GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

MẠNG LƯỚI HỢP TÁC TRONG BẢO TỒN LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG GION VÀ ONBASHIRA Ở NHẬT BẢN (Phần 1)

Đăng ngày: 27-06-2019, 04:08

Như chúng ta đã biết, văn hóa là các giá trị vật chất và tinh thần được sáng tạo bởi một xã hội hoặc một nhóm xã hội, nó đặc trưng cho xã hội và nhóm xã hội ấy. Chính vì vậy, văn hóa không thể được phát triển và trao truyền bởi những cá nhân đơn lẻ, mà bởi các mạng lưới xã hội. Trong mạng lưới ấy, có sự phân công công việc giữa các thành viên, cùng nhau đóng góp sức người, sức của, chia nhau trách nhiệm để cùng duy trì “cỗ máy tài sản văn hóa”. Ở Nhật Bản, có những lễ hội có lịch sử hơn 1000 năm, vẫn được bảo tồn, gìn giữ và tổ chức cho đến ngày nay với vẹn nguyên các giá trị truyền thống. Vậy thì người Nhật Bản đã làm gì để duy trì những lễ hội đi cùng năm tháng như vậy? Bài viết sẽ tìm hiểu các mạng lưới hợp tác trong lễ hội Gion và Onbashira của Nhật Bản.

1. Khái niệm lễ hội truyền thống và giới thiệu về lễ hội Gion và lễ hội Onbashira

Satanley Tambiah định nghĩa về lễ hội như sau: “ritual” hay nghi lễ, gồm yếu tố lễ trong lễ hội, là một cách thông tin quan trọng biểu tượng, bao gồm những chuỗi (sequences) ngôn từ và hành động như thể thức và quy thường hóa (formalized, conventionalized) tương đối ít thay đổi (rigid), cô đọng về mặt ý nghĩa, và ý nghĩa của nhiều hành vi và biểu tượng trùng lặp nhau. Theo định nghĩa này “ritual” gồm có cả nghi lễ và hội hè...”[1].

Alessandro Falasi giải thích và định nghĩa về lễ hội là: “Festival” có nghĩa là “lễ hội”, bắt nguồn từ festum tiếng Latin mà ban đầu có nghĩa là “sự vui chơi, vui mừng, hân hoan của công chúng”. Theo cách sử dụng hiện nay, “Festival là hoạt động kỷ niệm định kỳ bao gồm vô số hình thức và các sự kiện, nghi lễ trực tiếp hoặc gián tiếp, tác động đến hầu hết tất cả các thành viên của một cộng đồng và công khai hoặc ngấm ngầm biểu lộ giá trị cơ bản, hệ tư tưởng và thế giới quan của thành viên trong cộng đồng đó và nền tảng bản sắc xã hội của họ”[2].

Còn Durkheim và Radcliffe Brown lại cho rằng “lễ nghi, lễ hội có chức năng truyền tải thông tin về những quy ước, tập tục trong cộng đồng và có tác dụng củng cố tình đoàn kết của cộng đồng này so với cộng đồng khác”.

Trong phạm vi của bài viết này, lễ hội được hiểu là các hoạt động kỷ niệm định kỳ của một cộng đồng, bao gồm nhiều nghi lễ và sự kiện, được các thành viên trong cộng đồng tiến hành, và tác động đến hầu hết các thành viên trong cộng đồng đó. Lễ hội truyền thống là những lễ hội có trên 100 năm lịch sử.

Bài viết lấy lễ hội Gion và Onbashira là đối tượng khảo sát, vì đây đều là những lễ hội có từ thời cổ đại và được duy trì gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Lễ hội Gion tượng trưng cho một lễ hội đô thị với các nghi lễ tế thần, rước kiệu, cầu xin trừ bệnh tật, trong khi lễ hội Onbashira là một lễ hội ở nông thôn, mang đậm màu sắc sinh hoạt tập thể  của cộng đồng nông thôn truyền thống. Khảo sát hai lễ hội này, bài viết sẽ thể hiện được cách nhìn đa chiều và tương đối khách quan đối với vấn đề bảo tồn lễ hội truyền thống.

- Lễ hội Gion:

Lễ hội Gion là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời nhất ở Kyoto - Nhật Bản, khởi nguồn từ năm 869 (năm Jougan thứ 11), với các nghi lễ tế thần để trừ dịch bệnh. Trung tâm của lễ hội Gion là lễ rước kiệu (kiệu lớn “hoko” và kiệu nhỏ “yama”). Năm 1467-1477 xảy ra loạn Onin, phá hủy gần như toàn bộ thành phố Kyoto, nhưng từ những năm 1500, lễ hội Gion được khôi phục lại và tổ chức với hình thức như ngày nay. Lễ hội Gion kéo dài khoảng 1 tháng ở Kyoto, với rất nhiều nghi lễ lớn, nhỏ khác nhau, nhưng trung tâm của lễ hội chính là lễ tuần hành kiệu hoko và yama.

Từ ngày 1/7 khi bước vào tiết ăn chay, những lễ nghi thần đạo đã bắt đầu được tiến hành ở đền Yasaka. Kể từ đêm 1/7, các đội nhạc truyền thống ohayashi (お囃子) cũng bắt đầu tập luyện, và vào ngày mùng 2/7 có cuộc họp Hội liên hiệp kiệu Yama - Hoko ở tòa thị chính Kyoto để quyết định thứ tự rước kiệu trong lễ tuần hành. Ngày mùng 7/7 có lễ rửa kiệu, và cùng ngày hôm đó người dân bắt đầu dựng kiệu hoko. Kiệu hoko là loại kiệu lớn, nặng hàng chục tấn, cao từ 21-27 mét, có bánh xe để kéo đi, phải dựng và trang trí trong nhiều ngày mới xong. Còn kiệu yama là loại kiệu nhỏ hơn, cũng được dùng trong lễ tuần hành chính của lễ hội Gion, chỉ cần lắp ráp trong 1 ngày là xong, vì vậy từ ngày 13/7 người dân mới bắt đầu lắp kiệu yama.

Ngày 16/7 bắt đầu các lễ hội nhỏ (Yoiyama, lễ ngắm các cỗ kiệu vào ban đêm), ngày 17/7 là ngày hội đầu (前祭り) - Tổ chức lễ diễu hành kiệu lớn Hoko tuần tự theo các tuyến phố Shijo - Torimaru - Shijo dori - Kawaramachi dori - Go Ike dori. Lễ tuần hành kiệu Yama - Hoko nổi tiếng khắp nước Nhật, thu hút nhiều du khách đến tham quan. Khi lễ rước kết thúc tại Shinmachi Goike thì kiệu Yama - Hoko được trả về cho các tuyến phố Yama - Hoko (các phố cổ làm công việc bảo tồn các cỗ kiệu Yama - Hoko trong suốt hơn 500 năm qua). Sau đó, vào ngày 24/7 có lễ hội sau (後祭り), là lễ diễu hành kiệu nhỏ yama và ô hoa (花傘), ngày 29/7 người dân Kyoto làm lễ tế thần và kết thúc lễ hội.

- Lễ hội Onbashira:

Ở khu vực Suwa, phía Bắc Nhật Bản, ngay từ thời cổ đại đã có ngôi đền Suwa taisha tập hợp những người dân bản địa có chung tín ngưỡng. Lễ hội Onbashira được tổ chức ở nơi đây cũng có lịch sử trên 1.000 năm, được tổ chức định kỳ 7 năm một lần vào năm Dần và năm Thân, như một sự kiện đặc biệt trong đời sống cộng đồng. Về nguồn gốc, tương truyền lễ hội khởi nguồn năm 804, khi võ quan Sakanoue no Tamuramaro tuân lệnh Hoàng đế Kanmu đem quân đi chinh phạt phương Bắc, khi ông chiến thắng trở về, Hoàng đế Kanmu cho quân lễ tạ thần ở đền Suwa taisha và ra lệnh làm mới ngôi đền 7 năm một lần để tỏ lòng thành kính đối với vị thần Suwa seimei (Tưu Phóng Thánh minh). Sau này, do sự chi phối của gia tộc Suwa, quy mô lễ hội bị thu hẹp từ thời Edo, và kể từ đó đến nay, chỉ có ba địa phương thuộc Suwa hợp nhất lại để cùng tổ chức lễ hội, nhưng hình thức lễ hội vẫn được bảo tồn nguyên vẹn tới nay.

Đại lễ chính của Lễ hội Onbashira bao gồm 3 nghi lễ được tổ chức vào mùng 5 tháng 4, gọi là: Lễ đưa cây xuống núi (山出し - yamadashi), Lễ kéo cây vào thành phố (里曳き- satobiki) và Lễ dựng cây cột trụ (建御柱 – tateonbashira). Ở Đền Thượng, việc chuẩn bị cho lễ hội Onbashira được tiến hành trước 2 năm, kể từ khi những đệ tử của ngôi đền bắt đầu tìm chọn cây gỗ để làm cột trụ ở trên núi Okoya. Vào tháng 2 của năm tổ chức lễ hội Onbashira, tại đền Suwa Taisha, người ta tiến hành bốc thăm xem người dân khu vực nào sẽ đảm nhiệm cột gỗ nào, và vào tháng tiếp theo, họ bắt đầu công việc xẻ gỗ để làm cột trụ. Đầu tháng 4, trong 3 ngày liền, người dân bắt đầu kéo các cây gỗ sẽ được sử dụng làm cột trụ từ khu vực “Tsunaokiba” (khu vực tập kết) dưới chân núi Okoya vào thành phố. Toàn bộ quá trình này được người dân và du khách đứng ở hai bên đường thích thú, hồi hộp quan sát, từ lúc đoàn hành lễ điều khiển cây gỗ nặng trườn qua những con hẻm núi ngoằn nghoèo uốn khúc, đến công đoạn cho gây gỗ trượt thẳng xuống triền núi (gọi là Kiotoshi - 木落とし), rồi những người kéo cây phải bơi vượt qua dòng sông băng giá, nơi vẫn còn tuyết phủ, vừa bơi vừa kéo cây cột trụ lớn qua sông (Kawakoshi - 川越し)... Đầu tháng 5, lễ Kéo cây vào thành phố (Satobiki 里曳き) bắt đầu và diễn ra trong 3 ngày. Sau Lễ đưa cây xuống núi (Yamadashi - 山出し), cây gỗ được tạm thời cất ở “Kho cất cột trụ”    (御柱屋敷), sau đó, nó tiếp tục được đưa đến trước cổng điện thờ chính và khu vực khuôn viên điện thờ, ở đó người ta bắt đầu công đoạn Dựng cột trụ. Ở Đền Hạ cũng diễn ra công việc tương tự, nhưng khác về lịch trình cũng như cách thức thực hiện. Lễ hội Onbashira với các nghi lễ khác nhau, kéo dài trong suốt 1 năm.

2. Mạng lưới hợp tác trong lễ hội Gion

Có thể nói, trung tâm của lễ hội Gion chính là lễ rước kiệu hoko và kiệu yama. Bảo quản và sử dụng những cỗ kiệu yama - hoko này là những người dân phố kiệu yama - hoko. Hiện nay, có tất cả 32 cỗ kiệu (23 kiệu yama và 9 kiệu hoko) được 32 phố chịu trách nhiệm lưu giữ và bảo quản, gọi là các phố kiệu yama và hoko (山鉾町). Đến mùa lễ hội, các bộ phận của cỗ kiệu như bánh xe, thân, sàn và mái được đưa từ trên kho xuống để lắp ráp. Sau khi lắp ráp xong, họ trang trí cho những cỗ kiệu bằng các đồ tạo tác tinh xảo như những tấm thảm cổ, tượng cổ, điêu khắc gỗ, vải thêu hoặc nhuộm họa tiết đẹp mắt. Có những đồ tạo tác có lịch sử tới 400-500 năm, vẫn được bảo tồn và lấy ra sử dụng mỗi mùa lễ hội. Sau lễ diễu hành, chúng lại được tháo dỡ, cất lên kho của mỗi phố.

Cách thức tham gia mạng lưới hợp tác: mỗi phố đều có trụ sở hội phố - mọi người có thể tụ tập, dù là mùa lễ hội hay không, Hội bảo tồn kiệu yama – hoko (山鉾保存会) là nơi tập trung những người chịu trách nhiệm tổ chức lễ rước kiệu, có mối quan hệ với hội phố, có sự bàn bạc, lập kế hoạch và tổ chức lễ hội. “Hội phố” (町会) nơi tập trung - căn cứ - nguồn tài chính của lễ hội. Ngay từ thời Edo, mỗi hội phố đều có “Ngôi nhà chung của phố” (町家). Thời cận thế, ngôi nhà chung của phố trở thành nơi làm việc và diễn ra các cuộc họp của các vị chức sắc quản lý trong khu phố. Đến nay, ngôi nhà chung trở thành các trung tâm cộng đồng, phần lớn được xây mới, mặt khác, luật cấm sở hữu bất động sản cũng làm thay đổi hình thái sở hữu, khiến cho mỗi phố chỉ còn ít nhất là kho đựng đạo cụ. Vào thời Nam Bắc Triều, tiến hành lễ hội chủ yếu là cộng đồng phố kiệu, được hình thành bởi những người dân sống trên phố. Nhưng từ sau thời Minh Trị, do tình hình tài chính khó khăn, nên việc tổ chức lễ hội do hội bảo tồn kiệu, tức là hội phố đảm nhận. Tuy nhiên, về mặt tài chính, hai tổ chức này là riêng biệt. Sau chiến tranh, nhiều phố đã đăng ký tư cách pháp nhân đoàn thể xã hội cho hội bảo tồn kiệu của phố mình, tính đến 2012 đã có 23 Hội bảo tồn kiệu của 23 phố được pháp nhân hóa. Hội bảo tồn chịu trách nhiệm hầu hết mọi công đoạn của lễ hội: từ việc tham gia bốc thăm số thứ tự trong lễ diễu hành kiệu, hành lễ cầu an ở đền Yasaka, tổ chức tế lễ thần của phố mình, cho đến phụ trách về kinh phí, nhân lực, điều hành, làm các thủ tục hành chính, chuẩn bị trước lễ rước, phụ trách các hoạt động trong lễ rước kiệu và cuối cùng là tháo dỡ, đưa các cỗ kiệu về kho bảo tồn (bao gồm cả công đoạn chuyên môn). Người dân phố cổ Yama - Boko liên kết lại trong tổ chức “Hội phố” như vậy, cử ra một người làm Hội trưởng phố yama hoặc phố hoko. Chi phí để tổ chức lễ hội Gion không dựa vào nguồn tài trợ của chính phủ hoặc của thành phố, mà dựa hoàn toàn vào sự đóng góp tự nguyện của những người dân nơi đây. Gần đây, một số phố do có sự giảm dân số sinh sống tại địa phương, đã tiến hành pháp nhân hóa tổ chức của họ, đồng thời đăng ký quyền sở hữu cỗ kiệu do khu phố họ chịu trách nhiệm bảo tồn, sau đó kêu gọi sự đóng góp từ các công ty trên địa bàn của họ. Tiêu biểu có phố Kankoku Boko (函谷鉾) đã kêu gọi sự đóng góp của các công ty như Daido seimei hoặc Asahi là những công ty gắn bó chặt chẽ với Kyoto, họ sử dụng khoản tiền đóng góp này để tổ chức lễ hội[3]. Ngoài ra, về việc duy tu, bảo tồn, dựng kiệu và rước kiệu, cũng có những cư dân phố cổ Yama-Boko chấp nhận sự tham gia của những cư dân mới sống trong các chung cư được xây dựng 15-20 năm trở lại đây, những cũng có khu phố không đồng ý điều này. Có thể nói, sự tự nguyện, tự chủ của người dân các phố Yama - Boko đóng vai trò quan trọng nhất trong việc duy trì và tổ chức lễ hội Gion đến ngày nay.

Đối với những người dân phố cổ, lễ hội kéo dài một tháng liền cũng là lúc họ tạm gác lại công việc mưu sinh, để tham gia vào cộng đồng truyền thống như một mắt xích không thể thiếu. Trẻ em trong phố kiệu yama, hoko ngay từ nhỏ đã được tham gia vào các công việc của lễ hội như múa, hát phục vụ lễ hội nhỏ Yoiyama, bán đồ lưu niệm, bùa hộ mệnh cho khách tham quan cỗ kiệu của phố mình. Đến tuổi trưởng thành, họ lại tham gia vào đoàn rước (kéo) kiệu, những người có tay nghề thì phụ trách việc lắp ráp cỗ kiệu của phố mình. Bước vào tuổi trung niên, họ được bầu làm trưởng khu phố, trưởng hội phố Yama hoặc phố Hoko, có trách nhiệm thuyết phục mọi người, mọi lứa tuổi tham gia vào lễ hội. Khi về già, họ dồn sức vào việc truyền dạy cho thế hệ trẻ các công việc của lễ hội. Ngoài ra, về kinh tế, để bảo tồn các cỗ kiệu dùng trong lễ hội, người dân các phố thành lập và trao quyền pháp nhân vận hành lễ hội cho các đoàn thể vận hành (Hội bảo tồn kiệu Yama - Hoko), họ bắt đầu thử nghiệm việc gìn giữ các cổ kiệu, cũng như những ngôi nhà cổ kính như tài sản chung của người dân phố đó. Với niềm tự hào là những người gìn giữ, bảo tồn và “vận hành” lễ hội Gion, họ truyền lại niềm tự hào ấy cho thế hệ tương lai, từ đó nâng cao sự quan tâm đến lễ hội của chính những người dân sống trong các khu phố Yama-Boko, trao truyền lại tính độc lập, tự chủ trong việc gìn giữ lễ hội, duy trì và bảo tồn lễ hội truyền thống.

Niềm tự hào nảy sinh trong quá trình những người dân cùng nhau tổ chức lễ hội, đó là nguồn động lực lớn để họ trao truyền nhiệm vụ này cho thế hệ tương lai. Phỏng vấn một số cư dân có tuổi ở phố Yama-Hoko, chúng tôi nhận được các câu trả lời sau: “Càng nhiều tuổi, chúng tôi càng cảm thấy niềm tin, gắn bó với tín ngưỡng và việc tế lễ”; “Niềm tự hào được làm các công việc phục vụ lễ hội được truyền lại cho thế hệ sau đã khiến cho lễ hội được duy trì, kế tục, đó chính là các giá trị tinh thần”… Còn các bạn trẻ ở độ tuổi 20-30 tuổi thì cho rằng lý do khiến họ gắn bó với lễ hội này là vì “Yêu thích lễ hội”, “Tự hào được là một phần của lễ hội”...

Người dân phố cổ cùng lao động, đóng góp công sức, tiền bạc và cùng nhau hưởng thụ các giá trị tinh thần của lễ hội. Họ được kết nối với nhau trong mạng lưới “Hội phố”, từ những năm 1970-1980 trở đi, các phố cổ thành lập Hội bảo tồn di sản văn hóa của phố mình, bầu ra hội trưởng. Có 32 Hội phố hoặc Hội bảo tồn di sản văn hóa ở 32 phố cổ Kyoto. Mỗi cư dân sinh sống trên phố cổ đều đóng góp hội phí để duy trì hoạt động của Hội, tùy theo mức quy định của từng phố. Công dân mới chuyển đến cư trú, nếu muốn tham gia vào Hội cũng sẽ được kêu gọi đóng góp một khoản hội phí vài vạn yên, tùy quy định của từng phố. Số tiền thu được từ hội viên, cộng với khoản tiền bán đồ lưu niệm, bùa hộ mệnh và phí tham quan cỗ kiệu hoặc nhà cổ của từng phố (Nhà bảo tồn kiệu Yama hoặc Hoko) mỗi năm một lần vào dịp lễ hội Gion được sử dụng để bảo tồn và trang trí các cỗ kiệu. Ước tính, khoản tiền bảo tồn và trang trí các cỗ kiệu trong dịp lễ hội hàng năm lên đến 15-20 triệu yên (150.000-200.000 USD).

Phỏng vấn ông Sugita, 87 tuổi, Hội trưởng Hội bảo tồn kiệu Koiyama, chúng tôi được biết “Mối quan hệ giữa các thành viên trong Hội bảo tồn là quan hệ tự nguyện”. “…Chúng tôi nhận thấy cần phải giữ gìn di sản văn hóa do tổ tiên để lại, vì vậy, mọi người tự nguyện tham gia, tự bầu ra hội trưởng. Hội Bảo tồn kiệu Koi-yama được thành lập cách đây 25 năm, tiền thân là Hội phố kiệu Koiyama, có từ năm 1920. Tôi tham gia hội phố cũng đã được gần 50 năm rồi, từ khi lấy vợ và chuyển về đây sinh sống…”. “Những người trẻ, mới đến sinh sống ở các khu chung cư cũng tham gia Hội bảo tồn, nhưng không phải là tất cả mọi người. Nếu kêu gọi thì họ sẽ đóng tiền cho Hội bảo tồn. Còn người nào trở thành thành viên thì đóng hội phí 5 vạn yên (500 USD)”.

(Còn nữa)

Ngô Hương Lan

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Dẫn theo Trương Văn Món, “Tiếp cận phương pháp và lý thuyết trong nghiên cứu lễ hội”, Lễ hội cộng đồng: truyền thống và biến đổi, NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2014.

[2] Alessandro Falasi, 2005, “Lễ hội”, Folklore – Một số thuật ngữ đương đại, Ngô Đức Thịnh – Frank Proschan (chủ biên), NXB. Khoa học xã hội.

[3] Để bảo quản và duy trì cả 2 loại Yama và Hoko, mỗi năm cần đến nguồn kinh phí khoảng 15 triệu yên.

 

Tin tức khác

NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN
NGƯỜI VÔ GIA CƯ Ở NHẬT BẢN

Ở Nhật Bản, việc sử dụng chính thức thuật ngữ “người vô gia cư” và định nghĩa rõ ràng của nó xuất hiện cùng với “Đạo luật về các biện pháp đặc biệt ...

THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN
THỰC TRẠNG SỬ DỤNG INTERNET Ở NHẬT BẢN

Các dịch vụ internet thương mại đã có mặt tại Nhật Bản vào đầu những năm 1990 và được ngày càng nhiều người sử dụng trong những năm tiếp theo. Việc ...

KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN
KODOMO SHOKUDO (CĂNG TIN DÀNH CHO TRẺ EM) Ở NHẬT BẢN

Các quán ăn cung cấp bữa ăn miễn phí hoặc giá rẻ cho trẻ em đã tìm cách giải quyết tình trạng nghèo đói ở trẻ em khi chúng mới bắt đầu xuất hiện cá ...

CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19
CÁC VẤN ĐỀ AN SINH XÃ HỘI CỦA NHẬT BẢN NẢY SINH DO ĐẠI DỊCH COVID-19

Trong đại dịch COVID-19, hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là trong bối cảnh dân số già hóa và t ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn