GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

ĐỘNG THÁI CỦA NHẬT BẢN VỚI TRIỀU TIÊN

Đăng ngày: 22-06-2019, 13:25

Chính sách của Nhật Bản đối với Triều Tiên về cơ bản vẫn là tăng cường gây áp lực buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình tên lửa hạt nhân và đồng thời mở cơ hội đối thoại qua ngoại giao, song mức độ của hai mặt này có sự thay đổi tương ứng với từng giai đoạn. Những thay đổi mạnh mẽ trên bán đảo Triều Tiên từ đầu năm 2018 khiến chính sách Triều Tiên của Nhật Bản có sự điều chỉnh đáng kề từ gây áp lực tối đa sang chủ động đối thoại.

Thực tế cho thấy từ năm 2018 đến nay, Nhật Bản có vai trò mờ nhạt trong diễn biến bất ngờ trên Bán đảo Triều Tiên. Vị trí của Nhật Bản được thể hiện như bức biếm họa mô tả trận đấu bóng rổ, trong đó Trung Quốc, Mỹ, Triều Tiên và Nga đều tham dự, trong khi Thủ tướng Abe Shinzo ngồi thất vọng trên băng ghế ngoài sân. Nhật Bản không chỉ lo ngại tên lửa liên lục địa, mà cả tên lửa tầm ngắn và trung bình của Triều Tiên, song không có sự bàn luận công khai nào về vấn đề này. Chính phủ Nhật Bản lo ngại không chỉ về việc can dự mờ nhạt đến vấn đề Triều Tiên mà còn việc Mỹ đã phớt lờ những lo ngại của đồng minh châu Á thận cận.

Một vấn đề khác đặc biệt quan trọng đối với dư luận Nhật Bản là vấn đề những công dân Nhật Bản đã bị Triều Tiên bắt cóc từ những năm 1970 và 1980. Chính phủ Nhật Bản chính thức cho rằng có 17 người bị bắt cóc, trong đó người trẻ nhất khi đó mới 13 tuổi. Song phía Triều Tiên nhiều lần khẳng định vấn đề này đã được giải quyết trọn vẹn. Nhật Bản mong muốn vấn đề này phải được Tokyo và Bình Nhưỡng thảo luận trực tiếp.

Trước những diễn biến xoay chiều làm giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên từ năm 2018 đến nay, Nhật Bản thể hiện sự chủ động đối thoại với Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã công khai kêu gọi lãnh đạo Triều Tiên cùng nhau vượt qua ngờ vực để sớm tiến tới một cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Triều. Ông cho rằng chính phủ Nhật Bản đã liên lạc với phía Triều Tiên thông qua các kênh khác nhau để nỗ lực thu xếp một cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhật Bản muốn tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh Nhật-Triều để thảo luận về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc và thủ tướng Abe rất sẵn sàng cho một cuộc gặp để thảo luận về vấn đề này.

Trong tháng 5 năm 2019 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo nhắc lại ý định sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, đồng thời nhấn mạnh không cần "điều kiện tiên quyết". Ông nói từ lâu đã bày tỏ quyết tâm gặp và nói chuyện trực tiếp với ông Kim để hóa giải sự mất lòng tin lẫn nhau, cũng như giải quyết các vấn đề hạt nhân, tên lửa và bắt cóc của Triều Tiên. Lời nói của Thủ tướng Abe thể hiện quyết tâm của Nhật Bản một cách rõ ràng hơn nhằm tận dụng mọi cơ hội để giải quyết vấn đề công dân bị bắt cóc vì người thân các nạn nhân ngày càng cao tuổi[1].

Tuy nhiên, Triều Tiên đi ngược lại với động thái Nhật Bản tìm kiếm đối thoại khi hai lần bắn tên lửa qua biển Nhật Bản vào ngày 4 và 9 tháng 5. Lập trường của Triều Tiên vẫn khẳng định hòa bình và an ninh quốc gia chỉ được đảm bảo bởi sức mạnh thực tế.

Về các vụ bắn của Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Mỹ nói rằng các vụ phóng này bao gồm nhiều tên lửa đạn đạo. Thông tin này khiến nhiều người ở Mỹ bi quan về tương lai các cuộc đối thoại về phi hạt nhân hóa, song phản ứng của các nước lại khác nhau. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự không hài lòng cho rằng đây là điều nghiêm trọng và không ai vui, nhưng sau đó lại thay đổi quan điểm cho là thời điểm này ông không nghĩ sẽ mất niềm tin vào Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dù cho rằng nếu đây là tên lửa đạn đạo thì đã vi phạm nghị quyết của hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhưng tránh nhận định bằng cách nói đang phân tích tình hình.

Chính phủ Nhật Bản cũng xem vụ bắn tên lửa là vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và rất đáng tiếc. Mặt khác, Bộ trưởng Phòng vệ nhấn mạnh không gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh của Nhật Bản. Động thái phê phán Triều Tiên không quá gay gắt, có lẽ do ảnh hưởng bởi Thủ tướng Abe đã bày tỏ ý tưởng muốn tổ chức thượng đỉnh Nhật-Triều mà không cần điều kiện tiên quyết. Đồng thời, dù Nhật Bản kháng nghị việc Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhưng Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide vẫn khẳng định quan điểm của chính phủ về việc Thủ tướng Abe Shinzo muốn họp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un là không thay đổi.

Trước đây, Thủ tướng Abe muốn tổ chức thượng đỉnh nhưng có điều kiện là phải hội đàm để giải quyết vấn đề bắt cóc. Lần này ông nhấn mạnh việc không cần điều kiện, đây là sự khác biệt so với phương châm từ trước đến nay, là thông điệp ngoại giao gửi tới Triều Tiên.

Thủ tướng Abe đã giải thích rõ về quyết tâm hội đàm với lãnh đạo Triều Tiên rằng dựa trên Tuyên bố Bình Nhưỡng năm 2002, phương châm giải quyết vấn đề tên lửa hạt nhân, vấn đề bắt cóc và bình thường hóa quan hệ là không hề thay đổi, hay có nghĩa nhấn mạnh không thay đổi chiến lược giải quyết vấn đề bắt cóc. Mục tiêu của Thủ tướng Abe trước hết là hướng tới cuộc gặp thượng đỉnh, tổ chức hội nghị thượng đỉnh, sau đó đàm phán bình thường hóa quan hệ, thúc đẩy giải quyết vấn đề bắt cóc[2].

Ngoài ra, Triều Tiên đã hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Nga, nên Nhật Bản có lẽ cũng muốn hiện diện là nước có liên quan trong đàm phán 6 bên. Nhật Bản 11 năm liên tiếp gửi nghị quyết phê phán Triều Tiên với Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, nhưng năm 2019 đã không làm như vậy. Hơn thế, sách Xanh ngoại giao Nhật Bản 2019 đã bỏ câu gây áp lực tối đa với Triều Tiên[3]. Việc Thủ tướng Abe muốn tổ chức thượng đỉnh Nhật-Triều mà không cần điều kiện tiên quyết là tăng độ mềm dẻo, khả năng hội đàm thành hiện thực.

Trong thời gian qua, quan hệ giữa Nhật Bản và Triều Tiên ít nhiều có dấu hiệu tích cực. Tháng 1 năm 2019, chính phủ Nhật Bản đã trao trả Triều Tiên những thuyền viên bị giữ lại do trôi dạt trên biển. Đáp lại, thông qua Hội chữ thập đỏ, Triều Tiên bày tỏ lời cảm tạ đến chính phủ Nhật Bản[4]. Đây là điều ít khi xảy ra. Một điểm nữa là sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà nội, dù quan hệ với Mỹ-Triều có phần xấu đi nhưng có lẽ đây là điều tốt với Nhật Bản. Bởi lẽ, quan hệ Mỹ-Triều bế tắc, việc tiếp cận các nước khác là cách thông thường của ngoại giao Triều Tiên.

Năm 2002, Thủ tướng Koizumi thăm Triều Tiên trong bối cảnh chính quyền Bush khi đó lên án gây áp lực mạnh coi Triều Tiên là trục liên minh ma quỉ. Năm 2018, khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 tại Singapore có nguy cơ đổ vỡ, lãnh đạo Kim Jong-un đã bất ngờ gặp gỡ tổng thống Moon Jae-in, sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà nội không đưa ra thỏa thuận, lãnh đạo Kim đã gặp Tổng thống Nga Putin. Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump đang giai đoạn trăng mật, có khả năng Triều Tiên sẽ hướng đến Nhật Bản.

Việc tổ chức thượng đỉnh không cần điều kiện tiên quyết được Thủ tướng Abe nói ngay sau cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump ngày 6 tháng 5 năm 2019. Tổng thống Trump sẵn sàng hợp tác toàn diện để tổ chức thượng đỉnh. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu, người làm Đại sứ nước này tại Nhật Bản, cũng bày tỏ mong muốn hợp tác[5]. Trung Quốc nước có ảnh hưởng lớn nhất với Triều Tiên và Mỹ nước chú ý nhất đến Triều Tiên đều có động thái thúc đẩy thượng đỉnh Nhật-Triều nên khả năng tổ chức thượng đỉnh Nhật-Triều là không hề nhỏ.

Thực tế tới đây, Triều Tiên sẽ đề cập những vấn đề rất khó khăn là liệu có chấp nhận giảm lệnh trừng phạt, phi hạt nhân hóa từng bước; thuyết phục đồng minh Mỹ; hợp tác kinh tế với những tính toán trong quá khứ. Về vấn đề bắt cóc, nếu lãnh đạo Kim Jong-un đáp lại là đã giải quyết xong rồi thì sẽ khó có sự tiến triển.

Chính phủ Nhật Bản hiểu rõ rủi ro này. Nhưng Triều Tiên là đất nước theo phương thức từ trên xuống (TopDown). Nếu không gặp cấp lãnh đạo cao nhất sẽ không thúc đẩy được vấn đề. Giả sử hội nghị được tổ chức, có thể đưa ra biện pháp thúc đẩy vấn đề người Nhật bị bắt cóc. Ngược lại, nếu không có một tiến triển nào, lo ngại rằng việc thúc đẩy vội vàng hội nghị sẽ hứng chịu nhiều phê phán. Để không bị cuốn theo Triều Tiên, Nhật Bản đương nhiên cần xây dựng chiến lược cụ thể dựa trên những phân tích bình tĩnh hiện nay.

Thời điểm hiện tại, tổ chức hội nghị thượng đỉnh chưa quyết định chính thức, không đơn giản để thực hiện với một nước cô lập như Triều Tiên. Nếu tổ chức thượng đỉnh, mà không đạt kết quả cụ thể giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc thì không có ý nghĩa. Do đó, Nhật Bản chắc sẽ xây dựng chiến lược thỏa thuận cụ thể, bởi nếu không sẽ trao cơ hội chủ động cho phía Triều Tiên.

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản -  Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Tin NHK ngày 7/5

https://www3.nhk.or.jp/nhkworld/vi/

[2] 「日朝首脳会談 実現への課題と展望」

https://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/100/367390.html

[3] Vì sao Nhật Bản thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên?

Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 16/05/2019, trang 12

[4] 「日朝首脳会談 実現への課題と展望」

https://www.nhk.or.jp/kaisetsu-blog/100/367390.html

[5] Trung Quốc ủng hộ việc tổ chức đối thoại giữa Nhật Bản và Triều Tiên

https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-ung-ho-viec-to-chuc-doi-thoai-giua-nhat-ban-va-trieu-tien/568672.vnp

Tin tức khác

QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC
QUAN HỆ NHẬT BẢN - HÀN QUỐC SAU VỤ THIẾT QUÂN LUẬT CỦA HÀN QUỐC

Nỗ lực áp đặt thiết quân luật bất thành của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và tình hình chính trị bất ổn sau đó đang bắt đầu có tác động tiêu cự ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe, hợp tác an ninh và quốc phòng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt là trong ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Một trong những khúc mắc lớn nhất trên phương diện lịch sử - chính trị cản trở mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản trong suốt hơn nửa thế kỷ qua ...

THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...
THỰC TRẠNG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ - AN NINH NHẬT - HÀN DƯỚI THỜI THỦ TƯỚNG SHINZO ABE (PHẦ ...

Trong nhiều thập niên qua, kể cả khi đã ký kết Hiệp định quan hệ cơ bản (1965), đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình bình thường hóa quan h ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn