GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

CHUYẾN THĂM LỊCH SỬ ĐẾN IRAN CỦA THỦ TƯỚNG NHẬT BẢN

Đăng ngày: 26-06-2019, 02:18

Vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có chuyến thăm lịch sử tới Iran từ ngày 12-14/6/2019. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản đến Iran kể từ 40 năm nay sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979. Mục đích chính trong chuyến thăm lần này là nhằm giúp “hạ nhiệt” căng thẳng giữa Iran và Mỹ, vốn bùng phát từ tháng 5/2018, sau khi Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA); và đồng thời tiến hành tái áp đặt hàng loạt các biện pháp trừng phạt, cấm vận Iran. Có thể thấy, việc rút khỏi JCPOA của Mỹ đã kéo theo những hệ lụy, khiến căng thẳng giữa Mỹ và Iran bị đẩy lên một nấc thang mới và Nhật Bản lúc này được coi là mối trung gian, có sứ mệnh hòa giải, thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương giữa hai nước.

Nhật Bản được đánh giá là có mối quan hệ gần gũi với Iran, trong khi cũng là đồng minh thân cận của Mỹ. Tuy nhiên phải nói rằng, những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Iran đã phần nào đẩy Tokyo vào thế khó khi Washington là một đồng minh lớn, còn Iran lại là nguồn cung cấp dầu mỏ chính cho Nhật Bản. Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Hassan Rouhani, Thủ tướng Abe nhấn mạnh vai trò của Iran trong việc  duy trì an ninh và ổn định tại khu vực, ông nói: “Xung đột vũ trang phải được ngăn chặn bằng mọi giá. Hòa bình và ổn định ở Trung Đông không chỉ cần thiết cho sự thịnh vượng khu vực mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Và chiến tranh là điều mà không ai mong muốn”, đồng thời ông Abe khẳng định: Nhật Bản luôn mong muốn giữ một vai trò quan trọng nhằm xoa dịu căng thẳng khu vực, đó là lý do thôi thúc ông đến Iran và đưa Tokyo xích lại gần hơn với Tehran.

Về phần mình, Tổng thống Rouhani hoan nghênh nỗ lực của Nhật Bản trong việc giảm căng thẳng giữa Iran và Mỹ, đồng thời cho biết Iran sẽ không châm ngòi cho bất kể cuộc xung đột nào, nhưng nếu bên nào đó phát động cuộc chiến chống Iran, nước này sẽ đáp trả không khoan nhượng. Đồng thời ông Rouhani cũng nhấn mạnh rằng: cội nguồn căng thẳng khu vực bắt nguồn từ cuộc chiến tranh kinh tế mà Washington đã phát động nhằm vào Tehran. Vì vậy, bất kể khi nào những sức ép kinh tế này chấm dứt, mọi người sẽ chứng kiến sự thay đổi tích cực trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, ông Rouhani còn khẳng định sẽ vẫn duy trì cam kết của nước này đối với thỏa thuận JCPOA và cho rằng đây là nhân tố rất quan trọng cho an ninh khu vực cũng như toàn thế giới.

Trước đó, trong động thái nhằm trừng phạt Iran, Mỹ đã yêu cầu các nước phải chấm dứt hoạt động mua dầu thô từ nước này nếu không sẽ chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Dù vậy, Tổng thống Trump đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Washington. Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp. Nhật Bản vẫn đang tạm ngừng nhập khẩu dầu thô của Iran do biện pháp trừng phạt của Mỹ, nhưng trong cuộc gặp Thủ tướng Abe không đề cập đến việc này. Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Nhật Bản sẽ tiếp tục mua dầu thô của nước này, ông nói: “Trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Abe cho biết Tokyo vẫn muốn tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Iran” [1].

Nằm trong khuân khổ của chuyến thăm, ngày 13/6 Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc làm việc với lãnh tụ tối cao - Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei. Trong cuộc gặp, Đại giáo chủ Iran đã khẳng định: hiện tại, ông không có phản hồi nào gửi đến Tổng thống Mỹ Donald Trump và trong tương lai cũng vậy. Đồng thời ông cho rằng những cam kết của ông Trump về việc không thay đổi chế độ Iran đưa ra trước đây là “lời nói dối”; Iran không tin tưởng Mỹ và sẽ không bao giờ lặp lại những kinh nghiệm đầy cay đắng từ các cuộc đàm phán trước trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Bên cạnh đó, Đại giáo chủ Khamenei cũng cam kết rằng Tehran sẽ không có ý định sản xuất, sở hữu hay sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, cùng ngày 13/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đưa ra quan điểm của mình, ông đánh giá cao chuyến thăm Iran của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và cho rằng còn quá sớm để cân nhắc một thỏa thuận giữa Washington và Tehran. Trên tài khoản Twitter, ông Trump khẳng định: “Iran chưa sẵn sàng, và chúng tôi cũng vậy”. Có thể thấy, trong bối cảnh leo thang căng thẳng giữa Mỹ va Iran, các đồng minh của Mỹ tại châu Âu và châu Á đều tỏ ra lo ngại về một cuộc xung đột vũ trang có khả năng xảy ra trong tương lai và điều này cũng đã được Thủ tướng Abe cảnh báo sau khi gặp Thủ tướng Iran Hassan Rouhani [2].

Chuyến thăm của Thủ tướng Abe lần này ngoài việc làm dịu bầu không khí căng thẳng ở Trung Đông còn được coi là động thái nhằm gia tăng vị thế đối ngoại của Tokyo trên trường quốc tế, đặc biệt trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản vào ngày 28 - 29/6 tới đây, và trước khi diễn ra cuộc bầu cử Thượng viện vào mùa Hè này. Yukio Okamoto, cựu nhân viên ngoại giao của Nhật Bản và cố vấn chính sách cho các Thủ tướng Nhật Bản trước đây nhận định: ông Abe muốn thiết lập di sản của mình qua việc thúc đẩy chương trình nghị sự trong và ngoài nước và chuyến thăm Tehran mở ra cơ hội đó. Còn ông Daniel Sneider, chuyên gia về chính sách đối ngoại Nhật Bản tại Đại học Stanford thì bày tỏ rằng: Ông chưa chứng kiến Tổng thống Pháp tới thăm Iran, ông Abe tới đó, các lãnh đạo khác có thể làm theo. Và điều đó khiến một cuộc xung đột khó có thể xảy ra [3]. Có thể nói, lộ trình hướng tới an ninh và ổn định cho toàn khu vực Trung Đông vẫn còn nhiều chông gai; căng thẳng và đối đầu, để có thể sớm giải tỏa những căng thẳng này thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phần lớn là ở thiện chí và lòng tin cậy lẫn nhau giữa Mỹ và Iran. Và việc hai nước có thể tiến đến bàn đàm phán hay không vẫn là một quãng đường dài.

Trần Mỹ Hoa

Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Abe meets Iranian president; warns of armed conflict amid soaring tension with U.S.

https://japantoday.com/category/politics/update-6-japan's-abe-warns-of-armed-conflict-amid-soaring-u.s.-iran-tension

[2] Iran's supreme leader tells Abe Trump 'not worthy' of a reply to message

https://japantoday.com/category/politics/update-3-iranian-leader-tells-japan's-abe-trump-not-worthy-of-a-reply-to-message

[3] Nỗ lực hòa bình “không mấy hy vọng” của Thủ tướng Abe tại Iran

Thông tấn xã Việt Nam, Tin tham khảo thế giới 15/06/2019, trang 9

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn