GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

HIKIKOMORI – VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN

Đăng ngày: 21-04-2019, 23:06

Hikimori (引きこもり)là thuật ngữ xuất hiện tại Nhật Bản từ những năm 1990. Theo The Asahi Shimbun, cụm từ “hikikomori” vốn khởi nguồn từ một cuốn sách của nhà tâm lý học người Nhật Tamaki Saito viết năm 1998. Theo đó, những tiêu chuẩn để coi một người là hikikomori bao gồm sự tách biệt thân thể, tránh né xã hội và khủng hoảng tâm lý kéo dài đến 6 tháng hoặc hơn. Nói cách khác hikikomori được sử dụng để chỉ một hội chứng tâm lý bất thường của một nhóm người Nhật, họ không có khả năng đối mặt với xã hội; không cần đi làm, đi học, không tương tác với người khác ngoài gia đình và ở nhà trên 6 tháng. Bệnh nhân mắc hội chứng hikikomori xuất hiện tại Nhật đầu tiên vào những năm đầu của thập kỉ 80, hiện nay khoảng 1% dân số Nhật mắc hội chứng này.

Một cuộc thăm dò của chính phủ công bố ngày 29/3/2019 cho thấy có khoảng 613.000 người Nhật Bản từ 40-64 tuổi đã bị xếp vào loại sống ẩn dật, tự giấu mình trong nhà và không muốn làm việc. Số lượng hikikomori trong nhóm tuổi từ 40-64 cao hơn trong nhóm tuổi từ 15-39 (với 541.000 người). Tổng số người đang sống ẩn dật ở Nhật Bản được cho là hơn 1 triệu người. Vào thời gian đầu xuất hiện, đa phần những hikikomori còn khá trẻ với độ tuổi trung bình chỉ khoảng 21. Tuy nhiên theo những khảo sát gần đây, độ tuổi trung bình của những hikikomori tại Nhật Bản ngày càng cao[1].

Đa phần những người mắc hội chứng hikikomori đều là những người trưởng thành, đã ý thức được trách nhiệm của bản thân với gia đình và xã hội. Hội chứng hikikomori rất khó nhận biết trước. Bởi những thanh niên mắc chứng bệnh này trước đều là những người hoàn toàn khoẻ mạnh, thông minh, và đôi khi còn bộc lộ những năng khiếu cá nhân từ sớm, đột ngột phát bệnh. Dấu hiệu của người mắc hikikomori là tự bỏ học, bỏ làm, giam mình trong phòng. Người mắc bệnh thường từ chối mọi tiếp xúc bên ngoài, không muốn giao tiếp kể cả người thân trong gia đình như cha mẹ….Những hikimori lạc lối trong thế giới của riêng mình, chỉ có họ và 4 bức tường: không cần đi học, đi làm, giao du với bạn bè, thậm chí là không cần lấy vợ hay kết hôn. Họ chỉ cần ăn uống ở mức tối thiểu trong phòng, xem phim, đọc truyện tranh và chơi điện tử…. Các hikikomori có thể sống khép kín trong phòng 2 năm, 3 năm thậm chí 10 năm mà không ra ngoài, cũng có lúc họ ra khỏi phòng và đi lại trong nhà nhưng rất hiếm hoi.

Tuy nhiên trong thực tế cách hành xử của hikikomori cũng rất khác nhau, đa phần họ không bao giờ ra khỏi nhà, song cũng có người hàng ngày vẫn xách cặp, túi ra khỏi nhà như đi học đi làm, nhưng thực ra họ lang thang vô định hết đường này phố khác hoặc leo lên tàu điện đi loanh quanh. Họ rời nhà từ rất sớm và che mặt để tránh không chạm mặt mọi người hoặc ban ngày giam mình trong phòng kín và chỉ ra ngoài khi tối trời. Cũng đã có một vài trường hợp hikikomori đi ra ngoài và gây ra những hành vi phạm pháp nghiêm trọng như cướp của, giết người, cưỡng bức… tuy nhiên đa số hikikomori không làm hại ai.

Theo các nghiên cứu, có khoảng 70-80% các hikikomori là nam giới. Tuy nhiên, con số này không lớn đến thế theo một cuộc điều tra khảo sát trực tuyến của NHK, chỉ có khoảng 53% các hikikomori là nam. Rõ ràng, xu hướng này cũng đang trở nên phổ biến với toàn thể thanh niên Nhật Bản chứ không riêng gì nam giới.

Theo khảo sát của Văn phòng Nội các Nhật Bản năm 2015, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hikikomori, chủ yếu là do tác động từ bên ngoài vào dẫn đến người bệnh mất hết hoài bão, chí hướng và rơi vào trạng thái trầm uất, mặc cảm, chán nản, muốn buông xuôi…. Đó có thể là do thành tích thấp kém trong công việc, học tập; thất tình hay bị bắt nạt; sức ép từ học hành, thi cử; sức ép từ công việc, từ gia đình, xã hội… Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân do ốm đau, bệnh tật; sự mệt mỏi từ các mối quan hệ xã hội và các rắc rối khác trong cuộc sống… [2].

Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Tâm thần – Trung tâm Thần kinh Quốc gia và Bộ phúc lợi Lao động Nhật Bản có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hội chứng hikikomori đó là:

Hệ thống giáo dục quá nặng nề

Nhật Bản là một đất nước có hệ thống giáo dục được coi là tương đối nặng và máy móc, các phụ huynh mong muốn con mình được vào học trong những trường tốt nhất, trở thành các thiên tài, những người có ích trong xã hội. Chính vì đã tạo sức ép quá lớn, trẻ em Nhật Bản phải học 8 tiếng một ngày, và 5,6 ngày/1tuần, học cả vào thứ 7 để diễn tả sự cạnh tranh khốc liệt trong thi cử ở Nhật Bản. Từ sức ép cạnh tranh để đỗ vào các trường tốt, hoặc cạnh tranh giữa các bạn trong lớp đã nảy sinh ra những tiêu cực xâm phạm tâm lý, như: bắt nạt, hăm doạ, hành hung ở trường học. Nhiều bạn bị mắc bệnh trầm cảm chỉ bởi vì quá béo, quá nhát, hoặc nhiều khi do học nổi trội ở một bộ môn nào đó, mà đã bị các bạn trêu chọc và bắt nạt. Sức ép từ thi cử và nạn bạo hành học đường đã khiến các em sợ đến trường và mắc hội chứng hikikomori.

Sức ép cạnh tranh trong đời sống kinh tế, xã hội hiện đại

Trong một cuộc khảo sát được công bố năm 2014, thanh niên Nhật Bản xếp ở mức độ thấp nhất về sự hài lòng với bản thân. Có 92,5% thanh niên Nhật Bản tự cảm nhận được mình không thoả mãn yêu cầu của nền kinh tế, dẫn đến tuyệt vọng. Mô hình gia đình có hai thế hệ sống biệt lập với họ hàng nội, ngoại, bố mẹ đi làm cả ngày, quá bận rộn, ít có thời gian quan tâm đến con cái. Do đó, khi gặp các vấn đề rắc rối tại trường học, các em không tự giải quyết được đã rơi vào trạng thái trầm cảm do không có ai gần gũi và dạy cho các em cách giao tiếp và giải quyết các mối quan hệ xã hội.

Mặt khác tỷ lệ ly hôn cao, đổ vỡ trong gia đình cũng đẩy các em đến trạng thái buồn chán. Bên cạnh đó khi một gia đình có quá ít con, đồng nghĩa với gánh nặng của tất cả sự kỳ vọng của bố mẹ dồn lên vai đứa trẻ. Sức ép từ phía gia đình càng nặng hơn là nguyên nhân gây nên hội chứng hikikomori ở thanh, thiếu niên Nhật Bản hiện nay.

Do đặc thù riêng của văn hoá, lịch sử Nhật Bản

Thơ và âm nhạc truyền thống của Nhật thường tán dương và ca ngợi sự tĩnh lặng, sự vắng vẻ và cuộc sống cô đơn, ẩn dật, nếu ai phá vỡ hoặc can thiệp vào sự cô đơn, tĩnh lặng đó còn bị coi là trái với văn hoá truyền thống của Nhật Bản.

Quan niệm “trọng nam, khinh nữ”; “con trưởng” vẫn hằn sâu trong suy nghĩ của người dân Nhật Bản, việc lo kinh tế cho cả gia đình do người đàn ông đảm nhiệm, sự cạnh tranh gay gắt để có thu nhập ổn định luôn đè nặng lên tâm lý nam thanh, thiếu niên Nhật Bản

Xã hội Nhật Bản là một xã hội có nền văn hóa coi trong sự đồng nhất, tên tuổi, vẻ bề ngoài, hay thanh danh được tôn vinh hết thảy. Thiếu niên Nhật Bản phản ứng xã hội một cách thầm lặng, căm ghét bản thân. Không muốn để ai biết, không muốn tâm sự, chia sẻ, chán nản nhiều khi trầm uất dẫn đến muốn tự tử.

Với quan niệm của các nước Châu Á, cha mẹ Nhật Bản rất ý thức bảo vệ con cái, khiến nhiều người gặp khó khăn tự lập sau này.

Do các phương tiện giải trí thời hiện đại như: phim hoạt hình, truyện tranh, internet và game…cũng có những tác động không nhỏ đến hội chứng hikikomori. Sự ẩn dật của thanh, thiếu niên Nhật Bản hiện nay gắn với một trào lưu văn hoá mới “văn hoá Otaku”  để chỉ những “fan” say mê cuồng nhiệt, chìm đắm trong thế giới truyện tranh, game, internet, video[3].

Những năm gần đây khi dân số Nhật ngày một già đi, tổng dân số cũng như lực lượng lao động ngày một sụt giảm, vấn đề của những người hikikomori được quan tâm nhiều hơn. Một số bệnh nhân mắc hikikomori là những người khỏe mạnh, thông minh, có năng lực, nhiều người mắc hikikomori khiến Nhật Bản mất đi số lượng không nhỏ lực lượng lao động có chất lượng và đang ở độ tuổi sung sức nhất.

Nhà tâm lý học Tamaki Saito khẳng định hikikomori không phải vấn đề của riêng nước Nhật, mà có thể xảy ra ở bất kỳ xã hội nào từng trải qua thời kỳ công nghiệp hóa phát triển bùng nổ rồi sau đó rơi vào khủng hoảng. Có thể thấy nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hikikomori là do những khó khăn từ các mối quan hệ với bên ngoài. Song tự bản thân những người mắc hội chứng hikikomori khó có thể tự mình thoát ra khỏi hội chứng này, mà cần có sự giúp đỡ từ gia đình và xã hội, từ chính những mối quan hệ mà họ không muốn đối mặt. Một trong những giải pháp được đưa ra là các thành viên trong gia đình cần cố gắng khôi phục dần những liên lạc với xã hội của người mắc hikikomori thông qua các cuộc gặp mặt, nói chuyện trong gia đình; tìm đến các trung tâm trị liệu, tư vấn tâm lý, hỗ trợ chuyển đổi công việc…. Chính thông qua đối thoại và giao tiếp bằng cách kết nối với bên ngoài càng sớm càng tốt mới có thể giúp những người mắc hội chứng hikikomori sớm khỏi bệnh và hòa nhập trở lại với gia đình và xã hội.

Vũ Phương Hoa

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] 613,000 in Japan aged 40 to 64 are recluses, says first government survey of hikikomori

https://www.japantimes.co.jp/news/2019/03/29/national/613000-japan-aged-40-64-recluses-says-first-government-survey-hikikomori/#.XLgiROgzbIU

[2] 引きこもりの原因ってなに?どうしたら脱出できるの?家族の接し方、高齢化した場合の対応方法を解説します

https://snabi.jp/article/29

[3] Hội chứng Hikikomori- Người Nhật trẻ tự xa lánh cộng đồng

https://japan.net.vn/hoi-chung-hikikomori-nguoi-nhat-tre-tu-xa-lanh-cong-dong-2843.htm

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn