc thảo luận tiếp theo với Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thúc đẩy thực hiện biện pháp về các bước tiến hành phi hạt nhân hóa cũng như những thỏa thuận về đảm bảo an ninh.

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] 「米朝首脳会談から1か月 問い直されるミサイル防衛」

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/100/301540.html

[2] Nhật Bản chi gần 2 tỷ USD mua "lá chắn thép" phòng thủ tên lửa Triều Tiên

http://dantri.com.vn/the-gioi/nhat-ban-chi-gan-2-ty-usd-mua-la-chan-thep-phong-thu-ten-lua-trieu-tien-20171219165416362.htm

[3] イージス・アショアはイージス艦3隻分 メリット多いが… 政府は国民に丁寧な説明を

https://www.sankei.com/politics/news/180723/plt1807230009-n1.html

[4] 「米朝首脳会談から1か月 問い直されるミサイル防衛」

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/100/301540.html

[5] 「米朝首脳会談から1か月 どうなる非核化」

http://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/300/301998.html

[6] Triển vọng phi hạt nhân hóa Triều Tiên sau cuộc gặp Trump-Kim

Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt chuyên đề tháng 7/2018, trang 3.

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn