GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

XUNG QUANH KẾ HOẠCH QUỐC PHÒNG MỚI CỦA NHẬT BẢN

Đăng ngày: 15-01-2019, 21:48

Ngày 18/12/2018, Chính phủ Nhật Bản và Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) đã thông qua Đại cương Kế hoạch phòng vệ - bản cương lĩnh định hướng chính sách quốc phòng của Nhật Bản trong vòng 10 năm tới và Kế hoạch Phòng vệ trung hạn giai 2019-2023. Đại cương Kế hoạch phòng vệ là cương lĩnh quốc phòng cao nhất của Nhật Bản trong thời gian 10 năm. Tuy nhiên, những năm gần đây văn bản này nhiều lần được sửa đổi để đưa ra những điều chỉnh phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh môi trường an ninh toàn cầu và khu vực liên tục biến động.

Trong văn bản công bố ngày 18-12, Nhật Bản xác định môi trường an ninh khu vực và xung quanh nước này đang thay đổi nhanh chóng, với những xu hướng diễn biến phức tạp, khó lường, trong đó nổi lên các hoạt động gia tăng quân sự của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, biển Nhật Bản, Biển Đông, cũng như gia tăng tần suất tiến ra Thái Bình Dương, gây ra những quan ngại lớn về an ninh đối với khu vực, thế giới và Nhật Bản. Bên cạnh đó, chính phủ Nhật Bản cũng đánh giá rằng, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đang nỗ lực thu nhỏ đầu đạn hạt nhân trang bị cho tên lửa đạn đạo và chưa có thay đổi thực chất trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Theo Đại cương Kế hoạch phòng vệ, Nhật Bản quyết định sẽ biên chế số lượng lớn các máy bay chiến đấu thế hệ mới F35 nhằm bảo vệ các đảo xa bờ ngoài khơi Thái Bình Dương, đồng thời cải tiến tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo để có thể sử dụng máy bay chiến đấu F-35B và máy bay STOVL (loại máy bay có thể cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng).

Ngoài ra, bên cạnh các hình thái tác chiến truyền thống, Nhật Bản cũng lần đầu tiên xác định việc tác chiến trên mạng máy tính, không gian vũ trụ và sóng điện từ là những hình thái mới cần tập trung phát triển để xây dựng sức mạnh phòng vệ tổng hợp nhằm đối phó hiệu quả với sự thay đổi của môi trường an ninh quốc tế. Cụ thể, nước này sẽ nâng cấp đơn vị tác chiến mạng thành lập một đơn vị mới có nhiệm vụ giám sát không gian vũ trụ để ngăn chặn các mảnh rác vũ trụ gây nguy hiểm cho hệ thống vệ tinh nhân tạo hoặc ngăn chặn hệ thống chỉ huy tác chiến sử dụng hệ thống định vị vệ tinh của đối phương. Nhật Bản cũng sẽ nghiên cứu áp dụng kỹ thuật cao, tập trung vào trí tuệ nhân tạo, củng cố ngành công nghiệp quốc phòng và bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Dự kiến, Nhật Bản sẽ chi 243 tỷ USD dành cho ngân sách quốc phòng cho 5 năm tới. Đây là con số kỷ lục từ trước tới nay. Số tiền này sẽ được sử dụng để mua thêm các phương tiện chiến đấu hiện đại, bao gồm 105 máy bay chiến đấu F35, nâng tổng số phi đội F15 lên con số 147. Nhật Bản cũng sẽ cải biến hai tàu khu trục Izumo và Kaga thành hàng không mẫu hạm có thể sử dụng cho máy bay chiến đấu F35…[1] .

Kể từ sau khi Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, Mỹ (là một trong những nước thắng trận) đã thay Nhật Bản soạn ra Hiến pháp với tên gọi “Hiến pháp hòa bình” cho nước này (có hiệu lực từ năm 1947). Trong đó, Điều 9 của Hiến pháp này quy định: “Nhân dân Nhật Bản thành thật mong muốn một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh như là một phương tiện giải quyết xung đột quốc tế bao gồm chiến tranh xâm phạm chủ quyền dân tộc và các hành vi vũ lực hoặc các hành vi đe dọa bằng vũ lực. Để thực hiện các mục tiêu này, lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không bao giờ được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận”. Như vậy, có thể nói, bản Hiến pháp hòa bình đã hạn chế đáng kể chính sách phát triển quốc phòng của Nhật Bản. Chừng nào còn một “Hiến pháp hòa bình” nguyên nghĩa của nó, thì chừng đó Nhật Bản chỉ có thể tăng cường sức mạnh quốc phòng của mình ở mức hạn chế.

Tuy nhiên, sau 7 thập kỷ thực hiện “Hiến pháp hòa bình”, trước những thay đổi to lớn của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Chính phủ Nhật Bản nhiều lần bày tỏ mong muốn sửa đổi bản Hiến pháp này nhằm tăng cường bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia và có đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Shinzo Abe muốn sửa đổi Điều 9 trong Hiến pháp nhằm chính thức công nhận vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) là một lực lượng quân đội.

Nhưng kế hoạch sửa đổi Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản của Thủ tướng Abe đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều thời gian qua. Một số ý kiến cho rằng việc cải cách Hiến pháp là cần thiết, song cũng có ý kiến cho rằng Điều 9 trong Hiến pháp hòa bình là “bất khả xâm phạm”. Động thái này cũng vấp phải sự phản đối của những nước từng bị phát xít Nhật xâm lược trong Chiến tranh Thế giới thứ II, đặc biệt là Hàn Quốc và Trung Quốc. Và có một rào cản lớn nữa là, việc sửa đổi Hiến pháp phải được sự tán thành của ít nhất 2/3 số thành viên trong Quốc hội Nhật Bản và sau đó là đa số ý kiến tán thành của người dân trong cuộc trưng cầu dân ý quốc gia.

Hiện nay, mới có khoảng 50% người dân Nhật Bản ủng hộ ý tưởng thay đổi Hiến pháp (nói chung) và chưa đầy 50% ủng hộ việc sửa đổi Điều 9; việc cho phép quyền sử dụng vũ lực trong tự vệ tập thể cũng chỉ có khoảng 30% người dân ủng hộ. Điều đó cho thấy, việc hiện thực hóa ý tưởng sửa đổi Hiến pháp vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản.

Có thể thấy mặc dù việc sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp hòa bình chưa thực hiện được, nhưng thời gian qua Thủ tướng Abe cũng đã thúc đẩy thành công việc diễn giải lại văn bản này nhằm mở đường cho việc triển khai lực lượng của Nhật Bản ra nước ngoài để hỗ trợ các đồng minh. Minh chứng là lực lượng phòng vệ của Nhật Bản đã bắt đầu có được những kinh nghiệm quốc tế thông qua các sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Mozambique, Timor Leste, Iraq, Nepal và Nam Sudan…[2]
Các nhà phân tích nhận định rằng, Nhật Bản đã, đang và sẽ trỗi dậy về mặt quân sự theo cách này hay cách khác, dù Điều 9 của Hiến pháp hòa bình có được sửa đổi hay chưa. Nhưng có một điều chắc chắn rằng một khi Điều 9 của Hiến pháp hòa bình được sửa đổi thì tiềm năng quân sự của Nhật Bản chắc chắn sẽ còn “bùng nổ” hơn nữa. Hiện nay, tuy Nhật Bản chỉ chi khoảng 1% GDP cho quốc phòng nhưng với quy mô kinh tế đứng hàng thứ ba thế giới thì con số này vẫn được đánh giá là mạnh tay. Ngân sách quốc phòng của nước này đã lên tới 43,66 tỷ USD trong năm 2017, tăng 1,4% so với năm 2016 và đánh dấu mức cao nhất trong lịch sử nước này[3].

Với việc công bố Kế hoạch phòng vệ trong vòng 10 năm tới và Kế hoạch Phòng vệ trung hạn giai đoạn 2019-2023 vào ngày 18-12 vừa qua, chính phủ Thủ tướng Abe tiếp tục cho thấy quyết tâm theo đuổi việc nâng cấp hệ thống phòng thủ thông qua việc chi mạnh tay hơn cho quốc phòng.

Điều này cũng đã khiến một số ý kiến lo ngại rằng chính sách mới của Nhật Bản có thể vi phạm Điều 9 Hiến pháp Hòa bình quy định ngăn cấm nước này sở hữu năng lực chiến đấu và quyền tham chiến. Tuy nhiên, trước những ý kiến đó, chính phủ Nhật Bản khẳng định, nước này không làm gì vượt quá các qui định trong Hiến pháp hòa bình./.

Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1]  Chính phủ Nhật Bản thông qua Đại cương kế hoạch phòng vệ

https://www.vietnamplus.vn/chinh-phu-nhat-ban-thong-qua-dai-cuong-ke-hoach-phong-ve/542684.vnp

[2]  Clarify intentions behind the new defense program

https://www.japantimes.co.jp/opinion/2018/12/19/editorials/clarify-intentions-behind-new-defense-program/#.XDbIe9R97Gg

[3]  Japan to ramp up defense spending to pay for new fighters, radar

https://www.reuters.com/article/us-japan-defence-budget/japan-to-ramp-up-defense-spending-to-pay-for-new-fighters-radar-idUSKBN1OA0VP

Tin tức khác

CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7
CHATGPT TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGHỊ SỰ CỦA HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G7

Theo hãng tin Kyodo, ngày 19/4/2023 Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI ...

VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL  TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA
VẤN ĐỀ LÃNH THỔ PHƯƠNG BẮC /NAM KURIL TRƯỚC VÀ SAU KHỦNG HOẢNG NGA - UCRAINA

Vấn đề Lãnh thổ phương Bắc/Nam Kuril đề cập tới tình trạng tranh chấp lãnh thổ phức tạp và lâu dài giữa Nhật Bản và Nga. Bài viết này đưa ra một cá ...

NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG
NHẬT BẢN VÀ AUSTRALIA KÝ HIỆP ĐỊNH AN NINH - QUỐC PHÒNG

Vào ngày 6 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã tiến hành ký hiệp định hợp tác giữa hai nước ...

TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI
TRIỂN VỌNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ-AN NINH NHẬT-TRUNG THỜI GIAN TỚI

Quan hệ chính trị - an ninh giữa Nhật Bản và Trung Quốc luôn được đánh giá là mối quan hệ tồn tại nhiều vấn đề nhất, tốn nhiều giấy mực nhất và đượ ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn