GIỚI THIỆU LIÊN HỆ

  • Trang Chủ
  • Chính Trị
  • Kinh Tế
  • Xã Hội
  • Lịch Sử
  • Văn Hóa
  • An Ninh
  • Khoa Học
  • Quan Hệ Quốc Tế

BẦU CỬ THƯỢNG VIỆN NHẬT BẢN 2019

Đăng ngày: 22-07-2019, 02:55

Ngày 21/7/2019, người dân Nhật Bản đã đi bầu lại 124/245 thượng nghị sĩ. Mục tiêu của liên minh cầm quyền trước hết là giành chiến thắng với đa số quá bán, xa hơn là đạt được 2/3 số ghế tại Thượng viện, điều kiện cần để có thể thảo luận việc sửa đổi Hiến pháp. Cuộc bầu cử lần này có một số điểm đáng chú ý sau.

1. Bối cảnh chính trị trước bầu cử

Đảng Dân chủ Tự do thất bại trong bầu cử Hạ viện bổ sung

Đảng Dân chủ Tự do (LDP) thất bại trong bầu cử bổ sung 2 ghế Hạ viện tại Okinawa và Osaka vào tháng 4/2019. Thất bại của các ứng cử viên LDP tại cuộc bầu cử ở hai khu vực trên đánh dấu lần đầu tiên đảng cầm quyền thất bại trong các cuộc bầu cử Hạ viện bổ sung, không kể một cuộc bầu cử không có đối thủ cạnh tranh năm 2016[1].

Đảng đối lập thất bại trong việc công kích đảng cầm quyền

Một số đảng phái đối lập đã cùng đề xuất kiến nghị bất tín nhiệm trong đó yêu cầu Thủ tướng Abe “rút lui ngay khỏi chính trường". Trong kiến nghị bất tín nhiệm, các đảng phái đối lập như đảng Dân chủ Lập hiến, Dân chủ Nhân dân, Cộng sản, Xã hội Dân chủ đã phê phán chính quyền Thủ tướng Abe vô trách nhiệm và không thành thật trong vấn đề lương hưu và thuế tiêu dùng (dự kiến tăng từ 8 lên 10% từ 1/10 năm 2019). Ngay sau đó, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp phản đối yêu cầu của các đảng phái đối lập với đa số phiếu.

Trước đó, phe đối lập cũng đã đệ trình bản kiến nghị khiển trách Thủ tướng Abe và Bộ trưởng Tài chính Aso lên Thượng viện và bản kiến nghị bất tín nhiệm đối với ông này lên Hạ viện. Tuy nhiên, Thượng viện cũng đã phủ quyết đề xuất này và Bộ trưởng Aso đã vượt qua các cuộc bỏ phiếu tại lưỡng viện hôm 21/6 trong bối cảnh liên minh cầm quyền đang kiểm soát cả hai viện của Quốc hội[2].

Như vậy, chính quyền Abe thành công trong việc nhận được ủng hộ của đa số các nghị sĩ tại lưỡng viện đối với kiến nghị bất tín nhiệm Nội các do các đảng phái đối lập đề xuất.

Nhật Bản tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh G20

Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại Osaka với sự tham gia của các nguyên thủ/lãnh đạo 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới và 8 quốc gia khách mời, cùng với lãnh đạo các tổ chức quốc tế quan trọng của thế giới như Liên Hợp quốc, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Hội nghị thượng đỉnh G20 là cơ hội cho các cuộc gặp song phương giữa Nhật Bản và các quốc gia, giữa các quốc gia tham gia hội nghị với nhau. Thành công của Hội nghị nâng cao uy tín của Thủ tướng Abe cũng như vai trò của Nhật Bản trên trường quốc tế.

Căng thẳng với Hàn Quốc

Ngay trước thềm giai đoạn bỏ phiếu Thủ tướng Abe chủ động tuyên bố thắt chặt xuất khẩu vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc, tác động lớn đến thế mạnh của Hàn Quốc là sản xuất chất bán dẫn để màn hình xuất khẩu sang thị trường khác. Hành động này là phản ứng không hài lòng của Nhật Bản với thái độ thiếu thân thiện của Hàn Quốc trong các vấn đề lịch sử, đồng thời tạo ra mâu thuẫn mới để hướng sự chú ý của dư luận hai bên ra xa vấn đề lịch sử đang bế tắc mà chuyển sang vấn đề mới có thể giải quyết[3]. Dường như đây là hành động có toan tính của Thủ tướng Abe nhằm kích động chủ nghĩa dân tộc, tạo sự thống nhất nhằm có thêm sự ủng hộ trong cuộc bầu cử lần này.

2. Tương quan giữa các đảng phái

Tình hình chính trị Nhật Bản có đặc trưng là 1 đảng mạnh nhiều yếu. Điều tra của NHK cho thấy tỉ lệ ủng hộ giữa các đảng quá chênh lệch. Tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ Tự do là 34,2%; Dân chủ Lập Hiến 6%; Dân chủ nhân dân 1,5%; Công Minh 4,3%.

So với năm 2018, 2017, tỉ lệ ủng hộ Nội các Abe tương đối ổn định, tỉ lệ ủng hộ luôn cao hơn tỉ lệ không ủng hộ. Thời điểm 1 tuần trước ngày bầu cử tỉ lệ ủng hộ là 45% và không ủng hộ là 33%[4].

Thực tế cho thấy liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do và đảng Công minh có sự áp đảo rõ rệt trước các đảng đối lập khác. Nhiều ý kiến nhận định liên minh cầm quyền sẽ giành số ghế quá bán và chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là khả năng liên minh cầm quyền cùng các đảng có tư tưởng sửa đổi Hiến pháp có đạt được số ghế cần thiết để đảm bảo 2/3 số nghị sỹ trong Thượng viện (con số cần thiết để tiến hành thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp).

3. Trọng tâm tranh cử

Điều tra dư luận xã hội của NHK cho thấy vấn đề người dân quan tâm hiện nay là đảm bảo xã hội (29%); kinh tế (21%); thuế tiêu dùng (19%). Trong đó vấn đề thuế tiêu dùng tăng từ 8 lên 10%, tỉ lệ phản đối là 37%; tán thành 26%; khó trả lời 31%. Thấp hơn là ngoại giao an ninh 9%; sửa đổi Hiến pháp 8%[5].

Cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản là sự cạnh tranh giữa các đảng phái nhằm thu hút lá phiếu của người dân. Nên sự tranh luận, khác biệt trong quan điểm giữa các đảng phái trong chiến dịch tranh cử tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm.

Về đảm bảo xã hội, sự tranh luận của các đảng tập trung các vấn đề như lương hưu, liên quan đến cải cách phương thức làm việc, chăm sóc trẻ em, hay vấn đề phù hợp giữa lương và trách nhiệm trong công việc.

Về kinh tế, dù Nhật Bản vẫn phải giải quyết hậu quả nạn sóng thần từ năm 2011 nhưng thực tế, kinh tế dưới thời Thủ tướng Abe cầm quyền đến nay đã có những dấu hiệu phục hồi rõ rệt như tăng xuất khẩu, gia tăng số lượng phụ nữ đi làm, biến du lịch thành ngành mũi nhọn. Thủ tướng Abe muốn cho người dân thấy sự thành công của Abenomic.

Liên quan đến tăng thuế tiêu dùng lên 10%, liên minh cầm quyền lý giải nhằm đảm bảo ngân sách chi trả cho an sinh xã hội. Việc này trước đây đã nhiều lần hoãn lại và sẽ tăng vào tháng 10 tới đây sau khi bầu cử thượng viện kết thúc. Dường như đây là toan tính của thủ tướng Abe, bởi nếu tăng trước dịp bầu cử, dù với lý do chính đáng vẫn gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý người dân, ảnh hưởng xấu đến kết quả bầu cử. Trong quá khứ Nhật Bản, có trường hợp sau khi tăng thuế tiêu dùng, đảng cầm quyền đã thất bại.

Mục tiêu lớn của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe là sửa đổi Hiến pháp. Ông muốn ghi sự hiện diện của lực lượng phòng vệ trong Hiến pháp, hay nói cách khác là hợp thức hóa sự tồn tại của lực lượng phòng vệ. Tuy nhiên, mục tiêu này phụ thuộc vào việc các đảng mang tư tưởng sửa đổi có đạt được 2/3 số ghế trong Thượng viện hay không.

4. Kết quả bầu cử

Trong lần bầu cử này, liên minh cầm quyền có 70 ghế không bầu lại, nên mục tiêu thấp nhất đề ra là giành 53 ghế để được 123 ghế, quá bán so với 245 ghế trong thượng viện. Thứ nữa là 63 ghế, quá bán so với 124 ghế bầu lại đợt này. Mục tiêu cao nhất là liên minh cầm quyền cùng với đảng Duy tân có tư tưởng sửa đổi Hiến pháp giành 2/3 số ghế tương đương 164 ghế.

Kết quả bầu cử cho thấy liên minh cầm quyền giành 71 ghế, cùng với 70 ghế không bầu lại là 141 ghế. Như vậy, liên minh cầm quyền giành thắng lợi so với mục tiêu giành đa số quá bán. Tuy nhiên, liên minh cầm quyền cùng với đảng Duy tân không đạt được 164 ghế để duy trì tỉ lệ 2/3 trong toàn thể thượng viện[6].

Thắng lợi của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử lần này phản ảnh sự ủng hộ của cử tri đối với những chính sách của chính phủ do Thủ tướng Abe Shinzo đứng đầu và liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do và đảng Công minh. Song khả năng sửa đổi Hiến pháp mà Thủ tướng Shinzo Abe hướng tới thực hiện vào năm 2020 đang đặt ra nhiều dấu hỏi.

Phan Cao Nhật Anh

Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện nghiên cứu Đông Bắc Á

[1] Nhật Bản: Thủ tướng Shizo Abe thất vọng về kết quả bầu cử Hạ viện bổ sung

https://baotintuc.vn/the-gioi/nhat-ban-thu-tuong-shizo-abe-that-vong-ve-ket-qua-bau-cu-ha-vien-bo-sung-20190422132526391.htm

[2] Bỏ mặc phê phán, Thủ tướng Nhật Bản tự tin trước bầu cử Thượng viện

https://vov.vn/the-gioi/bo-mac-phe-phan-thu-tuong-nhat-ban-tu-tin-truoc-bau-cu-thuong-vien-925038.vov

[3] Nguy cơ chiến tranh thương mại Nhật-Hàn

Thông tấn xã Việt Nam, Tài liệu tham khảo đặc biệt ngày 12/7/2019, tr.9-17

[4], [5] 内閣支持率

https://www.nhk.or.jp/senkyo/shijiritsu/, truy cập ngày 20/7/2019

[6] 改憲勢力 参院の3分の2割り込むこと確実 残るは比例3議席

https://www3.nhk.or.jp/news/html/20190722/k10012002471000.html?utm_int=news_contents_news-main_001_relation_001, truy cập ngày 22/7/2019.

 

Tin tức khác

BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY
BẦU CỬ HẠ VIỆN NHẬT BẢN VÀ NHỮNG HỆ LỤY

Thủ tướng mới nhậm chức Ishiba Shigeru đã tuyên bố giải tán Hạ viện để bầu lại ngay sau khi nhậm chức vào đầu tháng 10 năm 2024, với hy vọng tận dụ ...

ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN
ÔNG ISHIBA SHIGERU TRỞ THÀNH THỦ TƯỚNG THỨ 103 CỦA NHẬT BẢN

Vào chiều ngày 11/11/2024, Hạ viện Nhật Bản đã tổ chức phiên họp toàn thể để bầu chọn thủ tướng. Trong cuộc bầu chọn lần đầu, không có ứng viên nào ...

ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN
ÔNG SHIGERU ISHIBA TRỞ THÀNH TÂN THỦ TƯỚNG CỦA NHẬT BẢN

Ngày 1/10, Quốc hội Nhật Bản đã họp phiên bất thường và bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP), ông Shigeru Ishiba làm tân thủ tướng của nước này. T ...

ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...
ĐẢNG LDP BẦU LÃNH ĐẠO THAY THẾ THỦ TƯỚNG KISHIDA: CỰU BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG ISHIBA ĐẮC ...

Cuộc bầu cử chức chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP) đã diễn ra vào ngày 27/9/2024. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, thu hút s ...

  • Đọc nhiều

    • Phân loại trợ từ trong tiếng Nhật
      Trong tiếng Nhật, trợ từ giữ một vị trí vô cùng quan trọng. Có tới hơn 80 loại trợ từ với hàng trăm ý nghĩa khác nhau. Dựa vào tiêu chí hình thức ( ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 1)
      Trong ngữ pháp tiếng Nhật, trợ từ đã tạo thành một tiểu hệ thống với những đặc trưng riêng biệt. Không giống với giới từ của tiếng Anh, tiếp vĩ ngữ ...
    • Trợ từ は (ha) và が (ga) trong câu tiếng Nhật (phần 2)
      II. Trợ từ 「が」(ga)
  • 1Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
    2Giới thiệu đất nước, con người Nhật Bản
    3Cán bộ trung tâm nghiên cứu Nhật Bản
  • Đang online:


    Lượt truy cập

      Bộ đếm và thống kê Web chuyên nghiệp


 
7 Floor, No.176 Thai Ha St, Dong Da, Ha Noi, Viet Nam.
Tel.: 84-24-36824298 Fax.: 84-24-36824298
E-mail: cjs@inas.gov.vn