GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN CỦA NHẬT BẢN TRƯỚC NGUY CƠ KHỦNG BỐ

Đăng ngày: 6-08-2018, 03:33

Trong những năm gần đây, hoạt động khủng bố quốc tế trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, lan rộng với nhiều phương thức, thủ đoạn nguy hiểm, gây hậu quả cho nhiều quốc gia, khu vực. Theo thống kê của Cục A67, từ năm 2010 đến 2016 đã xảy ra 4.986 vụ khủng bố, làm 46.010 người chết, 71.905 người bị thương[1].

Cuối năm 2017, tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) thất bại tại khu vực Trung Đông khi cả Iraq và Syria đều tuyên bố được giải phóng hoàn toàn với sự hậu thuẫn của hai cường quốc Nga, Mỹ. Thất bại của IS tại Trung Đông mang đến nỗi lo mới về việc các chiến binh nước ngoài trong hàng ngũ IS tìm đường trở về nước, cùng với nguy cơ những tư tưởng cực đoan và bạo lực của chúng vẫn được truyền bá rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. Một xu hướng có thể nhận thấy gần đây là lực lượng IS đang mở rộng địa bàn hoạt động ở Đông Nam Á, thể hiện qua các vụ đánh bom liều chết ở một số quốc gia trong khu vực, hay như hành động cướp chính quyền tại Marauy, Phillipinnes, trong năm 2017.

Trước tình hình trên, các quốc gia châu Á, trong đó có Nhật Bản, luôn coi nguy cơ khủng bố là mối đe dọa với an ninh quốc gia. Nhất là khi các sự kiện quốc tế lớn diễn ra như Hội nghị thượng đỉnh G7 Ise-shima 2016, Olympic Seoul 2018,… vấn đề đảm bảo an ninh luôn được đặt lên hàng đầu.

Những lo ngại cụ thể là người nước ngoài bí mật vào Nhật Bản gây khủng bố; người nước ngoài quá khích đang sống tại Nhật Bản và những người Nhật Bản quá khích ở trong nước. Tại Nhật Bản việc sở hữu vũ khí rất khó nên khả năng xảy ra khủng bố bằng súng như Mỹ và châu Âu thấp, nhưng việc chế tạo chất nổ hoàn toàn có thể. Hiện tượng người Nhật quá khích không lan rộng như ở châu Âu và Mỹ, song không thể lơ là bởi thực tế là đã có trường hợp nam sinh viên đại học Hokkaido thể hiện muốn tham gia IS. Những vụ việc tương tự khủng bố do người Nhật Bản gây ra đang gia tăng, như tự thiêu trong tàu Shinkansen, máy bay không người lái hạ cánh xuống phủ thủ tướng,….[2]

Trong thời gian tới đây, Nhật Bản sẽ tổ chức Olympic Tokyo 2020, một sự kiện quan trọng đối với uy tín cá nhân thủ tướng Shinzo Abe và vị thế của đất nước Mặt trời mọc. Nhật Bản phải có sự chuẩn bị chắc chắn cho vấn đề chống khủng bố trước thềm sự kiện rất quan trọng này.

Tăng cường thu thập thông tin và cảnh báo về khủng bố quốc tế

Để phòng chống các hoạt động khủng bố, việc có được thông tin liên quan đến các cá nhân, tổ chức khủng bố đóng vai trò vô cùng quan trọng. Cuối năm 2013, Nhật Bản thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) theo hình mẫu của Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ. Trong cuộc khủng hoảng hai con tin người Nhật Bản bị IS sát hại năm 2015, Hội đồng An ninh Quốc gia đã thể hiện vai trò thu thập thông tin, xử lý vấn đề. Song như vậy chưa đủ bởi việc thu thập và xử lý thông tin khủng bố không phải là chức năng chính của Hội đồng An ninh Quốc gia.

Nhằm đẩy mạnh việc thu thập thông tin tình báo, tháng 12 năm 2015, Nhật Bản thành lập một đơn vị đặc biệt trực thuộc chính phủ với nhiệm vụ thu thập thông tin liên quan đến khủng bố. Khi đó, đơn vị này có khoảng 20 chuyên gia đến từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, Cơ quan Cảnh sát quốc gia và nhiều cơ quan khác. Ngoài ra, khoảng 20 chuyên gia khác có kinh nghiệm về khủng bố và các vấn đề khu vực cũng được cử tới các phái đoàn ngoại giao của Nhật Bản tại 4 khu vực gồm Trung Đông, Bắc và Tây Phi, Đông Nam Á và Nam Á để hỗ trợ cho việc thu thập thông tin liên quan đến khủng bố. Đơn vị đặc biệt này nhận lệnh từ Ban thư ký Nội các, có thể liên hệ trực tiếp với Thủ tướng. Và việc này diễn ra trong bối cảnh đất nước mặt trời mọc đang nỗ lực tăng cường an ninh khi Nhật Bản chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào tháng 5-2016 tại tỉnh Mie.

Thời điểm đó, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga cho biết, Chính phủ đã quyết định đẩy nhanh hơn việc thành lập đơn vị so với dự kiến ban đầu là tháng 4-2016 mới chính thức triển khai. Lý do khiến Nhật Bản quyết định thông qua kế hoạch thành lập đơn vị đặc biệt sớm hơn dự kiến là do vụ tấn công khủng bố tại Pháp ngày 13/11/2015. Sau khi thành lập, văn phòng của đơn vị này đặt tại Cục Nhập cảnh Tokyo, có nhiệm vụ hợp tác với Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật Bản, Bộ Giao thông Vận tải, để thu thập và phân tích thông tin về các phần tử khủng bố, những đối tượng tình nghi khác và các tổ chức khủng bố. Đồng thời chia sẻ thông tin về hình ảnh và những hộ chiếu khả nghi, trong đó có cả những đối tượng có thể bị giả mạo, với các văn phòng nhập cư trên khắp Nhật Bản. Và những thông tin này được sử dụng để lần theo dấu vết của các đối tượng nước ngoài đang cư trú bất hợp pháp tại Nhật Bản[3].

Trên nền tảng kinh nghiệm thành lập và hoạt động của đơn vị đặc biệt kể trên, Nhật Bản sẽ thành lập và vận hành của Trung tâm thông tin chống khủng bố mới được chính phủ thông qua. Trong năm 2018, Nhật Bản sẽ triển khai trung tâm trao đổi thông tin tình báo về khủng bố quốc tế trực thuộc Văn phòng Nội các, nhằm tăng cường thu thập và phân tích thông tin tình báo nhằm chặn đứng các vụ tấn công tiềm tàng. 11 cơ quan, trong đó có Cục Cảnh sát Quốc gia và Bộ Ngoại giao, sẽ chia sẻ thông tin tình báo tại trung tâm này. Chánh Văn phòng Nội các Suga Yoshihide là người đứng đầu trung tâm này.

Chính phủ muốn huy động các nguồn lực để chống lại những cuộc tấn công bằng xe nhằm vào người đi bộ, như từng xảy ra tại châu Âu và Mỹ. Mọi chỉ đạo từ Trung tâm thông tin chống khủng bố sẽ bao gồm việc tăng cường an ninh tại sân bay, trong đó có việc đưa vào sử dụng những thiết bị như máy quét cơ thể. Và các chỉ đạo nhằm bảo vệ những mục tiêu mềm như địa điểm có đông người tập trung, nơi tổ chức sự kiện… Việc thành lập trung tâm là cốt lõi trong những chỉ đạo chống khủng bố được thông qua bởi lực lượng đặc nhiệm về tội phạm có tổ chức quốc tế và chủ nghĩa khủng bố ở Nhật Bản.

Bên cạnh việc thu thập thông tin, tuyên truyền nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân trước hoạt động khủng bố là rất cần thiết. Đối với vấn đề khủng bố, nếu chỉ riêng các nhà chức trách thì không thể ứng phó, hiệu quả nhất chính là sự hợp tác theo dõi từ người dân. Trong tàu hỏa, nơi tổ chức sự kiện,.. nếu để ý nhanh chóng phát hiện yếu tố bất thường, hoàn toàn có thể ngăn chặn được khủng bố. Điều quan trọng là ý thức vì sự an ninh của cộng đồng chung, bản thân người dân đảm bảo an toàn cho không gian sống chung.

Cục điều tra an ninh công cộng Nhật Bản đã phát hành sổ tay chủ nghĩa khủng bố quốc tế trong năm 2018, xác định cần cảnh báo hơn nữa về khủng bố đối với Nhật Bản, nhất là khi nước này sẽ tổ chức các sự kiên quan trọng. Khoảng 11.000 sổ tay đã được in ra  với nội dung tóm lược động thái và tình hình của tổ chức khủng bố quốc tế và phát cho các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở nước ngoài, đồng thời kêu gọi cảnh giác với hành động khủng bố như việc đăng trên website, đặc biệt là khi Nhật Bản hiện thuộc nhóm đối tượng của tổ chức khủng bố quốc tế như Al-Qaeda, IS[4]. Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ đăng cai các sự kiện quốc tế lớn như giải vô địch bóng bầu dục thế giới 2019, Hội nghị thượng đỉnh G20 2019 và Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020. Những sự kiện quốc tế lớn này là cơ hội để gây thanh thế đối với các tổ chức khủng bố quốc tế nên Nhật Bản phải thúc đẩy cảnh báo hơn nữa về vấn đề khủng bố.

Xây dựng Luật chống khủng bố

Khủng bố đã trở thành một vấn đề an ninh hàng đầu của nhiều quốc gia, song rõ ràng các biện pháp căn bản chống khủng bố không chỉ nằm trong phạm vi thu thập thông tin, siết chặt an ninh và điều tra giám sát các phần tử khủng bố. Đưa cuộc chiến chống khủng bố vào khuôn khổ pháp luật cũng là một trong những biện pháp cần thiết. Hiện nay, ngày càng có nhiều quốc gia thông qua luật chống khủng bố. Về độ nghiêm ngặt, có thể nói luật của Pháp, Anh và Mỹ là những ví dụ tiêu biểu nhất.

Tuy giữ vai trò quan trọng trong hoạt động chống khủng bố, song các bộ luật liên quan của Anh, Pháp, Mỹ đều bị chỉ trích là đã cho phép chính phủ can thiệp và hạn chế quá nhiều quyền dân sự của người dân, thậm chí vi phạm nhân quyền. Đồng thời các luật này thường là đối tượng chỉ trích của các tổ chức tình nguyện nhân đạo. Thực tế, các đạo luật nhằm vào mọi đối tượng, cá nhân hay tổ chức “hỗ trợ mặt vật chất” cho các nhóm khủng bố - làm hạn chế nhiều hoạt động tình nguyện trợ giúp người dân tại một số nước có sự hiện diện của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan. Vì thế, dung hòa được việc bảo vệ nhân quyền và ngăn chặn khủng bố là điều thực sự khó trong cuộc chiến này[5].

Tương tự Mỹ và các nước châu Âu, luật chống khủng bố của Nhật Bản cũng vấp phải những phản ứng trái chiều. Quốc hội Nhật Bản đã xây dựng dự luật chống khủng bố, theo đó coi hành vi lên kế hoạch cho những tội ác nghiêm trọng, ví dụ tấn công khủng bố là phạm tội. Qua nhiều cuộc thảo luận, dự luật đã thành luật sau khi được Thượng viện thông qua vào ngày 15/6/2017 với đa số phiếu ủng hộ của các nghị sỹ thuộc liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do và đảng Công Minh, thành viên đảng Cách tân Nhật Bản và các nghị sỹ khác. Như vậy, luật mới cho phép các nhà điều tra có thể cáo buộc một cá nhân hay tổ chức nào đó về tội câu kết trong một âm mưu khủng bố hay các tội nghiêm trọng khác. Luật nhằm ngăn chặn các âm mưu tấn công khủng bố và các hành động phạm tội có tổ chức khác. Luật mới quy định các hành động gây quỹ hay mua vật liệu trong quá trình lên kế hoạch cho các tội ác nghiêm trọng đều là phạm tội. Theo luật, hình phạt sẽ được áp dụng đối với tất cả thành viên các nhóm có âm mưu tiến hành những tội ác nghiêm trọng, từ cướp máy bay đến buôn bán ma túy.

Thực tế, vẫn có ý kiến phản đối cả từ nhóm các nghị sỹ và người dân. Một số người dân Nhật Bản đã biểu tình phản đối khi cho rằng việc các nghị sĩ cố thúc đẩy Quốc hội thông qua dự luật mà không tham vấn người dân một cách thích hợp là không thể chấp nhận được. Họ cho rằng chính phủ tìm cách mở rộng quyền cho các nhà chức trách, trong đó có cảnh sát và lo ngại Nhật Bản trở thành thành một xã hội bị giám sát, tước đi của người dân quyền tự do tư tưởng và tín ngưỡng.

Đảng Dân tiến khi đó nhấn mạnh điều dư luận quan tâm nhất về luật này là việc giới chức điều tra tùy tiện, quyền dân sự và quyền tự do riêng tư của các cá nhân bị xâm phạm. Một số Đảng đối lập cũng chỉ trích Thủ tướng Shinzo Abe đã cố thúc đẩy Quốc hội thông qua luật một cách vội vã, bất chấp dư luận phản đối. Các ý kiến phản đối dựa trên căn cứ rằng hệ thống xử phạt của Nhật Bản hoạt động trên nguyên tắc là tội phạm bị trừng trị sau khi đã gây án. Song, luật mới mở rộng phạm vi xử phạt bằng cách quy thành tội đối với một số hành động trong các điều kiện nhất định, ngay cả khi tội ác chưa diễn ra.

Quan điểm của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền nhất quán rằng các tổ chức khủng bố giờ đã có mặt khắp toàn cầu, điều này có nghĩa là bất cứ nơi nào trên thế giới cũng là mục tiêu tiềm tàng. Do đó, cần nhận thức rằng khủng bố là mối đe dọa có thực và ngay trước mắt, và thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn khi tổ chức Olympics và Paralympics Tokyo 2020 cũng như các sự kiện khác.

Môi trường xung quanh Nhật Bản đang gia tăng bất ổn, sự hợp tác quốc tế trong việc chống khủng bố là không thể thiếu, song Nhật Bản không tham gia Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước Palermo). Năm 2000, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, hiệp ước này đã được ký kết, hiện có 186 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Trong năm đó, Nhật Bản đã ký, song chưa được quốc hội phê chuẩn. Có khoảng 10 quốc gia chưa tham gia ký kết Hiệp ước này như Triều Tiên, Nam Sudan, và cộng động quốc tế đang yêu cầu Nhật Bản nhanh chóng phê chuẩn[6]. Sau khi ban hành luật chống khủng bố, Nhật Bản đang hướng tới tham gia Công ước quốc tế chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố. Thủ tướng Abe đã cam kết chính phủ sẽ tham gia Công ước Liên Hợp Quốc chống Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia sớm nhất có thể để tăng cường hợp tác quốc tế chống khủng bố.

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Đại tá Phạm Văn Uông (2016), Dự báo tình hình khủng bố quốc tế năm 2017 và tác động đến an ninh quốc gia Việt Nam.

Tạp chí Khoa học và Chiến lược, Viện Chiến lược và Khoa học Công an, số 12/2016, tr.41-46.

[2] 防止に有効な「市民の目」

https://mainichi.jp/articles/20160108/ddm/004/070/018000c

[3] Tiêu điểm: Ảnh hưởng của vụ khủng bố Paris đối với chính sách của Nhật Bản

Tin NHK ngày 13/12/2015, https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/

[4] 国際テロリズム要覧公表 東京五輪などへテロ警戒必要

https://www3.nhk.or.jp/news/html/20180622/k10011491291000.html?utm_int=news-social_contents_list-items_040

[5] Thiên Kim, Luật chống khủng bố từ góc nhìn lịch sử

http://baoquocte.vn/luat-chong-khung-bo-tu-goc-nhin-lich-su-51135.html

[6] 防止に有効な「市民の目」

https://mainichi.jp/articles/20160108/ddm/004/070/018000c



 

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn